Thái Bảo… giọt nắng cuối trời

Tổng hợpChủ Nhật, 07/11/2010 10:12:00 +07:00

Người phụ nữ ấy có khuôn miệng rất tươi nhưng đôi mắt lại thật buồn. Một vẻ mặn mòi, đằm thắm và luôn để lại nhiều dấu ấn sau mỗi lần gặp mặt.

Người phụ nữ ấy có khuôn miệng rất tươi nhưng đôi mắt lại thật buồn. Một vẻ mặn mòi, đằm thắm và luôn để lại nhiều dấu ấn sau mỗi lần gặp mặt. Trẻ trung, chân thành và chuyện trò sôi nổi như một cô gái vừa mới chớm hai mươi. Nồng nàn như thuở vẫn còn trong thời hoa đỏ ấy…
 

 Vẫn “của thời hoa đỏ ngày xưa”

 Còn nhớ cách đây vài năm, vào một buổi chiều xam xám ở kí túc xá đại học, tôi đã lặng nghe giọng hát trầm khàn vang lên trên chiếc loa phóng thanh với những lời da diết “dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Bước lặng trên con đường vắng năm nao…”. Khi lứa chúng tôi lớn lên, tên tuổi của chị đã nổi lắm rồi. Người già mê tiếng hát của chị, thanh niên thì có thể kể vanh vách dăm bảy bài hát gắn liền với tên tuổi Thái Bảo. Dấu mốc ban đầu là “Vết chân tròn trên cát”, vài năm sau là “Thăm bến Nhà Rồng”, rồi một loạt ca khúc “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Thời hoa đỏ”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, “Mùa hoa cải”… và một Thái Bảo trầm tư, dịu dàng ngồi hát bên cây đàn bầu… Tất cả đã gây xúc động cho đông đảo người nghe thời đó. Cứ thế, Thái Bảo điềm tĩnh bước vào dòng chảy âm nhạc đầy dấu ấn: trữ tình, thiết tha.

 Hiếm có giọng hát nào lạ như của chị. Lạ đến nỗi, có người đã hóm hỉnh ví von rằng: nếu ai đã từng nghe qua một lần thì dù giọng hát đó có len lỏi trong chiếc loa rè của đài phát thanh phường thì người ta vẫn có thể nhận ra chủ nhân của nó.

 “Để có được hôm nay, cả đời tôi mắc nợ những người thầy”- chị thốt lên. Còn nhớ ngày đó, một cô bé ngơ ngác từ thành Vinh ra Hà Nội theo học đàn bầu. Người thầy đầu tiên dìu dắt Thái Bảo đến với con đường nghệ thuật chính là nghệ sĩ đàn bầu Thanh Tâm. Bà đã phát hiện ra cô bé có bàn tay với những ngón trắng trẻo, thon dài và hướng cô đến với đàn bầu. Cứ tưởng cuộc đời rồi sẽ cứ thế êm trôi nhưng nghệ thuật lại có những quy luật và lựa chọn riêng của mình. Nhân một lần đến chơi nhà nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương, thấy cây đàn ghita treo trên tường, Thái Bảo lấy xuống, vừa gảy vừa hát nghêu ngao. Chơi vậy thôi, có đâu ngờ nhạc sỹ bảo: “Lâu lắm rồi bác mới được nghe một giọng ca như vậy”. Cô học trò bối rối, xấu hổ vì được khen. Để rồi sau đó không lâu, chính nhạc sỹ đã “bắt” Thái Bảo chuyển hẳn sang con đường ca hát với lời khẳng định “tự tin và cố gắng, cháu sẽ làm nên chuyện”. Và rồi, cô trò nhỏ đã làm nên chuyện thật. Mười bảy tuổi, Thái Bảo trở thành nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Trung ương, đứng chung sân khấu cùng với những tên tuổi như Kiều Hưng, Ái Vân, Lệ Quyên, Quang Thọ...

 Nói đến cố nhạc sỹ Trần Hoàn, Thái Bảo không giấu được niềm xúc động. Chị kể, năm 1990, chị đã đến gặp nhạc sĩ để xin được hát một ca khúc về Bác Hồ do ông sáng tác, làm tiết mục đi dự thi Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Sau khi nghe cô trình bày, nhạc sĩ tỏ vẻ không quan tâm, rồi thủng thẳng: “Bài hát thì tôi có đấy, nhưng chắc chị không hát được đâu”. Cuối cùng, Thái Bảo vẫn xin ông bài “Thăm bến Nhà Rồng” để về tập. Vốn khó tính, nhạc sĩ khiến cho cô ca sĩ trẻ không khỏi lúng túng khi dặn thêm: “Chị hát bài này chắc là nghe như Tây hát chèo thôi”. Cố gắng hết mình, ngày đêm Thái Bảo luyện tập để đúng tuần sau đến hát cho nhạc sĩ nghe. Ông im lặng lắng nghe, không nói câu gì và đồng ý cho chị mang bài hát đi thi. Không ngờ, bài hát đã làm nên tên tuổi của Thái Bảo. Và sau đó, rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn đã gắn bó với con đường ca hát của NSƯT Thái Bảo. Rồi ngày nhạc sĩ tài hoa ấy qua đời, Báo Văn Nghệ có đăng một bài viết về Thái Bảo với nhan đề “Bài hát cuối của tôi chưa kịp hát…”. Đó là câu chuyện về  một bài hát mới nhất nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác trên giường bệnh và định nhờ Thái Bảo trình bày, chị cũng đã tập dượt rất kĩ, chỉ chờ ngày nhạc sĩ đệm đàn cho mình hát, nhưng cuối cùng nó đã mãi mãi còn dang dở…

 Gắn bó với âm nhạc hơn 25 năm, một thời gian đủ dài để người ta nhận thấy những thăng trầm của thị trường âm nhạc. Dòng nhạc mà Thái Bảo theo đuổi đang ở những “nốt trầm” và không kém “hẩm hiu”. Nhưng “người đàn bà hát” ấy vẫn vẹn nguyên tình yêu như mới hôm nào. Bởi chị tin rằng mọi dòng nhạc cũng như mỗi ca sĩ đều có những khán giả riêng của mình. “Có thể trong một khoảng thời gian nào đó, dòng nhạc kia thăng, dòng nhạc này trầm, nhưng không vì thế mà tôi đi ngược lại với sự lựa chọn và sở trường của mình”. Giương cao niềm tin ấy, Thái Bảo vẫn lừng lững tiến về con đường phía trước. Và không quá ngạc nhiên khi thấy các album của chị vẫn phát hành tằng tằng, các show diễn của chị vẫn diễn ra đều đặn. 

 

 Để bão giông đứng ngoài cuộc đời…

 Tôi ghé nhà chị vào một buổi chiều muộn. Thật ra, lý do chính của tôi là muốn “mục sở thị” cuộc sống sau ánh đèn sân khấu của người đàn bà “thời hoa đỏ ngày xưa”.

 Hoạt động trong môi trường nghệ thuật, bị dăm ba người ghét là chuyện… bình thường. Nhưng với Thái Bảo, thật khó để người khác ghét bỏ hay sinh lòng đố kỵ. Nhiều đồng nghiệp nhận xét Thái Bảo khéo. Chị cũng nhận mình khéo. Bảo biết cách cư xử của một đàn em, đàn chị trong giới. “Tôi biết mình là ai. Đứng ở vị trí nào. Tôi luôn nhiệt tình với bạn bè, đồng nghiệp và là một người biết lắng nghe”. Có lẽ, vì thế, con đường nghệ thuật của Thái Bảo vắng bóng những tiếng xầm xì.

 Chồng chị là đoàn trưởng của Nhà hát Quốc gia Việt Nam. Con trai chị 17 tuổi hiện đang học kèn Clarinet năm thứ 8 tại Nhạc viện Quốc gia Hà Nội. Thái Bảo là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi có cuộc sống gia đình bình yên, hạnh phúc. Chị tự hào vì đang có bên cạnh một người đàn ông mực thước, hiền lành, luôn tôn trọng, chia sẻ và tuyệt đối không bao giờ “lèm bèm”. Có lẽ, với người phụ nữ, đó là sự an toàn. Chị bảo, cái gì cũng có giá của nó. Một ca sĩ dù đã tạo dựng được cho mình tên tuổi, thương hiệu thì cũng chỉ là hạt cát giữa sa mạc mênh mông. Ở cái mênh mông đó, chị nhận mình là một hạt cát nhỏ. Nhưng với gia đình, Thái Bảo là hạt cát lớn. Chị làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ và luôn biết tự hài lòng với cuộc sống

 Ai gặp cũng khen Thái Bảo trẻ lâu. Tôi thì thích ngắm nhìn đôi mắt của chị. Cũng chính đôi mắt buồn biết nói ấy đã thuyết phục đạo diễn Lê Hồng Sơn, đến nỗi ông phải gọi điện ngay cho Thái Bảo để mời tham gia vào bộ phim “Ám ảnh xanh”. Trong phim hầu hết Thái Bảo phải diễn bằng mắt chứ không thoại nhiều. Và “đôi mắt” ấy đã không phụ lòng mong mỏi của đạo diễn.

 Thái Bảo chỉ dám nhận mình nói chuyện có duyên và biết lắng nghe. “Bạn bè còn đùa tôi có chất cải lương, sến sến nhưng quả thật tôi rất thích được chia sẻ với mọi người”- chị cười và bảo. Đã ở cái tuổi ngoại tứ tuần, đã nổi tiếng sớm, đã nhận về ít nhiều vinh quang, sự ngưỡng mộ cũng như những thăng trầm dâu bể của kiếp đời ấm lạnh. Giờ thì chị bình nhiên. Bình nhiên trước mọi được mất ở đời. Trở về sau chuyến đi Singapore để phẫu thuật u dây thanh quản, chị lại càng ngẫm hơn về điều ấy. Được bận rộn với bữa cơm cuối tuần dành cho chồng và cậu con trai, đôi khi với chị là hạnh phúc. Chị tìm đươc niềm vui khi nói về gia đình. Với nghệ sĩ, những mong manh trong cảm xúc là những điều có thật nhưng chị đã biết cách đi thăng bằng giữa đôi bờ yêu thương. Một bên là tình yêu gia đình và một bên là những dịu ngọt của tình yêu nghệ thuật.

 Thái Bảo và Thanh Lam chơi khá thân với nhau. Nhưng nếu như Lam sống, hát và yêu một cách bản năng thì Thái Bảo lại hoàn toàn lý trí. Cả trên sân khấu và giữa đời thường, luôn là một Thái Bảo chỉn chu, điềm tĩnh. Người ta phiêu, người ta “điên” với giọng hát của Lam nhưng khi nghe Thái Bảo hát, khán giả phải tỉnh táo. “Có lẽ bởi tôi không phải con nhà nòi làm nghệ thuật. Tôi được cha mẹ giáo dục từ nhỏ để lớn lên trở thành một cán bộ mực thước”- chị cười chống chế. Mà cũng đã sao, Thái Bảo là Thái Bảo. Người ta yêu nhạc của chị bởi sự hồn hậu, thiết tha, bởi tình yêu âm nhạc mà chị gửi gắm qua từng lời hát. Một giọng hát không quá trẻ mà cũng chẳng chịu già. Chị như người đứng giữa hai thế hệ ca hát để mang thông điệp tình yêu đến cho mọi người.

 Thái Bảo tỉnh táo đến mức… khó tính với cả chính mình. Có phải vậy mà cô luôn có thói quen mang theo hai bộ áo dài mỗi khi đi diễn và hễ thấy người hát trước đã mặc bộ đồng màu thì lập tức đổi ngay. Kể cả trong âm nhạc. “Tôi làm việc bên cạnh NSND Thu Hiền đã 25 năm nay, có những bài hát chị Hiền hát rất hay, tôi nghe cũng thích lắm và không dám hát nữa. Vì tôi biết sẽ không hát hay bằng chị. Nói chung, trong cuộc sống, tôi không bận tâm quá nhiều vào những điều mà mình sẽ không làm được”- Thái Bảo cười, thú nhận.

 Tỉnh táo trước cám dỗ, chị tỉnh táo cả với những lời khen chê. Tỉnh táo để hiểu rằng đâu là sự chân thành. Ngay cả khi ở phòng thu, nơi cái tôi nghệ thuật được quyền phiêu linh, nơi người ta được phép điên dại một chút để hòa tiếng ca với tiếng lòng, thì Thái Bảo lại tỉnh táo vô cùng. Tâm hồn cứ say sưa hát, còn lý trí thì vẫn lẩm bẩm: chỗ này phải xử lý thế này, chỗ kia phải hát thế kia, quần áo mình sẽ phải mặc ra sao để hợp với bài hát, sân khấu và hoàn cảnh sự kiện nơi mình xuất hiện, biểu diễn…

 Thái Bảo dường như đi ngược lại với những quy luật của nghệ thuật. Bởi khi tỉnh táo quá, lý trí sẽ giết chết những thăng hoa. Và tôi cứ thảng thốt băn khoăn, lẽ nào người đàn bà đó không có điểm yếu. Rồi tôi săm soi. Ở cái tuổi đỉnh dốc cuộc đời, khi mà bao người đang gồng mình để “dọn đường” cho tuổi già ập đến, thì chị vẫn đi hát một cách say mê, vẫn nhiệt tình nhận những show diễn, vẫn sắm sửa áo quần như một cô bé đôi mươi... Đó có phải là sự ngốc nghếch, khờ khạo của Thái Bảo!... Mà cứ kệ thôi, bởi cuộc sống của người đàn bà đó đang viên mãn, tròn đầy lắm. Tâm hồn trẻ trung giúp chị không quá lo âu về tương lai. Thái Bảo sợ nghèo nhưng cũng không tham giàu, mà chị cũng chẳng biết làm thế nào để giàu nữa, chẳng hạn, nếu phải đếm 1 triệu đồng thì cũng ngồi giãi thẻ ra giường mới đếm được.

 Chia tay, chị tiễn tôi ra tận đầu ngõ, trên gác hai, ông xã chị nghệ sĩ trống Anh Tuấn đang hướng dẫn cho cậu con trai làm bài tập. Trời về khuya chớm lạnh, gió từ hồ Đống Đa báo hiệu một ngày mai trời trở rét. Nhưng có hề gì, bởi ngôi nhà nhỏ ấy có một bàn tay luôn biết cách để bão giông phải đứng ngoài khung cửa…

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn