‘Thành phố đá núi’ bí ẩn, kỳ vĩ nhất hành tinh

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 01/04/2013 11:24:00 +07:00

(VTC News) - Những công trình kiến trúc của Petra đều bằng đá sa thạch, rất nhiều trong số đó được tạo nên bằng cách đẽo gọt trực tiếp vào lòng núi.

(VTC News) - Những công trình kiến trúc của Petra đều bằng đá sa thạch, rất nhiều trong số đó được tạo nên bằng cách đẽo gọt trực tiếp vào lòng núi.


Những công trình kiến trúc kỳ vĩ được tạo nên bằng cách đẽo gọt trực tiếp vào các vách đá sa thạch rực rỡ đủ màu tại một khu vực xa xôi hẻo lánh thuộc đất nước Jordan. Một thành phố cổ đã trở thành hoang phế từ hàng ngàn năm trước.

Đó là thành Petra kỳ lạ và bí ẩn – bối cảnh thực tế của bộ một phim bom tấn Hollywood một thời.

Nằm giữa những hẻm núi gồ ghề trong khu vực sa mạc khô cằn và hoang vắng của vùng Tây Nam vương quốc Jordan, Petra từng có thời kỳ phát triển thịnh vượng.

Hình ảnh một người đang đứng trước cửa của tu viện bên trong thành phố cổ Petra đã cho thấy kích thước kỳ vĩ của tòa nhà cổ. Tu viện này được đế chế Nabataeans tạo nên bằng cách chạm khắc vào một ngọn núi đá sa thạch vào khoảng thế kỷ II và được gọi là El-Deir.  
Thành phố này đã từng là một trung tâm thương mại tấp nập, địa điểm trung chuyển quan trọng của những tuyến đường giao thương giữa phương Đông và phương Tây. Petra đồng thời cũng là thủ đô của đế chế Nabataean trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ nhất TCN.

Điều đặc biệt là những công trình kiến trúc của Petra đều bằng đá sa thạch, rất nhiều trong số đó được tạo nên bằng cách đẽo gọt trực tiếp vào lòng núi.

Quy mô và kích thước của những công trình nơi đây cũng cự kỳ ấn tượng. Những hàng cột kỳ vĩ, những mái vòm khổng lồ… được đẽo gọt, chạm khắc với độ chính xác và tinh xảo đáng ngạc nhiên.
Mái vòm được đẽo gọt từ một đỉnh núi có niên đại hơn hai ngàn năm trước  
Tuy nhiên, vì những nguyên nhân bí ẩn nào đó, thành Petra đã bị bỏ hoang và phải chịu cảnh tàn phá trong nhiều thế kỷ. Nó chỉ được người phương Tây biết đến lần đầu tiên vào khoảng đầu thế kỷ XIX, khi một khách du lịch châu Âu hiếu kỳ cải trang trong trang phục của những người Ả-rập truyền thống để đi sâu khám phá những khu vực bí ẩn của vương quốc Jordan.

Đến năm 1985, nơi này được quy hoạch thành di chỉ khảo cổ Petra Park và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Sau đó vào năm 2007, Petra cũng được vinh danh là một trong bảy kỳ quan mới của thế giới.

Phim trường Indiana Jones trứ danh!

Khi tiến hành thực hiện bộ phim bom tấn “Indiana Jones và cuộc thập tự chinh cuối cùng”, những nhà xuất phim Hollywood đã lựa chọn thành phố cổ Petra làm bối cảnh cho rất nhiều cảnh quay.

Hình ảnh hư cấu “Hẻm núi Trăng lưỡi liềm” trong bộ phim đã được tạo dựng dựa trên mô hình của của những lối vào phía đông thành Petra.
Những bức tranh được khảm trên nền nhà thờ có niên đại từ thế kỷ thứ năm 
Đó là một hẻm núi sa thạch dựng đứng có chiều cao lên tới 76 mét được gọi là hẻm Siq. Lối đi này trực tiếp dẫn một đến khu vực được gọi là Al Khazneh trong thành Petra.

Nơi này cũng được đánh giá là có cảnh quan tuyệt đẹp nhất trong số hàng chục cảnh quan ngoạn mục khác của thành phố bí ẩn này.

Trong cảnh cao trào ở cuối bộ phim, các diễn viên Harrison Ford và Sean Connery xuất hiện đột ngột ngay trước hẻm núi Siq để đi sâu vào mê cung Al Khazneh với nhiệm vụ tìm kiếm Chén Thánh.

Đó thực sự là những thước phim rất hoành tráng trên nền khung cảnh của Petra, dù thực tế thì rõ ràng là không thể so sánh được với cảnh trong phim của Hollywood.

Al Khazneh thực ra không còn lại gì nhiều ngoài một mặt tiền của công trình cùng với một hội trường tương đối nhỏ, nơi từng có lần được sử dụng như là một ngôi mộ hoàng gia.
Những cảnh quan đã góp phận tạo nên bối cảnh hoành tráng của bộ phim bom tấn “Indiana Jones”  
Một cái bình khổng lồ được chạm khắc vào phía trên lối vào của Al Khazneh mang dấu tích của hàng trăm vết đạn bắn.

Theo những người thuộc bộ lạc Bedouin sinh sống tại địa phương thì đó là thiệt hại gây ra do những kẻ bất lương định dùng súng trường phá vỡ cái bình để tìm kiếm của cải bên trong. Đương nhiên kết quả là vô ích bởi thực tế cái bình này chỉ là hình ảnh được chạm khắc trên đá rắn.

Hiện vẫn còn hàng chục những ngôi mộ, những cấu trúc chạm khắc và các công trình xây dựng tồn tại bên trong di tích Petra.

Một xã hội tiên tiến


Quốc gia Nabataeans trước khi bị chinh phục và sát nhập vào đế chế La Mã đã từng kiểm soát một khu vực rộng lớn tại Trung Đông, kéo dài lãnh thổ Israel và Jordan hiện nay cho tới tận bán đảo Ả-rập ở phía Bắc.

Họ cũng có một nền văn hóa và khoa học kỹ thuật tương đối phát triển. Những công trình kiến trúc và văn hóa như đền thờ, lăng mộ hay thậm chí là cả quảng trường, nhà hát… được xây dựng khắp nơi trong thành Petra.

Ngoài ra, dấu tích của một số công trình dân sinh khác như là bể chứa nước, kênh mương và hệ thống thủy lợi của họ hiện vẫn còn tồn tại rải rác khắp khu vực mãi cho đến tận ngày nay.
Dấu tích của một công trình có chức năng như là một nhà hát của người Nabataean  
Tuy nhiên, hiện tại rất nhiều di chỉ khảo cổ quý giá vẫn còn nằm dưới mặt đất. Những nhà khảo cổ mới chỉ phát hiện ra được khoảng 15% di chỉ của thành phố, còn lại phần lớn vẫn đang ẩn sâu trong lòng đất với những câu chuyện kỳ thú của mình.

Một số những cuộn sách da lừa ghi chép bằng tiếng Hi Lạp có niên đại tương đương với thời kỳ Byzantine đã được phát hiện khi khai quật một nhà thờ gần đền Lion Winger ở Petra vào tháng 12 năm 1993.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu phương Đông của nước Mỹ hiện đang cố gắng phân tích những ghi chép này với hy vọng sẽ làm sáng tỏ thêm nhiều điều về cuộc sống ở Petra hơn 2 ngàn năm trước.

Sau khi bị thôn tính bởi người La Mã vào năm 106 CN, tầm quan trọng của thành Petra trên con đường giao thương thương mại giữa phương Đông và phương Tây bắt đầu suy yếu dần.

Bên cạnh đó, những tuyến giao thương đường biển cũng ngày càng lớn mạnh, cộng với sự tàn phá của các thảm họa tự nhiên như động đất và hạn hán… càng làm cho Petra suy thoái nhanh chóng.
Một người phụ nữ Bedouin đang nấu bữa tối cho gia đình, nước sạch cô dùng được lấy từ một bể chứa mà người Nabataean đã xây dựng từ hàng ngàn năm trước  
Thành Petra một thời hưng thịnh đã lụi tàn và có lẽ là đã tan rã vào khoảng những năm 700 CN.

Những du khách viếng thăm thành Petra ngày nay có thể nhận thấy sự pha trộn trong phong cách kiến trúc giữa nền văn hóa Nabataean với phong cách Greco-Roman mà người La Mã đã mang theo cùng với công cuộc xâm lấn của mình.

Điều này được thể hiện khá rõ trên những ngôi mộ cổ còn sót lại trong thành phố, mặc dù hầu hết những ngôi mộ này cũng đã bị cướp phá bởi những tên trộm trong suốt nhiều thế kỷ.

Ngày nay, những người Bedouin địa phương chuyên bán đồ lưu niệm cho khách du lịch vẫn bày bán sản phẩm của mình ngay bên cạnh địa điểm mà người Ả-rập tin là nơi nhà tiên tri Moses đã đập cây gậy của mình vào hòn đá khiến nước biển rẽ làm đôi.


Thái Hồ

Bình luận
vtcnews.vn