Bí ẩn K-19, tàu ngầm hạt nhân bị lời nguyền ám của Liên Xô

Thế giớiThứ Sáu, 27/01/2017 08:03:00 +07:00

Dù hơn 50 năm trôi qua, nhiều người vẫn cho rằng tàu ngầm K-19 của hải quân Liên Xô bị lời nguyền ám dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc khiến 22 người thiệt mạng.

Sau cơn ác mộng cách đây hàng chục năm, Ivan Kolokov đã ngừng cạo râu bởi vùng da trên khuôn mặt ông không thể tiếp xúc với dao cạo.

Trong khi đó Nikolai Zateyev, người cùng có mặt trên chiếc tàu ngầm K-19 cách đây nửa thế kỷ của Kolokov phải vật lộn trên giường suốt 19 tháng qua để chờ bác sĩ tới thay tủy và máu.

Nhưng cả hai vẫn còn cảm thấy may mắn khi nhớ tới Boris Korchilov, chàng trai với đôi mắt màu xanh mới 20 tuổi. Một tuần trước chuyến đi định mệnh, Korchilov vẫn còn đang chơi bóng chuyền và hẹn hò cùng cô bạn gái xinh xắn của mình.

Nhưng chỉ một tuần sau, anh phải sống trong nỗi đau quằn quại, khuôn mặt cũng đã biến dạng đến độ không thể nhận ra, Một tuần sau, anh được chôn trong một khu mộ bí mật.

k19_1

 30 năm sau tai nạn, những bí ẩn về sự cố trên K-19 mới được tiết lộ

Korchilov, Zateyev, Kolokov là 3 trong tổng số 139 thủy thủ có mặt trên K-19, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân đầu tiên được Liên Xô chế tạo trên chuyến hành trình định mệnh vào năm 1961.

Chiếc tàu gặp nạn sau khi bị hỏa hoạn khiến 22 người phải bỏ mạng. Những người may mắn thoát chết tuy thoát được lưỡi hái tử thần nhưng phải sống trong những nỗi đau đớn do nhiễm phải phóng xạ trong một thời gian dài. 

Niềm hi vọng 

Trước khi Liên Xô tan rã, số phận của K-19 là bí ẩn được giấu kín. Cho đến năm 1991, bức màn bí mật mới dần được hé lộ sau khi tờ Pravda của Nga xác nhận rằng bức xạ trên tàu giết chết các thành viên thủy thủ đoàn có mặt trên K-19 năm 1961.

Trước đó, tất cả các thủy thủ còn sống sót đều thề sẽ không tiết lộ thêm bất cứ thông tin gì về tai nạn và sẽ mang bí mật này xuống mồ. Thậm chí nhiều thập kỷ sau đó, họ cũng đã định sẽ nói dối các bác sĩ trong những lần giám định định kỳ.

Nhưng giờ đây, khi mọi thứ đã sáng tỏ, thuyền trưởng Zateyev và những người còn sống sót bắt đầu kể lại câu chuyện kinh hoàng nhiều thập kỷ trước đây.

Video: Vụ tai nạn tàu ngầm khủng khiếp trong lịch sử quân sự Liên Xô

Theo đó, con tàu mà vị thuyền trưởng 67 tuổi này chỉ huy khi đó là tàu ngầm đầu tiên của Liên Xô được trang bị đầu đạn hạt nhân. Nó được đặt tên là K-19, nhưng không ít thủy thủ sau này vẫn thường nhớ nó với cái tên "Hiroshima" sau tai nạn. 

Thời điểm đó, K-19 được coi là bước tiến công nghệ vượt bậc của Liên Xô. Sự ra đời của nó khi đó mang một ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc đua quân sự, công nghệ với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh khi mà Washington liên tục tung ra các tàu ngầm thống trị thế giới.

Năm 1959, một vụ nổ xảy ra khiến 8 công nhân thiệt mạng. Trong số đó, 2 nam công nhân chết cháy, 6 phụ nữ chết ngạt khi đang dàn lớp lót cao su cách nhiệt vào một bể nước trên tàu.

Đối với các thủy thủ trên tàu, họ cho rằng tai nạn này xảy đến là do con tàu đã bị nguyền rủa trong ngày nó được mang đi rửa tội. Khi đó, thay vì một người phụ nữ như truyền thống, người ta chọn một thuyền trưởng cấp 3 của hải quân Liên Xô để ném một chai sâm-panh vào thành tàu theo đúng nghi thức.

Nhưng chai rượu lại không vỡ mà trượt dọc theo chân vịt trước khi nảy trên thân tàu. Nhiều người cho rằng điềm gở đã bắt đầu từ đó. 

Sau khi con tàu chính thức được hạ thủy, do phải hoàn thành trong vội vã, rất nhiều khiếm khuyết bắt đầu bộc lộ.

Một thợ hàn do bị ép tiến độ đã không may để mối hàn rơi vào đường ống chứa nước làm mát của các lò phản ứng.

Trong khi đó, các kỹ sư cũng không tính đến việc lắp đặt hệ thống dự phòng khẩn cấp cho hai lò phản ứng hạt nhân trong trường hợp sự cố. Đội ngũ chuyên gia đã phàn nàn về điều này nhưng nhận lại được câu trả lời rằng lò phản ứng đã quá phức tạp.

Tai nạn thảm khốc

Ngày 4/6/1961, sau khi kết thúc cuộc tập trận hải quân ở Bắc Đại Tây Dương, K-19 được lệnh trở về nhưng không may gặp sự cố trên hành trình.

Hệ thống làm mát lò phản ứng của con tàu gặp sự cố khiến khiến nhiệt độ lò bỗng nhiên tăng tới 800 độ C. Mức phóng xạ cũng bắt đầu tăng lên nhưng thủy thủ đoàn không nắm được con số chính xác.

Đáng ra khi đó, lò phản ứng phải được làm lạnh ngay lập tức nhưng do khi thiết kế các kỹ sư không tính đến trường hợp sử dụng hệ thống làm mát dự phòng nên tất cả gần như trở nên vô vọng.

Lúc này, Zateyev và các thuyền viên của mình phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một vụ nổ hạt nhân cận kề.

Trước tình thế nguy cấp đó, vị thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm quyết định cử một nhóm gồm 3 người chỉ được trang bị áo mưa và mặt nạ phòng độc xuống thay nhau làm việc từ 5 đến 10 phút một lần để lắp đặt hệ thống làm mát mới.

Nhưng ai cũng hiểu đây là một nhiệm vụ tự sát bởi để hoàn thành nó, họ buộc phải làm việc trong môi trường phóng xạ.

Video: Tàu chiến Australia vỡ làm đôi sau cuộc thử nghiệm ngư lôi

Một trong những người đầu tiên nhận nhiệm vụ là Korchilov, chàng trai có đôi mắt xanh mà Zateyev cho tới bây giờ vẫn không thể nào quên được.

“Tôi cùng cậu ấy đi xuống lò phản ứng và cũng là nơi cậu ấy sẽ phải bỏ mạng. Tôi hỏi cậu ấy, cậu có biết mình sẽ đi tới đâu không. Cậu ấy gật đầu", Zateyev nhớ lại. Năm phút sau, Korchilov trở ra, xé mặt nạ phòng độc và bắt đầu nôn mửa.

“Đó là lần đầu tiên tôi thực sự cảm thấy thế nào là bức xạ", Zateyev nói.

Sau 2 giờ làm việc liên tục, các thủy thủ đã phần nào khống chế được tình hình khi làm giảm nhiệt độ của lò phản ứng. Nhưng để đánh đổi lấy điều đó, 8 thủy thủ chết vì nhiễm độc phóng xạ sau đó vài ngày, 14 trường hợp khác lần lượt ra đi trong hai năm tiếp theo. 

taungam1

Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng K-19 vẫn phải mang cái danh là con tàu bị ma ám 

Korchilov là người đầu tiên qua đời một tuần sau khi K-19 'tai qua nạn khỏi' và được kéo về cảng Polyarnyy.

Bởi bị nhiễm phóng xạ nghiêm trọng, Korchilov và những người đồng đội của mình được chôn cất ở một nghĩa trang bí mật ở Matxcơva. Thậm chí cả gia đình và người thân của họ đều không được thông báo về điều này.

Những người may mắn còn sống sót sau tai nạn vẫn thường xuyên phải lưu tới kiểm tra và tại các bệnh viện Matxcơva và Leningrad. Tuy nhiên, họ được yêu cầu phải giữ bí mật về những gì đã xảy ra và hồ sơ y tế của họ cũng bị làm sai lệch để che giấu vụ việc.

Còn với K-19, nó sớm được đưa trở lại hoạt động và chính thức 'nghỉ hưu' vào năm 1990. Nhưng vận đen vẫn tiếp tục đeo bám khiến nó gặp hỏa hoạn vào năm 1972 khiến 28 thủy thủ thiệt mạng.

Song Hy (Nguồn: LA Times)
Bình luận
vtcnews.vn