Thêm hơn 1.000 tỷ đồng cho an ninh – quốc phòng

Thời sựThứ Ba, 26/04/2011 08:43:00 +07:00

(VTC News) - Số tiền vượt thu nên ưu tiên cho lĩnh vực quốc phòng vì liên quan đến an ninh quốc gia, đa số đại biểu QH tán thành với ý kiến này.


(VTC News) - Số tiền vượt thu nên ưu tiên cho lĩnh vực quốc phòng vì liên quan đến an ninh quốc gia. Đa số đại biểu tán thành ý kiến này trong phiên họp về phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 26/4.

Ưu tiên cho quốc phòng

Theo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, thu ngân sách nhà nước năm 2010 vượt 21,2% (97.670 tỷ đồng), tăng trên 31 ngàn tỷ đồng so với con số đã báo cáo QH tại kỳ họp thứ 8.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, số tiền vượt thu này sẽ ưu tiên cho các nhu cầu, nhiệm vụ phòng chống và khắc phục thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ và vùng có nguy cơ cao về thảm họa thiên nhiên và một số nhiệm vụ cấp bách trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Số tiền dự kiến là 6.994,9 tỷ đồng.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Quang Bình, chủ nhiệm Ủy ban Quốc Phòng – An ninh cho rằng, việc bổ sung ngân sách cho quốc phòng là cần thiết, nhất là trong điều kiện hiện nay đầu tư cho lĩnh vực này đang còn thấp.

“Chúng ta nên đầu tư hơn nữa cho sản xuất, chế tạo và bảo quản các loại vũ khí. Đồng thời thêm một khoản ngân sách nữa để quan tâm tốt hơn đến việc bảo vệ vùng biển đảo”, ông Bình nói.

Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc tăng chi thêm cho an ninh-quốc phòng. Ảnh: Thành Đông 


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, vấn đề an ninh – quốc phòng là hết sức quan trọng, vì vậy cần phải bổ sung thêm ngân sách cho lĩnh vực này.

“Tôi đề nghị bổ sung kinh phí cho Bộ Quốc phòng 750 tỷ đồng và Bộ công an 500 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết, bao gồm cả dự án mua sắm trang thiết bị điều trị hiện đại cho Viện Quân y 108, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân”, ông Hiển nói.

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, ưu tiên giảm bội chi NSNN, tăng chi trả nợ, tăng đầu tư phát triển, thưởng vượt thu cho các địa phương.

Theo đó, đầu tư trở lại cho Thủ đô Hà Nội và TP.HCM theo cơ chế đặc thù 1.700 tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị 1.050 tỷ đồng, hỗ trợ Quảng Nam và Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hạ tầng quan trọng 1.350 tỷ đồng.

Thành lập thêm 5 đơn vị kiểm toán

Cũng trong chiều nay, Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thành lập thêm 5 đơn vị kiểm toán, trong đó, có 4 đơn vị kiểm toán Nhà nước khu vực và 1 đơn vị kiểm toán Nhà nước chuyên ngành.

Trong những năm gần đây, KTNN mới chỉ thực hiện kiểm toán hàng năm được khoảng 50% báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của các Bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương. Trong khi đó, chiến lược kiểm toán đến năm 2015 phải thực hiện kiểm toán được 70-75%, đến năm 2020 đạt 100%.

Sau khi được phê chuẩn, mỗi đơn vị KTNN đảm nhận kiểm toán từ 4-6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Số cuộc kiểm toán hàng năm đối với địa phương dự kiến tăng thêm từ 15-20%, trong đó tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.
 
Đối với lĩnh vực quốc phòng, số cuộc kiểm toán hàng năm sẽ tăng từ 15-20% và lĩnh vực an ninh, tài chính và ngân sách Đảng, tài chính chi cho hoạt động cơ yếu của Chính phủ sẽ tăng từ 20 đến 30%.

“Tôi đề xuất tăng thêm 3 đơn vị kiểm toán chuyên ngành và cần tăng thêm kiểm toán chuyên ngành với lĩnh vực công an, quân đội”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn nói.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn