“Thần dược ung thư” giảo cổ lam trị… giun sán (?!)

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 15/04/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Giảo cổ lam được đồng bào ở Sapa sử dụng như một loại thuốc trị giun sán. Cứ sắc giảo cổ lam uống hàng ngày, các loại giun sán sẽ bị đào thải.

(VTC News) - Giảo cổ lam được đồng bào ở Sapa sử dụng như một loại thuốc trị giun sán. Nếu ai mắc giun sán, cứ sắc giảo cổ lam uống hàng ngày, các loại giun sán sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể.

 

Giảo cổ lam được trồng như cỏ ở Viện Dược liệu (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). 
VTC News đã từng có một số bài viết về ông Trần Ngọc Lâm, người sống cùng gấu trong rừng Hoàng Liên Sơn để tìm cây thuốc chống chọi với căn bệnh ung thư phổi quái ác.

Ông Trần Ngọc Lâm cũng chính là người đã phát hiện và sử dụng cây giảo cổ lam ở Hoàng Liên Sơn cùng với nhiều vị thuốc quý khác để tự chữa bệnh cho mình.

Người dân ở Sapa thì đã dùng cây thuốc này từ hàng trăm năm nay như một thứ nước uống thông thường. Đồng bào gọi nó là cây bổ đắng (đơn giản vì nó rất đắng). Tác dụng mà đồng bào thấy rõ nhất ở loài cây này là chữa mụn nhọt do tính chất giải độc mạnh, làm mát cơ thể. Ngoài ra, giảo cổ lam còn được đồng bào nơi đây sử dụng như một loại thuốc trị giun sán. Nếu ai mắc giun sán, cứ sắc giảo cổ lam uống hàng ngày, các loại giun sán sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể.
Đồng bào ở Sapa dùng giảo cổ lam để trị giun sán. 

Tuy nhiên, giảo cổ lam chỉ thực sự trở nên nổi tiếng, được nhiều người quan tâm, khi GS Phạm Thanh Kỳ phát hiện và công bố bằng những công trình nghiên cứu cấp Nhà nước.

Tôi đã có nhiều ngày lang thang trong rừng Hoàng Liên Sơn cùng ông Trần Ngọc Lâm để tìm hiểu về cây thuốc này.

Theo ông Lâm, người Tây Tạng có khá nhiều bài thuốc trị bệnh ung thư, trong đó, phổ biến họ kết hợp dùng những loại cây như: kim tuyến, ngũ trảo long, mộc hoàng cô, giảo cổ lam, thúc cốt lam, bạch xà hoa, địa tàng thiên, đoái tâm bồng…
Ông Trần Ngọc Lâm là người đầu tiên phát hiện ra cây giảo cổ lam ở Việt Nam. 

Hiện tại, ông Lâm vẫn dùng những loại cây cỏ này để sắc nước uống và ông vẫn sống khỏe mạnh dù đã mắc ung thư phổi từ 20 năm nay.

Ông Lâm từng làm nghề lái xe siêu trường siêu trọng cho người Trung Quốc, chở hàng qua Tây Tạng sang các nước Tây Á. Trong thời gian sống ở vùng La Tư (thị trấn trên độ cao 4.000 của Tây Tạng), vào năm 1993, ông đã được các nhà sư Tây Tạng chữa bệnh và dạy cho bài thuốc này.

Các nhà sư Tây Tạng đã cho ông Lâm đi hái thuốc cùng trên dãy Hymalaya và chỉ dạy từng loại cây thuốc quý hiếm. Những loại cây thuốc vốn đã quý, lại sống trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt nên càng hiếm, càng chất lượng.
GS. Phạm Thanh Kỳ (bên phải) là người đầu tiên nghiên cứu kỹ lưỡng về cây giảo cổ lam (ảnh sưu tầm). 

Sau khi bệnh tình thuyên giảm, ông Lâm đã về nước cùng với một bao tải thuốc mà ông tự hái trên núi do các nhà sư chỉ dẫn.

Về nước, khi số thuốc mang về từ Tây Tạng hết, ông Lâm lại đổ bệnh nặng. Biết không sống được nữa, ông đã vào rừng Hoàng Liên Sơn để… chết.

Không ngờ, trong quá trình leo lên đỉnh Fansipan, ông Lâm đã phát hiện ra rất nhiều loại cây thuốc mà các nhà sư Tây Tạng dùng để điều trị ung thư. Riêng giảo cổ lam thì mọc bạt ngàn, từ chân núi lên đến đỉnh núi, khắp Hoàng Liên Sơn đâu đâu cũng thấy loài cây này mọc.
 
 
Các sản phẩm giảo cổ lam trên thị trường (ảnh sưu tầm). 

Cứ dùng đúng những loài cây mà ông từng sắc nước uống hồi ở Tây Tạng, bệnh tình của ông Lâm lại thuyên giảm và hiện ông vẫn sống chung khỏe mạnh với căn bệnh ung thư phổi quái ác.

Theo lời ông Lâm, cách đây hơn 10 năm, GS-TS. Phạm Thanh Kỳ (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội, Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu) dẫn sinh viên vào rừng Hoàng Liên thực tập và đã gặp ông Trần Ngọc Lâm.

Nghe ông Lâm kể về những cây thuốc quý, ông Kỳ đã bỏ công tìm hiểu. Ông đã ở lại nhiều ngày trong lán với ông Lâm để nghiên cứu về các loại cây thuốc và tìm hiểu bí quyết ông Lâm sống được với căn bệnh ung thư phổi suốt nhiều năm. Ông Lâm đã chỉ cho GS. Kỳ cây giảo cổ lam.

Sau khi được GS. Vũ Văn Chuyên xác định tên khoa học chính xác, GS Kỳ đã đăng ký đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và được cấp ngân sách để nghiên cứu về cây giảo cổ lam, phục vụ cho lợi ích quốc gia. Sự phát hiện này đã gây ra dư luận xôn xao một thời.

Ngoài việc công bố cây giảo cổ lam, ông Lâm còn công bố phát hiện của mình về một số loại cây thuốc quý khác nữa, trong đó có cây cỏ nhung, hay còn gọi là kim tuyến (lá hình trái tim và có nhiều đường chỉ lấp lánh như kim tuyến).
Tôi và ông Trần Ngọc Lâm phải đi bộ cả ngày trong rừng Hoàng Liên Sơn mới tìm thấy một cây cỏ nhung bé xíu. 

Việc tiết lộ cây cỏ nhung là sai lầm nhớ đời của ông Trần Ngọc Lâm. Người Trung Quốc biết Fansipan có cây này đã kéo sang thuê đồng bào Mông ở Sapa nhổ sạch.

Lúc đầu, người Trung Quốc thu mua với giá vài chục ngàn đồng/kg, sau đó nâng giá lên đến 500 ngàn, và cuối cùng là 1 triệu đồng/kg, vẫn để dính đất cát. Ông Lâm đã có nhiều năm sống và làm việc ở Trung Quốc và ông thấy người Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra số tiền 4-5 triệu đồng để mua một kg cỏ nhung tươi để dùng cho bài thuốc trị ung thư.

Thời kỳ đó, người Mông ở Sapa bỏ hết ruộng nương vào rừng Hoàng Liên Sơn để tìm loại cây này bán sang Trung Quốc. Vì thế, từ chỗ cây cỏ nhung mọc rất nhiều trong rừng Hoàng Liên Sơn, giờ thì đã sạch bách. Do đó, theo ông Lâm, giá trị tiền triệu ở Trung Quốc và Nhật Bản chỉ là cây cỏ nhung, chứ không phải là cây giảo cổ lam.
Người dân Sapa tỉ mỉ gieo trồng cây cỏ nhung trong những chai nhựa. 

Tôi và ông Trần Ngọc Lâm cùng ông Lê Trọng Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Du lịch Sapa, cuốc bộ cả ngày trong rừng Hoàng Liên Sơn mới kiếm được một cây cỏ nhung bé bằng cọng tăm.

Theo quan điểm của ông Lâm, trong số những bài thuốc điều trị ung thư mà ông Lâm học được từ các nhà sư bên Tây Tạng thì cây cỏ nhung mới là cây cực quý, tiếp theo là cây ngũ trảo long, còn giảo cổ lam hiện đang bán tràn lan ở thị trường trong nước là cây rẻ tiền nhất trong số những cây thuốc trong bài thuốc điều trị bệnh ung thư mà ông Lâm học được từ các nhà sư Tây Tạng.




Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn