Thế giới ngầm của các 'thiên đường' thuế nước ngoài

Kinh tếThứ Ba, 05/04/2016 11:35:00 +07:00

Giữ tài sản ở nước ngoài là một trong những nghiệp vụ bí ẩn nhất của thế giới tài chính, nhằm giấu của cải khỏi tầm mắt của các quan chức thuế, làm mập mờ

Giữ tài sản ở nước ngoài là một trong những nghiệp vụ bí ẩn nhất của thế giới tài chính, nhằm giấu của cải khỏi tầm mắt của các quan chức thuế, làm mập mờ nguồn gốc và danh tính chủ nhân thực sự.

Tài sản ở nước ngoài, các công ty ma và những tài khoản bí mật chỉ là một vài công cụ được cho là sử dụng bởi lãnh đạo, quan chức, người nổi tiếng để che giấu của cải. Đây là kết quả báo cáo hôm qua của Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ), mở cánh cửa vào thế giới ngầm của hoạt động cất giữ tài sản tại nước ngoài.

Báo cáo dựa trên hơn 11 triệu tài liệu rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca (Panama). Nó ghi lại số liệu hoạt động của hãng trong vài thập kỷ qua, liên quan đến 12 lãnh đạo và cựu lãnh đạo trên thế giới, cũng như gần 130 chính trị gia và quan chức khác.


Các thiên đường thuế hấp dẫn nhà đầu tư nhờ thuế thấp và nhiều ưu đãi đặc biệt. Ảnh: Guardian. 
Tại sao lại cần mở tài khoản ở nước ngoài?

Có rất nhiều lý do hợp pháp để mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Người giàu làm vậy để quản lý tốt hơn danh mục đầu tư, hoặc để bảo vệ tài sản của mình. Nhưng nó cũng có thể được dùng để giúp họ trả ít thuế hơn, một cách hợp pháp.

Các tài khoản nước ngoài là mấu chốt trong rất nhiều vụ điều tra né thuế phi pháp. Chủ nhân của chúng đã che đậy sự tồn tại của các tài khoản này với Chính phủ trong nước. Và hoạt động này thường được hỗ trợ bởi các quy định công bố lỏng lẻo tại các "thiên đường" thuế nước ngoài. Những nhà đầu tư bị buộc tội che giấu tài khoản có thể chịu phạt rất nặng. 

Công ty ma là gì?

Trên giấy tờ, các công ty ma rất giống công ty thật. Nhưng thực tế, họ không tạo ra sản phẩm, không có văn phòng hay nhân viên. Các công ty này có thể hoạt động với mục đích kinh doanh hợp pháp, nhưng chúng cũng có thể được dùng để che giấu chủ nhân của khối tài sản hoặc để né thuế.

Lập một công ty như thế này khá dễ dàng. Với người Mỹ, thường họ chỉ mất vài giờ và vài trăm USD.

Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp cần công bố thông tin với cơ quan thuế. Vì thế, một số có thể viện đến các công ty ma để che giấu sở hữu của mình, hoặc để rửa tiền.

Đâu là các "thiên đường" thuế được ưa chuộng nhất ở nước ngoài?

Mossack Fonseca - hãng luật đang là tâm điểm của vụ Panama Papers - có trụ sở tại Panama. Tuy nhiên, ICIJ cho biết họ đã lập ra hàng chục nghìn công ty tại quần đảo Seychelles - một nơi được mệnh danh là "thiên đường" thuế.

Các "thiên đường" thuế hấp dẫn nhà đầu tư nhờ thuế thấp và nhiều ưu đãi đặc biệt. Họ còn có quy định công bố thông tin rất lỏng lẻo, biến mình thành điểm đến lý tưởng cho các hoạt động ngầm.

Bermuda, quần đảo Cayman và British Virgin Islands là 3 trong số các "thiên đường" thuế lớn nhất cho các công ty Mỹ, theo một báo cáo năm ngoái của tổ chức Citizens for Tax Justice và U.S. Public Interest Research Group.

Theo báo cáo này, các công ty do Mỹ kiểm soát tại những nơi trên chỉ báo cáo lợi nhuận 155 tỷ USD năm 2010 (thời điểm gần nhất số liệu được cập nhật). Trong khi đó, GDP tổng các đảo này năm đó chỉ là 10 tỷ USD.

Bermuda nổi bật nhất với 94 tỷ USD lợi nhuận, gấp nhiều lần GDP chỉ 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, Panama Papers chính là lời cảnh báo cho những cá nhân bị buộc tội sử dụng các tài khoản ở nước ngoài và các công ty ma để né thuế, che giấu tiền bẩn. Họ có thể bị phạt rất nặng.

Tại Mỹ, nếu bị Sở thuế Mỹ (IRS) phát hiện không công khai tài khoản ở nước ngoài, bạn có thể bị phạt 50% tổng số dư, hoặc 100.000 USD với mỗi năm che giấu. Dĩ nhiên, họ sẽ chọn cách phạt khiến bạn mất nhiều tiền hơn.

Báo cáo của ICIJ còn nhắc đến "hơn 500 ngân hàng, chi nhánh và công ty con của những ngân hàng này đã làm việc với Mossack Fonseca từ thập niên 70, để giúp khách hàng quản lý các công ty ở nước ngoài". Trong các nhà băng được đề cập có HSBC, Credit Suisse và UBS.

Video: Toàn cảnh vụ bê bối ‘Tài liệu Panama’ chấn động thế giới

Các tổ chức tài chính phương Tây này có thể là bên chịu thiệt hại lớn nhất từ vụ rò rỉ thông tin. Những năm gần đây, UBS và Credit Suisse đã phải trả nhiểu khoản phạt lớn cho giới chức Mỹ, do giúp khách hàng giàu có trốn thuế. Vì vậy, bất kỳ nhà băng nào liên quan đến scandal này cũng sẽ phải đối mặt với những trừng phạt nghiêm khắc nữa nếu bị phát hiện sai phạm. Giới chức Thụy Điển cũng đang điều tra cáo buộc rằng nhà băng Nordea tham gia vào việc giúp khách mở tài khoản tại các "thiên đường" thuế.

Dù vậy, đến nay, cả HSBC, Credit Suisse và UBS đều phủ nhận các thông tin trong vụ Panama Papers và cho biết luôn tuân thủ đúng luật pháp.

Nguồn: VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn