Thế trận "nghìn năm" góp vào đại thắng lịch sử

Thời sựThứ Năm, 29/04/2010 06:32:00 +07:00

Một cuộc họp bàn được tổ chức. Đội trưởng du kích Nguyễn Ngọc Lễ đề xuất ý định táo bạo: Để ngăn tàu địch, ta có thể dùng thế trận Bạch Đằng xưa...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta đã tiến hành nhiều chiến dịch, tổ chức nhiều trận đánh. Tuy mức độ thắng lợi và ý nghĩa của từng chiến dịch, từng trận đánh có khác nhau nhưng tất cả đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xin giới thiệu một trận đánh tiêu biểu trên sông Cửa Việt.

Sau khi bị quân ta giáng đòn đau ở Huổi San - Tà Mây và nhất là khi cứ điểm Làng Vây bị đánh (6/2/1968), địch ráo riết tăng cường phòng thủ Khe Sanh. Để dồn địch nhanh rơi vào tình thế khốn đốn, quân ta liên tiếp tấn công tiêu diệt chi khu quân sự Hướng Hóa, đánh mạnh vào các cứ điểm 845, 832, 683…, tập kích, bao vây sân bay Tà Cơn khống chế việc tiếp tế hàng không của địch. Tình thế đó buộc địch phải cố sống, cố chết dựa vào con đường vận chuyển tiếp tế hậu cần từ cảng Cửa Việt. Từ đây hàng hóa, thiết bị chiến tranh được chuyển về tổng kho Đông Hà làm khu trung chuyển cung cấp cho toàn tuyến phòng thủ Quảng Trị - Khe Sanh. Cửa Việt được coi là cuống họng, căn cứ Đông Hà là chiếc dạ dày khổng lồ trên tuyến phòng thủ đường 9 của Mỹ - ngụy. Do vậy, cảng Cửa Việt được địch bảo vệ rất nghiêm ngặt. Nơi đây địch đón các loại tàu trọng tải hàng nghìn tấn cập cảng.

Cửa Việt nhìn từ Gio Linh, Quảng Trị

Để hạn chế tối đa việc cung cấp hậu cần của địch cho toàn tuyến và nhất là Khe Sanh, Bộ chỉ huy của ta ở mặt trận Khe Sanh đã chỉ đạo các lực lượng hướng đông phải kiên quyết chẹn cuống họng quân địch, tức là phong tỏa cảng Cửa Việt kết hợp nhiều cách phong tỏa đoạn sông từ Cửa Việt lên Đông Hà, dùng các cách đánh đặc công, pháo binh, bố trí vật cản, phối hợp lập trận địa dưới sông, trên bờ kiên quyết tiêu diệt tàu địch, làm tê liệt tuyến cảng sông của địch. Đó là hành động tác chiến tích cực nhất phối hợp với mặt trận Khe Sanh và trên toàn tuyến đường 9.

Ngay trong 10 ngày cuối tháng 1/1968 lực lượng đặc công nước cùng bộ đội địa phương và du kích Quảng Trị đã đánh chìm 9 tàu địch trên sông Đông Hà và đoạn sông qua làng Xuân Khánh làm tê liệt luồng vận tải nhiều ngày liền, buộc địch phải điều trực thăng vận tải bay ra tận nơi tàu đậu bên ngoài cảng, cẩu từng kiện hàng đưa về Đông Hà. Không thể mất tuyến vận tải đường sông, suốt tháng 2 địch tăng cường máy bay trinh sát, đánh bom chà sát hai bờ sông, kết hợp xe lội nước, tàu xuồng chiến đấu cho quân liều chết tìm cách trục kéo tàu chìm về cảng Cửa Việt hòng khai thông tuyến vận tải sống còn Cửa Việt - Đông Hà.

Trước ý đồ và hành động của địch, chỉ huy lực lượng chiến đấu của ta ở Gio Linh quyết tâm tổ chức một đợt chiến đấu mới phong tỏa dài ngày đoạn sông từ Cửa Việt lên Đông Hà. Nhưng chỉ phục kích nhỏ lẻ trên bờ sông đánh địch thì khó khống chế tàu địch được liên tục vì địch rất mạnh, lại có máy bay, pháo binh yểm trợ, mà tàu địch thường hoạt động ban ngày. Một cuộc họp bàn cách đánh địch được tổ chức. Đội trưởng du kích Nguyễn Ngọc Lễ đề xuất một ý định rất táo bạo: Để ngăn tàu địch, ta có thể dùng thế trận Bạch Đằng xưa, cụ thể là chặt thật nhiều tre kết thành chùm, một đầu buộc vật nặng thả xuống sông. Các chùm tre lại được kết với nhau thành bè nửa chìm nửa nổi tạo thành thế dích dắc và được neo giữ không để trôi tự do khiến tàu địch muốn lách để tiến cũng không được. Nơi nào nước cạn thì dùng các cọc tre đầu được vót nhọn cắm ngập chìm trong nước, hai bên bờ sông bố trí các loại hỏa lực… Ý kiến đề xuất được bàn bạc dân chủ và những người dự họp đều rất hào hứng góp ý tạo sự thống nhất cao cả phương thức chiến đấu, biện pháp huy động thu gom tre, hóp, các loại vật cản sao cho bí mật, được trù liệu chu đáo. Phấn khởi với kế hoạch chiến đấu, bộ đội, du kích Gio Linh tỏa đi phổ biến cho cán bộ cốt cán từng xã, thôn (thời điểm này nhiều thôn hai bên bờ sông từ Cửa Việt đến Đông Hà đã nằm trong vùng giải phóng). Hiểu ý định chiến đấu, nhân dân nhiều thôn vùng Cửa Việt vô cùng phấn chấn, nhà có bao nhiêu tre đều tự nguyện chặt hạ góp cho việc lập thế trận trên sông. Riêng thôn Thượng Nghĩa trong một đêm bà con đã hạ hơn 4.000 cây tre để góp vào trận địa "Bạch Đằng".

Xe tăng M-41 bị quân ta bắn cháy ở căn cứ Dốc Miếu, Gio Linh, Quảng Trị 1972 

Đêm 3/3/1968, trời mưa, gió đông bắc từ biển thổi vào làm tái tê da thịt, nhưng vẫn rất đông bà con nhân dân từ cụ già 70 tuổi, trai gái, trẻ em đổ ra bờ sông chung tay góp sức lập trận địa. Và trong đêm lịch sử ấy, khoảng giữa đoạn sông Cửa Việt lên Đông Hà, một bãi bè tre được neo chắc, lập lờ chìm trong dòng nước cùng hàng vạn chiếc cọc nhọn được cắm dày khắp các luồng lạch lặng lẽ nghênh đón tàu chiến địch. Trên bờ, trận địa hỏa lực bắn tàu, bắn máy bay của bộ đội, du kích được bố trí chu đáo sẵn sàng cho giờ khai hỏa… Mờ sáng 4/3, một đoàn tàu vận tải 12 chiếc cùng với nhiều xuồng, xe lội nước của địch kéo còi nghênh ngang rẽ nước ngược dòng nhằm hướng Đông Hà tiến. Trên trời mấy chiếc máy bay trinh sát, trực thăng vũ trang hộ tống quần thảo. Dưới sông, đoàn tàu đã vào trận địa phục kích. Vấp phải bãi cọc “Bạch Đằng” buộc chúng dồn ứ lại. Lập tức, từ những trận địa trên bờ, các loại súng ĐKZ, B41, 12,7mm, súng cối, súng bộ binh nhằm tàu địch thi nhau nhả đạn. Đoàn tàu địch bị dìm trong biển lửa, chiếc bốc cháy, chiếc bị chìm. Trong đoàn tàu có một số chiếc chở xăng, dầu bị trúng đạn tràn ra bốc cháy dữ dội, tạo nên một dòng sông lửa.

Sau một giờ chiến đấu, đoàn tàu, thuyền địch chiếc bị cháy, chiếc bị chìm, chiếc bị chính đạn trên tàu nổ xé tan làm nhiều mảnh. Một số chiếc đi sau quay mũi định tháo chạy về Cửa Việt nhưng bị đạn pháo của quân ta từ bờ Bắc sông Bến Hải được các đài trinh sát tiền tiêu hướng dẫn bắn chặn chính xác cũng không thoát khỏi bị tiêu diệt. Xác tàu chiến, xác lính Mỹ-ngụy trôi bập bềnh trên sông nước suốt mấy ngày mới thoát ra biển Đông. Từ nhiều trận thua đau và đến trận này, bọn địch coi dòng sông Cửa Việt là nỗi kinh hoàng và ít có chuyến tàu nào ngược dòng lên Đông Hà lại không bị đánh bởi lực lượng bộ đội hay du kích kiên cường. Đã có hàng trăm con tàu, hàng nghìn tên giặc bỏ mạng trên đoạn sông mang hào khí Bạch Đằng thời đánh Mỹ này.

Theo Quân đội Nhân dân

Bình luận
vtcnews.vn