Thả trộm 100 con rắn vào khu dân cư: Chuyên gia lên tiếng

Thời sựThứ Ba, 23/12/2014 07:35:00 +07:00

Các chuyên gia nhận định hành vi thả hơn 100 con rắn ra khu dân cư là rất nguy hiểm, dù chưa biết đây có phải rắn độc hay không.

(VTC News) – Các chuyên gia nhận định hành vi thả hơn 100 trăm con rắn ra khu dân cư là rất nguy hiểm, dù chưa biết đây có phải rắn độc hay không.

Như VTC News đã thông tin, khoảng 16h00 ngày 20/12, xuất hiện ba đối tượng lạ mặt đi xe ô tô hiệu Inova đã đem 3 bao tải với khoảng hơn 100 con rắn đến thả tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Sau khi các đối tượng bỏ chạy, người dân đã hô hoán nhau bắt và đập chết được một phần số rắn nói trên.

Do thời gian gần đây, tình trạng rắn lục đuôi đỏ - một loại rắn có nọc cực độc xuất hiện tại nhiều địa phương thuộc các tình miền Trung và miền Nam, đe dọa tính mạng của người dân nên hành vi thả hơn 100 con rắn tại khu dân cư của 3 thanh niên nói trên đã khiến người dân hoang mang, lo sợ.

Liên quan đến sự việc này, ngày 22/12, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quảng Trường - cán bộ nghiên cứu về lĩnh vực Động vật học và bảo tồn đa dạng sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ông Trường cho rằng, động cơ, mục đích của nhóm đối tượng thả rắn ra khu dân cư ở Đồng Nai thì cần phải chờ điều tra của cơ quan công an. Tuy nhiên theo ông Trường phỏng đoán thì không loại trừ khả năng đây là nhóm đối tượng buôn bán động vật hoang dã. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, chúng đã ném bỏ số rắn để tẩu tán tang vật.

Rắn xuất hiện khắp nơi: Chuyên gia lên tiếng
 Khu vực 3 thanh niên thả trộm khoảng hơn 100 con rắn.

“Nếu đó là rắn chết thì có thể do nhóm đối tượng muốn ném bỏ đi. Nhưng nếu là rắn sống thì có thể là do các đối tượng buôn bán động vật hoang dã. Trong quá trình bị lực lượng chức năng phát hiện, chúng muốn vứt đi số rắn này để phi tang. Tuy nhiên, đây chỉ là những phỏng đoán. Mục đích, động cơ của các đối tượng và sự việc cụ thể như thế nào cần phải chờ cơ quan công an xác minh,” ông Trường nói.

Về hậu quả có thể xảy ra khi hàng loạt con rắn nước được đem ném vào khu vực dân cư, ông Trường cho biết: “Hiện tôi chưa nắm được thông tin cụ thể về sự việc này. Nhưng ai có thể khẳng định toàn bộ số rắn đó là rắn nước? Nếu trong số đó có một vài con rắn độc thì sẽ rất nguy hiểm với người dân.”

Video: Nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ nhiều bất thường


Liên quan đến vấn đề thời gian gần đây rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở nhiều địa phương, TS. Nguyễn Quảng Trường cho biết, các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, vẫn cần có nghiên cứu và thông tin cụ thể tại các địa phương mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác.

Tuy nhiên các chuyên gia thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã đưa ra các giả thuyết như: thời tiết năm nay ấm áp hơn, thuận lợi cho rắn sinh sản (rắn thường giao phối vào khoảng tháng 3-5, sinh sản từ tháng 8 đến tháng 11).

Cũng có thể do nguồn thức ăn dồi dào hơn và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng.

TS. Nguyễn Quảng Trường cho biết thêm, Việt Nam là nước có sự đa dạng về các loài rắn. Riêng về các loài rắn lục, hiện ghi nhận 22 loài thuộc họ rắn lục Viperidae. Riêng nhóm rắn lục có màu xanh có 8 loài. Loài phổ biến nhất là rắn lục mép trắng, hay còn gọi là rắn lục đuôi đỏ, rắn lục tre.

Rắn xuất hiện khắp nơi: Chuyên gia lên tiếng
 Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
Rắn lục thường sống ở trên các bụi cây ven rừng, nương rẫy hoặc vườn nhà dân, khi di chuyển có thể bò trên đất. Do vậy, để tránh rắn xâm nhập vào nhà, người dân cần phát quang các bụi rậm, dây leo quanh nhà.

Rắn thường ra hoạt động ban đêm, nếu đi lại vào ban đêm cần có đèn pin soi hai bên lối đi để kịp thời phát hiện rắn ở ven đường đi. Trong trường hợp đi rừng cần đi giầy, ủng. Bắt rắn cần có dụng cụ như gậy, kẹp, găng tay da.

Video: Rắn lục đuôi đỏ tấn công người hàng loạt ở TP.HCM


Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y Tế cho biết, rắn lục đuôi đỏ là loại rắn độc. Người dân không may bị loài rắn này cắn mà không cấp cứu kịp thời, đúng cách thì có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Ngay sau khi nhận được thông tin về tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở nhiều địa phương và một số người dân bị rắn cắn phải nhập viện, phía Bộ Y tế đã có chỉ đạo, hướng dẫn về vấn đề này.

 

Hiện tôi chưa biết số rắn đó có phải là rắn độc hay không. Nhưng nếu có rắn độc thì đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Cơ quan công an cần phải điều tra, làm rõ động cơ, mục đích của nhóm người này, đồng thời phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời đối với những hành vi tương tự.
Ông Lương Ngọc Khuê
 
“Bộ đã có hướng dẫn về vấn đề này. Trung tâm chống độc Bạch Mai được chỉ đạo là đơn vị đầu mối chuyên môn. Cách đây khoảng 2 tuần, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có phác đồ điều trị chuyên môn, gửi tất cả các Sở, các bệnh viện trong cả nước. Các đơn vị phải thực hiện đúng phác đồ, ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm,” ông Khuê nói.

Bộ Y tế khuyến cáo với những trường hợp bị rắn lục cắn cần cần sơ cứu trước khi chuyển bệnh nhân tới bệnh viện. Theo đó cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề.

Sau đó, hãy băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, không garô động mạch. Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chi bị cắn bằng nẹp.

Đặc biệt người bệnh không chích rạch tại vết cắn. Ngay sau khi bệnh nhân bị cắn có thể nặn, hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc rồi nhanh chóng chuyển người bệnh tới viện.

Về sự việc 3 thanh niên thả hơn 100 con rắn ở Đồng Nai cách đây ít ngày, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, giữa lúc các cơ quan chức năng cùng với người dân đang nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi tác động của rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở nhiều địa phương thì hành động của nhóm thanh niên này là không thể chấp nhận được. Ngoài việc gây hoang mang dư luận, hàng trăm con rắn vứt tại khu dân cư còn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. 

“Hiện tôi chưa biết số rắn đó có phải là rắn độc hay không. Nhưng nếu có rắn độc thì đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Cơ quan công an cần phải điều tra, làm rõ động cơ, mục đích của nhóm người này, đồng thời phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời đối với những hành vi tương tự,” ông Khuê nói.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn