Thăm tổng hành dinh của "vua thuốc phiện" lớn nhất TG

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 06/07/2010 09:15:00 +07:00

Trong lịch sử tội phạm thế giới, hiếm có kẻ nào bị cả thế giới căm ghét như Khun Sa, người có nhiều biệt danh: "Vua thuốc phiện"; "Hoàng tử chết"...

Trong lịch sử tội phạm thế giới, hiếm có kẻ nào bị cả thế giới căm ghét pha lẫn sự sợ hãi như Khun Sa, người có nhiều biệt danh: "Vua thuốc phiện"; "Hoàng đế không ngai"; "Hoàng tử chết"... Thế giới căm ghét hắn bởi lượng ma túy mà hắn sản xuất ra đã đầu độc hàng triệu người trên toàn cầu. Cái họa mà hắn gây ra cho nhân loại còn kéo dài nhiều năm nữa. Còn người ta sợ hắn là bởi vì để có đồng tiền, hắn không từ bất cứ một thủ đoạn tàn độc nào...


Nhưng với những người dân nghèo vùng Tam Giác Vàng thì Khun Sa lại là người được "kính trọng" vì hắn đã mang lại "miếng cơm, manh áo" cho cả trăm ngàn người, xung quanh nhân vật này có khá nhiều nguồn thông tin và thực sự cũng rất khó kiểm chứng độ chính xác của các thông tin này, ngay cả cái chết của hắn.

Hôm làm việc tại Cục Điều tra TPMT của Bộ An ninh Lào, tôi có hỏi Trung tá Khăm Tăn rằng Khun Sa đã chết, vậy ai là kẻ "nối ngôi"? Trung tá Khăn Tăn nói ngay: "Theo các phương tiện thông tin đại chúng thông báo thì Khun Sa chết ngày 26/10/2007 tại nhà riêng ở cố đô Răng-gun của Myanmar bởi bệnh tiểu đường, cao huyết áp và đã bị liệt nửa người. Ngày 31/10, lễ tang của hắn đã được tổ chức đơn giản.
Tác giả mặc thử chiếc áo của Khun Sa. 

Tuy nhiên, theo những gì mà chúng tôi biết thì chưa lấy gì đảm bảo là cái xác nằm trong quan tài kia lại đúng là Khun Sa. Hơn nữa, hoạt động sản xuất buôn bán ma túy tại vùng Tam Giác Vàng trong năm qua cho thấy có nhiều "bài bản" mang "phong cách" Khun Sa.

Người được coi là kế vị "ngôi vua" của Khun Sa là Wangden (Voòng Đơ). Wangden là kẻ tàn ác khét tiếng và vừa qua, chính hắn là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ cướp bóc, tống tiền ở vùng ngã ba biên giới. Nếu anh đến được khu nhà cũ của Khun Sa gặp được người thân của ông ta hỏi chuyện thì may ra có thêm được điều gì chăng".

Gợi ý của Khăm Tăn như một "liều thuốc lắc", khiến tôi nung nấu ý định phải đến bằng được nhà Khun Sa, mặc dù thời điểm này, Cảnh sát Thái Lan cấm tất cả mọi người đến đó.

Trên bản đồ, khu nhà của Khun Sa nằm trong "làng Khun Sa" tại Me Sai, huyện Chiang Sean, tỉnh Chiang Rai và rất sát đường biên giới với Myanmar. Từ thị xã Chiang Rai đi lên đó chỉ chưa đầy 70km, nhưng đường đèo dốc, quanh co liên tục.

Từ năm 1996, sau khi Khun Sa ra hàng Chính phủ Myanmar thì chính quyền tỉnh Chiang Rai đã cho mở lại con đường lên Me Sai và biến khu làng Khun Sa cũng như toàn bộ cơ ngơi của hắn thành một điểm du lịch. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở và nhất là tình hình an ninh ở khu vực này luôn chứa đựng những tai họa bất ngờ từ đám tàn quân của Khun Sa, cho nên chỉ có những du khách có máu phiêu lưu mạo hiểm mới dám đến.

Trên đường chúng tôi đến "tổng hành dinh" của Khun Sa có đến 5 trạm gác của cảnh sát và quân đội Thái Lan. 4 trạm đầu thì việc kiểm tra khá đơn giản, nhưng đến trạm cuối cùng, là nơi còn cách "tổng hành dinh" 5 km thì lại khác. Sau khi kiểm tra giấy tờ của tôi, viên chỉ huy từ tốn khuyên tôi là không nên vào đó.

Anh ta cho biết là chiều hôm qua đã có một tốp du khách người Pháp vào đó và đã bị lột sạch máy ảnh, máy quay phim... Thủ phạm là ai thì chỉ có hồn ma của Khun Sa mới biết. Mà đấy cũng là còn may, vì chưa ăn đạn của một tay súng bắn tỉa nào đó nấp trong rừng già. Nhưng rồi khi thấy tôi quyết đi, anh ta dặn dò người phiên dịch của tôi rằng, chỉ nên vào trong đó ngắm nghía dăm ba phút rồi "biến" ngay. Và tốt nhất là nên để lại hết tiền bạc, máy ảnh, điện thoại ở lại trạm, như vậy nếu có xảy ra chuyện gì thì cũng "đỡ thiệt hại".
Khu "Tổng hành dinh" của Khun Sa. 

Ối giời ơi, đi viết phóng sự mà lại phải để máy ảnh ở một chỗ thì còn ra gì nữa? Tôi không nghe anh ta và đề nghị giúp tôi bằng cách là cử hai người lính nữa đi cùng, tất nhiên là sẽ có chi phí thỏa đáng. Anh đội trưởng ra bàn với mấy người lính khác một lúc lâu rồi quay lại từ chối. Tuy nhiên, anh ta cho Kha số điện thoại di động và dặn dò, nếu có gì bất trắc thì gọi ngay.

Trên đường vào đó, thú thật là tôi cũng hãi, nhưng Kha thì lại dửng dưng như không. Tôi hỏi, Kha cười: "Bây giờ mới là hơn 7 giờ sáng, người ta còn chưa ra khỏi nhà đâu... Hơn nữa, tôi quen biết cháu Khun Sa và em vợ Khun Sa. Họ đang ở gần đấy, cho nên anh không phải lo lắm".

Đường vào "làng Khun Sa" thật đẹp và ngay bên ngoài có một "cổng làng" đề chữ "Làng Khun Sa". "Cổng làng" này do Khun Sa xây từ khi kéo quân về chiếm vùng đất này làm khu căn cứ. Ngày xưa, không biết cổng có đề chữ gì không nhưng sau này chính quyền cho tu sửa lại và đề chữ như vậy để thu hút khách du lịch. Đường xuyên qua làng là đường độc đạo. Nhà cửa ở đây khá đẹp, khang trang và có rất nhiều ôtô sang trọng, ăngten chảo thu sóng truyền hình qua vệ tinh. Phía xa, trên một quả đồi là tượng Phật ngồi sừng sững in lên nền trời xanh. Tượng này nghe nói là của Khun Sa xây dựng từ năm 1992.

Cứ nhìn mọi thứ trên đường thì ngay sự hiện diện của ma túy, bởi lẽ nếu chỉ sống dựa vào nông nghiệp thì chắc chắn cư dân của vùng "khỉ ho, cò gáy" này không thể có tiền mua ôtô, xây nhà lầu ngất ngưởng như vậy. Cái nghèo ở đây hiển hiện ở chợ giữa làng: chỉ toàn rau, khoai lang, ngô, bí đỏ, dưa chuột, dưa gang, măng... Nhưng khi hỏi mới biết rau này cũng là chở từ dưới đồng bằng lên.

Từ giữa làng, có biển chỉ dẫn đi vào "tổng hành dinh" Khun Sa. Sau khi qua một con dốc dựng ngược và đi như chui vào vòm cây rừng, chúng tôi đã tới "tổng hành dinh".
Tượng Khun Sa. 

Trước kia, tôi cứ tưởng "tổng hành dinh" của Khun Sa phải bề thế lắm bởi báo chí đã mô tả nó là một cung điện nguy nga xây bằng đá trắng, xung quanh là công viên với những "kỳ hoa dị thảo", nhưng bây giờ được tận mắt nhìn thấy thì tất cả lại khác hẳn. Đó là 4 dãy nhà một tầng, mái lợp tôn nằm dựa lưng vào núi và chìm nghỉm trong một khu rừng toàn cây phượng đang vào mùa khô, xơ xác lá.

Quả thật, với vị trí này và được cây rừng che phủ thì từ trên cao, không thể nào phát hiện ra được. Phía ngoài cửa có một mảnh bom lớn, trên đó khắc dòng chữ 1952. Hóa ra là từ năm 1952, Khun Sa đã về đóng dinh ở đây và bị không quân Myanmar thả bom do có chỉ điểm.

Sau này, đến năm 1973 khi thoát khỏi nhà tù của Myanmar trong cuộc giải thoát ngoạn mục (chúng tôi sẽ đề cập đến ở phần sau) thì Khun Sa về Me Sai xây dựng lại khu "tổng hành dinh" này. Khun Sa cùng 2 người vợ, 8 người con đã ở đây suốt từ năm 1973 cho đến năm 1995 và gây dựng nên "làng Khun Sa" tại đây.

Phía bên ngoài, trên một mảnh đất phẳng, đối diện với khu nhà bếp cũ, là một bức tượng Khun Sa đang cưỡi ngựa đã dựng xong. Có vài ba công nhân đang xây tường và lát nền. Kha cho biết bức tượng này là của những người thân trong nội tộc Khun Sa góp tiền.

Kha chạy đi tìm được cô cháu gái của Khun Sa tên là Wan. Cô là cháu gọi Khun Sa bằng cậu. Khi chúng tôi đặt vấn đề vào thăm nhà Khun Sa, cô lắc đầu quầy quậy. Nhưng rồi Kha cũng thuyết phục được cô và kèm theo ít "bồi dưỡng", cô tươi tỉnh hơn và mở toang tất cả cửa các gian nhà cho chúng tôi.

Ngày xưa ông "Hoàng đế không ngai" có của chìm của nổi cất giấu ở đâu thì không biết chứ nhìn đồ đạc và các thứ vật dụng còn lại nơi này thì thể hiện rõ cuộc sống chui lủi, tạm bợ của kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới. Khun Sa hẳn phải là người cao trên một mét tám mươi, bởi vì chiếc áo varơi màu ngà của ông ta, tôi mặc thử thấy dài gần chạm đất. Mấy chiếc áo khoác, khoảng chục chiếc áo sơ mi; ít bát đĩa, ấm chén, 2 thanh kiếm trên tường, chiếc giường đệm lò xo dài đến 2.1 mét và trên đó còn để chiếc máy quay phim 8 ly nhãn hiệu Canon đã hoen gỉ... Đó là những thứ còn lại của Khun Sa.
Người cháu gái của Khun Sa chịu trách nhiệm trông nom khu bảo tàng. 

Cô Wan dẫn tôi đi thăm phòng họp, phòng ngủ của lính bảo vệ, rồi khu nhà bếp, nhà vệ sinh và cả phòng thờ tượng Phật,... ở đây người ta trưng bày khá nhiều ảnh của Khun Sa cũng như các ảnh về hoạt động xưa kia của vùng Tam Giác Vàng.

Thế rồi khi xuống bếp, tôi gặp một người đàn bà đứng tuổi, khá to béo có tên ngắn gọn Ing. Hỏi ra mới biết bà Ing là người đã nấu ăn cho Khun Sa suốt từ năm 1974 cho đến khi Khun Sa ra đầu hàng Chính phủ Myanmar.

Cũng chẳng chút e dè, bà kể cho tôi nghe về Khun Sa với giọng đầy nuối tiếc và kính trọng. Những câu chuyện của bà kể nghe thật lý thú và thực sự có nhiều điều không giống như những lời đồn đại bấy lâu nay về Khun Sa. Tôi cũng hiểu tâm trạng của bà, bởi lẽ bà nấu ăn cho Khun Sa hơn 20 năm, cho nên tất cả buồn, vui, lo lắng của Khun Sa trong cuộc chiến đấu sinh tử với chính quyền Myanmar, Thái Lan và lực lượng chống ma túy của Mỹ... chắc chắn bà là người hiểu rõ hơn ai hết. Hơn nữa, cả gia đình nhà bà đều làm cho Khun Sa. Người chồng phục vụ trong đội bảo vệ của Khun Sa và đã chết năm 1994 trong một vụ đụng độ với lính Myanmar. Hai người con của bà bây giờ còn đang đi học.

Trước đây, gia đình bà làm việc cho Khun Sa không hề có lương, nhưng được Khun Sa nuôi ăn, ốm đau thì đi chữa bệnh... Bà biểu thị lòng trung thành với Khun Sa tuyệt đối bằng cách ăn trước tất cả những món ăn đã nấu dành cho ông ta. Rau cho Khun Sa ăn cũng do tay bà trồng ở một mảnh vườn nhỏ sau núi. Thịt gà, thịt bò cho bữa ăn của Khun Sa cũng do bà nuôi...

Đang say sưa nghe bà kể chuyện thì chúng tôi thấy có 2 người phóng ngựa đến và nhìn chúng tôi bằng con mắt tò mò, rồi họ lại đi ngay. Người phiên dịch của tôi chột dạ hỏi bà Ing: "Ai đến đó?". Bà bảo, đó là 2 người ở trong đội bảo vệ cũ của Khun Sa. Nghe vậy, Kha bảo tôi: "Cần nhanh chóng rút khỏi đây". Tôi đang tranh thủ bấm thêm mấy kiểu ảnh thì Kha có điện thoại di động gọi. Nghe xong, Kha hốt hoảng đẩy tôi lên ôtô và chiếc xe lao vụt ra khỏi "tổng hành dinh".

Vừa đi được khoảng 500 m thì thấy ở các ngả đường xung quanh xuất hiện nhiều người phóng xe máy và cưỡi ngựa lao đến. Khi ra đến trạm gác, chúng tôi mới biết là do có cơ sở báo là người nhà Khun Sa kéo đến cho nên cảnh sát vội gọi điện báo cho Kha biết... Thật hú vía!



Còn tiếp...

Theo Nguyễn Như Phong (cand)

Bình luận
vtcnews.vn