Thay sếp bự, giảm nhân sự, ngân hàng vẫn báo lãi đều

Kinh tếThứ Sáu, 23/11/2012 12:21:00 +07:00

(VTC News) - Trong mấy tháng qua, nhiều nhân viên ngân hàng rơi vào cảnh mất việc nhưng báo cáo quý 3 của nhiều ngân hàng vẫn cho thấy con số tăng đáng kể.

(VTC News) - Trong mấy tháng qua, nhiều nhân viên ngân hàng rơi vào cảnh mất việc nhưng báo cáo quý 3 của nhiều ngân hàng niêm yết vẫn cho thấy con số tăng đáng kể.

Lo mất việc như nhân viên ngân hàng

Có lẽ chưa bao giờ  nhân sự ngành ngân hàng lại lao đao như thời điểm này. “Làn sóng” sa thải diễn ra cả trong và ngoài nước. Trên thế giới, theo báo cáo phân tích của Reuters, từ đầu năm 2011 cho đến nay các ngân hàng lớn trên thế giới, từ Mỹ sang châu Âu và tới châu Á, đã cắt giảm khoảng 160.000 việc làm.

Ngân hàng Thụy Sĩ là UBS cắt giảm nhân sự nhiều nhất. Năm 2012 UBS quyết định đóng cửa chi nhánh ngân hàng đầu tư khiến 10.000 nhân viên mất việc. Trước đó, trong năm 2011, UBS đã lên kế hoạch cắt giảm 3500 nhân sự.

Nếu con số thất nghiệp của “đội quân ngân hàng” thế giới khá rõ thì tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê đầy đủ về lượng nhân viên ngân hàng bị sa thải. Nhưng rõ ràng đang có đợt sóng ngầm “thanh lọc” nhân sự. Hoạt động “thanh lọc” được áp dụng với cả cán bộ cao cấp và nhân viên.

Trước đó, rất nhiều ngân hàng đã công bố việc thay cán bộ cao cấp. Ví dụ Western Bank thông báo ông Đặng Đức Toàn, Tổng Giám đốc Western Bank, thôi chức.

Tại Techcombank, ghế Tổng giám đốc của ông Nguyễn Đức Vinh được thay bởi ông Simon Morris.  Hồi tháng 4 năm nay, ông Đỗ Minh Phú được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị TienPhong Bank,…

Mới đây, việc hàng loạt sếp bự như của Sacombank, Eximbank đồng loạt từ nhiệm để nhường ghế cho các gương mặt mới cũng gây xôn xao dư luận.

Vietinbank gây choáng khi sa thải 15 cán bộ Chi nhánh Bến Tre

Các sếp ở cấp thấp hơn cũng không tránh khỏi quá trình “thanh lọc”. Cách đây 4 tháng, Vietinbank gây sốc khi quyết định sa thải cả ban gồm 15 cán bộ Chi nhánh Bến Tre. Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank - ông Phạm Huy Hùng lý giải nguyên nhân sa thải là do chi nhánh Bến Tre có nhiều sai phạm trong điều hành nghiệp vụ, và để xảy ra nợ xấu lớn.

Sau khi “thanh lọc” nhân sự cao cấp, ngân hàng chuyển hướng sang nhân viên. Mới đây, giới ngân hàng đang truyền nhau lá thư nặc danh cho biết SeaBank cắt giảm nhân sự hàng loạt và ép nhân viên tự viết đơn xin nghỉ. Tuy nhiên, SeaBank khẳng định, không có chuyện này mà thậm chí vẫn đang tuyển dụng thêm.

Tuy nhiên, lời phủ nhận của SeaBank không đủ khiến nhân viên ngân hàng yên tâm. Tâm lý chung của nhiều người hiện nay là nơm nớp lo mất việc. Anh Nguyên, nhân viên của ngân hàng T cho biết ngân hàng có thông báo có thể cắt giảm 2.000 nhân sự toàn hệ thống trong năm nay.

Không chỉ cắt giảm nhân sự, với một số đối tượng khác, ngân hàng còn chuyển loại hình hợp đồng lao động thành 6 tháng không được hưởng trợ cấp, bảo hiểm. Nhân viên nào sắp hết hợp đồng sẽ không được ký tiếp.

Cách đây 2 tháng, chị Lê, nhân viên của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn khóc dở mếu dở vì ngân hàng cho biết sẽ cắt giảm nhân sự. Những ai mới ký hợp đồng sẽ “chia tay” đầu tiên. Chị Lê ký hợp đồng chưa được 1 năm nên chị đinh ninh mình có tên trong “danh sách đen”.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này chị may mắn khi vẫn giữ được công việc. Nhưng chị cho biết: “Lúc nào tôi cũng như ngồi trên đống lửa và chuẩn bị sẵn tinh thần thất nghiệp bất cứ lúc nào”.

Chị Hiền, nhân viên Oceabank cho biết ngân hàng này không cắt giảm nhân sự nhưng áp lực công việc cũng nhiều hơn.

Ngân hàng báo cáo lượng nhân viên vẫn tăng

Trong một số lượng không nhỏ nhân viên ngân hàng phải “ra đường” thì các ngân hàng vẫn báo cáo lượng nhân sự tăng đều. Trong đó đáng kể nhất là SHB. Theo báo cáo tài chính quý 3/2012, tính đến ngày 30/9/2012, nhân sự của ngân hàng này là 4.949 người, tăng 2.190, tương ứng 74,26% so với con số 2.840 đầu năm và tăng 2.463 người, tương ứng 99% so với con số 2.486 người cùng kỳ năm ngoái.

Theo từng quý, nhân sự của ngân hàng này tăng đều đặn. Đầu năm 2011, SHB mới chỉ có 1.880 nhân viên. Nhân sự tại SHB trong quý 3/2012 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và so với đầu năm là điều dễ hiểu vì cuối năm nay, SHB đã sáp nhập với Habubank. Một lượng không nhỏ nhân viên tại Habubank đã chuyển sang SHB.

Vietinbank là ngân hàng tuyển khá nhiều trong thời gian qua. Tổng số cán bộ, công nhân viên của Vietinbank đến ngày 30/9 là 18.991người, tăng 1.120 người so với con số 17.871 cùng kỳ năm ngoái và tăng 849 người so với quý 2.

Nhân sự của VCB cũng tăng so với năm ngoái. Lượng nhân viên của VCB “chốt” ngày 30/9/2012 ở mức 13.170 người, tăng nhẹ so với con số  12.181 người ngày 31/12/2011 và tăng nhẹ so với con số 12.508 người quý 2/2012. Như vậy, tính theo từng quý, VCB vẫn duy trì được đà tăng về mặt nhân sự. Vì nhân sự tại VCB rất lớn nên tốc độ nhân sự tại ngân hàng này không đáng kể.

Chốt ngày 30/9/2012, nhân sự tại Sacombank tăng từ 9.596 cùng kỳ năm ngoái lên 10.260 người, nhân sự tại ACB tăng từ 7.845 lên 10.109 người.

Một số ngân hàng khác cũng báo nhân sự tăng như Eximbank, Mbbank, PGBank,…

Trong khi đó, chỉ có Techcombank báo cáo nhân sự giảm. Trong quý 3, nhân sự ngân hàng này giảm tới 605 người so với quý 2 và giảm 1.067 người trong 9 tháng.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn