Tiên học... võ, hậu học văn

Thể thaoThứ Ba, 15/05/2012 08:01:00 +07:00

Thời buổi này, tưởng là thời bình, ấy vậy mà có võ vẫn là một lợi thế không thể chối cãi.


Thời buổi này, tưởng là thời bình, ấy vậy mà có võ vẫn là một lợi thế không thể chối cãi.

Như ở Hà Nội, chuyện hàng trăm phụ huynh ngồi suốt đêm đội mưa chỉ để mua lá đơn cho con vào lớp 1 ở trường Thực nghiệm cũng đã chứng tỏ nội công thâm hậu, hoặc chí ít là có đủ khăng năng "thập diện mai phục".

Rồi cũng chính các vị phụ huynh ấy, đạp đổ cổng sắt băng vào để thực hiện nội dung vượt rào và nước rút trong điền kinh thì chắc chắn là phải có võ trong người.

 

Trường Thực nghiệm, hẳn là trường mơ ước đối với nhiều phụ huynh học sinh, vì thế mới sẵn sàng chiến đấu vì tương lai con em chúng ta. Trẻ con vào đó, được dạy tốt, phương pháp hiện đại. Nhưng câu hỏi là liệu chúng có được trang bị...võ thuật trong suốt quá trình học để có cơ hội "chiếm lợi thế" trong một cuộc mai phục chọn trường cho thế hệ sau nữa.

Những tưởng học võ, thời buổi này, giỏi nhất là đi thi Olympic. Nhưng không, luôn cần thiết để phòng thân hay, đơn giản là né đòn và chạy cho nhanh.

Ở một nơi nào đó, gần Hà Nội, các nhà báo tuy có thẻ hành nghề nhưng khả năng là không có..võ nên bị đánh cho bầm dập phải nằm viện. Ai đánh thì vẫn còn phải xét, phải điều tra. Thế nên, tiêu chí nhà báo giỏi ngoài bút sắc, lòng trong cũng nên có tiêu chí về quyền cước. Hoặc đưa võ thuật vào chương trình giảng dạy.

Võ, không bao giờ thừa. Thậm chí, có cả những chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang, nghĩa là có võ rồi mà trong lúc bất cẩn còn bị nữ sinh đánh cho chảy máu mồm.

Câu chuyện cuộc đời ám vào bóng đá.


Hơn 10 năm trước, ở sân Vĩnh Long khán giả truyền hình cả nước chứng kiến hình ảnh trọng tài Trương Thế Toàn phải chạy hình chữ chi để thoát khỏi cơn cuồng nộ của CĐV. Giới trọng tài bảo nhau "phải có võ mới chạy được như thế".

Bài học ấy còn nóng hổi.

Trọng tài Võ Minh Trí- trọng tài đẳng cấp FIFA đã suýt bị cầu thủ V.Hải Phòng "tẩn" trên sân. Cái cách ông Trí so vai rụt cổ như "né đòn" cũng chứng tỏ trọng tài này không thể không có võ.

Nhưng vẫn phải đấm. Trên chuyến xe trở về TPHCM, ông Trí bị một nhóm lạ mặt hành hung trên đường, trọng tài Trí bị tím mắt, bầm mặt.
 

"Cũng may là những kẻ tấn công tôi không mang theo hung khí, nếu không tôi chết chắc, vì sự hung hãn của chúng làm cho những người ở khu vực lân cận không dám can ngăn".

Bị đánh và không có ai dám can ngăn, lời than thở của một trọng tài một lần nữa khiến người ta rùng mình.

VFF để làm gì? VPF để làm gì hay những khoản tiền hàng chục tỷ từ bản quyền truyền hình để làm gì khi mà ngay cả những người tham gia điều hành giải đấu phải đối mặt với nguy cơ tính mạng bị đe dọa?

Có lẽ nào, thay vì "tiên học Lễ" thì "mốt" bây giờ phải là "Tiên học..võ, hậu học văn?"



Song An (TT24h)

Bình luận
vtcnews.vn