Thâm nhập 'mật đạo' nấu cao hổ cốt giữa lòng Hà Nội

Phóng sựThứ Ba, 12/01/2016 06:38:00 +07:00

“Ông ba mươi” nặng trên 150 kg đã được tập kết về đầy đủ mọi bộ phận, từ thủ, vĩ đến tứ chi.

Thâm nhập vào lò nấu cao khủng giữa thủ đô Hà Nội mới biết, những miếng cao hổ bé xíu, đen sì – sản phẩm đưa từ chốn đại ngàn âm u về tới phố thị đều mang trong mình những câu chuyện bi ai.


Không rõ thực hư, nhưng từ xưa đến nay, những đồn thổi về khả năng cải từ hoàn sinh, trị bách bệnh hay giúp nam giới trở thành "mãnh thú" chốn phòng the… của cao hổ cốt vẫn luôn hấp dẫn nhiều người.

Giữa cái se lạnh của mùa thu, chút rượu được quảng cáo là có cao hổ cốt được một ông anh thết đãi trong buổi nhậu khiến những dân chơi trong buổi tiệc hôm đó chếnh choáng. Trong hơi men, chủ nhà tên Q. đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một tay "cao thủ" trong nấu cao hổ chui tên T.

Kể về “nguồn gốc” miếng cao vừa rồi, Q. cho biết, thời còn trẻ, từng theo chân một bà chị nổi tiếng lắm tiền nhiều của đến huyện Thanh Trì (Hà Nội) mua cao hổ. Cũng chính vì thế, Q. có dịp mục sở thị lò luyện cao của tay "đệ nhất luyện cao hổ" chui này.

 Lão T. cụt kể chuyện thâm cung bí sử trong nghề nấu cao hổ chui.
Lão T. "cụt" kể chuyện thâm cung bí sử trong "nghề" nấu cao hổ chui.  

Lão tên T. tuổi chừng trên dưới 60, nhà nằm ven mặt đường Quốc lộ 1A (cũ), thuộc khu vực xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội. Nhiều người gọi lão với biệt danh T. “cụt”. T. “cụt” có tiếng trong giới nấu cao hổ chui. Lão cũng là một trong cái tên được giới nấu cao nhắc đến với nhiều giai thoại kì bí.

Một câu chuyện về T. cụt được nhiều người truyền tai nhau phải kể đến, vào nhiều năm về trước, T. "cụt" một mình sang Lào, chở 3 “ông ba mươi” nặng hàng tạ về. Không những thế, sau khi có hàng, lão cùng khách của mình còn dựng rạp lớn, luyện cao hổ cả tuần trời.

Chưa dừng lại, câu chuyện mơ hồ, chẳng rõ đúng sai kể về lão T. "cụt" mất chân, liên quan đến một con hổ vẫn như màn sương khói huyền bí. Theo đó, một lần lão T. mua một con hổ lớn về luyện cao bán, thì phát hiện con hổ đó bị què một chân, lại đang có chửa. Chưa kịp làm lông "ông ba mươi" đó, thì hôm sau chân lão T. bỗng mọc lên một vết đỏ ngay đầu gối.

Con hẻm dẫn vào căn nhà khang trang của người luyện cao hổ cốt chân cụt
Con hẻm dẫn vào căn nhà khang trang của người luyện cao hổ cốt chân cụt  

Nghĩ là vết muỗi cắn, nhưng lão T. vẫn cẩn thận đi viện khám và nhận kết luận chỉ là cái nhọt bình thường, vài hôm sẽ khỏi. Thế nhưng, càng để, vết đỏ đó càng sưng tấy, rồi thành cái nhọt lớn. Đi khám lại thì bác sĩ kết luận vết thương bị nhiễm trùng nặng. Lão đành cưa một bên chân để bảo toàn tính mạng. Kể từ đó, cuộc đời lão gắn liền với chiếc xe 3 bánh và chiếc chân giả.

Rời viện về nhà, lão T. nằm ủ rũ, rồi lão giật mình khi ngẫm đến "ông ba mươi" đang được bảo quản trong nhà và chiếc chân què của con hổ. Cứ thế, vài đêm liền, lão mất ăn mất ngủ.

Mỗi lần nhìn "ông ba mươi" nằm cứng đơ, trợn trừng mắt nhìn mình, lão lại toát mồ hôi, mắt hoa lên, đầu óc quay cuồng. Lão nhìn xuống chiếc chân mình vừa bị cưa, lòng lo lắng. Lão sợ hãi cùng cực và nghĩ, phải chăng đó là điềm báo từ chốn đại ngàn thâm u?

Ngay hôm sau, lão T. hô hoán người thân tiến cúng con hổ vào đền Lưu Phái, mong được giải nghiệp.

Cũng từ ngày đó, lão giải nghệ. Hàng ngày bôn ba trên chiếc xe ba bánh khắp các phố phường, đền chùa, miếu mạo để lấy lại sự bình tâm.

Thế nhưng, thu nhập "khủng" từ các nồi cao "ông ba mươi" nấu chui lại kéo lão về với việc làm trái pháp luật này.

Vài năm trở lại đây, lão “tái xuất giang hồ”. T. "cụt" biến căn nhà mình trở thành một “mật đạo”, luyện cao hổ khét tiếng không chỉ tại địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội). Các đại gia thừa tiền, nhưng thiếu sức khỏe khắp nơi cũng được rỉ tai nhau đổ về mua hàng.

Giáp mặt "cao thủ" chân cụt luyện cao hổ cốt

Sau chầu rượu cao hổ cốt, được Q. nhiệt tình cho số điện thoại và địa chỉ, chúng tôi tìm đến T. “cụt”.

Trong vai một đại gia trong lĩnh vực ngân hàng, mắc chứng yếu sinh lý, hay đau nhức xương cốt và có nhu cầu mua cao hổ về bồi bổ sức khỏe, tăng sức mạnh giường chiếu, chúng tôi liên hệ với lão.

Qua một hồi chuyện trò qua điện thoại, không mảy may nghi ngờ, lão hẹn chúng tôi xuống tận nhà để trao đổi giá cả cũng như số lượng cần mua.

Một điều nằm ngoài dự tính của chúng tôi, là khi lão T. hân hoan tiết lộ rằng, mình vừa xẻ thịt một "ông ba mươi" và đang cất giữ các bộ phận cá thể này trong nhà. Lão T. “cụt” sẽ chuẩn bị tổ chức trận nấu linh đình ngay tại nhà mình.

Theo lịch hẹn, sáng sớm hôm sau, chúng tôi có mặt tại khu vực Ngọc Hồi, Hà Nội. Lão T. "cụt" không lẫn vào ai được. Chúng tôi nhận ra lão từ xa bởi chiếc xe ba bánh và đôi chân có một bên bằng gỗ.

T. “cụt” tập tễnh dẫn chúng tôi vào con ngõ, ngay mép đường 1A (cũ). Rồi lão đưa chúng tôi tới một căn nhà khang trang trong xóm. Vào nhà, lão mở tủ lạnh, lôi ra một chai rượu mà lão giới thiệu là cao hổ “của nhà trồng được” rót mời.


Sau vài chén rượu, khi tình cảm đã thấm đượm, lòng tin đã tăng lên gấp bội, T. “cụt” mới trút những bí mật thuộc dạng thâm cung bí sử của "nghề" luyện cao hổ cốt với chúng tôi.

“Ở Hà Nội này cũng có nhiều cơ sở nấu, nhưng đa phần chỉ bán cốt hổ từa lưa, toàn cốt đểu, cốt kém chất lượng. Cốt đểu là cốt có nguồn gốc từ gấu, chó bẹc-giê, đôi khi lợn, báo” – lão nói.

Và quả thực, T. "cụt" luôn tỏ ra mình là một "cao thủ" có nhiều kinh nghiệm luyện cao hổ. Bằng chứng là, trong mỗi câu nói của lão đều phô ra những kiến thức uyên thâm, thể hiện là người từng nghiên cứu qua sách vở và có nhiều tích lũy trong "nghề".

Thấy khách nghe gật gù, lão cụt nói luyến thắng, đôi mắt sáng rực, khuôn mặt đầy vẻ tự mãn.

“Anh biết đấy, trong cuốn Lĩnh Nam Bản Thảo - quyển hạ, viết về hổ cốt, Hải Thượng Lãn Ông nhận xét, hổ khỏe dữ lắm chỉ nhờ ống chân trước vì tuy đã chết mà chân nó vẫn thẳng không ngã. Cho nên xương ống chân của hổ mạnh gấp 100 lần xương ở các bộ phận khác.

Video: Lạ lùng chuyện dê thuần hóa hổ


Cốt hổ muốn ninh cao có chất lượng phải thỏa mãn các tiêu chí ngặt nghèo. Một con hổ trung bình có từ 10-12kg xương, một bộ xương hổ được xem là tốt phải nặng từ 7kg trở lên, nếu nhỏ hơn thì cho ra thành phẩm kém chất lượng. Quý nhất của bộ cốt hổ là xương đầu và xương bốn chân. Đặc biệt, hai chân trước của hổ phải có mắt phượng”.

Ngoài khẳng định chất lượng cao hổ chỗ mình làm là tốt nhất, lão còn bật mí cho chúng tôi một bí mật mà theo như lão chia sẻ, chỉ chỗ thân tình lão mới tiết lộ.

Theo đó, trước khi "ông ba mươi" lên nồi, lão thường tổ chức một “đại hội anh hùng”, có sự tham gia của tất cả “văn võ bá quan” là những thành phần có máu mặt, đã đặt tiền lấy hàng.

Đó cũng là lúc, lão sẽ giới thiệu các bộ phận của ngài chúa sơn lâm trước khi bỏ vào nồi luyện như một cách để chứng minh với khách hàng rằng, lão đem hàng thật, đồ thật của hổ ra để ninh cao.

Và dường như tỏ ra tin tưởng, thân tình với chúng tôi, lão T. cụt còn mời chúng tôi cùng tham dự cuộc họp mặt bí mật này.

Cũng trong hành trình này, chúng tôi biết thêm về những xảo thuật luyện cao hổ quái dị, tiềm ẩn lắm mối nguy. Nếu thiếu hiểu biết, người dùng không chỉ mất khoản tiền khổng lồ mà còn rước bệnh tật vào người.

“Thần dược” trên bàn trà

Sau vài ngày cân nhắc, nhận được tin tức của lão T. "cụt" chúng tôi quyết định tham gia cuộc "mật bàn" trước ngày “ông ba mươi” lên nồi do lão tổ chức.

10h sáng, có mặt tại khu vực Lưu Phái (Ngọc Hồi, Hà Nội), sau khoảng một tiếng thăm dò xung quanh, chúng tôi bạo mình bước vào “đại bản doanh” của lão T. cụt.

Nghe danh đã lâu, giờ chúng tôi mới có dịp nhìn rõ hơn lão. Tóc lão T. bạc trắng, da sạm đen, nhưng đôi mắt còn sáng và tinh ranh. Chiếc quần lửng mang theo người làm lộ rõ chiếc chân giả của lão.

Năm vị khách “tai to mặt lớn” mà lão từng khoe cũng đã có mặt từ bao giờ. Theo như giới thiệu, năm người này là những khách hàng "ruột" của lão.

Bên bàn trà, người đàn ông trẻ tên S., nhà ở chợ Giời, dân kinh doanh và có chút máu mặt cho biết, mẻ cao nào cũng là người lấy nhiều nhất. S. còn khoe thêm mình từng bị tai nạn xe máy, gãy xương chậu. Sau 2 năm dùng cao hổ cốt của lão T. “cụt”, lại khỏe như vâm.

Lão T. cụt trong dinh thự của mình.
Lão T. cụt trong "dinh thự" của mình.  

Sự thực ra sao thì không rõ nhưng sau câu chuyện của S., những vị khách khác cũng hào hứng kể câu chuyện về “thần dược” cao hổ cốt gắn với bản thân mình.

Trong đó, vị khách độ ngoài 70 tuổi làm Đông y cho hay giờ có thể vác được cả bao xi măng lên tầng 3 mà không hề hấn gì.

“Trước đây tôi mất ngủ triền miên, người luôn mệt mỏi, đau nhức. Nhưng từ lúc theo cái món này với ông T., người khỏe hẳn, ăn uống tốt" - ông già thao thao bất tuyệt.

Vị khách ngồi đối diện cười phớ lớ, hí hửng nói: “Từ lúc ăn cái món này vào, vợ chưa khi nào chê. Mỗi tối tôi uống hai chén nhỏ, từ đó chả thấy mình bị bệnh gì. Người lúc nào cũng khỏe như thanh niên. 77 tuổi rồi mà mắt vẫn xâu kim ngon lành”.

Không rõ họ mua bao nhiêu cao hổ, nhưng mẻ nấu nào, theo lời T. "cụt" năm vị này cũng có mặt và tham dự “đại hội” trước giờ G.

Thực hư những câu chuyện quanh bàn nước chẳng ai rõ, chỉ biết khi câu chuyện đến hồi “hưng phấn”, lão T. "cụt" nhâm nhi chén nước, rít hơi thuốc lá, mắt khẽ nhắm và khoe mẽ về những ngày đầu nấu cao hổ.

Lão kể rằng, những năm 1995 - 2000, hổ nhập từ Lào rất dễ dàng, thậm chí nhập được cả hổ còn sống. Việc nấu cao hổ hồi đó cũng dễ không kém, bắc rạp nấu công khai mà chả ai để ý. Bây giờ, hở ra cái là bị công an "tóm" ngay. Chính vì thế, T. “cụt” luôn thận trọng mỗi khi có khách liên hệ đặt hàng.

Mục sở thị cá thể chúa sơn lâm trong “mật thất”

Khi các vị "thượng khách" đến đông đủ, T. “cụt” hô vợ mình dọn 2 mâm cơm. Trên mỗi mâm, lão không quên rót một chai rượu màu đục đục như nước gạo ra mời. Theo như lão T. giới thiệu thì đó là rượu cao tráng chảo từ mẻ nấu cao hổ lần trước và nó cũng "uy lực" không kém gì cao hổ cốt.

Để chứng minh cao hổ cốt của mình là cao hổ cốt thật, lão T. “cụt” lệnh cho vợ vào kho lấy “hàng” cho chúng tôi xem. Chừng một phút sau, vợ lão T. lệ khệ bê ra một tảng thịt lớn được đựng trong túi bóng. Thấy thiếu thứ gì đó, lão T. quát to: “Bà bê hết ra đây cho các chú xem. Chỗ tin tưởng không phải lo”.

Bà vợ lại vội vã chạy lại phía sau nhà, bê thêm một tải lớn đặt trước mặt T. và hỏi: “Có lấy nữa không ông?”.

Vợ lão T. khệ lệ bê ra một phần cơ thể ông ba mươi cho chồng giới thiệu với khách.
Vợ lão T. khệ lệ bê ra một phần cơ thể ông ba mươi cho chồng giới thiệu với khách.  

Lão T. không nói gì, tay thoăn thoắt mở chiếc túi ni lông ra, trưng cho mọi người xem tảng thịt lớn của ông ba mươi và nói: “Đủ cả nhé! Thiếu một tí là vứt đi hết. Con hổ đợt này tôi nhập về nặng một tạ rưỡi. Sẽ luyện cùng cùng 15kg xương nai và 2 bộ sừng tuần lộc”.

Theo tiết lộ của lão T., con hổ này được chia nhỏ và tuồn vào việt nam từ Lào. Phải mất gần một tuần, toàn bộ cơ thể nó mới về theo đơn đặt hàng.

Sau khi cho khách được mục sở thị, lão T. “cụt” bảo vợ cất tảng thịt vào “mật thất”. Lão tiếp tục đổ tải xương lớn ra mặt sàn nhà. Cầm một khúc xương chân trước của "ông ba mươi", lão T. phân tích về cách phân biệt giữa xương hổ với các loại động vật khác.

Lão nói: “Chỉ có 3 loại vật có hình mắt phượng ở các đầu khớp chân là mèo, báo và hổ. Xương mèo thì nhỏ, xương báo thì trắng, còn hổ thì vàng. Phải biết phân biệt để tránh “ăn” phải xương chó, xương lợn”.

Tiếp lời, lão T. “cụt” giải thích: “Tam linh sơn bất hổ cốt”. Tức là xương hổ phải nấu kèm xương nai và sừng tuần lộc thì mới cho một mẻ cao hổ chất lượng. Tuy nhiên, nấu tỉ lệ như nào, phụ gia ra sao để màu cao và chất lượng cao đảm bảo thì không phải ai cũng nắm được.

Lão T. "cụt" tỏ vẻ tinh tường với việc luyện cao hổ chui. Lão này cũng cho biết, để sẽ cho chúng tôi mục sở thị việc nấu cao hổ như thế nào.

Khung cảnh bên trong căn nhà lão T. cụt ở
Khung cảnh bên trong căn nhà lão T. "cụt" ở 

Trong buổi “đại lễ” chuẩn bị tiễn đưa vị chúa sơn lâm về trời, ngoài việc khoe khoang mình là người có nhiều kinh nhiệm nhất nhì trong "làng" nấu cao hổ, lão T. “cụt” còn kể những câu chuyện gắn với cuộc đời lão trong suốt quãng thời gian được mời đi nấu cao thuê ở nhiều nơi.

Lão cho biết, vốn mình không tin vào chuyện ma quỷ, hay báo oán. Nhưng trong những lần đi nấu cao hổ thuê, thấy chủ nồi cao hổ nào cũng sửa một cái lễ thịnh soạn, cúng bái linh đình để tiễn ông ba mươi về cõi vĩnh Hằng nên sau này, lão T. cũng học làm theo. Theo cách nói của lão, thì đó là để tinh thần cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Lão kể, gần đây nhất lão có nấu thuê cho một đại gia, người này thịt nguyên một chú bạch mã để tế “ông ba mươi” và mời đông đủ “văn võ bá quan” đến đánh chén.

Lão cho hay, sự mê tín của lão còn bắt nguồn từ cái lần lão bị cụt chân mà không biết rõ nguyên nhân từ đâu. Bởi thế, cho đến tận bây giờ, con hổ què chân mang bầu khiến lão ám ảnh suốt. Đó cũng là lí do, trước mỗi lần tổ chức "đại hội" nấu cao, lão cũng phải tuân thủ đủ mọi thủ tục.

Tuy không linh đình bằng được các đại gia nhưng lão cũng mua 1kg thịt ngựa, 1kg thịt lợn, 1 chiếc thủ lợn, rồi tiền vàng dâng ra đền lễ tại ban quan ngũ dinh, tức là quan ngũ hổ.

Luyện cao “ông ba mươi”

Để được tham dự ngày “trọng đại” đưa ngài chúa sơn lâm vào lò luyện, chúng tôi phải đặt cọc ít nhất 5 triệu đồng.

Đúng lịch hẹn, khoảng 7h30’, chúng tôi có mặt tại khu vực ngã 3 Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội). Trước khi đến nhà lão T. cụt, cả nhóm đoán già đoán non rằng sẽ được đưa đến một địa điểm nào đó cách xa khu vực huyện Thanh Trì để tham dự vụ nấu cao chui. Bởi khu nhà lão T. nằm ngay trong khu dân cư, lại sát mặt đường.

Thế nhưng đến nơi, chúng tôi mới tá hỏa. Lão T. ngang nhiên tổ chức nấu tại nhà với đầy đủ các thành phần ban bệ.

Vừa thấy chúng tôi, lão T. tay bắt mặt mừng. Thấy vẻ mặt sững sờ, lo sợ của chúng tôi, lão vội trấn an: “Các chú an tâm, anh làm bao nhiêu năm chưa hề để xảy ra chuyện gì”.

Nghe mấy vị khách có mặt nói, “ông ba mươi” nặng trên 150 kg đã được tập kết về đầy đủ mọi bộ phận, từ thủ, vĩ đến tứ chi. Tất cả đã được làm sẵn, chuẩn bị cho lên nồi.

Bên cạnh chừng 15 kg xương hổ, nồi cao còn cho thêm hơn chục kg các loại xương khác như sơn dương, gạc nai… để "cân bằng âm dương". Lão T. giải thích, hổ vượng dương, thêm các thứ khác này vào để chế bớt dương...

Sau khi hoàn tất mọi công đoạn, lão T. và một vài người có chút tay nghề tỉ mẩn bóc thịt ra đằng thịt, gân ra đường gân. Riêng xương ngài chúa sơn lâm được lão T. cho vào nồi quân dụng lớn, nấu nhừ bằng bếp ga.

Bắc nồi lên ninh được trên 10 tiếng thì lão giao cho một người tên Tuấn trông. Đầu tiên, Tuấn chắt nước sang một nồi nhỏ. Công việc chắt nước ra, đổ nước vào cứ thế diễn ra trong vòng 7 ngày, 7 đêm; đến khi nước trong, xương nhừ thì công đoạn ninh xương mới coi như được hoàn thành.

Theo tìm hiểu, số xương được vớt ra sẽ chia đều cho những người tham gia, mỗi người một túi, đem về phơi khô, sấy lên và ngâm rượu để uống dần...

Sau khi ninh và chắt hết nước, số nước này được bắc lên bếp khác và tiếp tục ninh. Anh Tuấn, người tham gia nấu cho hay, thứ nước đùng đục sau khi tiếp tục ninh sẽ trở nên sền sệt như cháo. Khi nước chuyển sang thể cháo, tiếp tục đun để nước ninh xương chuyển sang thể cô. Sau cô dân nghề gọi là cố. Đó là lúc đã thành một khối bùn, đến đây thì nồi được ninh cách thủy. Nồi cao sền sệt chưa hết nước được cho vào một nồi nước sôi cách thủy, tránh tiếp xúc trực tiếp nồi cao với lửa để khỏi cháy.

Một nồi cao hổ cốt đang được nấu
Một nồi cao hổ cốt đang được nấu 

Giai đoạn này có 3 người thay nhau quấy liên tục để cho nước bay hơi bằng hết. Khi nồi cao đã nhăn nheo giống như da voi coi như nước đã bay hết thì được múc ra cho vào khuôn.

Cái giai đoạn từ cô sang cố, người trực phải liên tục quấy thêm 3-4 tiếng đồng hồ nữa... Sau đó, cao được múc ra cho vào khuôn, đợi 2 - 3 tiếng đồng hồ thì đông cứng. Họ đem cắt ra từng miếng, mỗi miếng ước chừng đủ 1 lạng (100 gam).

Vốn là thợ có... tay nghề, nên lão T. cắt các miếng cao khá đều đặn. Những người có mặt chỉ đếm miếng ra chia nhau số lượng như đã đăng ký và tính tiền... Tất cả các công đoạn trên đều được giám sát 24/24. Ngoài lão T., bao giờ cũng có 3 - 4 người được cắt cử túc trực...

Nồi cao của lão T. khi ra thành phẩm được trên 50 miếng, giá mỗi lạng cao hổ cốt được giao bán trên 10 triệu đồng; trong khi đó, giá cao ngoài thị trường khoảng 13-15 triệu đồng/lạng.

Ngoài ra, mọi người ra về còn lĩnh thêm món rượu tráng chảo. Đó là thành quả sau khi nấu cao. Nồi cao vớt ra vẫn còn dính ít cao ở đáy nồi. Lão T. cho nước vào đun sôi để cao tan vào nước, sau đó để nguội, cho thêm vài lít rượu vào hòa ra, mỗi suất được 1 chai rượu tráng chảo.


Nguồn:Người đưa tin
Bình luận
vtcnews.vn