Thăm đảo Ba Bình của Việt Nam, lãnh đạo Đài Loan hành động bất nhất với lời nói

Thế giớiThứ Bảy, 30/01/2016 07:46:00 +07:00

Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu có thể muốn tạo dấu ấn bằng chuyến thăm trái phép đảo Ba Bình, nhưng động thái này đã làm tăng căng thẳng trong khu vực.

Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu có thể muốn tạo dấu ấn bằng chuyến thăm trái phép đảo Ba Bình, nhưng động thái này đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu hôm 28/1 bay trái phép đến đảo Ba Bình, trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Đài Loan chiếm giữ phi pháp đảo này và thường xuyên điều lực lượng tuần duyên đến đây. 
Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu họp báo sau khi trở về từ chuyến đi trái phép đến đảo Ba Bình
Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu họp báo sau khi trở về từ chuyến đi trái phép đến đảo Ba Bình 
Ông Mã biện bạch cho chuyến đi đến đảo Ba Bình rằng: "Tôi không hiểu chuyến đi của tôi làm gia tăng căng thẳng như thế nào". Nhưng ngay cả trước khi máy bay của ông hạ cánh, chuyến đi đã hứng chịu những lời chỉ trích từ các quan chức Mỹ. "Hành động như vậy là hoàn toàn vô ích và không đóng góp vào việc giải quyết hòa bình tranh chấp" ở Biển Đông, Sonia Urbom, phát ngôn viên của cơ quan đại diện Mỹ tại Đài Bắc phát biểu.
Ông Mã hôm 28/1 nhắc lại lời đề nghị ông đưa ra vào năm ngoái là kêu gọi các bên để tranh chấp sang một bên, và thay vì tranh cãi, hãy bàn cách chia sẻ tài nguyên tại Biển Đông, nơi có nguồn thủy hải sản và tài nguyên năng lượng dồi dào, đồng thời là tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng. 
Ông Mã bị nhiều người Đài Loan phê bình là yếu về chính sách đối ngoại. Các nhà phân tích chính trị đánh giá chuyến đi hôm 28/1 là một nỗ lực của ông Mã, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5, để củng cố hình ảnh "người hòa giải" mà ông coi là di sản của sự nghiệp. Đài Loan nói rằng muốn biến đảo Ba Bình thành nơi trú bão cho tàu thuyền của mọi quốc gia.
Ngoài đề xuất về ​​Biển Đông nêu trên, ông Mã và Quốc dân đảng còn thúc đẩy quan hệ thương mại và du lịch gần gũi hơn giữa đảo Đài Loan với Trung Quốc đại lục, nhằm củng cố hình ảnh "người hòa giải".
Ngoài ra, Bonnie Glaser, từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington nhận xét rằng "ông Mã cũng coi việc thúc đẩy lợi ích hàng hải của Đài Loan là một phần di sản".
Lãnh đạo mới đắc cử của Đài Loan Thái Anh Văn đã từ chối lời mời tham gia chuyến đi hôm 28/1. Bà Thái nói rằng bà sẽ tìm kiếm cơ hội đối thoại với các bên tranh chấp Biển Đông, nhưng không cho biết liệu bà có duy trì đề nghị hòa bình mà ông Mã đưa ra, hay tiếp tục phát triển các cơ sở trái phép trên đảo Ba Bình. Đài Loan vừa nâng cấp phi pháp cầu cảng trị giá 100 triệu USD và xây hải đăng mới trên đảo Ba Bình.
Dậy sóng
Việt Nam kiên quyết phản đối chuyến đi của ông Mã, nhấn mạnh động thái này xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu phía Đài Loan chấm dứt ngay việc vi phạm chủ quyền và không tái diễn các hành động tương tự.
Philippines cũng bày tỏ quan ngại về động thái này. "Chúng tôi nhắc nhở tất cả bên liên quan phải có trách nhiệm tránh những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng" ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói rằng Washington thất vọng bởi chuyến đi của ông Mã. "Thẳng thắn mà nói, chúng tôi xem động thái này là làm gia tăng căng thẳng, hơn là xuống thang", ông phát biểu.
"Chuyến thăm của ông Mã đến đảo Ba Bình khiến bên tranh chấp khác tức giận và làm gia tăng căng thẳng", ông Glaser, từ CSIS, nhận xét. 
Alan Romberg, giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng các nhà lãnh đạo khác ít khả năng tiến hành động thái tương tự ông Mã.
"Chuyến đi của ông Mã mâu thuẫn với lời kêu gọi để tranh chấp chủ quyền sang một bên của chính ông", Romberg nói. "Nếu lãnh đạo các chính phủ khác cũng làm theo, căng thẳng khu vực sẽ gia tăng một cách vô ích". 

Nguồn: Vnexpress
Bình luận
vtcnews.vn