Đội Xuân Trường không phải là đại gia K-League

Thể thaoThứ Ba, 10/01/2017 15:59:00 +07:00

Cơn cuồng mua sắm không đồng nghĩa nguồn lực tài chính của Gangwon FC giàu mạnh như người ta nghĩ.

Theo Yonhap, Gangwon FC không thể so với Jeonbuk Hyundai Motors, một trong những CLB giàu thành tích nhất tại Hàn Quốc và do hãng sản xuất xe hơi Hyundai Motors hậu thuẫn tài chính, hay FC Seoul, được vận hành bởi tập đoàn GS.

Trong kỳ chuyển nhượng trước thềm mùa 2017, Gangwon FC cho thấy rõ tham vọng của mình. Họ mang về CLB tới 11 gương mặt mới để phục vụ cho mục tiêu giành vé dự AFC Champions League. Nhưng việc bạo chi cũng khiến nhiều người tự hỏi nguồn lực tài chính CLB có đủ mạnh để trang trải chi phí? Chủ tịch Cho Tae-ryong, người đứng đằng sau cơn cuồng mua sắm của "Real Gangwon", hiểu rõ điều đó. Cũng nói thêm Chủ tịch Cho rất có kinh nghiệm điều hành những đội thể thao. Trước khi gia nhập Gangwon FC, ông Cho Tae-ryong từng làm Tổng giám đốc CLB bóng rổ Nexen Heroes trong 8 năm.

Truong-01

Xuân Trường trong ngày ra mắt Gangwon 

Không giống như các CLB khác thuộc Hiệp hội bóng rổ Hàn Quốc, đội Heroes vận hành tự lập chứ không phụ thuộc vào tập đoàn nào. Điều đó đồng nghĩa CLB bóng rổ có trụ sở đặt tại Seoul phải "tự lực cánh sinh" để tìm doanh thu. Với Gangwon FC cũng không ngoại lệ.

Năm ngoái, đội bóng này chi đến 6 tỷ won (5 triệu USD), trong đó có 2,2 tỷ won (gần 1,8 triệu USD) phục vụ cho việc trang trải mức lương các cầu thủ. Mùa này, chỉ tính mức lương tân binh Lee Keun-ho đã là 800 triệu won (669.000 USD), bảng lương của CLB chắc chắn tăng lên gấp bội.

Những hoài nghi dành cho Gangwon FC càng tăng cao khi hợp đồng tài trợ với Kangwon Land, tập đoàn casino ở tỉnh Gangwon, không tiến triển suôn sẻ. CLB hy vọng bán tên thương hiệu cho Kangwon Land với giá 8 tỷ won. Song, con số cuối cùng họ được nhận được chỉ 2 tỷ won (ngang với năm ngoái).

Trong năm 2017, Chủ tịch Cho Tae-ryong cho biết Gangwon FC sẽ hướng tới mục tiêu thu về 20 tỷ won, con số không dễ gì đạt được. Tuy nhiên, ông Cho tự tin tuyên bố người hâm mộ không cần lo lắng. "Sẽ không có chuyện CLB thanh toán lương trễ hay bị phá sản. Muốn phát triển đội bóng, bạn phải đầu tư", ông Chủ tịch nói.

Giải thích về cơn cuồng mua sắm, Chủ tịch Cho gọi đó là chiến lược mang đến "làn sóng mới" cho bóng đá, đồng thời muốn dùng những tân binh để thúc đẩy hoạt động thương mại tăng thêm nguồn thu cho CLB. Đơn cử như trường hợp của tiền vệ Lương Xuân Trường, đây là mũi tên trúng hai đích.

Ngoài việc có chữ ký cầu thủ tài năng của Việt Nam, Gangwon FC muốn tạo ra cầu nối giao thoa kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc. "Các doanh nghiệp Việt Nam có thể dùng những bản hiệu LED đặt ở sân vận động để quảng bá cho các hoạt động thương mại của họ tại Hàn Quốc. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ các công ty Việt Nam tiến hành làm ăn với các đối tác Hàn Quốc".

Theo Gangwon FC, chiến lược thương mại họ thực hiện sớm mang về trái ngọt. Trong năm 2016, CLB chỉ bán được 138 vé trọn mùa. Nhưng mùa này, lượng vé tăng lên thành 1.000. Mặc cho điều đó, các chuyên gia cho rằng cơn cuồng mua sắm của "Real Gangwon" không đảm bảo thành công.

"Gangwon mang về CLB quá nhiều cầu thủ cùng thời điểm, điều này sẽ kéo theo việc họ phải đối mặt với vấn đề sử dụng nhân sự sao cho thích hợp", bình luận viên bóng đá Hahn June-hea nói với đài KBS.

"Chúng ta sẽ chờ xem sức chịu đựng của Gangwon FC tới đâu. 11 cầu thủ tốt nhất của họ có thể rất mạnh, nhưng bạn không thể lúc nào cũng sở hữu những nhân tố trong điều kiện như vậy suốt mùa".

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn