Thăm "kiện tướng đẻ" Việt Nam

Thời sựThứ Hai, 04/06/2012 01:49:00 +07:00

"Nếu có một kỷ lục về người nhiều con nhất TP Vĩnh Yên thì chắc chắn "danh hiệu" ấy sẽ được trao cho bà Phan Thị Tính ở khu phố Điện Biên".


"Nếu có một kỷ lục về người nhiều con nhất TP Vĩnh Yên thì chắc chắn "danh hiệu" ấy sẽ được trao cho bà Phan Thị Tính ở khu phố Điện Biên". Lời giới thiệu của ông Nguyễn Duy Báu, Phó Chủ tịch UBND phường Tích Sơn, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc hối thúc tôi lên đường tìm gặp người đàn bà đặc biệt ấy.

Ông Báu chỉ đường cho tôi cùng câu dặn "về đến khu đó, cứ hỏi nhà bà Tính đông con nhất Vĩnh Yên thì ai cũng biết". Tôi cứ theo câu "thần chú" ấy mà tìm nhà bà.

Bà Phan Thị Tính. 


"Kiện tướng đẻ"

Nhà bà Tính nằm ở cuối ngõ trong khu phố Điện Biên. Bà Tính có dáng người đậm, bước chân vẫn nhanh nhẹn lắm. Nhìn vào khó ai có thể nghĩ bà đã bước sang tuổi 77!

Bà kể, gia đình bà có 8 anh chị em. Vì thế, bà sớm phải bươn chải kiếm cơm. "Năm 13 tuổi tôi đã theo mấy cô, mấy chị trong làng đi buôn hàng xén, mua cá khô đi bán ở các nơi trong tỉnh, sang cả bên Đại Từ, Thái Nguyên rồi".

Những lần gánh hàng đi buôn ấy, bà gặp ông Trần Bạch Vân, hơn bà hai tuổi rồi nên duyên chồng vợ. Bố mẹ ông mất sớm, nhà lại chỉ có hai chị em. Cưới nhau xong, hai vợ chồng bà tiếp tục gùi tôm khô, cá khô... đi bán.

Cưới nhau năm 1955, đến năm 1956 bà sinh đứa con gái đầu lòng. "Chẳng thể ngờ được, sau đó cứ sòn sòn mỗi năm một đứa", bà cười bảo. Người con út sinh năm 1979, nghĩa là trong vòng 23 năm bà có tới 17 lần mang bầu và lần nào cũng "mẹ tròn con vuông". "Có khi, tôi phải lên "chức" "kiện tướng đẻ" ấy, cô nhỉ?", bà hóm hỉnh ví von.

Tôi băn khoăn không hiểu người đàn bà ấy lấy đâu ra sức để vừa đi buôn khắp các nơi trong tỉnh, còn bắt tàu chở rau quả đi Yên Bái bán vừa chửa đẻ "liền tù tì" như thế. Bà lắc đầu: "Ngày ấy nào ai nghĩ đến việc kế hoạch hóa gia đình đâu, cứ chửa là đẻ thôi, coi như đẻ bù cho gia đình chồng vậy. Một phần nữa là đông con như thế, mình mà không gắng gượng thì lấy đâu ra cơm ăn? Như thế có muốn ốm cũng không thể ốm được".

Trong số 17 người con thì không may hai đứa thứ 14, 15 không ở với ông bà được lâu. "Một đứa sinh ra được mấy ngày thì mất vì ốm, một đứa bị chết đuối khi lên bảy", bà ngậm ngùi.

Con cháu vui vầy, sống hòa thuận là niềm vui lớn nhất của bà Tính. 

Con xếp hàng... chia cơm


Nghe bà kể chuyện mang bầu, sinh con tôi càng... hoảng. "Đông con nên hầu như chả lúc nào tay chân tôi ngơi nghỉ. Chuyện làm đến sát ngày đẻ là thường xuyên. Như đận sinh thằng út, vợ chồng tôi đào móng xây nhà được bốn ngày thì đẻ. Rồi thì như người ta, đẻ xong phải được nghỉ ngơi, kiêng cữ trong khi tôi chỉ cần sau vài hôm là lại lao đi buôn bán, vẫn đạp xe, tát nước, cấy lúa như thường. Mình đông con nên khổ thế đấy cô ạ. Cũng may, ông nhà tôi tham gia công tác bên chính quyền nên khi mua hàng mậu dịch tôi được ưu tiên hơn. Tôi mua những hộp sữa bò về dặn đứa lớn pha cho em ăn thay vì sữa mẹ. Được cái, không mấy khi chúng ốm đau", bà bảo.

Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là vất vả nhất với bà. "Đẻ thì ai cũng đẻ được. Nhưng mà nuôi nổi mười mấy đứa con như thế, để chúng không đứt bữa thì tôi phải nghĩ nát óc".

Cái sự nghĩ ấy cũng thật lắm đường. "Mỗi bữa, tôi phải lo được 5kg gạo thì mới đủ chia. Nhưng đâu phải ngày nào cũng được ăn cơm, có khi vài cân gạo nhưng độn tới cả chục cân khoai lang, chia khoai cho đứa lớn, vét cơm cho đứa bé. Nếu có muốn đổi món sang ăn bún, tôi phải đổi lấy... 15kg mới đủ. Rau thì bữa nào cũng phải nấu trong nồi quân dụng, vì gạo ít chứ rau thì sẵn lắm, ăn thêm cho nhanh đầy cái dạ dày", bà bảo.

Bữa ăn của gia đình bà Tính chẳng khác nào... mua hàng mậu dịch. Bà kể, hôm nào trước bữa ăn, các con phải đứng xếp hàng từ cao đến thấp. Đứa lớn hơn được phần ăn nhiều hơn, vì chúng phải làm nhiều. "Mà lần nào cũng thế, cứ chia xong cho các con, để phần cơm cho chồng rồi, đến lượt tôi chỉ còn... nồi nhẵn bóng. Hôm nào có khách thì mười mấy mẹ con cùng... ngại, nhất là mấy đứa lớn, chúng chẳng dám đứng xếp hàng như thế nữa".

Tôi thắc mắc, không biết chia suất ăn cho con như thế có bao giờ bà bị... nhầm, bà xua tay: "Không bao giờ có chuyện đó đâu. Có đứa rất "tinh quái", nó nhận được bát khoai có 3 củ nhưng lại giấu đi một củ, kêu là "mẹ chia thiếu". Tôi lắc đầu bảo: "Mẹ nỡ lòng nào ăn bớt của con", thế là nó đành chịu", bà kể.

Lại có lần, anh con thứ ba vì đói quá, chạy ra chợ xin mẹ thêm hai hào để mua cơm. "Nghĩ mà xót lắm chứ cô, vì đâu chỉ có nó mới thấy đói? Tôi cho tiền nó lại thấy có tội với những đứa còn lại, lòng dạ như xát muối. Nhưng tôi cũng không thể không cho con tiền ăn được, đành phải mang tiếng là "con trọng, con khinh" dù chỉ trong một phút chốc nào đó", giọng bà nghèn nghẹn.

Sau khi ăn xong suất cơm hai hào ngoài chợ, anh con trai xách lưới đi đánh cá. "Hôm ấy, nó bắt được 7 con cá mè. Tôi đem bán 5 con, còn lại để lại nấu canh chua cải thiện bữa ăn cho cả nhà, coi như cũng là để động viên con trai".

Cơ nghiệp được một tay bà Tính gây dựng. 


"May mà chẳng đứa nào như tôi"


Các con lớn dần, đã tự biết làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, công việc của bà cũng đỡ vất vả hơn. "Trong 9 cô con gái, tôi tập cho nghề buôn bán. Tôi cho vay vốn, chúng muốn buôn gì thì buôn, nhưng mỗi ngày mang về "trả lãi" cho tôi 1kg gạo, bù lại, tôi nấu cho hai bữa cơm. Được cái chúng cũng nhanh nhẹn lắm, đứa nào cũng vượt "định mức". Thế nhưng, tôi cũng chẳng lấy thêm của con làm gì, để chúng được toàn quyền sử dụng, mua sắm quần áo, tích cóp vốn lấy chồng. Còn với các anh con trai thì đi đánh giậm, thả lưới, làm nghề mộc chứ không có anh nào muốn đi buôn như mẹ và các chị", bà chia sẻ về cách dạy con.

Không những lo miếng ăn cho các con, bà Tính còn gây dựng được cơ nghiệp cho cả gia đình là gian nhà ngói xây năm 1979. "Hồi ấy, nhà tôi là to nhất, đẹp nhất cả phường ấy chứ", bà không giấu được niềm tự hào. Năm 1987, chồng mất. Khi ấy mới có năm người con đầu lập gia đình, một mình bà lại phải xoay xở nuôi mười đứa còn lại, lo dựng vở gả chồng cho chúng.

Hiện, các con đều đã phương trưởng. Ba cô con gái đang sinh sống ở Hà Nội, một người con lập nghiệp ở Quảng Ninh, một con sống bên Việt Trì, Phú Thọ còn lại đều ở Vĩnh Yên. Các con gái đều nối nghiệp buôn bán của bà. Bấm đốt ngón tay, bà nhẩm tính có tất thảy 32 cháu, 8 chắt. "Đông con, đông cháu thì vui cửa vui nhà thật, chúng nó sống rất hòa thuận, đoàn kết là tôi vui lắm rồi. Nói thế không có nghĩa là tôi khuyến khích đẻ nhiều đâu nhá. Mỗi thời mỗi khác mà. Cũng may, chẳng đứa nào như tôi, đẻ nhiều khổ lắm!", bà phân trần.

 "Đúng là, nhà ông Vân, bà Tính nhiều con nhất phường tôi đấy. Nhà ông bà cũng nổi tiếng là có nhiều con khá giả, trong đó có vợ chồng cô con gái thứ 11 là chủ một doanh nghiệp tư nhân cung cấp sơn lớn nhất nhì TP Vĩnh Yên. Điều đó phần nào cho thấy công sức nuôi dạy, rèn rũa con cái của ông bà rất nền nếp. Tất nhiên, không thể chê trách việc vợ chồng bà Tính sinh nhiều con được vì khi đó chúng ta chưa thực hiện kế hoạch hóa gia đình".
Ông Nguyễn Duy Báu (Phó Chủ tịch UBND phường Tích Sơn)


Thanh Thủy/Kiến thức
Bình luận
vtcnews.vn