Tham nhũng ngày càng phức tạp, ai chịu trách nhiệm?

Thời sựThứ Hai, 20/10/2014 03:31:00 +07:00

(VTC News) – Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ thừa nhận tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện.

(VTC News) – Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ trước Quốc hội sáng nay đã thừa nhận tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp, khó phát hiện do đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.

“Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp” là nội dung quen thuộc trong các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua. Tuy nhiên, việc xác định người chịu trách nhiệm về tình trạng này gần như không được đề cập đến.

Thực tế, diễn biến phức tạp của tình trạng tham nhũng cũng đã được cử tri phản ánh trong kiến nghị gửi lên Quốc hội.

Theo đánh giá của cử tri nhiều nơi, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả đáng khích lệ, như điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng lớn. Nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp.

Vụ đại án tham nhũng của Dương Chí Dũng ở Vinalines là một trong số ít vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời
Tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp; một số vụ tham nhũng được phát hiện trong lĩnh vực y tế, trong việc thực hiện chế độ, chính sách người có công và các chính sách xã hội khác, trong một số cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hoạt động công ích của địa phương gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Cử tri và nhân dân cho rằng những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chậm được khắc phục, như: Việc kê khai tài sản mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn hạn chế; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả thấp.

Thừa nhận tình trạng này, tại báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày trước Quốc hội cũng nêu rõ tình hình tham nhũng thời gian qua vẫn diễn ra phức tạp.

Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp.

Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.

“Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Bên cạnh đó, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trong số các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên, đáng chú ý là chế độ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu thực hiện không đầy đủ, chế độ công vụ đối với mỗi vị trí công tác chưa thật rõ ràng, cụ thể nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc của người dân, doanh nghiệp.

Để khắc phục những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, báo cáo của Chính phủ nêu rõ “bên cạnh xem xét việc quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với người đứng đầu cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những người đứng đầu đã chủ động phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng”.

Hoàng Lan
Bình luận
vtcnews.vn