U22 Việt Nam: Dệt mộng SEA Games từ những miếng đánh đơn giản

Thể thaoThứ Ba, 11/07/2017 07:16:00 +07:00

Để tạo nên kỳ tích tại SEA Games 29 này, U22 Việt Nam cần thực hiện nhuần nhuyễn những bài tập đơn giản, trước khi hướng tới những mảng miếng chiến thuật phức tạp và trau chuốt hơn.

1. "Có cơ hội là phải sút ngay, càng chính xác càng tốt" - lời căn dặn của huấn luyện viên (HLV) Hữu Thắng dành cho học trò khiến nhiều người phải bật cười.

Cười vì câu nói đó... quá hiển nhiên. Đương nhiên là phải sút chính xác, càng chính xác càng tốt, càng không chính xác càng... không tốt. Giống như khi thi đấu, không có dứt điểm thì không thể ghi được bàn.

u22 viet nam duc chinh

U22 Việt Nam miệt mài chuẩn bị cho SEA Games.

Bóng đá luôn có những điều hiển nhiên như vậy, đến mức khi đề cập đến, người ta có thể cho là ngớ ngẩn. Nhưng có những điều ai cũng biết, mà đâu phải ai cũng làm được. Đó là hiện trạng của bóng đá Việt Nam trong gần chục năm chỉ có 1 danh hiệu duy nhất.

2. Tại sao nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam luôn lỗi hẹn với các danh hiệu dù xét trong tầm khu vực, thực lực của chúng ta không đến nỗi nào? Nói cách khác, trở lực nào đang ngăn cản tuyển Việt Nam cùng các lứa trẻ tiến đến những danh hiệu lớn?

Không cần phải là chuyên gia, mà kể cả bác xe ôm, anh nhân viên văn phòng, hay chị chủ quán cafe,... - miễn là theo dõi và yêu mến bóng đá Việt Nam, thì ai cũng có thể kể ra "vanh vách": đội tuyển của chúng ta yếu tâm lý, yếu thể lực và dứt điểm không giỏi.

Vấn đề mà người hâm mộ biết, dĩ nhiên HLV Hữu Thắng, ban huấn luyện cùng các cầu thủ phải biết. Giải quyết ra sao? Nâng cao thể lực, củng cố tâm lý và dứt điểm tốt hơn là được. Rất ngắn gọn. Nhưng các cầu thủ cùng ban huấn luyện đang đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên sân tập để chiến đấu cho mệnh đề viết chưa quá 1 dòng ấy.

Video: U22 Việt Nam tập phối hợp nhỏ

3. Trên sân tập ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) chiều qua, U22 Việt Nam không chơi đối kháng. Thay vào đó, toàn đội mở màn với những bài tập của chuyên gia thể lực Martin Forkel.

Trên dưới 10 động tác được ông thầy người Đức hướng dẫn tỉ mỉ cho các học trò. Không ít cầu thủ phải "méo mặt" và "đuối" khi phải thực hiện nhiều lần. Hậu vệ Đỗ Thanh Thịnh chật vật nhấc người trong bài tập hông, trong khi Tuấn Anh bị nhắc nhở vì tập luyện chưa chuẩn động tác.

Bóng đá hiện đại đòi hỏi thể lực, mà theo như Marcelo Bielsa thì "các cầu thủ phải chạy, chạy và chạy liên tục". U22 Việt Nam có chơi chiến thuật nào, cũng phải dựa trên nền tảng thể lực sung mãn. Bằng không, chúng ta sẽ như quả bóng bị "chích" cho xì hơi dần dần.

doi tuyen viet nam tai as

Nền tảng thể lực của bóng đá Việt Nam chưa bao giờ được đánh giá cao. Ảnh: (Hoàng Tùng)

Bài học về những bàn thua phút cuối đã ám ảnh bóng đá Việt Nam trong cả lịch sử, song đến lúc này, đội tuyển mới bắt đầu khắc phục trở ngại thể lực bằng những bài tập rất cơ bản. Đấy, nghe đơn giản, mà không phải ai cũng bắt tay vào làm.

Sau thể lực, là những bài tập chuyền bóng, phản công, đánh biên và dứt điểm bên ngoài vòng cấm. 2 bài tập cuối không có sự tham gia của các hậu vệ, mà chỉ có cầu thủ tấn công một mình một bóng áp sát khung thành. Thanh Bình, Tuấn Tài và Đức Chinh là những cầu thủ thực hiện gọn ghẽ nhất.

Sẽ có người nói: Tập như vậy làm gì, bởi ra sân đấu, làm gì có chuyện hậu vệ đối phương để cho mình thoải mái dứt điểm. Sức ép trên sân sẽ khiến cầu thủ Việt Nam luống cuống, gặp sai số trong các pha xử lí, nên cần phải tập những bài khó hơn, thực tế hơn.

Không sai. Thực tế trận đấu luôn diễn ra với hàng trăm diễn biến, tình huống bất ngờ, có chăng những thiên tài chiến thuật như Jose Mourinho hay Pep Guardiola mới lường trước hết được. Tuy nhiên, tập gì thì tập, cứ phải đi lên từ cơ bản trước, bởi những tình huống cơ bản, ngon ăn như vậy, đôi khi tiền đạo của mình cũng không tận dụng được.

3 năm liên tiếp bị loại ở bán kết AFF Cup và SEA Games đã chứng kiến những tiền đạo Việt Nam bỏ lỡ quá nhiều cơ hội mà khi xem lại, không ít người trong số họ sẽ khó tin là mình từng sút ra ngoài. Cơ bản thế mà vào trận có làm được đâu!

viet nam indonesia cong phuong

Công Phượng cùng các đồng đội từng trả giá vì phung phí cơ hội.

Nhìn các học trò tập luyện chiều qua, có lẽ HLV Hữu Thắng thừa hiểu, tính toán và lo ngại của ông là không thừa. Cựu "thuyền trưởng" Sông Lam Nghệ An liên tục nói "không sao" mỗi khi có cầu thủ xử lý lỗi, dù là những pha bóng rất cơ bản. Nhưng khi vào đá thật, khó người hâm mộ nào có thể bao dung như HLV Hữu Thắng.

Thanh Bình và Đức Chinh là những cầu thủ dứt điểm gọn ghẽ nhất trong buổi tập chiều qua.

Băng cắt và dứt điểm đơn giản, song Tuấn Anh đã ăn mừng sau khi đệm bóng tung lưới trong tư thế không người kèm. Cần biết, tiền vệ người Thái Bình đã sút bóng lên trời ở một tình huống ngon ăn trước đó. Hay như Công Phượng, phải đến pha dứt điểm thứ 4 hay 5 mới đưa được bóng vào lưới thủ thành Bùi Tiến Dũng.

Nhìn Phượng chật vật với bài tập dứt điểm để thấy, thì ra, U22 Việt Nam vẫn phải cố gắng rất nhiều để chinh phục những thử thách rất "bình dân".

u22-viet-nam-gap-thai-lan-hay-malaysia-cung-phai-da-tot

 U22 Việt Nam chuẩn bị cho 2 tháng thi đấu đầy áp lực.

4. Cầu thủ/ HLV huyền thoại Johan Cruyff từng có câu nói nổi tiếng: "Bóng đá thực ra rất đơn giản, nhưng chơi bóng đơn giản lại là điều khó khăn nhất".

Để chinh phục SEA Games 29, U22 Việt Nam phải vượt qua "cái bóng" của Thái Lan, sức trẻ của Myanmar, lợi thế chủ nhà của Malaysia cùng những ẩn số từ Indonesia, Philippines, Campuchia. Bóng đá khu vực ngày càng khó lường, song bí quyết chiến thắng vẫn chẳng có gì thay đổi: thể lực tốt hơn, tạo ra cơ hội và dứt điểm chuẩn xác. Ghi nhiều bàn hơn là chiến thắng.

Ai chẳng biết. Ngày qua ngày, U22 Việt Nam vẫn đổ mồ hôi trên sân tập cho những điều hiển nhiên như vậy. Suy cho cùng, đi đường bằng hay leo núi dốc đều phải dựa trên những bước chân. Cứ kiên trì với những điều đơn giản, thành công sẽ đến gần hơn với Tuấn Anh, Công Phượng cùng các đồng đội.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn