Tết đầu tiên của Bác Hồ sau ngày độc lập

Thời sựChủ Nhật, 14/02/2010 01:44:00 +07:00

Lần đầu tiên Bác Hồ ăn Tết ở Hà Nội là vào những ngày bước sang năm Bính Tuất 1946. Ông Vũ Kỳ, nguyên Thư ký của Bác kể lại

Lần đầu tiên Bác Hồ ăn Tết ở Hà Nội là vào những ngày bước sang năm Bính Tuất 1946. Ông Vũ Kỳ, nguyên Thư ký của Bác kể lại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946.  
Xe dừng lại trước cửa một nhà ở phố Hàng Lọng gần ga Hàng Cỏ (nay là phố Lê Duẩn), gọi cửa có người ra mở ngay. Khi nhận ra Cụ Hồ, mọi người luýnh quýnh kéo vội quần áo đang phơi trên dây chăng ngang nhà. Đây là nhà của một viên chức nghèo. Cụ Hồ chúc Tết, thăm hỏi gia đình. Gia đình vui mừng quây quần quanh Bác, quên cả chúc Tết Cụ Hồ.

Lần đầu tiên Bác Hồ ăn Tết ở Hà Nội là vào những ngày bước sang năm Bính Tuất 1946. Ông Vũ Kỳ, nguyên Thư ký của Bác kể lại:

"Tết Bính Tuất chỉ đến sau ngày Bác tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hơn năm tháng. Vì vậy không chỉ người dân Hà Nội mà mọi người dân trong cả nước đều nghĩ đến Tết Độc lập đầu tiên sớm hơn mọi năm. Một tuần nữa mới đến ngày ông Táo lên trời mà mọi nhà đã sửa soạn cả rồi. Đối với Bác Hồ, mặc dù bận trăm công nghìn việc của Chính phủ mới, nhưng vẫn không quên lo Tết cho đồng bào, chiến sĩ.

Tối 19/1/1946, Bác hỏi tôi:

- Chú cần xem sắp đến ngày Tết ông Táo chưa nhỉ?

- Thưa Bác, hôm nay mới là 18 tháng Chạp, còn năm ngày nữa ạ.

Đêm đó Bác trằn trọc không ngủ. Nghe tiếng cựa mình, tôi biết Bác còn thức. Chắc giờ này Bác đang nghĩ nhiều đến đồng bào và chiến sĩ cả nước. Sáng 20, Bác gọi tôi, bảo lấy giấy bút. Bác đọc cho viết thư kêu gọi đồng bào nhân dịp Tết sắp đến. Thư ngắn gọn và tôi cứ tưởng như Bác đang nói chuyện với mọi người: "Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với:

Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận,

Những gia quyến các chiến sĩ,

Những đồng bào nghèo nàn,

Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập".

Ngay chiều hôm đó Bác lại viết thư gửi các thanh niên và nhi đồng. Bác gửi riêng cho thanh niên và nhi đồng bởi đây là những chủ nhân tương lai của đất nước, cả nước đang đặt niềm tin vào thế hệ trẻ mà thư trước Bác chưa nhắc đến.

Bác đọc chậm rãi cho tôi viết và cẩn thận sửa chữa lại một số từ mà Bác chưa vừa lòng. Lời so sánh trong thư làm cho bất cứ bạn trẻ nào khi đọc, khi nghe đều như thấy một sức xuân phơi phới trong mình: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Thư Bác khuyên bảo: "Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Ngày 1/2/1946, tức 30 Tết, từ sáng sớm, anh Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng) mang đến hai bọc nói là Bác đã dặn. Chiều lúc đi làm về, Bác nói với tôi:

- Tối nay chú đưa Bác tới thăm một số gia đình Tết nghèo, Tết vừa, Tết khá, Tết sang. Chú không phải báo trước cho bất kỳ ai.

Bác lại dặn cần hai bảo vệ, một lái xe đi cùng nên tôi rất lo lắng, bởi ta vừa giành được chính quyền, các thế lực phản động vẫn đang rắp tâm phá hoại cách mạng. Thấy tôi không yên tâm, Bác giải thích, động viên: "Chú có biết cách bảo vệ tốt nhất là gì không? Bảo vệ tốt nhất là bí mật và bất ngờ!".

Bác nói thêm:

- Dân ta rất tốt. Chú phải tin vào dân…

19h30' Tết, trời tối đen. Cái tối đêm 30. Trời rét ngọt. Năm Bác cháu lên xe. Xe chạy qua từng phố vắng vẻ. Cái ồn ào sôi động của không khí đón Tết giờ này đã chuyển vào trong từng ngôi nhà, để lại cho đường phố một vẻ yên tĩnh lạ thường. Xe dừng lại ở đầu ngõ Hàng Đũa, phố Sinh Từ. Bác cháu lần mò vào trong ngõ. Đường mấp mô, có lúc phải bật đèn pin. Tôi đưa Bác vào một nhà cuối ngõ, gọi cửa không thấy tiếng trả lời. Không cài then, tôi đẩy cửa vào một căn phòng hẹp lạnh lẽo. Ngọn đèn dầu nhỏ không đủ soi sáng. Tôi hỏi to:

- Nhà có ai không?

Chỉ có tiếng rên từ một võng tre kê sát vách. Lại gần thấy một người đắp chiếu đang rên. Tôi ghé vào đầu giường nói:

- Cụ Hồ đến chúc Tết đấy!

Không thấy tiếng đáp lại, nhưng tiếng rên không to nữa. Tôi rờ tay lên trán chủ nhà thấy sốt nóng. Bác bảo kéo chiếu kín cho chủ nhà rồi Bác cháu lặng lẽ đi ra, khép kín cửa lại. Ngồi trên xe, Bác nói khẽ như với chính mình: "Mai chú nhớ mang thuốc, quà và thiếp chúc Tết đến thăm hỏi". (Sáng hôm sau, khi mang thuốc, quà và thiếp chúc Tết đến thăm, chúng tôi mới biết chủ nhà là người tỉnh khác về Hà Nội, làm phu kéo xe không đủ tiền để về quê ăn Tết với gia đình).

Xe dừng lại trước cửa một nhà ở phố Hàng Lọng gần ga Hàng Cỏ (nay là phố Lê Duẩn), gọi cửa có người ra mở ngay. Khi nhận ra Cụ Hồ, mọi người luýnh quýnh kéo vội quần áo đang phơi trên dây chăng ngang nhà. Đây là nhà của một viên chức nghèo. Cụ Hồ chúc Tết, thăm hỏi gia đình. Gia đình vui mừng quây quần quanh Bác, quên cả chúc Tết Cụ Hồ.

Xe tới phố Hàng Vải Thâm. Phố vắng tanh và lạnh, đèn điện sáng lờ mờ. Nhưng khi cánh cửa nhà hé mở thì ánh điện trong nhà sáng lóe. Căn nhà hẹp nhưng sâu. Gian bên ngoài kê một bộ xa lông bằng gỗ nghiến chạm trổ, mặt bàn bằng đá vân mây, lọ độc bình cao to cắm cành đào như cả một cây, nụ to, hoa nở đỏ thắm choán cả lối đi. Bên kia là một chậu quất, quả chín mọng. Cạnh đó là mấy chậu cúc vàng. Sâu vào bên trong có một chiếc giường gụ chân quỳ kê sát tủ chè lồng kính. Bên trên là bàn thờ, đỉnh đồng sáng bóng, khói trầm nghi ngút, bày mâm cỗ, bánh chưng và ngũ quả, trong đó có bưởi và phật thủ. Cụ Hồ chúc Tết gia đình và gia đình cũng chúc Cụ Hồ sống lâu mạnh khỏe!..".

Cũng về đêm giao thừa đó, ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên Thư ký của Bác Hồ kể lại như sau:

"Nếu nói tới một ngày nghỉ hoàn toàn, hay nói cho đúng hơn, một tối nghỉ hoàn toàn của Bác thì dễ chỉ có một lần. Đó là đêm giao thừa sang năm Bính Tuất (1946).

Ngay từ cuối giờ làm việc buổi sáng, Bác đã bảo với tôi:

- Đêm nay ta đi chơi giao thừa nhé? Chú dẫn tôi đi. Cho tôi xem Hà Nội một cái. Này, phải kiếm cho tôi bộ đồ cải trang, nhớ phải có gì che râu đấy.

Bác xoa cằm, tươi cười nhìn tôi.

Đã quen với những quyết định đột ngột của Bác, tôi không hỏi thêm, chỉ đáp "vâng" rồi đi xuống dưới nhà báo cho anh em bảo vệ biết quyết định của Bác để bố trí người đi cùng, tất nhiên, không được để cho Bác biết.

Buổi chiều, tôi chạy quanh mấy nơi, kiếm được cho Bác một cái áo the (tức là áo dài kiểu cổ may bằng hàng the), một cái khăn xếp và một cái bađơxuy bằng dạ. Để che bộ râu đã quá quen thuộc với người Hà Nội, đặc biệt là các cháu thiếu nhi, tôi đưa cho Bác cái khăn quàng len của tôi, nhân thể bảo vệ cổ, một công đôi việc. Bác cải trang thử, đi đi lại lại trước tấm gương lớn đặt trong phòng khánh tiết của Bắc Bộ Phủ vẻ hài lòng. Tôi đứng ngắm Bác rồi nhận xét:

- Được lắm rồi, không ai nhận ra Bác nữa đâu.

Bác nói:

- Mình đội khăn xếp mà hay, che cả cái trán.

Bác có vẻ thú vị đặc biệt với cái khăn xếp, sửa đi sửa lại mấy lần cách đội.

Tôi nhìn Bác và nghĩ giá mà có máy ảnh để chụp một kiểu Bác mặc thử bộ quần áo dân tộc. Nhưng trong Bắc Bộ Phủ không có cái máy ảnh nào. Mãi khi lên rừng Việt Bắc, tôi mới sửa chữa được cái thiếu sót này bằng cách tìm một người bạn ghi lại hình ảnh Bác, là anh Đinh Đăng Định.

Thử cải trang xong, Bác cởi ra, lại tiếp tục làm việc.

Gần mười giờ tối, tôi mới đưa Bác đi ngắm cảnh giao thừa. Để đảm bảo bí mật, tôi dẫn Bác đi theo lối sau, thông sang bên phủ Thống sứ. Đi theo chúng tôi, ở một quãng cách xa, có mấy đồng chí bảo vệ. Tôi dặn họ cải trang như những người đi chùa ngày Tết, đừng để Bác biết.

Mặc dầu là trong ngày Tết, tôi có đủ lý do chính đáng để lo cho sự an toàn của Bác. Anh Lê Giản phụ trách Công an cho tôi biết có một số tên Quốc dân đảng bị bắt đã khai chúng có nghe thấy cấp trên của chúng bàn về một vụ mưu sát nhằm vào những người lãnh đạo nhà nước cách mạng, trước hết là Hồ Chủ tịch. Trong khi đó thì Bác lại có vẻ rất coi thường mọi chuyện, không thích trong cuộc du Xuân lại có bảo vệ đi kèm một bên.

Tết Độc lập đầu tiên, Hồ Gươm được trang hoàng rất đẹp. Người đi lễ nườm nượp. Tôi và Bác chen vai thích cánh với các thiện nam, tín nữ qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn… Mặc dầu tôi lo lắng, không ai nhận ra ông già nửa quê nửa tỉnh trong bộ diện mà Bác khoác lên người. Cái khăn quàng len được quấn kỹ, che cả cằm, cả miệng Bác, tôi chỉ thấy mắt Bác sáng lên lấp lánh trước quang cảnh của ngày hội. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đặt chân lên đất Thủ đô, Bác được đi lẫn trong dân như một người dân, để thăm thú những gì là Hà Nội. Bác dừng lại lâu trước những tấm bia, ngắm nghía các câu đối rồi ra đứng ngắm mặt nước hồ lăn tăn ánh điện…

- Hà Nội đẹp lắm!

Bác quay lại nói với tôi. Chúng tôi đi bách bộ quanh hồ một lát, dưới những bóng tối thưa mảnh của hàng liễu, rồi vui chân tới đền Bạch Mã. Trên đường đi, Bác nói: "Bây giờ mình mới biết đồng bào Hà Nội ăn Tết thế nào, hái lộc ra sao… Vui quá!".

Ông Vũ Kỳ kể về sáng mồng một Tết  Bính Tuất 1946:

"Bác dậy sớm. Chưa đến giờ làm việc, Bác bảo tôi đem giấy ra viết khai bút. Bác bảo tôi viết to cho dễ đọc: "Hôm nay là ngày mồng một Tết Bính Tuất. Ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Tôi thấy mình nhỏ bé lại như những ngày đi học trước kia, chẳng khác gì lúc thầy đọc cho viết chính tả. Bác chúc đồng bào cả nước, các chiến sĩ ngoài mặt trận, chúc gia quyến các chiến sĩ ở hậu phương, năm mới vui vẻ, khỏe mạnh và thắng lợi…".

Theo CAND

Bình luận
vtcnews.vn