Thảm họa World Cup và bản án ‘chung thân’ cho tội đồ

Thể thaoChủ Nhật, 01/06/2014 06:55:00 +07:00

(VTC News) – “Mỗi quốc gia đều có một thảm họa lịch sử, tựa như một cú Hiroshima. Với Brazil, thảm họa ấy chính là World Cup 1950”

(VTC News) – “Mỗi quốc gia đều có một thảm họa lịch sử, tựa như một cú Hiroshima. Với Brazil, thảm họa ấy chính là World Cup 1950”.


Đó là những gì mà nhà văn, nhà báo vĩ đại xứ samba, Nelson Rodgrigues từng viết về nỗi đau thất bại tại World Cup 1950, ám ảnh kéo dài hàng thập kỷ của bóng đá Brazil.

Kỳ dị FIFA

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, giải vô địch quốc gia Brazil mới có tính ổn định hơn nhờ thể thức thi đấu giống như các giải vô địch châu Âu. Tuy nhiên trước đó, người Brazil không chấp nhận một cuộc chơi mà kết thúc không có trận chung kết.

Thế nhưng hơn 60 năm trước, khi World Cup tổ chức lần đầu tiên trên quê hương samba, họ lại chấp nhận để lịch sử lưu lại một kỳ World Cup duy nhất đến nay không có trận chung kết.

Sự ảnh hưởng của thế chiến thứ 2 đã khiến World Cup 1950 chỉ có 13 đội tham dự. Theo lẽ thường, FIFA sẽ phải chia làm 4 bảng đấu với 3 bảng 3 đội và 1 bảng 4 đội. Nhưng oái oăm thay, họ lại chia 2 bảng 4 đội, 1 bảng 3 đội và 1 bảng 2 đội.

Cho đến giờ FIFA vẫn không tài nào lý giải được lý do chia bảng kỳ dị ngày ấy, bên cạnh việc đưa ra thể thức thi đấu vòng tròn tính điểm ở vòng 4 đội để chọn ra nhà vô địch.

Thánh đường Maracana

Maracana được ví như Kim Tự Tháp của người Brazil bởi nó được xây dựng với kỳ vọng mang đến chiến thắng cho quốc gia lớn nhất Nam Mỹ tại World Cup 1950. Hàng ngàn công nhân đã lao động cật lực và hoàn thành tiến độ một cách đáng kinh ngạc.

Sân Maracana với sức chứa 200.000 khán giả vào năm 1950

Ngày 26/4/1950, tại thánh đường Maracana, 21 phát đại bác được khai hỏa cùng những chùm pháo hoa rực sáng trên bầu trời trước sự chứng kiến của 200.000 người. Brazil bước vào cuộc chơi với Mexico bằng một sự tưng bừng không thể lớn hơn.

Phút 30, Ademir có bàn thắng mở tỷ số cho đội chủ nhà. Sau bàn thắng này, trọng tài chính người Anh, George Reader đã cho trận đấu tạm dừng để bình luận viên của 15 đài phát thanh cùng hàng chục phóng viên các loại kéo vào sân phỏng vấn trực tiếp. Kết thúc trận đấu, Brazil đè bẹp Mexico 4-0.

Ở trận thứ 2, Brazil bị Thụy Sỹ cầm hòa 2-2 nhưng sau đó họ có chiến thắng 2-0 trước Nam Tư ở lượt trận cuối và giành vé vào vòng 4 đội với tư cách nhất bảng. Thời này, mỗi trận thắng chỉ tính 2 điểm, trận hòa 1 điểm.

Tại vòng 4 đội, Brazil nghiền nát Thụy Điển với tỷ số 7-1 rồi hạ Tây Ban Nha cũng với tỷ số của một set tennis 6-1. Hai chiến thắng hủy diệt ấy càng làm cho niềm tin vào chức vô địch của đội chủ nhà lớn hơn bao giờ hết. Trước mắt họ chỉ còn một trận đấu quyết định với Uruguay – đội bóng chỉ có được trận hòa 2-2 trước Tây Ban Nha và một chiến thắng sít sao 3-2 trước Thụy Điển. (Vì tính quyết định nên sau này nhiều người vẫn nhầm tưởng đó là trận chung kết của World Cup 1950).

Nhưng thảm họa đã xảy ra

Trong cơn lốc 200.000 người ở thánh đường Maracana, Brazil tràn lên như một cơn cuồng phong. Kỳ lạ thay Uruguay đứng vững và chỉ bị thủng lưới ở đầu hiệp 2 trước pha kết thúc của Friaca. Maracana tất nhiên như nổ tung vì bàn thắng này.

Nhưng niềm vui của người Brazil chỉ kéo dài 19 phút. Juan Alberto Schiaffino trong một tình huống thoát xuống bên cánh trái đã đột nhập vòng cấm, dẫn bóng thêm 2 nhịp trước khi tung ra cú sút vào góc gần, hạ gục thủ thành Moacyr Barbosa.

 Moacyr Barbosa trong bàn thua thứ nhất

Thảm họa thực sự đổ xuống chỉ 10 phút trước khi trận đấu kết thúc. Alcides Ghiggia bất ngờ tung ra một cú sút xa vào góc cao, bên trái khung thành Barbosa. Do chới với, thủ thành người Brazil đã không thể nào ngăn cản bóng bay vào lưới.

Barbosa bất lực trong bàn thua thứ 2

Khi tiếng còi mãn cuộc của ông trọng tài người Anh George Reader vang lên, cả Maracana bao trùm sự tang tóc. Không một người Brazil nào tin vào những gì mình vừa chứng kiến. Họ khó có thể nuốt trôi thất bại này.

“Với họ dường như là một thảm họa. Tôi chưa từng chứng kiến một cảnh tượng nào như thế” - Alcides Ghiggia, người ghi bàn thắng ấn định tỷ số trận đấu, người giết chết giấc mơ của Brazil nhớ lại.

Bản án “chung thân” cho tội đồ

“Barbosa” tên của thủ thành đã để lọt lưới 2 bàn trong trận đấu với Uruguay năm xưa sau này trở thành một danh từ có nghĩa tương đương với “tội đồ”. Thậm chí nó được đưa vào từ điển dù chỉ là cái tên thuần túy theo tiếng Bồ Đào Nha. Ngay một đứa trẻ Brazil chơi bóng trên đường phố nếu muốn chế giễu ai cũng dùng từ "Barbosa".

Nỗi đau quá lớn của người Brazil ngày 16/7/1950 rút cuộc đã đổ hết lên đầu Barbosa tội nghiệp. Năm 1993, ông lão Moacyr Barbosa tưởng rằng thời gian đã hàn gắn vết thương nên quyết định trở lại thánh đường Maracana năm xưa, theo dõi một trận giao hữu của Seleccao. Thế nhưng tại đây, ông đã bị một quan chức Liên đoàn bóng đá Brazil hắt hủi và đuổi ông ra khỏi sân.

Cay đắng rời Maracana, Barbosa thốt lên: “Tại Brazil, hình phạt cao nhất cho một kẻ giết người là 30 năm tù giam. Vậy mà đã 43 năm qua, tôi phải trả giá cho một lỗi lầm mà mình không mắc phải”.

Barbosa là cầu thủ đáng thương nhất lịch sử bóng đá Brazil

Barbosa cũng từng bị thế hệ Dunga xua đuổi khi đến nơi tập luyện của Brazil trước thềm World Cup 1994.

Sự nguyền rủa Barbosa còn kéo dài đến tận lúc ông nhắm mắt xuôi tay. Ngày 7/4/2000, con người đáng thương nhất trong lịch sử bóng đá Brazil trút hơi thở cuối cùng trong sự quên lãng của người đời và những cái nhổ nước bọt trên đường ông về đất mẹ.



Hà Thành
Bình luận
vtcnews.vn