Lật lại những nghi án tại các kỳ SEA Games (Kỳ 6)

Thể thaoThứ Hai, 17/10/2011 08:00:00 +07:00

Nếu đem củ cà rốt 1 triệu USD đem ra nhử để hy vọng U.23 VN không xảy ra tiêu cực thì liệu sau này củ cà rốt phải phình to bao nhiêu nữa: “2, 3 hay… 10 triệu" ?

Nếu đem củ cà rốt 1 triệu USD đem ra nhử để hy vọng U.23 VN không xảy ra tiêu cực thì liệu sau này củ cà rốt phải phình to bao nhiêu nữa: “2, 3 hay… 10 triệu USD?”

Phải nói rằng việc ông Lê Hùng Dũng và ông Đoàn Nguyên Đức treo thưởng đến 1 triệu USD cho chiếc HCV SEA Games chẳng có gì sai trái hoặc để dư luận lên án, bởi niềm vui có được từ chiến tích này (nếu có) là vô giá. Nhưng mấu chốt ở đây là cách treo thưởng như cách nói của ông Lê Hùng Dũng là để “không tái hiện nỗi đau như Tiger Cup 1998 và SEA Games 25 ở Vientiane”.
Dùng tiền đè tiền
Dùng tiền để khích lệ để tưởng thưởng cho 1 chiến công là chuyện thường thấy trên khắp thế giới và khắp mọi lĩnh vực chứ chẳng riêng gì thể thao hay bóng đá. Nhưng dùng tiền để chống tiêu cực thì khi mà ông Phó chủ tịch LĐBĐ quốc gia đã đăng đàn để công khai nói về những nghi án đau đớn thì hình như chỉ có ở Việt Nam.
Hơn chục tỷ của bầu Đức có là động lực tinh thần giúp U23.VN tìm được con đường đến ngôi vô địch SEA Games ? (Ảnh: Hà Thành)

Ông Dũng chẳng có lỗi gì cả. Suy cho cùng ông Dũng đã dám nói lên cái sự thật mà lâu nay NHM bóng đá vẫn nghĩ, vẫn nói với nhau bên ly cà phê, bàn nhậu và chính giới truyền thông cũng đau đáu bởi mệnh đề: “Tiếc rằng không có bằng chứng”. Tức là không cái hiểu chung của mọi người, 1 triệu USD treo đó không phải tất cả thưởng cho xứng đáng với chiến công HCV SEA Games mà là gói gọn với hy vọng “dùng tiền lớn đè tiền nhỏ”.
Năm 2005, 7 tuyển thủ U.23 VN đã “đồng thuận” khi chỉ thắng Myanmar 1-0 thì mỗi người sẽ nhận được 20 triệu đồng, tức tổng cộng chỉ có 140 triệu đồng để “làm kèo”. 6 năm sau, năm 2011, nếu có một sự “đồng thuận” nào tương tự lặp lại ở tuyển U.23 VN ở Indonesia thì người ta hy vọng cái giá của sự đồng thuận dẽ dàng bị đè bẹp bởi 22 tỷ đồng, một khoản tiền thưởng vô tiền khoáng hậu từ trước đến nay của BĐVN. Vậy điều đó không phải nếu không phải là sự bất lực hoàn toàn của VFF trước bóng ma tiêu cực thì nên gọi đó là cái gì ?
Khi nhìn gói thưởng 1 triệu USD trong ngữ cảnh mà ông Lê Hùng Dũng phát biểu thì mới thấy hết sự đau đớn, bất lực của BĐVN trước vấn nạn tiêu cực. Nói theo ngôn ngữ… bàn nhậu nghe vui mà chua chát là: mấy chục triệu “thằng” sợ mấy “thằng” !

Đã cà rốt thì phải kèm gậy
Nếu đem củ cà rốt 1 triệu USD đem ra nhử để hy vọng U.23 VN không xảy ra tiêu cực thì liệu sau này củ cà rốt phải phình to bao nhiêu nữa: “2, 3 hay… 10 triệu USD?” để mong mỏi chiếc HCV SEA Games mà giả như ở Indonesia tháng 11 này chúng ta không đạt được.

Có thể tin vào những cái tên đang khoác áo U23. VN hiện tại ? (Ảnh: Quang Minh)

Ông Lê Hùng Dũng nói đúng: “Không thể nói suông được. Muốn giáo dục cầu thủ phải có quá trình lâu dài chứ không ngày một ngày hai” với đại ý rằng trong thời gian chờ các cầu thủ VN tử tế, ý thức được sự thiêng liêng của màu cờ sắc áo thì phải “có biện pháp”. Và biện pháp đó là… 500.000 USD của Eximbank !
Con thỏ không bao giờ ngoan ngoãn nếu chỉ cho cà rốt mà thiếu cây gậy kèm theo. Nhìn lại “cơn bão năm 2005” trong đó có vụ Bacolod đã cho chúng ta thấy rằng “cái gậy” của Cơ quan điều tra khi giơ ra đã có tác dụng tích cực như thế nào. Một sự thật khác, vào thời điểm 2005, chính VFF và các quan chức như ông Dũng không biết rằng Công an Việt Nam đã nhúng tay, bí mật giăng bẫy rồi cất mẻ lưới ở Bacolod.
1 triệu USD chưa và không bao giờ là phương thuốc để chữa hay chống tiêu cực. Số tiền đó chính xác chỉ là miếng bánh ngon dùng để khích lệ chứ không phải là thứ dùng để diệt virus.
Và cuối cùng, cũng đừng quên rằng tuyển bóng đá nam U.23 VN chỉ là một bộ phận trong đoàn đại quân Thể thao Việt Nam ở SEA Games. Hàng trăm VĐV tất cả các môn khác khi SEA Games kết thúc chỉ nhận 5 tỷ đồng tiền thưởng là quá mừng.
Bóng đá là vua không ai phủ nhận nhưng đừng vì thế mà biến nó thành một thứ gì đó xa lạ và đàng điếm.
Tin và dùng 
Ngày trước, người ta cho rằng vì nghèo nên các cầu thủ mới tiêu cực nên ai cũng bảo khi BĐVN lên chuyên nghiệp đời sống cầu thủ khá lên, tiêu cực hạn chế. Giờ cầu thủ VN đã không còn nghèo, thậm chí 1 bộ phận rất giàu là khác nhưng tiêu cực vẫn ám ảnh đến từng nơ-ron thần kinh của người yêu bóng đá. Đó là minh chứng rõ nhất cho câu chuyện chỉ có cà rốt mà không có gậy.

Người hâm mộ Việt Nam luôn dõi theo từng bước chân của đội tuyển (Ảnh: Quang Minh)

Khách quan, chuyện chống tiêu cực trong bóng đá là trách nhiệm của nhiều ban, ngành khác mà rõ nét nhất là của CQĐT chứ VFF không đủ sức làm. Tuy nhiên, chính VFF phải chịu trách nhiệm rất lớn về cách sử dụng cầu thủ cho ĐTQG.
Chẳng hạn, Vũ Như Thành là cầu thủ bao năm bị không ít điều tiếng nhưng sự thật là ngần ấy năm trung vệ này giữ 1 suất cứng ở ĐTVN, mãi cho đến khi kết thúc triều đại Calisto. Chính Thành “kếu” đã thừa nhận rằng vì cá độ banh bóng quốc tế mà tiền kiếm được đá bóng bao năm cũng bay biến hết. Ở đây không có sự liên tưởng hay đánh đồng nào cả nhưng rất khách quan, liệu ĐTQG có cần 1 cầu thủ mà mỗi khi anh ta lên Tuyển thì nơm nớp lo sợ hoặc 1 lỗi lầm trong trận đấu dù có thể thuần tuý chuyên môn lại khiến dư luận suy diễn đủ điều? VFF hoàn toàn vô can ư ?
Mà BĐVN đâu chỉ có mỗi Vũ Như Thành. Nếu cần điểm danh những gương mặt có tì vết ở ĐTVN trong 2 năm qua, con số hơn ngón 1 bàn tay. Rồi chuyện năm ngoái, mùa World Cup 2010, một đội bóng phía Nam với cả chục tuyển thủ QG râm ran đủ chuyện nợ nần banh bóng cũng được dễ dàng cho qua. Lấy gì để đảm bảo với những cầu thủ đó chuyện tiêu cực ở ĐTQG không xảy ra khi ranh giới mong manh chỉ là cú… click chuột.

Theo Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn