Triển vọng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế

Thế giớiThứ Ba, 29/11/2016 20:01:00 +07:00

Các học giả Hàn Quốc và Việt Nam phân tích tình hình Biển Đông sau Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Ngày 29/11, tại Thành phố Gwangju, Hội nghiên cứu Việt Nam học Hàn Quốc và Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế thuộc trường Đại học Chosun đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học: “Tình hình và triển vọng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines”.

Tham dự hội thảo có hơn 50 đại biểu là các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, giáo sư đại học của Hàn Quốc và Việt Nam cùng đông đảo sinh viên trường Đại học Chosun.

Tại hội thảo, các học giả đã tập trung phân tích về tình hình Biển Đông sau Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc.

duong-9-doan

Đường 9 đoạn Bắc Kinh đơn phương vạch ra một cách phi lý ở Biển Đông, bị Tòa trọng tài bác bỏ 

Đa số các ý kiến đều cho rằng tình hình Biển Đông sau vụ kiện sẽ vẫn diễn biến phức tạp do Trung Quốc không tuân thủ Phán quyết, ngược lại còn tiếp tục triển khai các hoạt động leo thang căng thẳng, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Đồng thời, diễn biến tranh chấp ở Biển Đông thời gian tới đây sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động của Trung Quốc và thái độ, quan điểm của chính phủ Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức lên nắm quyền.

Đáng chú ý, trong bài tham luận của mình, Tiến sĩ Kim Hyun Jae - Giáo sư Trường Đại học Youngsan nhấn mạnh chính các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng leo thang căng thẳng và bế tắc trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông.

Tuy nhiên, các học giả đều cho rằng việc Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện vừa qua là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đã mở ra cơ hội, thời kì mới để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông trên cơ sở pháp lí.

Phán quyết đã khẳng định vai trò quan trọng của Công ước Luật biển năm 1982 và không chỉ có ý nghĩa với các bên tranh chấp mà còn góp phần quan trọng đối với sự phát triển của Luật pháp quốc tế nói chung và Luật biển quốc tế nói riêng.

Để đảm bảo tính tối thượng của luật pháp, đồng thời góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực, các học giả cũng kêu gọi các bên tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc nêu cao trách nhiệm và bổn phận của một nước lớn, tôn trọng và tuân thủ nội dung Phán quyết, thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Video: Phản ứng của dư luận quốc tế sau phán quyết của PCA trong vụ kiện về Biển Đông

Tiến sĩ Phùng Ngọc Kiếm (Giáo sư Trường Đại học Ngoại ngữ Busan) khẳng định, Phán quyết của Toà Trọng tài là bước ngoặt mở ra thời kì giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải, cũng như các vấn đề quan hệ quốc tế  ở khu vực Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Với mong muốn giới thiệu rõ hơn về thực trạng tranh chấp trên Biển Đông, bên lề Hội thảo, Ban Tổ chức đã kết hợp triển lãm gần 50 bức ảnh về bản đồ lịch sử Biển Đông qua các thời kỳ và hình ảnh các bãi, đá trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước, trong và sau khi Trung Quốc triển khai các hoạt động phá vỡ nguyên trạng, quân sự hóa cũng như tác động của các hoạt động này đối với an ninh, tự do hàng hải và môi trường sinh thái biển ở khu vực.

P.V
Bình luận
vtcnews.vn