Thật lòng không muốn "Giáo sư" ra đi

Thể thaoThứ Hai, 20/02/2012 03:00:00 +07:00

Thế nên, thật lòng không muốn "Giáo sư" ra đi nhưng nếu yêu Arsenal thật lòng, hãy gọi tên để ông ra đi…


Thế nên, thật lòng không muốn "Giáo sư" ra đi nhưng nếu yêu Arsenal thật lòng, hãy gọi tên để ông ra đi…

1.
Có nhiều người nhìn vào thất bại chóng vánh của mùa giải này cùng chuỗi trắng tay tiếp tục kéo dài ở Arsenal như là lỗi của Wenger. Họ muốn nhà cầm quân người Pháp phải ra đi để hy vọng được thấy một Arsenal đổi mới. Ở cương vị của một CĐV hâm mộ cuồng nhiệt, đòi hỏi ấy là chính đáng. Nhưng cuộc sống nhiều chiều và đa dạng lắm! Trách Arsene Wenger dễ, nhưng cảm thông với ông thì khó vạn lần.


Cứ cho là chính sách thắt lưng buộc bụng là con đẻ của HLV này đi nữa thì xét cho cùng, đó cũng là một chính sách tốt, ở khía cạnh xây dựng đội bóng như một thương hiệu hay cỗ máy kinh doanh. Hãy thử đặt ra câu hỏi này và tự trả lời, ta sẽ hiểu rõ hơn tình cảnh của Arsene Wenger. Nếu ông ra đi và một HLV mới đến, liệu người mới có tiêu tiền bạt mạng hơn ông để mang về những siêu sao? Khó đấy. Vì bản thân những cổ đông mới và cũ của Arsenal ưa thích cổ phiếu của CLB hơn các đội bóng khác, vì ở đó có Arsene Wenger, một người luôn đảm bảo rằng hạng mục đầu tư của các cổ đông là sáng suốt. Người mới tới cũng buộc phải vận hành CLB theo lề thói cũ mà HLV Wenger đã phải chấp nhận. Đó là chi thật ít mà vẫn đảm bảo có thể kiếm vé dự Champions League mỗi mùa.

 

2. Nhưng nếu nói theo cách bênh vực như thế thì hóa ra ông là người không thể thay thế sao? Ở đời không ai là không thể thay thế cả và "Giáo sư" cũng chẳng thể là ngoại lệ. Vẫn sẽ có những HLV, nổi danh hoặc chưa nổi danh, có thể đảm đương tốt hơn ở vị trí công việc đòi hỏi sự khắt khe trong chi tiêu như ở Arsenal. Vấn đề của Arsene Wenger hay Arsenal không hoàn toàn nằm ở cách tiêu tiền mà còn nằm ở triết lý bóng đá nữa.

Arsene Wenger giống như một cuốn sách, một cẩm nang mà người ta phải đọc. Trong cuộc sống, ai cũng có những cẩm nang cho riêng mình và phần lớn cứ suy nghĩ cẩm nang nào càng lâu năm càng có giá trị. Thì đúng, làm sao tìm ra thứ kiểm chứng giá trị hay hơn thời gian đây? Thế nên, người ta thích những cẩm nang cũ, dưới cái mác bóng bẩy là kinh điển, mà quên đi mất một điều vô cùng cơ bản.

Khi người viết một cẩm nang sau này được cho là kinh điển, người ấy lấy dữ liệu từ bối cảnh xung quanh mình. Nhưng bối cảnh của người viết và bối cảnh của người đọc sau này đã thay đổi rất nhiều. Ví như một cuốn sách của Kant, của Nietzsche hay của Hegel vậy. Ở bối cảnh của họ, máy tính cá nhân chưa có, các thiết bị kỹ thuật số chưa xuất hiện, internet chưa tồn tại và sự tương tác cá nhân cũng chỉ là cảm thức thân thể. Còn bối cảnh của giới trẻ hôm nay đã khác. Vậy thì “kim chỉ nam” của các tiền bối liệu có còn chuẩn xác?

3. Arsene Wenger như một kim chỉ nam đã khác bối cảnh so với bóng đá ngày hôm nay. Ông là người vạch ra chiến lược cho Arsenal nhưng cũng là một chiến thuật gia phải ra trận. Và ở cương vị đó, ông thua nhiều hơn thời xa xưa rất nhiều lần. Vậy thì cái kim chỉ nam mang tên Arsene Wenger có đáng để được coi là lạc hậu?

Không ai thích nhìn thấy tượng đài của mình bị đập bỏ và nhiều người không muốn Arsene Wenger ra đi. Nhưng có lẽ, thời cuả ông đã đi qua, giống như một loạt tên tuổi HLV tiền bối của ông cũng vậy. Và sự đi qua ấy là tất yếu của công cuộc phát triển xã hội. Chống lại nó và sự vận động của nó chính là đi ngược lại xu thế.

Thế nên, thật lòng không muốn "Giáo sư" ra đi nhưng nếu yêu Arsenal thật lòng, hãy gọi tên để ông ra đi…

Hà Quang Minh (Bongdaplus)

Bình luận
vtcnews.vn