VFF: Bài học nào từ cuộc chiến Super League ở Indo

Thể thaoThứ Tư, 11/01/2012 06:30:00 +07:00

(VTC News)-37 trọng tài đang tham dự điều hành các trận đấu thuộc Indonesia Super League (ISL), giải đấu li khai khỏi PSSI, sẽ bị cấm hoạt động vô thời hạn.

(VTC News)-37 trọng tài đang tham dự công tác điều hành các trận đấu thuộc Indonesia Super League (ISL), giải đấu li khai khỏi LĐBĐ Indonesia (PSSI), sẽ bị cấm hoạt động bóng đá vô thời hạn.

Đó là động thái mới nhất từ phía PSSI nhằm đáp ứng yêu cầu FIFA về việc xóa sổ giải 'lậu' ISL. Nếu tới thời hạn 20/3/2012, PSSI vẫn chưa thể dẹp yên nội loạn, cầu thủ, quan chức, trọng tài nước này đều bị 'đuổi' khỏi đời sống bóng đá thế giới.

Rất nhiều cầu thủ nổi tiếng Indonesia đang chơi bóng tại Super League.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2008 khi một nhóm các đội bóng mạnh tại xứ vạn đảo quyết định thành lập một giải đấu riêng với tên gọi ISL. Đây là cách họ phản ứng lại với nạn tham nhũng và thiếu minh bạch trong các hoạt động của PSSI. Tới năm 2011, ISL vẫn được công nhận là hạng đấu cao nhất tại Indonesia.

Tuy nhiên, tới tháng 11, những tranh chấp giữa PSSI và nhóm các CLB lên tới đỉnh điểm. Áp lực quá lớn từ FIFA cộng với việc chậm trễ trong bầu ban chấp hành mới, PSSI buộc phải gấp rút kiện toàn đội ngũ (người nắm quyền là chủ tịch lâm thời Djohar Husin) và tiến hành chiến dịch 'đòi' lại giải vô địch quốc gia.

8 đội bóng 'sừng sỏ' nhất tại ISL đã bị phạt nặng (Persib Bandung bị phạt 110.000 USD). Bên cạnh đó, hai quan chức chóp bu của ISL là Harbiansyah Hanafiah và Syahril Taher thì bị cấm hoạt động bóng đá trong vòng 3 năm. PSSI cũng tuyên bố các cầu thủ đá tại ISL sẽ không bao giờ được gọi tập trung lên ĐTQG trừ khi quay lại thi đấu cho Indonesia Premier League (IPL).

'Khắc tinh Việt Nam' Safee Sali (CLB Pelita Jaya) cùng các tuyển thủ Đông Nam Á khác sẽ phải rút khỏi Super League nếu không muốn bị cầm thi đấu cho ĐTQG.

Sự việc càng căng thẳng khi chính FIFA cũng khẳng định sẽ cấm hoạt động với tất cả các cầu thủ, quan chức (không phân biệt quốc tịch) nếu vẫn cố tình tham gia ISL. Dẫu vậy, nguy cơ lớn nhất với chủ tịch Djohar Husin vào lúc này không phải là ISL mà lại chính là những thành viên trong PSSI. Hiện tại, có một nhóm quy tụ hàng trăm hội viên PSSI tự xưng là 'hiệp hội giải cứu bóng đá' (KPSI) đã công khai ý đồ lật đổ chiếc ghế của Husin.

Chính những cuộc thanh trừng trong nội bộ cơ quan quyền lực nhất bóng đá Indonesia đã dẫn tới việc HLV Afred Ridle phải ra đi trong uất ức. Rahmad Darmawan, HLV trưởng U23 Indonesia tại SEA Games 26 vừa rồi, cũng quá chán ngán và xin từ chức.

Với cấu trúc thượng tầng hỗn loạn như vậy, thật khó để bóng đá Indonesia 'bay cao' !

Câu cảm thán tương tự xin dành cho VFF- trung tâm những rắc rối hiện nay của bóng đá Việt Nam.

Tình hình hỗn loạn còn kéo dài
Hôm qua 10/1, PSSI đã từ chối thành lập hội nghị khẩn cấp để bầu lại ban chấp hành cũng như phác thảo chiến lược bóng đá Indonesia trong tương lai. Lý do đưa ra là KPSI chỉ thu thập được 320 chữ ký trong lá đơn đề nghị thành lập hội nghị - chưa đủ so với tối thiểu 392 chữ ký cần thiết.

Điều này đã gây tranh cãi rất nhiều bởi trước đó theo KPSI, có ít nhất 450 trên tổng số 588 hội viên PSSI đồng ý thành lập hội nghị khẩn cấp. Đáp trả lại, tổng thư ký PSSI Tri Goestoro khẳng định KPSI đã gian lận: 'Có trường hợp 1 người ký tới 11 lần. Hội nghị không được phép diễn ra vì không đủ chữ ký'.

Hoài Thu

Bình luận
vtcnews.vn