VFF mạnh tay xử phạt Quốc Phương, Hoàng Vũ Samson: Lời tuyên chiến với bạo lực sân cỏ

Thể thaoThứ Năm, 16/02/2017 15:17:00 +07:00

Hai án phạt nối nhau chỉ trong ít ngày đang chứng tỏ phương châm mạnh mẽ của VFF, VPF với bóng đá Việt Nam: Nói "không" với bạo lực sân cỏ.

Bạo lực sân cỏ và những giới hạn nằm ngoài bóng đá

Bạo lực sân cỏ từng trở thành "bóng ma" trên khắp các sân cỏ Việt Nam, khiến một bộ phận người hâm mộ quay lưng với V-League nói riêng cũng như bóng đá nước nhà nói chung.

Tất nhiên, khán giả có cái lí của họ. Không phải ai cũng muốn mở máy thu hình hay cất công đến sân vận động để chứng kiến những pha bóng xấu xí, mang tính chất triệt hạ theo kiểu "bỏ bóng đá người".

Empty

Hoàng Vũ Samson nhận án kỷ luật sau một tình huống vào bóng nghiêm trọng

Tranh chấp là điều không thể tránh khỏi khi tham gia vào môn thể thao có tính chất đối kháng như bóng đá, song tranh chấp để đoạt bóng và có lợi thế là một chuyện, tranh chấp để làm tổn thương cầu thủ đối phương lại là hình ảnh hoàn toàn khác.

Không ai quên gương mặt đau đớn, nhăn nhó của cầu thủ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) sau khi nhận pha vào bóng triệt hạ của Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An). Sự nghiệp của Anh Khoa sẽ bị ảnh hưởng, cuộc đời của cầu thủ trẻ này có thể thay đổi chỉ sau một giây trở thành nạn nhân của một tình huống pha chạm quá mức.

f2

Pha vào bóng của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa (áo trắng)

Mùa giải năm nay, bạo lực sân cỏ đã phần nào ít đi khi các đội bóng bắt đầu tính toán nhiều hơn cho các phương án xây dựng hình ảnh và hướng tới lối chơi đẹp mắt. Mạnh tay nhất phải kể đến HAGL, khi đội bóng của bầu Đức từng loại bỏ một hậu vệ chỉ sau một tình huống vào bóng thô bạo với cầu thủ đối phương.

Tuy nhiên, những tình huống bạo lực vẫn xuất hiện rải rác và để lại những "hố đen" sâu hoắm trong lộ trình "lên chuyên" của bóng đá nước nhà.

Tiêu biểu cho những pha bóng nhức mắt, phải kể đến pha vào bóng thô bạo của Hoàng Vũ Samson và Trần Văn Kiên (CLB Hà Nội) với tiền vệ Châu Ngọc Quang (HAGL). Sau khi công bố Samson chỉ phạm lỗi "liều lĩnh", ban kỷ luật VFF đã thay đổi bản án và phạt tiền đạo này hai trận treo giò.

Theo cựu "còi vàng" Dương Mạnh Hùng, án phạt dành cho Samson là thích đáng và "không thể chấp nhận nếu hành vi của Samson lại được bỏ qua và giải thích như vậy".

Mới đây nhất, cầu thủ Quốc Phương (FLC Thanh Hóa) đã nhận án treo giò hai trận (tương tự Samson) vì tình huống tranh chấp phản cảm với Âu Văn Hoàn (CLB TPHCM). Điều đáng nói ở đây, Quốc Phương đã nhận thẻ vàng trước đó và tham gia vào pha tranh chấp không cần thiết khi bóng đang ở vị trí không mang lại nguy hiểm cho khung thành đội nhà.

Video: Pha tranh chấp phải nhận án phạt của Quốc Phương

Nếu trọng tài phát hiện và Quốc Phương phải nhận thêm thẻ vàng (thậm chí là thẻ đỏ trực tiếp), FLC Thanh Hóa có thể đã không có được chiến thắng sau cùng.

Loại bỏ bạo lực sân cỏ là điều sớm hay muộn cũng phải thực hiện, bởi hậu quả mà nó mang lại cho bóng đá Việt Nam là cực lớn như hình ảnh của CLB, hình ảnh của V-League hay nghiêm trọng hơn sự nghiệp và cuộc đời của những "nạn nhân".

"Người ta chỉ đá xấu khi kém tự tin"

Ai cũng muốn chứng kiến cầu thủ đội nhà thi đấu mạnh mẽ, lăn xả để mang về chiến thắng sau cùng, nhưng chẳng ai muốn chứng kiến cầu thủ đội nhà vì muốn hạ gục đối phương mà thực hiện những pha vào bóng nằm ngoài giới hạn cho phép. Suy cho cùng, mục tiêu của bóng đá vẫn là quả bóng, chứ không phải đôi chân đối phương.

1486823084

Người hâm mộ luôn khát khao thứ bóng đá đẹp mắt

"Các cầu thủ chỉ đá xấu khi kém tự tin và không làm chủ được mình" - chuyên gia Trịnh Minh Huế đánh giá về nguyên nhân sâu xa của bóng đá bạo lực. Sự mạnh mẽ và thông minh của các cầu thủ được thể hiện qua cách lấy bóng, chặn bóng và không cần làm tổn thương đối phương, đó là điều ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng có thể làm chủ được.

Cũng bởi vì thế, bóng đá bạo lực không thể song hành cùng sự mạnh mẽ, quyết đoán, mà nó xuất phát từ "cái tôi" nóng nảy đã vượt khỏi khả năng kiểm soát cảm xúc của mỗi cầu thủ. Không thể đánh đồng "cầu thủ bạo lực" với "cầu thủ có pha bóng bạo lực", nhưng chỉ một vài giây mất kiểm soát thôi, cầu thủ đã có thể tự bôi đen hình ảnh của mình trong mắt người hâm mộ. Đó là lằn ranh rất ngắn ngủi.

Bóng đá bạo lực gây tổn hại cho bóng đá Việt Nam không chỉ ở khuôn khổ trong nước. Ở AFF Cup 2016 vừa qua, tuyển Việt Nam phải nhận đến hai thẻ đỏ (một trong số đó đến từ tình huống bạo lực, mất kiểm soát), hai lần bị thổi phạt đền và trở thành một trong những đội tuyển "đá xấu" nhất giải.

tuyen viet nam

Tuyển Việt Nam có nhiều pha tranh chấp bạo lực ở AFF Cup 2016. Ảnh: Hoàng Tùng

Các cầu thủ có thể được "dung túng" bởi trọng tài nội, song trọng tài ngoại thì không. Ý thức được điều đó, những án phạt nguội đã được VFF đưa ra với tần suất lớn chưa từng có, khi cả Pape Omar, Quốc Phương (FLC Thanh Hóa), Hoàng Vũ Samson (CLB Hà Nội) hay Phạm Thế Nhật (SLNA) đều phải nhận hình thức kỷ luật sau trận.

Cuộc chiến trên sân cỏ sẽ kết thúc sau 90 phút, nhưng cuộc chiến với bóng đá bạo lực sẽ không khép lại ngay cả khi hồi còi mãn cuộc vang lên. Cầu thủ có thể "qua mắt" đội ngũ trọng tài hay giám sát trận đấu, song chẳng ai có thể lẩn tránh bao nhiêu cái nhìn của người hâm mộ, đó là sự thật rõ ràng.

Tiếng nói của người hâm mộ với bóng đá Việt Nam ngày càng được coi trọng, đó là tín hiệu tích cực, bởi bóng đá sinh ra là để phục vụ khán giả. Ở đó, không có chỗ cho bạo lực, sự mất kiểm soát, bao biện và cả những pha bóng có thể làm hoen ố niềm tin dành cho tính sạch sẽ, chuyên nghiệp của cầu thủ nước nhà.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn