HLV, cầu thủ ngoại và chuyện học tiếng Việt

Thể thaoChủ Nhật, 08/04/2012 12:38:00 +07:00

Chuyện người nước ngoài học tiếng Việt có lắm chuyện cười, mà chuyện HLV và cầu thủ ngoại học nói tiếng ta thật khiến không ít người phải "cười chảy nước mắt"..

Chuyện người nước ngoài học tiếng Việt có lắm chuyện cười, mà chuyện HLV và cầu thủ ngoại học nói tiếng ta thật khiến không ít người phải "cười chảy nước mắt"....

Họ viết chẳng bằng anh chàng “Dâu Tây”, một blogger người Canada nổi đình nổi đám trên mạng xã hội (tên thân mật của Joseph Ruelle).

Nhưng sẽ sai lầm nếu bạn thấy họ cầm một tờ báo thể thao đọc ngược mà bĩu môi cho rằng, bày đặt a dua, học đòi. Ở V.League và giải hạng Nhất Quốc gia bây giờ đã và đang có rất nhiều cầu thủ Tây nói tiếng Việt như… người Việt. Song, bên cạnh đó là những người học mãi mà vẫn mù tiếng Việt.


Tiếng Việt sao mà khó quá!

Vào một buổi tối ngồi bên khu phố Tây Phạm Ngũ Lão (TP.HCM), người viết tình cờ chạm mặt cựu HLV của ĐT Việt Nam, ông Calisto trong một quán bia. Khi uống hết chai bia thứ ba, chiến thuật gia người Bồ Đào Nha thả những lọn thuốc cuộn tròn và bắt đầu những câu chuyện ngoài bóng đá.

Nói thông thạo 3 thứ tiếng không giúp ông Calisto qua cửa Tiếng Việt

Ông nói về những thói quen đọc sách, về chính trị, về triết học, về những câu chuyện xoay quanh cái chức Thượng nghị sĩ của thành phố Matosinhos nơi quê hương ông. Đặc biệt là cuộc sống sau những năm nhập hộ khẩu ở Việt Nam. Calisto tâm sự, ở Việt Nam, cái gì ông cũng học được, ví như chuyện dùng đũa ăn cơm. Thậm chí, ông còn “chiến” cả thịt chó mắm tôm. Ấy vậy mà có một “đối thủ” mà ông không thể đánh bại nó, đó là học tiếng Việt.

“Nói tiếng Việt à, ôi Chúa ơi, nếu anh bảo tôi giữa uống một thùng bia và học tiếng Việt trong 1 tiếng đồng hồ thì tôi sẽ chọn bia”. Calisto nhún vai khi tôi hỏi: “Ông có thể nói tiếng Việt được không?”. Ông Tô nói rằng, ngoài vốn từ phong phú, thì việc nói luyến láy của tiếng Việt khiến cho ông càng học càng nản. Có một câu chuyện rất vui, ông từng vào nhà hàng, miệng lên tục khen một cô gái… xinh trai, làm mọi người đi cùng phải cười sặc bia. Ông còn hóm hỉnh bảo rằng, đôi khi ông bắt tay với một ai đó cứ tưởng là bạn, nhưng trong bụng chẳng biết anh ta có chửi mình hay không?

Thế đấy, một người đàn ông sống gần 1 thập kỷ ở Việt Nam, nói được 3 ngôn ngữ (Bồ, Pháp, Anh), nổi tiếng là nhanh nhẹn, thông minh, nhưng lại bất lực với việc học tiếng Việt, vậy liệu ai có thể học và nói thứ ngôn ngữ này một cách trôi chảy?

“Chỉ vì ông Calisto dốt mà thôi"

“Ông ấy học dốt đấy thôi, chứ tôi thấy học tiếng Việt cũng dễ như ăn bánh mỳ”. Tshamala (tiền đạo của ĐT.LA) cười toe toét và nói “đểu” ông thầy cũ khi nghe chúng tôi kể ông Tô khổ sở vì học tiếng Việt. Anh chàng gốc Congo có lí do chê thầy Tô, bởi dù mới chỉ đến Việt Nam 4 năm, nhưng bây giờ vốn tiếng Việt của anh rất rành rọt. Thậm chí, Tshamala có thể nói, nhắn tin và hát Karaoke bằng tiếng Việt.

Kiatisuk cực giỏi tiếng Việt

Ở V.League và hạng Nhất những người nói tiếng Việt như Tshamala không thiếu. Nếu bạn chưa nghe kể và lần đầu ngồi cà phê với Đoàn Văn Nirut có lẽ bạn sẽ cho rằng cựu cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai là người Việt bởi khả năng nói tiếng Việt của anh “chuẩn không phải chỉnh”. Tương tự là Đoàn Văn Sakda, anh này nhấn nhá, thậm chí vốn tiếng “lóng” của “Đa” được các cầu thủ phố Núi tôn làm… sư phụ.

Hay hơn nữa là đàn anh Kiatisuk. Hồi còn thi đấu hay lên làm HLV trưởng của đội bóng phố Núi, đêm đêm người ta lại thấy “Zico” người Thái ôm cây ghi-ta vừa đàn vừa hát “Hát với dòng sông” theo cách của ca sỹ Mỹ Tâm, hay ca vọng cổ giống chất của người đồng đội Quang Trãi - cầu thủ người Đồng Tháp. Có thể nói, khả năng nói tiếng Việt của Zico thuộc hạng siêu nhất trong số các cầu thủ ngoại từng chơi bóng tại Việt Nam.

Trong số những ông “Tây ăn rau muống” phải kể đến Lê Tostao (SG.FC), Đinh Hoàng La (B.BD), Aniekan (N.SG)… những người đã sống lâu năm ở Việt Nam. Một câu hỏi đặt ra, họ học tiếng Việt để làm gì? Aniekan cho biết: “Dĩ nhiên, tôi học tiếng Việt để nói chuyện trao đổi với các đồng đội và HLV dễ hơn”. Có một lí do không thể bỏ qua là trong tương lai có khả năng “Kan” có thể làm rể Việt Nam.

Ngoài việc phục vụ cho công việc chuyên môn, nhiều cầu thủ còn học tiếng Việt để toan tính cho tương lai, chẳng hạn như cưa cẩm những bóng hồng người Việt; hay tương lai sẽ làm “cò” cầu thủ ở mảnh đất màu mỡ Việt Nam. Điển hình như cựu “Vua phá lưới” V-League 2003 Achilefu người ăn nên làm ra với cái nghề từng là niềm mơ ước của Phu.

“Ngôn ngữ đối thoại trên sân bóng có tính đặc thù riêng, đó là ngôn ngữ bóng đá, với những ký hiệu, ám chỉ chiến thuật. Đó là ngôn ngữ nhanh, dễ hiểu, đơn giản nhất với các cầu thủ, khi cần thay đổi lối chơi, tạo đột biến trong trận đấu. Các cầu thủ nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam nên học tiếng Việt để tiện sử dụng trong đời thường, nhưng điều đó không quá quan trọng trong trận đấu”.  HLV Calisto cho rằng học tiếng Việt không quá quan trọng.

Theo BĐ&CS

Bình luận
vtcnews.vn