Khóc thét vì giá vé, CĐV trẻ tuổi quay lưng với NH Anh

Thể thaoThứ Sáu, 19/08/2011 07:00:00 +07:00

(VTC News)-Nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ khi biết độ tuổi trung bình CĐV đến sân ở Premier League là 41.

(VTC News)-Nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ khi biết độ tuổi trung bình CĐV đến sân ở Premier League là 41. Cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ truyền hình, ngày càng nhiều khán giả trẻ tuổi quay lưng với những Old Trafford, Emirates hay Stamford Bridge...

Quay cuồng trong cơn bão giá

20 năm kể từ khi kỷ nguyên Premier League bắt đầu, nhiều thứ đã thay đổi. Nếu nhìn giá vé vào sân của các đội bóng, hẳn nhiều người sẽ không khỏi giật mình.


So với thời trước kỷ nguyên Premier League, các CĐV MU phải trả gấp 7 lần cho một chỗ ngồi tại Old Trafford.

Mùa giải 1989-90, MU dưới sự dẫn dắt của Alex Ferguson chơi một thứ bóng đá tấn công quyến rũ và hiệu quả. Nhưng cái giá để các CĐV chiêm ngưỡng "bầy quỷ đỏ" thi đấu vẫn thuộc dạng thấp nhất giải đấu: 3,5 bảng/ghế. Ngày nay, để có một chỗ đứng ở khán đài Stretford End hay United Road, các Manucian phải trả ít nhất 6,2 bảng. Còn nếu muốn có một chỗ ngồi thoải mái, xin mời móc ví ra 28 bảng. Sau hơn hai thập kỷ, giá vé tại Old Trafford đã tăng 700%.

Với Arsenal, những trận cầu 'hạng A' với MU, Chelsea, Liverpool, Tottenham và Man City luôn có giá vé cao nhất. Trước kỷ nguyên Premier League, người hâm mộ chỉ phải trả 5 bảng - một con số nhỏ nhoi khi so với 51 bảng tại Emirates ngày nay (tăng 920%).

Hiệp hội CĐV Bóng đá (FSA) đã chỉ trích các đội bóng chỉ lo nâng cấp ghế ngồi tại sân của mình rồi viện cớ để nâng giá vé.


Cửa vào sân ngày càng thưa thớt... 

"Dĩ nhiên, việc nâng cấp các SVĐ là cần thiết song giá vé tăng quá nhanh như vậy là không chấp nhận được. Vì thực chất, các CLB dùng tiền để nhảy vào các cuộc đua về lương thưởng. Khi tôi tới Anfield (giá rẻ nhất cho một người lớn là 45 bảng so với 4 bảng trước đây), tôi không thấy nhiều người thuộc tầng lớp giàu có mà toàn người dân ở mức thu nhập trung bình. Họ vẫn cố xoay sở để đáp ứng được mức giá cắt cổ Liverpool đưa ra", Rogan Taylor, cựu chủ tịch FSA và hiện là giám đốc điều hành bóng đá tại Đại học Liverpool cho biết.

Theo thống kê của cơ quan chính phủ chuyên trách vấn đề bóng đá, Football Task Force (FTF), giá vé cả mùa xem Liverpool thi đấu hiện nằm ở mức 725 bảng (so với 60 bảng trước đây). Con số tương tự so với MU là 532 bảng (trước đây là 96 bảng).


Khán giả trẻ tuổi đang quay lưng với Premier League


Theo một đợt khảo sát của Đại học Leicester, năm 1983, 22% khán giả tới sân xem First Division (tiền thân của Premier League) nằm trong độ tuổi 16-20. Con số này sau năm 1992, cột mốc đánh dấu kỷ nguyên mới của bóng đá Anh, giảm rất nhiều. Cụ thể mùa giải 2006-07 chỉ còn 9%, 2007-08 là 11%.

... thay vào đó là những quán bar hay rạp chiếu tại gia đông đúc.

Báo cáo của BTC Premier League cho biết 13% người mua vé cả mùa giải nằm ở độ tuổi dưới 16. Độ tuổi trung bình của một cổ động viên trưởng thành là 41.


Các khán giả trẻ tuổi không thể chịu được mức giá quá cao so với thu nhập của mình. Ngày càng nhiều người tìm đến các quán rượu, bia để thưởng thức các trận bóng qua màn ảnh rộng.

Với xu hướng ngày càng phát triển của công nghệ truyền hình hiện nay, Premier League có thể mất một lượng lớn CĐV. Chỉ khoảng 4,5 năm nữa, khi công nghệ nhúng chính thức được phổ cập, khán giả truyền hình sẽ có trải nghiệm không khác gì khi đang trực tiếp có mặt trên khán đài. Họ hoàn toàn có thể lựa chọn ở nhà với chỗ ngồi hoặc nằm thoải mái thay vì trực tiếp ra sân với chi phí không hề rẻ.

Điều này khác xa so với bóng đá trước đây khi toàn bộ cộng đồng, thuộc mọi tầng lớp có thể dễ dàng đến sân. Rõ ràng, bóng đá ở Anh đang trở thành một món ăn tinh thần xa xỉ đối với phần lớn người dân có thu nhập trung bình.


Hoài Thu

Bình luận
vtcnews.vn