'Thấy thu phí bất hợp lý, ĐBQH có được chất vấn luôn không?'

Thời sựThứ Ba, 11/08/2015 05:00:00 +07:00

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nêu vấn đề xảy ra trong thực tế để nói về quyền giám sát của đại biểu Quốc hội.

(VTC News) - Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nêu vấn đề xảy ra trong thực tế để nói về quyền giám sát của đại biểu Quốc hội.

Sáng 11/8, các thành viên Thường vụ Quốc hội đã ý kiến vào dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền
 Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền
Góp ý cho dự thảo luật, Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho rằng đối với quy định về việc không tổ chức chất vấn giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cần quy định cụ thể trong luật để đảm bảo thống nhất chung .

“Ta đang hướng về cơ sở, về người dân, phát huy dân chủ nên chất vấn tại Hội đồng nhân dân là sát dân, là phát huy dân chủ của người dân, liên quan đến sinh kế và quyền lợi của người dân. Do đó theo tôi cần để thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã tổ chức để Hội đồng nhân dân chất vấn giữa hai kỳ họp”, ông Nguyễn Đức Hiền nêu ý kiến.
 Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước
 Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, khoản 3, điều 80 của Hiến pháp ghi rõ, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu...trong thời hạn luật định.

Thực chất là có vấn đề chất vấn ngoài kỳ họp chứ không phải chỉ có trong kỳ họp. Trong khi quy định trong luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì không đề cập đến vấn đề ngoài kỳ họp là thế nào.

“Ví dụ khi đi qua cầu, đại biểu Quốc hội thấy phí qua cầu không hợp lý thì có thể xuất thẻ hỏi ai quy định thu phí này không? Nếu họ nói ông chủ tịch huyện quy định thì người đại biểu đó có quyền chất vấn ông Chủ tịch huyện không?”, ông Ksor Phước nêu vấn đề.

Ông Ksor Phước cho rằng nếu đại biểu Quốc hội không được chất vấn thì khó có thể giải thích với cử tri. Cử tri sẽ đánh giá đại biểu Quốc hội chất vấn trong kỳ họp Quốc hội nhưng ngoài đời lại không giám sát được.

Video hội nghị cấp cao tam giác phát triển

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh: dự án luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân so với Điều 80 Hiển pháp là nhất quán.

Khoản 1 quy định về quyền chất vấn với đối tượng bị chất vấn. Khoản 2 quy định người bị chất vấn trả lời ở đâu bằng phương thức gì. Khoản 3 là quyền yêu cầu của đại biểu với cá nhân tổ chức cung cấp thông tin đại biểu quan tâm, tức khác với quyền chất vấn.

Ông Uông Chu Lưu cho rằng đại biểu Quốc hội hỏi thông tin rồi đến kỳ họp để chất vấn thì mới đúng tinh thần Hiến pháp và thực tế.

Chưa đồng tình với cách hiểu của ông Lưu, ông Kosr Phước nói khoản 3 là nội dung đại biểu thực thi quyền giám sát của mình, chứ không phải nhầm lẫn giữa chất vấn và giám sát. Đây là nội dung quan trọng để thực thi quyền giám sát. Do đó cần có quy trình rất rõ để được chấp nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đồng tình với việc, quyền chất vấn và quyền yêu cầu thông tin là khác nhau.

Đại biểu có quyền chất vấn nhưng đối tượng bị chất vấn và trả lời thì phải theo quy định. Chất vấn đúng quy trình thủ tục thì trả lời là bắt buộc và nguyên tắc công khai trước kỳ họp để các đại biểu khác cùng biết.

Còn quyền yêu cầu cung cấp thông tin thì tùy thuộc vào từng vấn đề cụ thể mà người bị yêu cầu có thể cung cấp hay không.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn