Thầy thuốc cũng cần một mũi tiêm

Thời sựThứ Năm, 26/12/2013 11:22:00 +07:00

Suy cho cùng - sự đơn độc, phần nhiều do chính các thầy thuốc tạo ra - chỉ có thể khắc phục bằng chính các thầy thuốc.

Suy cho cùng - sự đơn độc, phần nhiều do chính các thầy thuốc tạo ra - chỉ có thể khắc phục bằng chính các thầy thuốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng ngậm ngùi nói về “Sự đơn độc của ngành y tế”. Với sự đơn độc này, ngành y tế “sẽ không thể xây dựng một đội ngũ cán bộ thầy thuốc giỏi y thuật, sáng về y đức”. Nhưng suy cho cùng - sự đơn độc, phần nhiều do chính các thầy thuốc tạo ra - chỉ có thể khắc phục bằng chính các thầy thuốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (trái ảnh) và Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan chào đón em bé Nguyễn Thị Thùy Dung, công dân thứ 90 triệu của Việt Nam ra đời ngày 1/11/2013. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (trái ảnh) và Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan chào đón em bé Nguyễn Thị Thùy Dung, công dân thứ 90 triệu của Việt Nam ra đời ngày 1/11/2013. Ảnh: TTXVN 
Chưa có lời giải trong cuộc chiến chống thói "văn hóa phong bì"

Những chiếc phong bì vẫn đóng vai trò chìa khóa nhiều khi chỉ để bớt đi chút ít đau đớn trong những mũi tiêm, hoặc chỉ đơn giản là để đổi lấy một nụ cười từ mẫu.

Khó có thể dùng khác hai từ “thất bại” trong cuộc chiến - nếu có - của ngành y tế với những tờ giấy được gọi là phong bì.

Và lớn nhất, sự thất bại toàn diện nhất, là trong mối quan hệ thầy thuốc/người bệnh, hiển hiện rõ ràng trong những mũi tiêm đau, trong cảnh một sản phụ khóc trước mặt bộ trưởng vì bị xúc phạm, hay thời sự hơn, là cái chết của một bệnh nhân ở Hà Tĩnh sau khi bị bỏ mặc ngoài hành lang lạnh giá suốt 12 tiếng đồng hồ. Chắc cũng không ngoại trừ mối liên quan đến cái phong bì.

Có lần, trước câu hỏi về những cái bệnh viện như trại tỵ nạn - chữ dùng của chính Bộ trưởng Tiến, bộ trưởng đáp: “Câu hỏi này cũng phải dành cho Nhà nước, vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền xây bệnh viện hay mua trang thiết bị. Chúng tôi rất chia sẻ, cảm thấy đau xót vô cùng... Nhưng cái chính là đầu tư vì Nhà nước mình còn nghèo... không thể giải quyết một sớm, một chiều”.

Dù không muốn cũng phải thông cảm cho sự bất lực của bộ trưởng. Bởi không thông cảm không được. Bộ Y tế không phải là ngân hàng để có thể in thêm tiền.

Nhưng cái nghèo, cái khó lại không phải là lý do để bác sĩ nhận phong bì. Tháng 5.2012, báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đưa ra một con số kinh ngạc về số tiền mà người dân một tỉnh miền núi phải “chi ngoài quy định” cho y-bác sĩ: 5.000 đồng.

Có ở nơi nào trên trái đất này, một bác sĩ ngửa tay nhận khoản tiền bằng đúng một cốc trà đá của những bệnh nhân nghèo đói và khốn quẫn đến mức cũng chỉ có trong túi số tiền bằng đúng cốc trà đá (?!).

TS Nguyễn Công Nghĩa - một bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - có lần đã “nói thẳng thắn”, rằng: Ngành y đã hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến chống lại văn hóa phong bì. Vị bác sĩ nhắc lại rằng, trong 12 điều y đức mà cố Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương đã ban hành 15 năm trước đã quy định rõ ràng: "Không nhận quà biếu của bệnh nhân dưới bất kỳ hình thức nào". Cũng chính người thầy thuốc đó đã khẳng định: Chấm dứt tuyệt đối, vô điều kiện nạn phong bì chính là phương thức tốt nhất lấy lại lòng tin của nhân dân.

Thay đổi một thói quen không dễ. Nhất là khi trong nhân dân cũng như trong chính ngành y vẫn tồn tại một sự suy tôn, qua câu chuyện y đức, qua câu chữ từ mẫu. Khó, nhưng vẫn phải làm. Và không phải vì khó mà buộc người dân phải “gửi ảnh bác sĩ nhận phong bì”, hoặc khoác cho nó một chiếc áo “cảm ơn”, “tấm lòng người bệnh” để bao biện cho việc thừa nhận phải giơ cờ trắng.

Lời nói thật thường khó nghe. Nhưng đó là một mũi tiêm cần thiết và giá như cán bộ y tế nào cũng đủ dũng cảm, sự thẳng thắn để tự trích mũi tiêm sự thật ấy.

Bộ trưởng đã có một năm đổ mồ hôi


Tất nhiên, trong một năm “khổ tâm” và đen đủi, Bộ trưởng Tiến đã làm không ít việc và ngành y cũng đạt không ít thành tựu.

Đó là việc thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván trẻ sơ sinh, đang tiến tới loại trừ bệnh sởi, khống chế viêm gan B dưới 2% dân số. Đó là những ghi nhận của thế giới trong việc VN được xếp hạng 7/74 nước có tỉ lệ tử vong sơ sinh, tử vong mẹ giảm nhiều nhất.

Và, nếu thước đo của một tư lệnh ngành là ban hành các khung pháp lý có tính chất thể chế, không thể phủ nhận Bộ trưởng Tiến đã có một năm đổ mồ hôi.

Hết ban hành thông tư, rút giấy phép và đình chỉ các cơ sở hành nghề công lập và ngoài công lập đã lại đến thông tư về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Hết tổ chức các lớp quy tắc ứng xử đạo đức cho hàng ngàn cán bộ y tế, lại đến việc lập đường dây nóng ở ba cấp để người dân có thể phản ánh các sự việc bất thường liên quan đến ngành y tế.

Và ngay Bộ trưởng Tiến đã có sự thay đổi cơ bản về tư duy.

Không, không phải là yêu cầu phải “thương bệnh nhân BHYT hơn bệnh nhân không BHYT vì họ không có tiền”. Tình thương, hay sự nhân ái phải xuất phát từ tấm lòng, chứ không thể ràng buộc được bằng một mệnh lệnh hành chính, hoặc một lời kêu gọi giống như hô hào.

Sự thay đổi đó có trong phát ngôn của bà bộ trưởng, rằng “phải coi bệnh nhân là thượng đế”.

Đây không phải là chuyện câu chữ. Đây là quan niệm, rằng trong mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh, bên cạnh sự cao quý của hai chữ “từ mẫu”, cần phải có một sự sòng phẳng cần thiết giữa người mua hàng và người bán dịch vụ, mà người nói lời cảm ơn, phải là thầy thuốc.

“Dân cảm nhận như thế nào mới là quan trọng” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói.

Dân biết cảm nhận, chẳng hạn trước việc những y-bác sĩ ở Thái Bình ngay sau khi nhận tin báo đã tới tận nhà, mổ cấp cứu cho một sản phụ mất máu đang trong tình huống nguy kịch, ngay trên bàn uống nước.

Người thầy thuốc chẳng bao giờ cô đơn khi họ đến với người bệnh bằng sự tận tụy.
PGS-TS Phạm Ngọc Đính – Phó Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam: Bà Bộ trưởng vẫn mang dáng dấp nào đó của nhà khoa học. “Bộ trưởng  Nguyễn Thị Kim Tiến vốn là một nhà khoa học trong lĩnh vực y tế dự phòng, từng lăn lộn với thực tế khó khăn của cộng đồng. Vì thế, ngay khi đã ở vị trí quản lý cao nhất của ngành, bà vẫn mang “dáng dấp” nào đó của một nhà khoa học, là sự thẳng thắn, đi thẳng vào những vấn đề còn tồn tại của ngành. Cá tính đó dường như làm giảm đi cái sự cần phải “khéo léo” của một nhà chính trị chuyên nghiệp.
Có thể vì vậy trên những diễn đàn xã hội này khác, bà đã vấp phải những ý kiến nhìn nhận không đồng tình nhất thời. Nhưng trên hết, bà vẫn là người không né tránh những vấn đề bất cập của ngành hiện nay, nỗ lực để cùng các anh chị em trong ngành đưa ra những giải pháp. Những dấu ấn của bà trong lĩnh vực dự phòng vẫn duy trì liền mạch, khi mà hiện nay, dù ở trên cương vị bộ trưởng, chính bà vẫn rất để tâm, chỉ đạo sát sao việc phòng chống dịch bệnh nổi lên trong điều kiện bình thường cũng như khi có thiên tai, lụt bão”.
Ông Phạm Quang Hảo (tập thể Hào Nam, Hà Nội): Bộ trưởng cần thường xuyên vi hành. Nếu Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vi hành thường xuyên đến các bệnh viện sẽ thấy người dân còn gặp nhiều bất cập trong khám-chữa bệnh hiện nay như thế nào. Tôi biết rằng, với sự chỉ đạo của bộ trưởng, các bệnh viện đã có cải tiến, từ khâu đón tiếp đến cung cấp dịch vụ. Nhưng vẫn còn đó, chuyện người già đi khám bệnh BHYT phải xếp hàng từ 4h sáng để lấy số, khi khám bệnh các nhân viên y tế còn hay nói trống không với họ; người bệnh vẫn nằm ghép 2-3 người/giường...
Một số cử tri ở Hà Nội có bức xúc với phần trả lời của bộ trưởng khi nghe ý kiến trả lời của bộ trưởng về các vụ việc xảy ra thời gian qua, cho rằng bộ trưởng chưa nhận trách nhiệm. Tôi mong bộ trưởng sẽ nhìn thẳng vào những bất cập này để có sự điều chỉnh, đưa ra chính sách hợp lòng dân hơn.    Ng.H(ghi)





Theo LĐ
Bình luận
vtcnews.vn