Thảm sát Bình Phước: Vì sao lại tạm hoãn xét xử phúc thẩm?

Pháp đìnhThứ Sáu, 18/03/2016 04:32:00 +07:00

Toà án cấp cao xét xử phúc thẩm vụ thảm sát 6 người chết ở Bình Phước tạm hoãn.

(VTC News) - Toà án cấp cao xét xử phúc thẩm vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước tạm hoãn.
Ngày 18/3, trả lời phóng viên VTC News, lãnh đạo Toà án nhân dân Cấp cao (TAND) tại TP.HCM cho biết, tòa đã ra quyết định tạm hoãn xét xử phiên phúc thẩm vụ án thảm sát Bình Phước gây chấn động dư luận thời gian qua.
"Lý do các luật sư chưa hoàn tất các thủ tục bào chữa theo yêu cầu của tòa, cũng như cần cho luật sư có thời gian nghiên cứu đọc hồ sơ vụ án. Các bị cáo đã thành niên nên cần phải có chữ ký xác nhận và yêu cầu của mình đối với vụ việc từ trại giam gửi ra mà cái này luật sư đang thiếu. Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư làm việc, tham gia xét xử" - lãnh đạo tòa án cấp cao nói.
  
Các bị cáo trong vụ án gồm có Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến, Trần Đình Thoại. 
Cùng ngày, luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã đến trực tiếp làm việc cùng bị cáo Trần Đình Thoại tại trại tạm giam Công an tỉnh Bình Phước.
 Từ trái sang: Tiến, Dương và Thoại tại phiên sơ thẩm tại Bình Phước.
Ảnh: Phan Cường

Bị cáo Thoại mặc áo tù được Công an cho gặp luật sư Hưng theo quy định pháp luật. Sức khỏe Thoại bình thường, tinh thần ổn định, da dẻ trắng hơn so với lúc xét xử sơ thẩm.
Thoại được cho ngồi ghế đá đối diện luật sư Hưng, dưới sự giám sát của cán bộ quản giáo. Luật sư Hưng hỏi: "Bị cáo có biết sắp tới toà án cấp cao xét xử phúc thẩm vụ án không?". Bị cáo Thoại: "dạ có".
Luật sư Hưng: "Vậy mong muốn của bị cáo ở phiên phúc thẩm là gì?". Bị cáo Thoại: "Bị cáo không giết người cũng như không biết Dương và Tiến trực tiếp ra tay giết người nhưng toà án sơ thẩm tuyên hình phạt quá nặng với bị cáo nên hôm nay bị cáo nhờ luật sư bào chữa tiếp phiên phúc thẩm".
Nội dung viết tay của bị cáo Thoại ghi trong Giấy chứng nhận người bào chữa: "Tôi là bị cáo Trần Đình Thoại xác nhận tiếp tục nhờ luật sư Phạm Quốc Hưng và luật sư Nguyễn Quốc Anh bào chữa ở giai đoạn phúc thẩm và không nhờ thêm luật sư nào khác". 

Sau khi Thoại ký và ghi rõ họ tên của mình vào "Giấy chứng nhận người bào chữa", phía trại tạm giam Công an tỉnh xác nhận: "Bị can Trần Đình Thoại hiện đang tạm giam tại trạm tạm giam Công an tỉnh Bình Phước", ký và đóng dấu Thượng tá Phạm Đức Doanh - Phó giám thị.
 Bị cáo Thoại viết tay vào đơn yêu cầu luật sư bào chữa cho mình ngày 18/3/2016.
Ảnh: Phan Cường

Trong diễn biến khác, luật sư Lê Văn Nam (được chỉ định bào chữa bị cáo Vũ Văn Tiến tại phiên toà sơ thẩm) cho biết, ông cũng vừa được trại tạm giam Công an tỉnh Bình Phước xác nhận vào "Giấy chứng nhận người bào chữa" tiếp phiên phúc thẩm đối với bị cáo Tiến. 

Cũng theo luật sư Nam, trước phiên tòa phúc thẩm sắp diễn ra, đã có khoảng 10.000 chữ ký xin giảm án cho Tiến. Tuy nhiên, việc xem xét hay không phải chờ HĐXX phúc thẩm quyết định.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, các luật sư đã chính thức hoàn tất các thủ tục nhờ bào chữa theo yêu cầu toà án cấp cao đối với 2 bị cáo Trần Đình Thoại và Vũ Văn Tiến. Riêng Nguyễn Hải Dương chấp nhận án tử hình phiên sơ thẩm, không kháng cáo nên án đã có hiệu lực.   

Trước thông tin "tử tù Nguyễn Hải Dương viết đơn ân xá gửi Chủ tịch nước", luật sư Nguyễn Quốc Anh phân tích, nếu Dương đã chấp nhận án tử hình, không kháng cáo bản án sơ thẩm thì không thể nào Dương viết đơn xin ân xá. Mặc khác, nếu Dương kháng cáo án sơ thẩm thì Dương vẫn còn "cửa" ở phiên phúc thẩm. Sau đó, viết đơn ân xá gửi Chủ tịch nước cũng không muộn". 

Trước đó, với đơn kháng cáo của bị cáo Thoại và Tiến, toà án tối cao đã tiếp nhận, chấp thuận hồ sơ từ tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước chuyển đến và đưa ra lịch xét xử phúc thẩm dự kiến ngày 21/3/2016.

Theo bản án sơ thẩm, Dương mang lòng hận thù với gia đình ông Mỹ, đại gia ngành gỗ ở Bình Phước, do bị ngăn cấm tình cảm với Lê Thị Ánh Linh (con gái ông Mỹ). Hắn nảy sinh ý định giết cả nhà ông này để cướp tài sản, rủ Thoại tham gia.

Sau chuyến đi bất thành vào rạng sáng 5/7/2015, Thoại từ chối nhưng vẫn mua dao cho Dương. Dương quay sang rủ Tiến phối hợp gây án nhưng nói dối là đến đòi vợ chồng ông Mỹ 900 triệu đồng đã góp vốn làm ăn từ hồi còn là người yêu của Linh. Hắn hứa sẽ chia tiền cho bạn. 

Rạng sáng 7/7/2015, cả hai đột nhập biệt thự sát hại 6 người, cướp điện thoại, iPad, laptop, tiền... trị giá khoảng 50 triệu đồng. Riêng bé Na (18 tháng tuổi, con út ông Mỹ) không bị Dương sát hại. 

Bốn ngày sau, Dương và Tiến bị bắt. Sau một tháng điều tra, từ lời khai của Dương, cảnh sát bắt thêm Thoại. Với hành vi này, cả 3 bị truy tố về hai tội danh Giết người và Cướp tài sản ở khung hình phạt cao nhất là tử hình với nhiều tình tiết tăng nặng như: giết nhiều người, giết trẻ em, giết để thực hiện một tội danh khác, mang tính chất man rợ, côn đồ, đê hèn. 

Ngày 17/12/2015, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang) án tử hình, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình; Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) lãnh án tử hình về tội giết người, 7 tù vì tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình và Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ Vĩnh Long, cùng tạm trú TP.HCM) bị tuyên 13 năm tù về tội giết người, 3 năm tù vì tội cướp tài sản, tổng hình phạt là 16 năm tù.

Video clip phiên tòa xử sơ thẩm vụ thảm sát Bình Phước  


Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn