Thế giới 24h: Nhật thi câu cá gần đảo tranh chấp với TQ

Thế giớiChủ Nhật, 10/06/2012 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Mỹ đưa máy bay đến căn cứ U-Tapao của Thái Lan 'soi' Trung Quốc?, Hàn Quốc phát triển tên lửa đối trọng với pháo Triều Tiên,...


(VTC News) - Nhật thi câu cá gần đảo tranh chấp với TQ, Mỹ đưa máy bay đến căn cứ U-Tapao của Thái Lan 'soi' Trung Quốc?, Hàn Quốc phát triển tên lửa đối trọng với pháo Triều Tiên,... là những tin tức đáng chú ý trong ngày.


Al Qaeda treo thưởng 10 con lạc đà để bắt Obama


Thủ lĩnh cấp cao của một nhánh Al Qaeda ở Somalia vừa treo thưởng 10 con lạc đà cho ai bắt được Tổng thống Mỹ Barack Obama, và 2 con lạc đà cho cái đầu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Al-Shabab "treo thưởng" 20 con lạc đà cho ai bắt được ông Barack Obama - Ảnh: Newscom 

Theo Daily Mail, Fuad Mohamed Khalaf, chỉ huy phong trào dân quân al-Shabab (một nhóm phiến quân Hồi giáo nhận là chi nhánh Al Qaeda ở Somalia), đã treo thưởng như trên để đáp trả việc chính quyền Obama thông báo khoản thưởng 33 triệu USD cho những ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ 7 thành viên cấp cao của nhóm này.

Khalaf cũng bác bỏ rằng việc treo thưởng của Mỹ là một cuộc tấn công khác chống lại Hồi giáo, và gọi các lãnh đạo Mỹ là “những kẻ ngoại đạo”.

Bình luận của Khalaf đã được đăng trên nhiều trang web khác nhau.

"Bất cứ ai mang lại thông tin về nơi ở của kẻ ngoại đạo Obama và người phụ nữ của Bill Clinton, người có tên là Hillary Clinton, tôi sẽ tặng một phần thưởng”, CNN dẫn lời Khalaf.

Trước đó, chính quyền Mỹ đã lần đầu tiên treo thưởng cho việc bắt giữ các thành viên Al-Shabab, cáo buộc nhóm này gây ra các vụ tấn công khủng bố ở Somalia, Uganda và Kenya.

Theo đó, họ treo thưởng 5 triệu USD cho cái đầu của Khalaf (mà Khalaf ước tính tương đương 200 con lạc đà), và 7 triệu USD cho cái đầu của người sáng lập Al-Shabab, Ahmed Abdi aw-Mohamed.

Rơi trực thăng, Bộ trưởng An ninh Kenya tử nạn

Bộ trưởng An ninh nội địa Kenya, ông George Saitoti, và người phó của ông đã thiệt mạng trong một vụ rơi trực thăng ngày 10-6 ở bên ngoài thủ đô Nairobi, theo truyền thông Kenya.
Bộ trưởng An ninh nội địa Kenya George Saitoti - Ảnh: Reuters 

Nguồn tin trên cho biết có tất cả sáu người thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Hiện chưa có thông tin chi tiết, nhưng truyền hình Kenya nói người phát ngôn Thủ tướng Raila Odinga xác nhận ông Odinga đã được thông báo về vụ việc.

Theo thông tin ban đầu, chiếc trực thăng bị nạn là trực thăng cảnh sát. Nó đã lao xuống một khu rừng bên ngoài thủ đô và bốc cháy.

BBC cho biết nghị sĩ Kenya Najib Balala đã xác nhận vụ tai nạn trên Twitter, dẫn nguồn tin văn phòng Tổng thống Mwai Kibaki. Hiện chưa rõ nguyên nhân tai nạn.

Ông Saitoti năm nay 67 tuổi, dự định sẽ ra tranh cử tổng thống vào cuối năm nay.

Vào năm 2008, Bộ trưởng Giao thông Kipkalya Kones và trợ lý Bộ trưởng Nội vụ Lorna Laboso của Kenya cũng đã thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay ở miền tây nước này.

Hàn Quốc phát triển tên lửa đối trọng với pháo Triều Tiên

Những khoản tiền lớn có thể giúp Hàn Quốc sở hữu trong tay những tên lửa "khủng" giành được ưu thế trước lực lượng pháo binh "hùng hậu" của Triều Tiên.
Hàn Quốc rất hiếm khi công khai sức mạnh tên lửa 

Quân đội Hàn Quốc muốn chi hơn 2 tỷ USD cho việc phát triển tên lửa trong vòng 5 năm tới.

Kế hoạch của Hàn Quốc là đặt mua và triển khai hơn 1.000 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mới.

Chúng sẽ nhắm vào các bệ phóng tên lửa và vị trí đặt pháo, cũng như các lực lượng và cơ sở mặt đất của Triều Tiên. Mục tiêu của sự phát triển này là làm giảm sự tàn phá đối với lãnh thổ Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Năm 2011, Seoul công khai về sự tồn tại của nhiều trong số hàng loạt tên lửa mới được phát triển trong nước. Hàn Quốc cũng công bố rộng rãi rằng họ sở hữu một tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo mới.

Tên lửa này, được báo chí Seoul gọi là Hyunmoo 3, nay đã được thay thế bởi biến thể cải tiến có tầm bắn 1.500 km, đang được triển khai dọc theo biên giới với Triều Tiên.

Mỹ đưa máy bay đến căn cứ U-Tapao của Thái Lan 'soi' Trung Quốc?

Tin đồn đang dấy lên việc Lầu Năm Góc đang ấp ủ kế hoạch bí mật liên quan đến Trung Quốc ở căn cứ quân sự U-Tapao của Thái Lan.
 Có ý kiến cho rằng Mỹ sẽ dùng căn cứ U-Tapao để 'soi' Trung Quốc

Đây là căn cứ mà chính phủ Thái Lan vừa mới đây đã cho phép NASA, Cơ quan Hàng Không Vũ trụ Mỹ, sử dụng.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Martin E Dempsey hồi giữa tuần này đã lên tiếc bác bỏ những tin đồn trên, khẳng định NASA chỉ dùng căn cứ U-Tapao ở Rayong vào mục đích nghiên cứu khí quyển.

Tướng Dempsey đã có chuyến thăm chính thức đến Thái Lan sau khi tham dự một diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore hồi cuối tuần vừa qua.

Trên website của NASA, cơ quan này cho biết, họ sẽ nghiên cứu về khí hậu, mây và một số vấn đề liên quan đến khí quyển ở khu vực Đông Nam Á từ tháng 8 đến tháng 9.

Cơ quan này sẽ đặt một số máy bay ở căn cứ U-Tapao để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học của họ.

Nhật Bản thi câu cá gần đảo tranh chấp với Trung Quốc

Một nhóm các nhà hoạt động và các chính trị gia Tokyo hôm nay sẽ tham gia cuộc thi câu cá tại khu vực gần đảo Senkaku/Điếu Ngư có tranh chấp với Trung Quốc.

6 nghị sĩ quốc hội và 30 nhà hoạt động chính trị cùng với thành viên các tổ chức chính trị tại Nhật sẽ tham dự cuộc thi câu cá, Xinhua dẫn nguồn báo Nhật cho hay.
Một trong số 8 hòn đảo không người ở thuộc nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP 

Cuộc thi do Hiệp hội nghề cá đảo Yaeyama, thành phố Ishigaki, tỉnh Okinawa tổ chức. Những người tham dự sẽ đi 15 tàu ra khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cơ quan Phòng vệ bờ biển Nhật Bản cũng cử tàu đi hộ tống.

Ngoài ra, 5 nghị sĩ của Ủy ban Giám sát của Hạ viện Nhật dự kiến cũng sẽ tới khu vực đảo Senkaku để giám sát. Hiện chưa xác định được 5 nghị sĩ này có nằm trong số 6 nghị sĩ tham gia cuộc thi hay không.

Nhóm đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc gồm 8 hòn đảo và bãi đá ngầm không có người ở thuộc vùng viển Hoa Đông.

Chúng có tổng diện tích khoảng 7 km2 và nằm ở phía đông bắc đảo Đài Loan, phía đông đại lục Trung Quốc và đông nam vùng lãnh thổ cực nam của Nhật Bản là Okinawa.

Quân khu miền đông Nga nhận tên lửa S-400

Bộ Quốc phòng Nga ngày 9.6 thông báo Quân khu miền đông của nước này vừa nhận một trung đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-400, theo RIA-Novosti.

Ngoài Quân khu miền đông, Nga hiện có 2 trung đoàn tên lửa S-400 ở khu vực Moscow và một trung đoàn tương tự ở Hạm đội Baltic.
Dàn tên lửa S-400 của Nga trong cuộc duyệt binh tháng 5 vừa qua 

Từ nay tới năm 2020, Nga sẽ có 28 trung đoàn tên lửa S-400, mỗi trung đoàn gồm 2 tiểu đoàn, chủ yếu được triển khai ở khu vực biển và biên giới.

S-400 Triumph là hệ thống tên lửa đất đối không tầm bắn từ trung đến xa, có khả năng tiêu diệt hiệu quả bất kỳ mục tiêu nào trên không, trong đó có máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trong phạm vi 400 km cùng độ cao 30 km.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo vẫn chưa có kế hoạch xuất khẩu S-400 và hệ thống tên lửa này chỉ được sản xuất cho lực lượng vũ trang Nga.

Tây Ban Nha sẽ được viện trợ 100 tỉ euro

Liên minh châu Âu sẽ bơm 100 tỉ euro cho Tây Ban Nha để giải cứu hệ thống ngân hàng của nước này khỏi bị sụp đổ, căn cứ theo một thỏa thuận đạt được giữa hai bên hôm 9/6.
Người dân Tây Ban Nha biểu tình phản đối gói cứu trợ ở Madrid ngày 9-6. Dòng biểu ngữ mang tên: "Chúng tôi không nợ. Chúng tôi không trả". Ảnh: Reuters 

Sau một cuộc họp khẩn bằng vô tuyến kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, các bộ trưởng tài chính của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã đưa ra một thông báo cho biết họ đã “sẵn sàng đáp lại một cách tích cực” lời kêu cứu của Tây Ban Nha.

Thỏa thuận nói trên được xem là một sự nhượng bộ lớn của chính phủ Tây Ban Nha, vốn đã từng thẳng thừng tuyên bố không cần các viện trợ từ bên ngoài, theo AFP.

Thỏa thuận này được Đức, Mỹ và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ủng hộ.

Giới phân tích cho rằng chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cuối cùng cũng đã chịu cúi mình trước sức ép từ lãnh đạo các nước và từ thị trường tài chính toàn cầu, vốn đã đẩy chi phí vay nợ của nước này lên rất cao.

Được biết, Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ 4 tại châu Âu và có quy mô lớn gấp đôi của cả Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha cộng lại.

Văn Việt (Tổng hợp)



Bình luận
vtcnews.vn