Thâm nhập thế giới vàng tặc giữa đại ngàn Kim Hỷ

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 05/01/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Người ta đã khoét ra cái hang này. Trong hang có cả xe cải tiến, xe rùa, cuốc, xẻng xúc đất, có xô để đựng đất lẫn vàng kéo từ dưới lên.

(VTC News) - Các phu vàng khoét núi, đào hang sâu vào lòng núi dưới tán cây rừng rậm rạp. Họ dựng lều, lán, vận chuyển máy móc vào phục vụ đào đãi… Họ đang ngang nhiên đào bới tan nát Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn).


Kỳ 1: Tận mắt bãi vàng Lủng Quang


Từ đầu năm đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã nhanh chóng “nổi tiếng” và thu hút vàng tặc, khiến lãnh đạo Khu bảo tồn và lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn phải đau đầu. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết: “Tình trạng khai thác rừng trái phép những tháng cuối năm đã giảm, nhưng gần đây một số khu rừng thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn nằm trên địa bàn xã Kim Hỷ có rất nhiều người dân địa phương và nhân dân nơi khác đến đào đãi vàng trái phép. Chúng tôi đã tiến hành truy quét nhưng tình hình vẫn chưa hề thuyên giảm”.

Chúng tôi tỏ ý muốn vào bãi vàng để được chứng kiến những gì đang diễn ra trong Khu bảo tồn vốn tĩnh lặng âm u kia. Ông Dũng đã cử hai cán bộ Khu bảo tồn và một đồng chí kiểm lâm viên đóng trên địa bàn đưa chúng tôi mục sở thị bãi vàng.

Đường vào bãi vàng. 
 
Nơi chúng tôi đến là bãi vàng Lủng Quang, nằm trên địa bàn thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ. Sau khi vượt qua hàng trăm ánh mắt dò xét, đến đầu thôn Kim Vân, tôi nghe thấy tiếng của rất nhiều máy nổ đang hoạt động bên bờ suối. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, các máy nổ đã đồng loạt tắt. Một số máy trên lưng chừng đồi vẫn nổ rền rĩ.

Những chiếc xe máy đưa chúng tôi vào bãi vàng di chuyển đầy vất vả trên đoạn đường đá lởm chởm, bùn lầy. Con đường chính đã bị “bàn tay sắt” (máy múc) cào thành… ao.

Chúng tôi tiến vào gần bãi vàng Lủng Quang. Tiếng máy nổ không còn ầm ĩ nữa, nhưng dòng nước đỏ ngầu từ các khe trong núi vẫn róc rách chảy ra tạo thành một con suối lớn chảy vào một hang đá rồi biến mất, không biết con suối đó chảy đi đâu. Do nước suối chảy đến một cửa hang rồi biến mất nên người dân địa phương đặt tên con suối đó là Tốc Lù (nghĩa tiếng phổ thông là nước rơi xuống lỗ).

Những thùng xăng, dầu phục vụ máy móc khai thác vàng. 

Qua suối được một đoạn thì gặp một lán được người dân địa phương dựng lên để trông xe máy cho các phu vàng, xe chở dầu, xăng. Những người buôn vàng cám từ các nơi vào bãi vàng cũng gửi xe ở đây. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết mỗi ngày có hàng trăm lượt xe máy gửi ở lán này.

Tôi vòng ra phía sau lán nhìn về những cánh rừng nguyên sinh thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn. Cách lán chừng 1km, tôi thấy lán trại lợp bằng những tấm bạt màu xanh hiện ra như “nấm mọc sau mưa” trên sườn đồi. Bên cạnh là những vệt đỏ chạy dài từ lán xuống khe suối.

Cả vạt rừng nguyên sinh hàng trăm hec-ta thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ hiện ra như một bãi chiến trường nham nhở. Càng tiến sâu vào vùng lõi cảnh tượng càng kinh hoàng hơn.

Những lán trại ẩn hiện giữa đại ngàn. 

Đi nhiều nơi, thâm nhập thực tế nhiều bãi vàng ở các địa phương phía Bắc, nhưng tôi chưa từng chứng kiến cảnh “vàng tặc” tàn phá hệ sinh thái tự nhiên khủng khiếp như thế này. Các đồng chí kiểm lâm đi cùng đều lắc đầu ngao ngán. Trước mắt chúng tôi, rừng nguyên sinh đã biến thành một “đại công trường”.

Việc đào đãi vàng cần có nước thì mới thực hiện được, nhưng ở trên đồi này toàn núi đá thì lấy đâu ra nước. Tôi thắc mắc như vậy. Một anh kiểm lâm đi cùng đoàn chỉ tay về phía ống nước chằng chịt như dây leo bám theo thân cây, phiến đá từ dưới suối lên và giải thích: “Cứ chỗ nào có nước là họ đặt máy nổ gắn máy bơm ở đó, có khi đặt tận các ao làng ngoài kia, cách đây khoảng 3km để bơm nước vào”.

Nhờ có hệ thống bơm nước rất mạnh nên các phu vàng cầm đầu ống phun xối xả vào các khe đá cho đất chảy xuống. Bên dưới có người đợi sẵn để đãi, lọc. Khi đất trôi đi hết, những hòn đá vướng lại thì họ dùng búa để phá đá lấy nơi đào đãi tiếp. Vậy nên, rất nhiều hòn đá to như cái xô, cái thúng xếp chồng chất lên nhau, đè bẹp một thảm sinh vật bên dưới…

Thảm thực vật trên những khối đã này đã bị xúc đi mất. 

Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trong bãi vàng. Bỗng nhiên, một đồng chí kêu lên: “Ôi, vịnh Hạ Long trên cạn”.

Thật không thể tin nổi, trước mắt chúng tôi là một vùng toàn những khối đá khổng lồ. Một hệ thống núi đá được các vàng tặc tạo nên sau khi đào hết đất mang đi để đãi vàng. Cả một thảm thực vật với những thân cây cổ thụ trên đầu những khối đá này đã bị vàng tặc hóa kiếp.

Vượt qua “vịnh Hạ Long” trên cạn, chúng tôi đã lạc vào một hệ thống hang động cũng đẹp chẳng kém gì động Phong Nha – Kẻ Bàng. Trong hang cũng có nước, có hệ thống nhũ đá, có cả những vệt nước uốn lượn trên phiến đá như dấu tích của một dòng sông cổ. Thấy tiếng người lạ, 4 “vàng tặc” lụi cụi chui ra từ hang động.

Hầm vàng khoét sâu vào lòng núi. 
Tác giả trong một hang vàng do "vàng tặc" đào. 

Vào sâu trong hang, tôi thấy các phu vàng dựng lán, kê ván ngủ tại đó. Trong hang tối đen như mực. Tôi bật đèn của chiếc điện thoại để dò dẫm đi. Từ lòng hang, xuất hiện một cái lỗ ăn xuống lòng núi. Trên miệng lỗ có hai đoạn dây thừng dùng để xuống hang. Người ta đã khoét ra cái hang này. Trong hang có cả xe cải tiến, xe rùa, cuốc, xẻng xúc đất, có xô để đựng đất lẫn vàng kéo từ dưới lên.


Tôi bám vào hai đoạn dây thừng, miệng ngậm điện thoại tụt xuống hang. Nhưng tụt được khoảng 5m, chẳng soi thấy đáy ở đâu. Luồng ánh sáng nho nhoi của điện thoại đã bị bóng tối của hang “nuốt chửng”. Thấy nguy hiểm, tôi đành phải bám dây trèo lên.

Còn tiếp…

Văn Hoàng


Bình luận
vtcnews.vn