Tham nhũng được kiềm chế trong một số lĩnh vực

Thời sựThứ Ba, 30/11/2010 06:12:00 +07:00

(VTC News) - Công tác phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực trên cả nhận thức và hành động, đạt được kết quả nhất định...

(VTC News) - Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng đánh giá, công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng được tăng cường, tạo sự răn đe, góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Phòng ngừa phát huy hiệu quả

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh những chuyển biến tích cực trong công tác PCTN, đặc biệt sau khi BCH Trung ương ban hành Nghị quyết “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí” (còn gọi là Nghị quyết Trung ương 3).

“Trong nhiệm kỳ vừa qua công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực trên cả nhận thức và hành động, đạt được kết quả nhất định trong phòng ngừa và xử lý tham nhũng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế” -  ông Trương Vĩnh Trọng đánh giá.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm hỏi ông Phùng Chí Công - một cá nhân chống tham nhũng tiêu biểu 

Báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN chỉ rõ, một trong 8 kết quả nổi bật là “các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai thực hiện đồng bộ và khá toàn diện, đang từng bước phát huy tác dụng”. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong hoạt động. 

Minh bạch tài sản, thu nhập được xem là biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả và giúp cho công tác quản lý cán bộ, đảng viên chặt chẽ hơn. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, năm 2008, có 17 bộ, ngành và 4 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã hoàn thành việc kê khai tài sản, với 313.317 người kê khai (lần đầu). Năm 2009, số bộ, ngành hoàn thành việc kê khai tài sản nâng lên 32, trong khi số địa phương tăng lên 27, với 388.404 người kê khai lần đầu và 238.455 người kê khai bổ sung. Năm 2010, có 32 bộ, ngành và 24 địa phương hoàn thành việc kê khai tài sản… 

Cũng theo báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, trong 4 năm 2007-2010, cả nước có 276 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 39 trường hợp, xử lý hành chính 212 trường hợp.

Án tham nhũng xu hướng giảm

Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đánh giá, công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng được tăng cường, tạo sự răn đe, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Trong 4 năm 2007-2010, toàn ngành thanh tra thực hiện 53.954 cuộc thanh tra, kết thúc 48.649 cuộc. Qua thanh tra phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm và đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.300 tập thể, 11.022 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 439 vụ việc.

Theo số liệu của 63 tỉnh ủy, thành ủy, trong nhiệm kỳ  có 2.494 đảng viên, cấp ủy viên tại các đảng bộ tỉnh, thành phố bị thi hành kỷ luật do liên quan tham nhũng, lãng phí.
Cũng trong thời gian này, số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử với số lượng lớn (bình quân 330 vụ/năm). Cụ thể, năm 2007 khởi tố 427 vụ, 960 bị can (tăng 14,46% số vụ, 30,8% số bị can so với năm 2006); năm 2008: khởi tố 282 vụ, 622 bị can (giảm 44% số vụ so với năm trước); năm 2009: khởi tố 289 vụ, 631 bị can; trong 9 tháng đầu năm 2010: khởi tố 188 vụ án, 373 bị can…

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế, yếu kém, bất cập trong PCTN, nên kết quả “chưa tạo được sự chuyển biến có tính chất cơ bản.

Hiện nay tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Tham nhũng chưa được ngăn chặn từng bước và đẩy lùi… như mục tiêu Nghị quyết T.Ư 3”.

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn hạn chế, số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý “chưa tương xứng tình hình tham nhũng thực tế đang diễn ra”. Trong 5 năm, 12 địa phương có thanh tra, kiểm tra nhưng không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra vụ việc tham nhũng nào để xem xét, xử lý hình sự. 

Cá biệt, có địa phương trong một năm không phát hiện vụ việc nào phải xử lý hình sự. “Việc phát hiện tham nhũng của các cơ quan giám sát, cơ quan hành chính cấp trên và tự phát hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn yếu kém”- báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đánh giá.

Công khai tài sản một số chức danh chủ chốt

Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành và kết quả triển khai thực hiện công tác PCTN, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN chỉ ra một số kinh nghiệm nâng cao hiệu quả PCTN, đó là “mạnh dạn đưa ra những giải pháp kiên quyết, mạnh mẽ, cứng rắn hơn”, và “có chế tài xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu, người có thẩm quyền” không thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả các chủ trương, chính sách và giải pháp PCTN.

Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư 5 vấn đề. Trong đó, vấn đề được Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN kiến nghị đầu tiên là khẩn trương ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn; nghiên cứu quy định về việc công khai tài sản một số chức danh chủ chốt trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập; công khai tài sản của cán bộ, công chức khi được đề bạt, bổ nhiệm và ứng cử khi bầu.

Bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, có đường lối xử lý cứng rắn đối với các vụ án tham nhũng để khắc phục tình trạng "phạm tội tham nhũng được hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao và nhiều phạm nhân tham nhũng được đặc xá sớm", Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN còn kiến nghị thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh là Bí thư hoặc Chủ tịch Hội đồng nhân dân, từ đó rút kinh nghiệm để lựa chọn mô hình phù hợp.

Lê Hùng
Bình luận
vtcnews.vn