Thanh Hóa: Dân phản đối dự án, tỉnh họp khẩn

Thời sựThứ Tư, 02/03/2016 06:31:00 +07:00

Hàng trăm người dân xã Quảng Cư, phường Trung Sơn (Thị xã Sầm Sơn) kéo lên trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để phản đối tập đoàn FLC lấy bãi biển làm dự án khiến họ “mất kế sinh nhai”.

(VTC News) - Hàng trăm người dân xã Quảng Cư, phường Trung Sơn (Thị xã Sầm Sơn) kéo lên trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa để phản đối tập đoàn FLC lấy bãi biển làm dự án khiến họ “mất kế sinh nhai”.

Dân vây trụ sở, UBND tỉnh họp khẩn

Liên tục từ các ngày 26/3 đến 2/3/2016, hàng trăm người dân thuộc xã Quảng Cư, phường Trung Sơn (Thị xã Sầm Sơn) đã kéo nhau lên trước trụ sở UBND tỉnh nhằm phản đối việc chính quyền giao cho tập đoàn FLC khai thác tuyến bờ biển sầm uất nhất Sầm Sơn.

Việc này khiến người dân ở đây lo sẽ “mất kế sinh nhai”, đặc biệt là nghề đánh bắt cá cũng gặp rất nhiều khó khăn vì theo quy hoạch lối ra biển và neo đậu tầu thuyền của ngư dân phải di chuyển cách xa tới 10km so với bến đỗ truyền thống từ bao đời nay.

Ông Trương Như Năm đang trao đối với PV
Ông Trương Như Năm đang trao đối với PV 

Ghi nhận của PV báo VTC News, ngay trong chiều 2/3, hàng trăm người dân đã từ Thị xã Sầm Sơn kéo lên thẳng trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa. Họ mang theo chiếu bạt và những lá đơn kiến nghị để gửi lên những người có chức có quyền của tỉnh này. Lực lượng an ninh nhanh chóng phong tỏa các con đường dẫn vào khu vực trụ sở UBND tỉnh.

Những hàng rào được lập để ngăn các phương tiện lưu thông. Lực lượng CSGT, an ninh đã được huy động để đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Sự việc chấn động tỉnh Thanh Hóa này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng xác nhận sự việc như trên.

Dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương (thị xã Sầm Sơn) đang triển khai khiến nhiều người dân phản đối

Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Trước mắt, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho ngư dân các xã bị ảnh hưởng bởi dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, TX Sầm Sơn” (dự án) như giải bản tàu, thuyền dưới 20 CV, hỗ trợ đóng mới, mua mới tàu cá có công suất từ 30 CV đến dưới 400 CV.”

Cụ thể, ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Trường Sơn và phường Bắc Sơn  bị ảnh hưởng bởi dự án phá bỏ tàu thuyền và cam kết không đóng mới, mua mới sử dụng tàu thuyền có công suất máy dưới 30 CV. Mức hỗ trợ với gia đình có bè là 70 triệu đồng, gia đình có mủng là 50 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ ổn định cuộc sống trong vòng 6 tháng với mức 30kg/tháng. Những gia đình thực hiện sớm sẽ được hỗ trợ thêm từ 10 -12 triệu đồng.

Đối với ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu, thuyền có công suất lớn từ 30 – 400 CV sẽ được hỗ trợ 35% giá trị đóng tàu mới, mua tàu cá và hỗ trợ vay vốn ngân hàng mới lãi xuất 7%/năm.

Ông Tuấn cho biết, Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 315 tỷ đồng, triển khai theo mô hình BOT (chủ đầu tư bỏ tiền ra xây dựng, kinh doanh) và FLC là đơn vị được lựa chọn với thời gian khai thác là 29 năm.

Lo mất kế sinh nhai

Để nắm rõ vấn đề, PV đã trực tiếp liên hệ tìm về ghi nhận ý kiến của người dân tại xã Quảng Cư (TX Sầm Sơn), người dân nơi đây đều bày tỏ nguyện vọng được các cấp chính quyền tạo điều kiện để lại 500m dọc bờ biển lấy chỗ làm bãi neo đậu tàu thuyền, đảm bảo mưu sinh.

Ông Trương Như Năm, người dân thôn Hồng Thắng cho biết: "Bốn đời cha ông chúng tôi đều làm nghề chài lưới để mưu sinh ở Sầm Sơn. Nhưng tỉnh Thanh Hóa, Thị xã Sầm Sơn đã định lấy về giao cho FLC làm dự án. Họ lấy hết toàn bộ bến thuyền rồi chuyển chúng tôi đến tận bến Quảng Hùng xa cách 10 km. Đánh bắt nhỏ lẻ bằng mủng, mỗi ngày kiếm được vài chục, vài trăm để lo cho gia đình, bây giờ chuyển bến đi cả chục km thì chúng tôi biết sống thế nào, làm sao vác mủng đi xa thế, hay lại phải thuê xe chở đi? Chúng tôi chỉ mong chính quyền để chúng tôi 4 xã, phường khoảng 500m trong tổng 3,5 km để chúng tôi sinh sống nhưng không ai đồng ý”.

Khi được thông tin về phương án hỗ trợ mà UBND tỉnh thông báo, nhiều người dân vẫn không dấu hết lo lắng. Ông Ngô Hữu Nhâm, 60 tuổi cũng là ngư dân thôn Hồng Thắng xã Quảng Cư, bày tỏ: "Sống chết, chúng tôi cũng phải bám lấy biển, bám đất quê hương, không có biển chúng tôi biết sống thế nào, tiền hỗ trợ tiêu một vài ngày là hết. Nếu họ lấy hết đất bãi biển thì hàng nghìn con người chúng tôi không biết sống ra sao. Trước họ về giăng phao cấm biển không cho ai đi qua biển, giờ còn bến bãi họ định lấy cả”.

Gốc rễ vấn đề vẫn là kế sinh nhai của người dân nơi đây, tại sao UBND tỉnh Thanh Hóa lại đưa ra hỗ trợ phá bỏ tàu thuyền đánh cá trong khi cả nước đang vận động khuyến khích, và tiền thuế của người dân đóng góp lại đem hỗ trợ cho lợi ích doanh nghiệp? câu trả lời xin dành cho cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn