Số phận của Messi được quyết định bởi… chiếc khăn mùi xoa

Thể thaoThứ Bảy, 29/04/2017 16:21:00 +07:00

Trái tim của Messi đã gắn chặt với thành phố Catalan, nơi anh bắt đầu giấc mơ sân cỏ theo cái cách không ai có thể lường trước: Đảo chính quân sự ở Argentina và phi vụ trên khăn mùi xoa.

Theo tiết lộ của nhà báo Pete Jenson (Eurosport), Lionel Messi sắp sửa ký vào bản hợp đồng trọn đời với Barca. Điều đó có nghĩa, trái tim của Messi đã gắn chặt với thành phố Catalan, nơi anh bắt đầu giấc mơ sân cỏ theo cái cách không ai có thể lường trước: Đảo chính quân sự ở Argentina và phi vụ trên khăn mùi xoa.

Hinh anh

Messi khi mới gia nhập Barcelona.

Tìm đường thoát thân

Bấy giờ, Messi đang là học viên của Newell Old Boys (NOB) thì đột nhiên, Argentina lại trải qua một cuộc khủng hoảng về mọi mặt kéo dài 2 năm (1999-2001). Nền kinh tế bị lũng đoạn bởi nhóm tài phiệt đầu sỏ trục lợi từ quá trình tư hữu hóa, chính phủ bị điều hành bởi các nhà thờ.

Trước năm 2001, các ngân hàng ngoại quốc đồng loạt rút toàn bộ vốn đầu tư khỏi Argentina, khiến việc lấy tiền tiết kiệm bằng đồng đô la Mỹ (tiền tệ được ưa chuộng nơi đây) bị vô hiệu hóa và toàn dân phải quy đổi về đồng peso. Khi xảy ra khủng hoảng, những ngân hàng trên quay trở lại và lúc này, giá trị của đồng đô la Mỹ đã cao gấp 3 lần đồng peso. Vô hình trung, tài sản của phần lớn người Argentina trong ngân hàng thụt giảm 2/3.

Người dân Argentina như phát điên. Biểu tình bùng nổ, một trong số đó đã cướp đi sinh mạng của 30.000 người sau cuộc đảo chính đẫm máu D’état. Tuần đầu tiên của năm 2002, có 5 chính phủ ở Argentina cùng hoạt động.

Hinh anh

Ngay từ bé Messi đã tỏ rõ tư chất thiên tài khi còn là học viên của Newell Old Boys nhưng vì nhiều lý do khách quan anh phải tìm CLB khác để tiếp tục phát triển.

Tình hình chính trị bất ổn biến bóng đá thành phao cứu sinh duy nhất cho các gia đình Argentina bởi những năm đầu thế kỷ 20 chứng kiến sự chuyển mình của thị trường thương mại bóng đá, hàng loạt danh thủ đổi đời chỉ trong cái nháy mắt. Từ năm 2000 đến năm 2002, Argentina đã trình làng 2.000 cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, rất nhiều trong số đó vừa tốt nghiệp… bậc trung học cơ sở.

Gia đình Messi đứng trước ngã ba đường. Họ không còn đủ sức trang trải tiền thuốc hàng tháng cho cậu con út. Nếu ngừng dùng thuốc hoặc uống chưa đủ liều, cơ thể Messi có thể bị biến dạng. Mà không uống thuốc, Messi sẽ phải chấm dứt giấc mơ sân cỏ.

Ông Jorge quyết định cầu viện NOB. Ông đến gặp chủ tịch CLB 12 lần trong 2 tuần, cầu xin NOB hãy giúp ông trả số tiền 900 peso/tháng.

Đổi lại, gia đình Messi sẽ chia hoa hồng cho NOB nếu anh tìm được điểm bến đỗ phù hợp trong tương lai. Song NOB từ chối, và số tiền duy nhất họ bỏ ra là 400 peso. Ông Jorge biết rằng, Messi buộc phải ra đi (dù anh chưa muốn).

Video: Messi ăn mừng bàn thắng thứ 500 cho câu lạc bộ

Cuộc gọi định mệnh

Barca không phải điểm dừng chân đầu tiên của Messi sau khi chấm dứt hợp đồng với NOB. Federico Vairo (tuyển trạch viên của River Plate) đến gặp ông Jorge sau cuộc gọi từ một người bạn ở Rosario. Vairo đồng ý cho Messi tham gia buổi sát hạch tìm kiếm tài năng trẻ của River Plate ở thủ đô Buenos Aires. Đi cùng Messi còn có Leandro Giménez - người đá cặp tiền đạo với cậu ở NOB.

10 phút sau khi trận đấu bắt đầu, Messi được tung vào sân. Đội của cậu thắng 15-0, với 10 pha lập công của Messi. HLV Abraham hét lên “Hãy ký hợp đồng với cậu bé này”.

Messi cùng Gimenez trở về nhà, trong lòng hoan hỉ “Ồ, chúng ta được River Plate nhận kìa”. Nhưng trớ trêu thay, quy định của River Plate là chỉ nhận học viên từ 13 tuổi trở lên. Messi còn thiếu 6 tháng nữa mới đủ tiêu chuẩn gia nhập đội. Đội bóng hùng mạnh của Argentina thông báo với ông Jorge nếu người nhà Messi có thể đến Buenos Aires cùng Messi, họ sẽ châm chước và tạo điều kiện để Messi chơi bóng.

Hinh anh  3

Sau khi chứng kiến tài năng của Messi, Josep María Minguella - tay môi giới bóng đá có quan hệ mật thiết với Barca đã ngay lập tức liên hệ.

Điều kiện kinh tế nhà Messi lúc ấy chẳng mấy sáng sủa. Trên chiếc bàn loang lổ vết dầu mỡ, ông Jorge và vợ vò đầu bứt tai. Họ đã tính đến phương án gửi Messi sang nhà họ hàng ở Italia nhằm giúp cậu thỏa ước nguyện theo đuổi bóng đá đỉnh cao.

Bất chợt, chuông điện thoại reo lên. Bên kia đầu dây, giọng nói của Josep María Minguella - tay môi giới bóng đá có quan hệ mật thiết với Barca ở Catalan vang lên. Cánh cửa La Masia từ từ mở ra với Messi. Một chương mới trong cuộc đời đang đón chờ cậu ở phía trước.

Hai tháng kinh hoàng

Sau cuộc gọi định mệnh từ Josep Maria Minguella, hai cha con Messi lên đường tới Catalan. Ngày đầu tiên ở La Masia, trước những học viên cao lớn, cầm bóng rất ít và chuyền liên tục, Messi vẫn giữ thói quen cũ ở Argentina: Dắt bóng ở tốc độ cao cùng những pha xử lý khéo léo để bù đắp cho sự thua thiệt về mặt thể hình.

15 ngày liên tiếp như vậy, Charly Rexach (Giám đốc kỹ thuật của Barca lúc bấy giờ) thốt lên: “Ôi chúa ơi, tại sao phải cần thêm 14 ngày khi với Messi, một cơ hội là quá đủ để cậu bé ấy khẳng định năng lực”.

Ngày 2/10/2000, Messi nhận được cái gật đầu từ những nhà tuyển trạch tại đây. Vướng mắc duy nhất cần giải quyết là Barca cần tìm một công việc phù hợp cho ông Jorge tại Tây Ban Nha để đảm bảo chính sách nhập cư và quy định của FIFA với những tài năng dưới 13 tuổi.

Ông Jorge và Messi quay trở lại Argentina để chờ tin chính thức với lời hứa từ Charly: “Đừng lo, tôi sẽ thu xếp mọi chuyện ổn thỏa rồi gọi lại cho ông vào một ngày sớm nhất”.

Một tháng trôi qua. Rồi hai tháng. Thêm 2 tuần. Gần như không có liên hệ từ phía Barca. Cả nhà Messi như ngồi trên đống lửa. Tất cả những gì họ có thể làm là chờ chuông điện thoại vang lên. Thời ấy, e-mail (thư điện tử) chưa phổ biến như bây giờ.

Hinh anh  4

Messi và cha đã đến La Masia thử việc, đã khiến tất cả phải xiêu lòng nhưng vấn đề tài chính khiến thương vụ bị đình trệ.

Trong đầu ông Jorge bắt đầu hiện lên những câu hỏi. Phải chăng vận đen từ River Plate chưa buông tha Messi? Từng có lúc, suýt chút nữa Messi đã là người của AC Milan hoặc Atletico Madrid. Thậm chí, Milan đã gửi phong bì tới tận nhà Messi, trong đó ghi rõ đầy đủ quyền lợi mà cậu và gia đình được hưởng nếu đến Italia, gồm việc làm cho bố mẹ, một căn hộ khang trang và 500.000 euro tiền điều trị cho Messi hàng năm.

Quyết định trên bàn nhậu

Charly và tay môi giới Minguella hẹn nhau ở sân quần vợt của Horacio Gaggioli (một người làm trong văn phòng của Minguella) để bàn về tương lai của Messi.

Sau một hiệp giao lưu, hai người đến cửa hàng bia tươi gần đấy. Sẵn hơi men, Minguella khơi mào cuộc tranh luận: “Tôi nghĩ chúng ta cần gọi gia đình Messi”. Charly liền đáp “Mọi thứ đều ổn, ngoại trừ Barca (những năm đầu của thế kỷ 21, phong độ trên sân của Barca không ổn định nên họ lơ là công tác ở các tuyến trẻ). Horacio chen ngang: “Này Charly, chúng ta đã đi đến đây rồi. Hãy quyết định hoặc là ký hợp đồng với Messi, hoặc là bỏ qua chuyện này sau hôm nay đi”.

Hinh anh  5

Nhưng nhờ cuộc hội thoại trên bàn nhậu của Charly Rexach (Giám đốc kỹ thuật của Barca lúc bấy giờ) và một người làm trong văn phòng của Minguella là Horacio Gaggioli (ảnh), 1 bản hợp đồng đã được ký kết trên tấm khăn mùi xoa.

Một Charly ngà ngà say dường như không còn đủ tỉnh táo để khước từ lời đề nghị của Horacio. Hai người cùng đi đến thống nhất rằng Messi sẽ được giữ lại. Không có một tờ giấy tử tế nào, hợp đồng giữa đôi bên được thực hiện trên tấm khăn mùi xoa của trẻ nhỏ, với những dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng bút dạ.

Ngày 14/12/2000, giao kèo giữa Charly và Minguella chính thức có hiệu lực. Tin vui từ Catalan bay về Rosario. Gia đình Messi như vỡ òa trong hạnh phúc. Có nằm mơ họ cũng không bao giờ biết được, tương lai của con trai mình được định đoạt bởi những người đàn ông mất trí trên bàn nhậu. Đến giờ, Messi chưa một lần nhìn thấy bản hợp đồng gốc kỳ lạ ấy.

Chuyến tàu kỳ quặc

Với nhiều người, bản hợp đồng đưa Messi đến Barca là một trong những quyết định mang tính lịch sử của CLB. Toàn bộ quá trình ký kết, đàm phán đều được giải quyết nhanh gọn. Đặc biệt hơn nữa là chủ tịch Joan Gaspart chẳng hề tham gia hay có tiếng nói nào trong quyết định ấy. Một tay Charly lo toan mọi việc.

Cái gì cũng có nguyên do của nó. Joan Gaspart là vị chủ tịch kém cỏi nhất của Barca. Trong 2 năm rưỡi nắm quyền, Barca dưới thời Gaspart đã trải qua những mùa giải trắng tay, đối mặt với khủng hoảng thượng tầng và lò La Masia không thực sự hiệu quả. Thế nên, chiếc ghế của Gaspart thực sự chỉ mang tính tượng trưng.

Khi Messi được nhận vào La Masia, Barca buộc phải phá vỡ cấu trúc tài chính. Ngân sách cho học viện vào khoảng 13 triệu euro, nhưng từ lúc Messi có mặt con số đã tăng lên nhiều lần (nguồn tin của Horacio là 20 triệu euro).

Barca chấp nhận cấp nhà cho gia đình Messi, một công việc ổn định cho ông Jorge, tiền du lịch hàng năm và phí tiêm hoóc-môn để Messi tăng trưởng chiều cao.

Hinh anh  6

Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Rexach, Messi đã chính thức vào lò đào tạo La Masia.

Messi không phải sống trong khuôn viên của La Masia như đám bạn đồng trang lứa. Chính cậu là người đề xuất ý kiến và chẳng rõ vì sao nhận được cái gật đầu gần như ngay lập tức từ phía Barca. 

Tháng 1/2001, NOB đăng ký quyền sở hữu Messi với LĐBĐ Argentina. Mọi chuyện trở nên phức tạp. Về mặt pháp lý, NOB được phép làm vậy bởi họ là nơi đầu tiên đưa Messi đến với bóng đá chuyên nghiệp. Muốn mọi chuyện yên ổn, Barca phải trả phí chuyển nhượng và đồng ý với các yêu sách từ phía NOB đưa ra.

Chân ướt chân ráo đến Barca, Messi đã trở về Rosario để tham dự giải vô địch các CLB lứa tuổi từ 12 đến 13 trong một tuần - nơi cậu đoạt danh hiệu “Vua phá lưới”. 

Hinh anh  7

Sau bao khó khăn, Barca cuối cùng cũng có được viên ngọc quý làm thay đổi hoàn toàn lịch sử của CLB.

Ngày 8/1/2001, dù chưa đóng góp gì nhiều cho Barca song Messi đã nhận những đồng lương đầu tiên: 600.000 euro/năm. Tiền thuê nhà được Barca tăng lên 42.000 euro/năm, còn ông Jorge được vào làm việc ở công ty bảo vệ Barna Porters (thuộc sở hữu của Barca). 

Quá phấn khích, ông Jorge đi bộ tới 75 km đến “Điện nữ đồng trinh Mary”ở St. Nicolas để cảm ơn Chúa. Ngày 15/2/2001, sau vài tuần chuẩn bị đồ đạc và hộ chiếu, Messi nói những lời từ biệt cuối cùng với Rosario và bắt đầu hành trình ở La Masia. 

Trong bài phỏng vấn với tờ Marca năm 2009, Messi chia sẻ “Chuyến tàu đưa anh tới La Masia chưa bao giờ đi theo đường thẳng”.

Nguồn: Bóng đá & Cuộc sống
Bình luận
vtcnews.vn