Shopping hè 2010: Khúc độc tấu Arab

Bóng đá AnhThứ Tư, 01/09/2010 05:28:00 +07:00

(VTC News) - Một mình Man City độc chiếm thị trường hè 2010 với các bản hợp đồng "khủng". Phải chăng két sắt của Big Four đã rỗng?

(VTC News) – 335 triệu 225 nghìn bảng, đó là con số mà đài BBC Sport đã thống kê được cho tới giờ phút cuối cùng của thị trường chuyển nhượng. Và không ngạc nhiên khi 1/3 trong số đó thuộc về Man City. Big Four đã hết tiền? Không, đơn giản là lúc này, họ không cần vung tiền nữa.


Có tiền cũng… hà tiện

Roman Abramovich phát biểu rất hùng hồn hồi đầu hè rằng 100 triệu bảng đã được chuyển vào két để Carlo Ancelotti tha hồ sử dụng. Nhưng cho đến khi chợ nghỉ, chỉ 1/4 số tiền đó được chi ra cho vỏn vẹn 2 cầu thủ. Thế mới biết, nhà giàu bây giờ cũng biết cần kiệm.

Ngắm nghía 4 ông lớn của xứ sương mù sẽ thấy hoạt động mua bán của họ “hẻo” như thế nào. Chelsea chi đậm nhất cho Ramires (18,2 triệu bảng). Gã hàng xóm Arsenal thì “nhặt” Marouane Chamakh (hết hợp đồng với Bordeaux) và bỏ ra khoảng 15 triệu cho Koscielny và Squillaci. MU cũng chi từng đó để chiêu mộ hai tài năng trẻ Javier Hernandez và Chris Smalling.

Từ trái sang phải: Bebe, Javier Hernandez và Chris Smalling. Cả 3 được Sir Alex kỳ vọng sẽ làm nòng cốt của MU trong tương lai  

Liverpool thì cải tổ mạnh mẽ nên mua sắm rất nhiều, nhưng cũng chỉ đến 24 triệu - mà trong số đó phần lớn là các bản hợp đồng “tiền lẻ” và cả miễn phí, ngoại trừ Raul Meireles ngốn 11 triệu.

10 bản hợp đồng "có giá" nhất PL:

J. Milner (Aston Villa – Man City): 26
Balotelli (Inter Milan – Man City): 24
D. Silva (Valencia – Man City): 24
Y. Toure (Barcelona – Man City): 24
Ramires (Benfica – Chelsea): 18,2
Kolarov (Lazio – Man City): 17
A. Gyan (Rennes – Sunderland): 12
Meireles (Porto – Liverpool): 11,5
J. Boateng (Hamburg – Man City): 10,4
Koscielny (Lorient – Arsenal): 9,7
* Đơn vị: triệu bảng
 
Ngay cả Tottenham, lần đầu tiên bước ra sân chơi lớn Champions League cũng chỉ chi vỏn vẹn 6,5 triệu cho nhà vô địch cúp Liên lục địa 2007 Sandro từ Internacional.


Tổng số tiền ước tính nhóm Big Four đã bỏ ra để shopping mùa hè này đạt 84 triệu bảng, con số cao hơn hẳn năm ngoái (chỉ 64,35 triệu), nhưng vẫn còn khá khiêm tốn khi chỉ chiếm hơn 1/4 tổng chi của cả 20 CLB.

Nước Anh đã không còn là mảnh đất hứa với nhiều cầu thủ đắt giá. Neymar đã từ chối đến Chelsea dù The Blues quyết làm một cú đình đám (28 triệu) để rước thần đồng Santos về. Sergio Ramos và David Luiz cũng khước từ nhà ĐKVĐ. Mesut Ozil từ chối MU để chuyển sang chơi cho Real. Và mới đây, lần lượt Javier Mascherano và Robinho cũng ra đi tìm chân trời mới.

Việc cả 4 đại gia lớn, kẻ thì nợ chồng chất, người thì chi tiêu cần kiệm, có tiền cũng không dám phung phí khiến dư luận đặt câu hỏi rằng: liệu Big Four có còn quyết tâm trên thị trường chuyển nhượng như trước đây?

Ramires (18,2 triệu bảng) là một trường hợp chi đậm hiếm hoi trong nhóm Big Four 


Sự đi lên của La Liga và, ở một khía cạnh nào đó, Serie A về mặt tiền bạc cũng như khả năng cạnh tranh danh hiệu của các CLB (Barca và Inter vô địch Champions League hai mùa gần nhất) đã thôi thúc rất nhiều cầu thủ chuyển tới môi trường mới để tìm kiếm cơ hội. Đó là chưa kể mức thuế thu nhập quá cao tại Anh (50%).

Trong bối cảnh tiền thì ít mà nếu có nhiều thì cũng không đủ hấp dẫn, đó là chưa kể tới tác động của luật 8/25 do FA ban hành, nhóm Big Four và cả Tottenham đã chuyển trọng tâm mới: bảo tồn lực lượng trước sự ve vãn quyết liệt của các đại gia khác và tăng cường những cầu thủ triển vọng. Arsene Wenger vất vả mới giữ nổi Fabregas, Liverpool cũng không kém với bộ đôi Gerrard – Torres, Tottenham thì trói Gareth Bale bằng hợp đồng mới ngay khi Inter “hỏi thăm”. MU bổ sung thêm Smalling và Chicharito, trong khi Chelsea sở hữu Ramires…

Liverpool phải trầy chật mới không để Gerrard và Torres quay lưng lại với Anfield 

Đó âu cũng là những chiến thuật hợp lý, bởi tất cả họ không thiếu ngôi sao, vấn đề chỉ là gìn giữ những ngôi sao đó và thêm chất xúc tác vào mà thôi. Trong cái buổi kinh tế lên xuống thất thường và đồng tiền mất giá, việc mua cầu thủ đã không còn là bắt buộc để duy trì sức mạnh của một CLB.

Kẻ ngoại đạo xứ Eastlands

Mohamed Al-Fayed, chủ tịch của Fulham từng nói rằng: “Tôi sẽ phải tìm kiếm thêm những mỏ dầu mới thì có thể mong bằng được Sheik Mansour”. Thực tế đã cho thấy, đọ với người thừa kế của gia đình hoàng tộc Emiri, ông chủ của Fulham chỉ là “muỗi”.

4 người này cũng ngốn tới 80 triệu bảng 

Sức mạnh tài chính đến độ… vô hạn của Man City đã khiến họ là nhà vô địch của thị trường chuyển nhượng hè 2010. Jose Mourinho thừa nhận: “Khi tôi muốn mua Kolarov, Lazio tỏ ra rất thiện chí cộng tác. Khi Man City nhảy vào, tôi biết chỉ còn đường rút lui”. Sau đó, hậu vệ trái này đã chuyển tới City of Manchester với giá 17 triệu bảng.

Thực ra từ năm ngoái, người ta đã bắt đầu nhìn Man xanh với một con mắt khác khi lần lượt Robinho, Carlos Tevez, Adebayor hay Gareth Barry gia nhập CLB vùng Eastlands với những cái giá rất đậm. Nhưng chỉ khác là, mùa hè này The Citizens đã biết sức hút của mình ở mức độ nào, và cách mua sắm của họ cũng có phần bài bản hơn trước.

James Milner và Mario Balotelli 

Roberto Mancini đã ném tổng cộng 130 triệu bảng vào chiến dịch shopping, phá vỡ chính kỷ lục mà họ thiết lập 1 năm trước (123,5 triệu bảng). Tổng số tiền này được dành cho 6 bản hợp đồng và được phân bổ đều ở cả 3 tuyến: Jerome Boateng (10 triệu), Aleksandar Kolarov (17 triệu) đều là hậu vệ biên; Yaya Toure (24 triệu), James Milner (26 triệu) bổ sung cho tuyến giữa; hàng tiền đạo xuất hiện David Silva (25 triệu) và Mario Balotelli (24 triệu).

Giờ này năm ngoái, Sir Alex Ferguson còn đang chê bai gã nhà giàu mới nổi với phong cách mua sắm bạt mạng. Mark Hughes khi đó tuyên bố rất hùng hồn rằng, đội bóng của ông sẽ mang đến những ngôi sao hàng đầu thế giới cỡ… Kaka. Kết quả là ngôi sao của Real Madrid đã từ chối dải thiên hà… “nhái” của các ông trùm Arab. Vì biết sức mạnh thật sự thế nào (chỉ được dự Europa League), nên năm nay Man xanh không dám trèo cao.

Thua kém La Liga?

Serie A đã chìm vào dĩ vãng, giờ chỉ còn lại cuộc cạnh tranh Anh – TBN. Nhìn vào những tin tức chuyển nhượng đến chóng mặt từ bán đảo Iberia (chủ yếu xoay quanh Barca và Real), nhiều người cho rằng Premier League đang thất thế và sẽ không mấy chốc mất ngôi bá chủ cho La Liga.

Nhưng có lẽ, đó là một sự nhầm lẫn! Xin được điểm tên những bản hợp đồng mới của Real và Barca. Nhà ĐKVĐ xứ bò tót bỏ ra 70 triệu euro để mua David Villa, Javier Mascherano và Adriano Correia. Tại thủ đô Madrid, Kền kền trắng cũng bỏ ra có 63 triệu euro cho Carvalho, Khedira, Di Maria và Ozil. Tổng số tiền mà cả 2 bỏ ra (tổng 120 triệu bảng) hoàn toàn kém xa so với mùa giải năm ngoái, nhất là khi Los Blancos đưa một loạt siêu sao về Bernabeu như Ronaldo, Benzema, Kaka hay Alonso… với số tiền 254 triệu euro. Chưa hết, cộng cả hai vào chúng ta ra con số 122 triệu bảng, vẫn thua kém so với thiếu gia thành Manchester.

Đoàn quân triệu phú Real Madrid đã hoàn toàn trắng tay mùa trước 


Họ chi tiêu thế nào?Man City 129
Chelsea 31,9
MU 27,4
Liverpool 25
Sunderland 18
Arsenal 16,5
Wolves 16,5
Birmingham 15
Stoke 10,8
West Ham 9
Wigan 9
Tottenham 6,5
Fulham 6,3
Newcastle 4,2
Aston Villa 4
West Brom 4
Bolton 1,6
Everton 1,5
Blackpool 1,3
Blackburn 0
* Đơn vị: triệu bảng
So sánh vậy để thấy rằng, dù những bản hợp đồng mới đều thuộc dạng bom tấn, nhưng vấn đề tiền nong giờ đã không còn xông xênh như trước. Barca phải gánh nợ nên chỉ chấp nhận bỏ ra có 38 triệu bảng để đưa Fabregas về quê, điều mà Arsene Wenger hoàn toàn không thể chấp nhận. Jose Mourinho đặt có 10 triệu cho vua phá lưới Premier League mùa 2009/10 Didier Drogba.

Bài học từ mùa giải năm ngoái, đặc biệt của Real đã khiến cho lượng tiền đổ ra bị hạn chế đi. Đội bóng Hoàng gia với số tiền khổng lồ bỏ ra đã không giành được chức vô địch La Liga, thua trận trước Lyon ở vòng 1/16 Champions League và có thất bại nhục nhã nhất trong thế kỷ 21 trước “tí hon” Alcorcon với tỷ số 0-4 trong khuôn khổ cúp Nhà Vua. Chi đậm đến thế mà còn trắng tay, liệu Florentino Perez có dám liều “tập 2”?

Bài học quan trọng nhất đó là sự ổn định. Nhờ sự ổn định mà Barca đã ngự trị trên đỉnh cao trong những năm qua dù không phải mùa nào họ cũng mua bán rình rang. Đó cũng là điều mà người Anh đã học được kể từ sau khi họ không còn tiếp tục lấn lướt tại châu Âu. Cái thời mua đi bán lại nhộn nhịp đã qua, thay vào đó là xây dựng một nền tảng cụ thể để bảo đảm cho một tương lai bền vững hơn.

Premier League vẫn là “trùm” ở “siêu thị” chủ yếu nhờ sự phóng tay của Man City. Nhưng cái kết của 60 ngày nhộn nhịp đi sắm đồ sẽ phải chờ đến tháng 5/2011, khi mọi thứ hạ màn và những đồng tiền khôn thực sự xuất hiện.


Hoàng Quân (tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn