Cổ tích bóng chày sau thảm họa động đất, sóng thần

Thể thaoThứ Hai, 12/03/2012 01:24:00 +07:00

(VTC News)- Tấm vé Koshien dành cho đội bóng chày trung học Ishinomaki chính là ước mơ, hy vọng người dân Nhật Bản gửi gắm vào tương lai...

Ishinomaki, quận Miyagi là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của thảm họa kép.

Sự hoảng loạn và cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài buộc toàn đội bóng cùng các bạn học khác phải ở lại trường trong 72 giờ liên tục. Chỉ tới khi hệ thống liên lạc được nối lại và có lệnh di tản tới trung tâm khác an toàn hơn, 70% học trò của Matsumoto mới biết rằng họ đã mất gia đình, người thân và cả nơi để quay về...

Theo thống kê, thành phố với 150.000 cư dân nằm ở phía đông bắc Nhật Bản, Ishinomaki, là một trong những nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của động đất và sóng thần. 19.000 người tức 12,6% cư dân nơi đây thiệt mạng. 46% diện tích thành phố chìm trong biển nước, rác thải và thi thể người chết.

Kỳ tích Koshien và giấc mơ của người Nhật

Nhưng trên hết, con người Ishinomaki không chịu khuất phục trước nghịch cảnh. Bằng nghị lực và tinh thần của mình, họ tiếp tục đứng lên và gieo hy vọng vào tương lai.

Một năm sau ngày đen tối, từ vùng đất hoang tàn, một đội bóng chày nhỏ bé đã vươn mình trở thành biểu tượng hồi sinh của quốc gia. Việc Matsumoto và các học trò tại trường trung học Kỹ thuật Ishinomaki, những nhân vật chính trong thảm họa, giành vé tới Koshien giống như câu chuyện cổ tích với người dân Nhật Bản.

Nếu một lần từng đọc về bóng chày, dù là qua truyện, phim ảnh hay Anime, Manga, hẳn không ai không biết tới địa danh Koshien, Nishinomiya. Sân vận động này chính là nơi diễn ra vòng chung kết bóng chày trung học toàn quốc, là giấc mơ của mọi học sinh thuộc 4.000 trường trung học trải dài khắp xứ sở mặt trời mọc.

Với thầy trò Matsumoto, Koshien là nơi họ mang trong mình sứ mệnh hàn gắn vết thương lòng cho đồng bào sau thảm họa.

Mỗi người Nhật, dù đang độ tuổi thanh niên hay đã qua thời cắp sách tới trường, đều từng một lần đắm chìm trong những ngày hè oi bức, cháy hết mình với nhiệt huyết tuổi trẻ đeo đuổi ước mơ giương cao lá cờ quê hương tại sân vận động Koshien huyền thoại.

Koshien trở thành khao khát bỏng cháy thậm chí nỗi ám ảnh với mọi thế hệ học sinh cấp 3 Nhật Bản là bởi giành được tấm vé tới đây cực khó. Hơn nữa, trở thành ngôi sao của giải đấu là con đường ngắn nhất tiến tới con đường bóng chày chuyên nghiệp. "Nó khó như khi bạn được lựa chọn làm phi hành gia đại diện cho nhân loại thám hiểm vũ trụ vậy", Robert Whiting, chuyên gia về bóng cháy - môn thể thao quốc gia của Nhật - từng viết.

Bất cứ người Ishinomaki nào cũng có quyền tự hào về chiến công 46 năm mới có một lần của đội bóng con cưng. Giành vé trực tiếp bằng việc xếp thứ 2 ở vòng loại 'Koshien mùa xuân', Matsumoto và các học trò còn được Liên đoàn Bóng chày Trung học Nhật Bản công nhận là 'đội bóng Thế kỷ 21', danh hiệu trao cho những tập thể có cống hiến to lớn với thể thao nước nhà.


Thể thao - biểu tượng tinh thần 'Kizuna'

"Bóng chày rất phổ biến ở Ishinomaki. Tôi chắc rằng những trận đấu của chúng tôi sẽ mang đến niềm tin cho mọi người, những người trở về sau thảm họa nhưng không tìm thấy người thân. Các học trò của tôi không phải là những người duy nhất đối mặt với những thời khắc khó khăn.

Khi bạn trẻ như họ, bạn cần một chỗ dựa tinh thần sau tất cả mọi chuyện. Bóng chày chính là điều giúp họ vượt qua được cảm giác mất mát. Thể thao đang đóng vai trò tích cực vào công cuộc hàn gắn những vết thương trong lòng người dân Nhật
", HLV Matsumoto không giấu được sự xúc động trong ngày chiến thắng ở vòng loại.

Sau chức vô địch thế giới của nữ Nhật Bản, lại có một câu chuyện cổ tích khác xảy ra.

11/3/2012, vừa đặt chân xuống sân bay Osaka nhằm chuẩn bị cho 'Koshien mùa xuân', trung học Kỹ thuật Ishinomaki đã nhận được lời mời tập luyện và thi đấu giao hữu từ trường Nirayama, thuộc thành phố Izunokuni, tỉnh Shizuoka, miền nam Tokyo. Đây là dịp tuyệt vời để họ, những người tới từ phương bắc xa xôi làm quen với khí hậu ấm áp của phương nam.

Lời mời này là ví dụ tiêu biểu cho tinh thần 'Kizuna' (có nghĩa là 'tương thân tương ái') vốn được nhân rộng khắp Nhật Bản một năm qua. Rõ ràng, sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau đã giúp Nhật Bản gượng dậy từ đống đổ nát.

Ngày hôm qua, cũng giống như cơn ác mộng mang tên thảm họa, đã lui về quá khứ. Nước đã rút, gạch đá đổ nát được dọn sạch, cây cỏ bắt đầu đâm chồi trở lại. Những con đường hoang vắng đậm đặc mùi chết chóc dần tươi sáng. Giờ là lúc người Nhật bắt đầu trở lại nhịp sống quen thuộc với nụ cười thường trực trên môi.

Và Ishinomaki với tấm vé tới Koshien chỉ là một trong số hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện kỳ diệu vẫn hàng ngày hàng giờ diễn ra tại xứ sở này.

Hoài Thu

Bình luận
vtcnews.vn