Theo "dị nhân" vào rừng Tây Bắc tìm "báu vật ngàn năm"

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 10/03/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Là người có 12 năm sống như người rừng trong hang đá trên núi, mạng sống phụ thuộc vào cây thuốc quý, ông biết rõ nơi "cất giấu" kho báu này.

(VTC News) - Là người có 12 năm sống như người rừng trong hang đá trên núi, mạng sống phụ thuộc vào những cây thuốc quý, ông Lâm biết rõ nơi "cất giấu" kho báu này.

 

Trời nắng, nhiều ánh sáng, song những ngọn núi bị cháy đen thui choáng ngợp trước mắt, khiến hình ảnh không sáng lên được. 

Những ngày cuối năm ngoái, cái nóng bỏng rát da thịt và khí trời khô khốc đã khiến hầu hết rừng rú ở khu vực miền Bắc rơi vào tình trạng báo động cháy cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Riêng "người rừng" Trần Ngọc Lâm thì cứ liên tục điện thoại cho tôi: “Trời hanh khô mà đồng bào cứ đốt nương thế này thì cháy hết rừng mất thôi cháu ơi!”.

Là người có 12 năm sống như người rừng trong hang đá giữa rừng, mạng sống phụ thuộc vào những cây thuốc quý trong khu rừng cổ nhiều triệu năm tuổi này, nên ông Trần Ngọc Lâm hiểu rừng, yêu rừng hơn cả thân thể mình.

Vậy là tôi lên Sapa, cùng ông Lâm xuyên rừng lội suối, đi xem người ta đốn hạ, tàn phá đại ngàn.

"Người rừng" Trần Ngọc Lâm trên hành trình đi tìm đại ngàn pơ-mu. 

Nhắc đến đại ngàn pơ-mu, phải nói đến khu vực núi cao rừng thẳm của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa Phù Bắc Yên, nơi giáp ranh giữa tỉnh Sơn La và Yên Bái. Cánh rừng này từng được mệnh danh là đại ngàn pơ-mu lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, giờ đây, đại ngàn Tà Xùa Phù Bắc Yên với những thân pơ-mu sừng sững vài người ôm đã đi vào ký ức. Hàng chục năm trời, hàng vạn lâm tặc ngày đêm nhẩn nha tha gỗ, như đàn kiến tha mồi, đã khiến đại ngàn pơ-mu biến mất. Tôi đã từng cuốc bộ một tuần giời, đi xuyên từ Làng Sáng (Bắc Yên), cắt qua Suối Tọ (Phù Yên) theo đoàn liên ngành truy quét cây thuốc phiện, và tuyệt nhiên, chẳng gặp cây pơ-mu cỡ một hai người ôm nào nữa.
Một thân cây pơ-mu ngàn tuổi bị rêu phong phủ kín. 

Tôi từng tranh cãi rằng, chả ở đâu trên đất nước Việt Nam xinh đẹp này còn rừng pơ-mu nguyên vẹn nữa, nhưng ông Lâm thì bảo vẫn còn. Ông Lâm đã từng cưỡi xe máy đi khắp đại ngàn Tây Bắc, trèo lên những ngọn núi cao nhất, vào những khu rừng sâu nhất để tìm nấm phục linh, loài nấm mọc từ vết thương của những loại cây họ thông ngàn tuổi. Chính vì thế, ở miền Bắc này, chỗ nào có rừng, rừng có cây gì quý, ông đều biết cả.

Đã đôi lần ông Trần Ngọc Lâm kể cho tôi nghe về hai cánh rừng pơ-mu, mà theo ông là còn nguyên vẹn và lớn nhất Việt Nam, song khi hỏi nó ở đâu, ông im lặng không nói. Ông chẳng tiếc gì tôi, nhưng ông muốn giữ lại di sản cho Tổ quốc, cho thế hệ sau. Ông sợ nói ra, không những chẳng giữ được rừng, mà lâm tặc biết, sẽ kéo lên đốn hạ sạch sẽ.
Lâm tặc đánh dấu lên thân pơ-mu để chuẩn bị đốn hạ. 

Ông Lâm phát hiện ra rất nhiều cánh rừng có pơ-mu quanh dãy Hoàng Liên Sơn, song chỉ có hai cánh rừng pơ-mu lớn nhất, nguyên vẹn nhất, đều nằm trong khu vực rất sâu của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Những ngày đi lấy thuốc, ông đã sững sờ trước vẻ nguyên sơ của đại ngàn pơ-mu này.

Những thân pơ-mu khổng lồ luôn mang vẻ huyền bí đến khó tả. Loài cây này mang sức sống vô cùng mãnh liệt. Nó chỉ lớn lên từ kẽ đá, trong điều kiện nghèo dinh dưỡng, song nó lại có một sức sống trường tồn.

Loài pơ-mu đã đứng trên những mỏm đá cả ngàn năm nay. Trải qua bao đời người, từ khi con người còn ăn hang ở lỗ, đóng khố đi săn, nó vẫn hiên ngang cùng đá núi. Nhìn vào những thân pơ mu sù sì, rêu mốc, ông Lâm thấy cả một triết lý sinh tồn đầy ý nghĩa.
Lâm tặc chỉ cần chặt những cái rễ mọc trùm lên tảng đá là thân pơ-mu ngàn năm tuổi đổ ập xuống. 

Theo tính toán của các chuyên gia cây cối, với loài pơ-mu, khi sinh trưởng trên độ cao 2.000m, trong điều kiện giá lạnh khắc nghiệt, nghèo dinh dưỡng của Fansipan, mỗi năm nó chỉ lớn được chưa đầy 1mm. Để có được đường kính thân tới 1m, nó đã đứng đó ngàn năm.

Ấy vậy mà, tự dưng, ông Lâm nói hết cho tôi. Ông dẫn tôi đi xem bãi đá cổ có hình khắc chưa từng được biết đến. Ông dẫn tôi đi xem rừng chè hoang cổ thụ mọc ở nơi cao nhất Việt Nam. Ông dẫn tôi đi xem cả “thung lũng chết” với hàng vạn cây cổ thụ bị cháy như những cột than khổng lồ. Ồng dẫn tôi đi xem đại ngàn pơ-mu mà ông giấu bao nhiêu năm nay đã cơ bản bị đốn hạ. Và ông dẫn tôi đi xem đại ngàn pơ-mu nữa, đang bắt đầu bị xâm phạm khi lâm tặc đã chuyển cưa xẻ vào rừng, ngang nhiên dựng lều dưới những gốc pơ-mu...
Đường đi của lâm tặc hiện rõ sau khi rừng bị cháy. 

Ông Trần Ngọc Lâm là người có nhiều kinh nghiệm cuộc sống. Ông chẳng tin việc người ta bảo tồn được bãi đá cổ kia, ông cũng chẳng tin người ta sẽ bảo tồn rừng chè và ông càng không tin sẽ giữ nguyên được hiện trạng cánh rừng pơ-mu vĩ đại... Bởi vì, đã có nhiều thứ ông kể ra, không những chẳng bảo tồn được, mà nó nhanh chóng bị phá hoại.

Nhưng rốt cuộc, ông vẫn phải gọi tôi vào rừng để kể. Bởi vì, ông không nói ra, nó cũng sắp biến mất rồi. Kể ra, để con người còn có một lần được biết đến cái bãi đá cổ có hình khắc kia, được biết rằng xứ sở mộng mơ du lịch còn có những cánh rừng pơ-mu khổng lồ ngàn năm tuổi...

Còn tiếp...

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn