"Vòng kim cô" quanh đầu VPF

Thể thaoThứ Bảy, 04/02/2012 12:37:00 +07:00

Thay tên gọi sao cho ý nghĩa và hay hơn là điều bình thường nhưng thay tên khi giải đấu đang diễn ra và những câu hỏi phía sau đó thì....

Theo yêu cầu của Tổng cục TDTT, cái tên Super League có thể biến mất trong thời gian tới để thay bằng Super V.League, Vietnam Super League hoặc thậm chí quay trở lại tên cũ là V.League, miễn là có chữ V trong tên gọi. Thay tên gọi sao cho ý nghĩa và hay hơn là điều bình thường nhưng thay tên khi giải đấu đang diễn ra và những câu hỏi phía sau đó thì....

Quy định chung là quy định nào?

Công văn của Tổng cục TDTT gửi VFF viết: “Yêu cầu LĐBĐVN giữ nguyên tên gọi bằng tiếng Việt của Giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, đồng thời, khi sử dụng tên viết tắt của giải đấu phải có chữ V (viết tắt của từ Việt Nam) ở phần trước tên gọi tiếng Anh và tên đơn vị tài trợ cho giải đấu theo đúng quy định chung”. 

Sao không ai ý kiến về cái tên lúc nó ra đời ?

Trong công văn không nói rõ quy định chung là quy định nào, nhưng có thể chắc chắn một điều là quy chế, điều lệ của FIFA hay VFF đều không đề cập đến chuyện đặt tên cho giải VĐQG. Việc đặt tên thường do đơn vị tổ chức giải chịu trách nhiệm và vì thế nên cái tên của giải VĐQG ở các nước trên thế giới cũng muôn màu, muôn vẻ: Premier League, Primera Division, Super League, Bundesliga, Liga Sagres…

Theo công văn của Tổng cục TDTT: “Tên gọi giải Vô địch bóng đá quốc gia là yếu tố quan trọng để xác định nguồn gốc quốc gia tổ chức giải đấu và phải được thể hiện bằng ngôn ngữ chính thức của quốc gia đó”. Tuy nhiên, nếu điểm qua các giải đấu hàng đầu trên thế giới thì hầu hết đều không để tên quốc gia trong tên gọi của giải đấu. Chẳng hạn, cả 5 giải đấu hàng đầu châu Âu là Anh (Premier League), Tây Ban Nha (La Liga), Đức (Bundesliga), Ý (Serie A), Pháp (Ligue 1) đều không đặt tên theo “quy định chung” mà Tổng cục TDTT khẳng định. Các giải lớn khác như Argentina, Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ… cũng không để tên quốc gia trong logo chính thức của giải.

Vậy nên, cái tên Super League mà VPF đặt không vi phạm bất cứ “quy định chung” nào mà có thể chỉ là chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Chẳng hạn, việc đưa thêm tên quốc gia vào sẽ giúp một giải đấu mới như Super League dễ nhận biết hơn và tránh trùng lặp với các quốc gia khác như Malaysia cũng đặt tên cho giải VĐQG là Super League hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng dùng cái tên có ý nghĩa tương tự là Super Lig. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia châu Á khác cũng đều để tên quốc gia phía trước tên gọi giải đấu nên nếu Super League có biến thành Vietnam Super League cũng là điều bình thường.

Cái gì, như thế nào và...?

Tuy nhiên, giá như công văn của Tổng cục TDTT đến trước khoảng 2 tháng thì sẽ tốt hơn cho các bên liên quan. Việc đổi tên giải đấu khi giải đang diễn ra là điều chưa có tiền lệ và có thể gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của giải. Một khả năng có thể xảy ra là nhà tài trợ đòi cắt giảm HĐ hoặc thậm chí rút lui.

Super League bị yêu cầu thay tên 

Trong các hợp đồng kinh tế, khi mà 1 chữ sai có thể gây hậu quả không thể lường trước thì việc thay đổi tên giải sẽ tác động không nhỏ đến bản HĐ. Về lý thuyết, các nhà tài trợ ký HĐ để tài trợ cho giải Super League, tức là khi thay tên giải thì đối tượng mà họ tài trợ đã thay đổi. Khi đó, nếu VPF và nhà tài trợ vẫn tìm được tiếng nói chung thì có thể tiến hành ký lại HĐ cho đúng với tên mới, nhưng vẫn có khả năng là đối tác tài trợ không đồng ý tài trợ cho giải đấu mang tên mới hoặc lợi dụng hoàn cảnh để đòi cắt giảm HĐ. Khi đó, việc đổi tên sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho BĐVN nói chung.

Nếu công văn của Tổng cục TDTT gửi đến sớm 2 tháng thì VPF và các BTC sân địa phương cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều. Bởi lẽ, logo mới của giải đã được in trên tất cả các phương tiện truyền bá và nhất là bảng quảng cáo đã được toàn bộ các BTC sân in xong từ lâu. Việc thay tên giải kéo theo thay logo khiến toàn bộ số bảng quảng cáo mang logo giải trên 12 SVĐ sẽ phải vứt đi để làm lại. Tất nhiên, so với chi phí tổ chức của cả giải đấu thì số tiền trên không lớn, nhưng cũng gây một số khó khăn cho VPF và các BTC sân.

Cái tên Super League đã được VPF chính thức công bố trong buổi họp báo giới thiệu giải với sự chứng kiến của các quan chức Tổng cục TDTT và VFF. Trong buổi họp báo đó và mãi cho đến trước khi công văn số 107-TCTDTT-VP xuất hiện thì không có bất cứ ý kiến nào từ các đơn vị trên đòi đổi tên. Thậm chí, như bầu Kiên trả lời báo chí hôm qua thì trước khi thay đổi tên thành Super League thì VPF cũng đã xin phép các cơ quan quản lý nhà nước. Vậy mà khi giải đang vận hành thì yêu cầu đổi tên lại được đưa ra.

Đổi tên giải chỉ là chuyện nhỏ nhưng đằng sau nó báo hiệu giông tố đang vây quanh VPF. Việc Tổng cục TDTT trả bản Điều lệ giải và Quy chế BĐCN sửa đổi lại cho VFF phê duyệt có thể hiểu đơn giản là thủ tục hành chính. Nhưng liệu có thể hiểu đó là bước đi mới nhất cho thấy cái “vòng kim cô” với VPF đang thắt chặt dần? 
Chuyện cái tên và cả “số phận” của VPF được đặt, liệu có là minh chứng cho lo ngại về những cải tổ mà người ta mong đợi với BĐVN có thể bị xóa sạch?

Nguyễn Tùng (TT24h)

Bình luận
vtcnews.vn