Teradek - "Tân binh" mùa "săn bão" 2013

Tổng hợpThứ Ba, 03/09/2013 09:58:00 +07:00

Đây là một thiết bị truyền hình gắn trực tiếp lên máy quay, sử dụng một bộ truyền dữ liệu gồm 5 sim 3G để truyền hình ảnh...

Thiết bị teradek gọn nhẹ, thao tác lắp đặt khá đơn giản. Chỉ sau 2-3 ngày, các quay phim và kỹ thuật của kênh đã làm quen được với “người bạn mới” này. Tuy nhiên, việc ứng dụng để tác nghiệp lại là một câu chuyện khác...

“Không lo thiếu người, chỉ lo thiếu... sóng”
Để chuẩn bị tác chiến trong mùa mưa bão 2013, từ cuối tháng 6, kênh VTC14 đã đón thêm “thành viên mới” mang tên Teradek. Đây là một thiết bị truyền hình gắn trực tiếp lên máy quay, sử dụng một bộ truyền dữ liệu gồm 5 sim 3G để truyền hình ảnh trực tiếp từ hiện trường mà không cần thông qua các phương tiện trung gian như xe màu lưu động. Thiết bị này đặc biệt hữu ích cho loại hình “Breaking News” (tin nổi bật, sự kiện nóng, tiêu điểm). 

 

Trước đây, khi chưa có thiết bị này, phóng viên VTC14 vẫn phải dùng phương thức truyền thống là sau khi quay xong sẽ xử lý file và gửi file về trụ sở qua internet. Phương pháp này tốn khá nhiều thời gian, tốc độ đường truyền internet ở mỗi địa phương lại không ổn định. Đã có những chuyến đi, nhóm phóng viên của kênh đã phải mất cả ngày trời chỉ để đi tìm một chiếc máy tính có kết nối mạng. 
Thiết bị teradek gọn nhẹ, thao tác lắp đặt khá đơn giản. Chỉ sau 2-3 ngày, các quay phim và kỹ thuật của kênh đã làm quen được với “người bạn mới” này. Tuy nhiên, việc ứng dụng để tác nghiệp lại là một câu chuyện khác. 
Ngày đầu tiên thử nghiệm với “anh bạn mới” mang lại khá nhiều bỡ ngỡ cho nhóm phóng viên của kênh. Sau khi sắp đặt bối cảnh và tạo tình huống giả ở Bờ Hồ, quay phim Huy Quang và BTV Trung Kiên hăm hở tác nghiệp mở màn. Chất lượng sóng 3G ở đây khá dồi dào nên hình ảnh truyền về cũng rất sắc nét. Tuy nhiên, vì chưa quen với phong cách làm trực tiếp từ hiện trường nên ê-kip tỏ ra khá lúng túng. Kết quả, tất cả những hình ảnh hậu trường đều bị... “lộ” ra trên sóng khiến anh em ở nhà vừa xem vừa được một trận cười. 
Sau thất bại đầu tiên, nhóm phóng viên lại có dịp trải nghiệm cảm giác... thất bại lần nữa khi đi làm bản tin Giao thông an toàn. Địa điểm là chân cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân. Thời gian là 5h chiều, đúng giờ tan tầm cao điểm. Cầu vượt đang trong quá trình hoàn thiện nên nút giao thông này gần như tắc nghẽn vì mật độ phương tiện đi lại. Những tưởng, nhóm sẽ có một bản tin thật sống động, nóng hổi. Tuy nhiên, bấm máy quay lên thì 3G hoàn toàn mất sóng, không thể truyền hình ảnh. Đành phải vác máy về tay không nhưng nhóm phát hiện ra rằng các phương tiện giao thông cũng ảnh hưởng đến đường truyền 3G. Đặc biệt, bộ phận đánh lửa từ bu-zi của xe máy can nhiễu rất lớn đến thiết bị teradek này. 

 

Quyết tâm phục thù, nhóm phóng viên của bản tin Giao thông an toàn tiến hành đi quay lại. Vẫn địa điểm cũ nhưng rút kinh nghiệm lần trước, lần này, nhóm chọn vị trí đứng xa chỗ đông người để tránh can nhiễu, đồng thời cài đặt lại chế độ hình ảnh phù hợp với chất lượng sóng 3G. Và sự chuẩn bị kỹ càng này đã mang lại hiệu quả. Hình ảnh được truyền về, dù không sắc nét như mong đợi nhưng lại sống động, chân thực. Vậy là sau những lần thất bại và rút kinh nghiệm, từ chỗ mới chỉ “quen” thì nay các phóng viên, quay phim của kênh đã dần “hiểu” hơn về người bạn mới của mình.  
Nói đến thiết bị mới này, mọi người ở kênh hóm hỉnh bảo “không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ... mất sóng”. “Do teradek được sử dụng dựa trên hạ tầng của một nhà cung cấp khác nên nhiều khi mình không chủ động quyết định được chất lượng hình ảnh truyền về. Điều kiện địa hình, thời tiết ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng sóng 3G. Đặc biệt, những hiện trường tác nghiệp của kênh lại chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, bão lũ... nên rất hạn chế về đường truyền 3G”- Nam Trung - Phó phòng Sản xuất tiền kỳ cho biết.
Cũng bởi lý do ấy mà quay phim luôn phải chủ động cài đặt chế độ hình ảnh của máy quay tùy thuộc vào chất lượng sóng 3G tại mỗi địa điểm tác nghiệp. Ở những nơi sóng tốt, có thể để thiết bị ở chế độ hình ảnh chất lượng cao, ngược lại, nếu ở địa điểm hạn chế về 3G thì phải điều chỉnh chất lượng thấp hơn để đảm bảo hệ thống băng thông vẫn truyền thông tin đầy đủ mà không bị ngắt quãng hay mất kết nối. 

 

Vì là bản tin trực tiếp từ hiện trường nên ê-kip thực hiện cũng có sứ mệnh cao cả hơn. Nếu như trước đây, quay phim có thể tung hoành với ống kính, có thể quay thoải mái tư liệu để rồi biên tập lựa chọn, cắt ghép, dựng thành phóng sự thì nay, họ phải cân nhắc từng cảnh quay, bố trí góc máy, sắp đặt bối cảnh, cú máy phải chuẩn xác... sao cho khi lên sóng đủ thông tin, chính xác và phản ánh kịp thời. Quay phim phải nắm rõ kịch bản hơn, hỗ trợ cho biên tập nhiều hơn. 
Biên tập, nay cũng phải lên hình trực tiếp nên áp lực cũng nhiều hơn. Bình thường có thể dẫn đi dẫn lại nhiều đúp cho đến lúc cảm thấy ưng ý. Nhưng nay, họ phải bình tĩnh, phải làm chủ những điều mình nói để đảm bảo “một phát ăn ngay”, không cho phép bất cứ một sai sót nào xảy ra. Chính vì thế, biên tập và quay phim phải trao đổi kỹ và phối hợp ăn ý với nhau. Thường, tất cả khâu chuẩn bị này đều phải hoàn thành trước khi lên sóng 30 phút. 
Sự tương tác giữa MC tại trường quay và nhóm phóng viên hiện trường là rất quan trọng. Vì thế, thông tin liên lạc giữa hai bên phải thật khớp nhau. Tuy nhiên, việc tương tác này gặp khá nhiều khó khăn. Bình thường, với phương tiện truyền dẫn phát sóng như xe màu thì bao giờ cũng có hệ thống liên lạc nội bộ intercom giữa quay phim hiện trường và đạo diễn hình nhưng khi tác nghiệp với thiết bị teradek, ê-kip phải liên lạc với nhau qua điện thoại và thông tin mang tính một chiều nhiều hơn. Vì thế, sự sống còn của bản tin hoàn toàn đặt lên vai nhóm phóng viên hiện trường.

 

Thử thách trong bão 
Hầu hết các lĩnh vực mà kênh VTC14 phản ánh như giao thông, tai nạn lao động, y tế... đều rất cần thiết sự hỗ trợ của bộ truyền dẫn trực tiếp này. Đặc biệt là những chuyến đi tác nghiệp mùa mưa bão. Trước đây, khi chưa có sự hỗ trợ của thiết bị teradek, việc tác nghiệp tại hiện trường sẽ vất vả hơn, thông tin “nguội” hơn và mất tính thời điểm. Nay, mỗi lần bão đổ bộ, kênh VTC14 đã tự tin lên sóng mỗi giờ một bản tin để cập nhật diễn biến, đường đi, ảnh hưởng của bão một cách nhanh nhất, nóng hổi nhất cho người xem. 
Khi đi làm bão, để đảm bảo cho việc tác chiến nhanh, đủ thông tin, hình ảnh, quay phim sẽ điều chỉnh thiết bị mặc định ở chế độ chất lượng hình ảnh vừa phải để đảm bảo ưu tiên về mặt thông tin. 
“Trận chiến” đầu tiên, bão số 5 ở Cát Hải - Hải Phòng, BTV Anh Dũng và quay phim Huy Quang được lãnh đạo tin tưởng giao phó nhiệm vụ “săn bão”, cùng với sự hỗ trợ của “bạn mới” teradek. 
Trước khi đi, mọi người cũng cân nhắc nên ra Đồ Sơn hay Cát Hải bởi sợ ở Cát Hải sẽ không có sóng 3G. Nhưng Dũng vẫn liều một phen, bởi đó là nơi dự báo bão sẽ ảnh hưởng mạnh nhất. Cũng may, chất lượng 3G ở đây khá ổn. Vừa đến nơi, nhóm của Dũng đã nhận lệnh phải chuẩn bị cho bản tin trực tiếp lúc 19h00. Mấy anh em bắt đầu nháo nhào lao đi tìm bối cảnh, nhân vật phỏng vấn... Khá lo lắng nên từ 4h chiều, cả nhóm đã có mặt ở hiện trường để tập các góc máy và... dò sóng. 
Có lẽ nhờ chuẩn bị kỹ nên mọi thứ đều suôn sẻ. Bản tin lên sóng khá “ngon lành”. Từ nhóm hiện trường cho đến đầu cầu ở Đài đều thở phào nhẹ nhõm. “Đầu xuôi đuôi lọt”, các bản tin sau, Dũng và Quang cảm thấy tự tin hơn. Cứ thế, mỗi ngày nhóm làm được 4-5 bản tin, thậm chí khi bão đổ bộ thì trung bình mỗi tiếng lại có một bản tin lên sóng. 

 

Không khí ở hiện trường lúc nào cũng nóng hổi. Bởi diễn biến lúc bão về và đi rất nhanh. Mỗi bản tin lại chỉ khoảng 4-5 phút nên phải làm thế nào để truyền hình ảnh đầy đủ, chắt lọc, chính xác và kịp thời nhất là bài toán khó mà nhóm phóng viên hiện trường luôn cân nhắc. 
Cũng tại Cát Hải, một tình huống khá nguy hiểm đã xảy ra. Để chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi lên sóng, cả biên tập và khách mời là một người dân đều phải... đứng giữa mưa gần 30 phút để quay phim chỉnh máy và chờ hiệu lệnh lên sóng từ Đài. Chờ mãi không thấy quay hình, người dân... bỏ về mất. Lúc đó chỉ còn 5 phút nữa là đến giờ lên sóng. Anh Dũng cuống cuồng chạy đi tìm người thay thế. May sao, gặp một bác nông dân gần đấy. May hơn nữa là nhân vật “chữa cháy” này lại nói rất tốt, trả lời phỏng vấn rất thuyết phục. Sau khi bản tin kết thúc, cả Dũng và Quang mới dám thở phào nhẹ nhõm. 
Một tình huống nữa cũng không kém phần... căng thẳng. Hôm đó, 5 rưỡi sáng, ê-kip VTC14 chuẩn bị cho bản tin phát đầu giờ sáng. Thấy ê-kip vất vả, bận rộn, ông chủ nhà cũng dậy giúp đỡ một tay, từ dựng bối cảnh, kê lại mọi thứ trên sân thượng và chỉ cho quay phim một số vị trí đẹp để bố trí máy quay. Mọi chuyện đang suôn sẻ, chỉ khoảng 10 phút nữa là lên hình thì bỗng vang lên tiếng phát thanh của loa xã gần đó. Tiếng loa quá to khiến cho cả ê-kip lo lắng đứng ngồi không yên. Thấy vậy, ông chủ nhà nhanh nhẹn chạy sang tận ủy ban xã đề nghị tạm tắt loa để cho nhóm phóng viên VTC14 làm truyền hình trực tiếp. Sự nhiệt tình của ông chủ nhà khiến cả ê-kip vô cùng xúc động. Nếu như không có sự giúp đỡ này có lẽ bản tin đã không thể lên sóng được. 
Sau chuyến “săn bão” số 5 khá suôn sẻ, nhóm của Dũng và Quang tiếp tục được cử đi làm bão số 6 tại Giao Thủy - Nam Định. Đi quay bão nhiều lúc sát giờ phát sóng rồi nhưng cả nhóm vẫn chạy hùng hục đi tìm chỗ có sóng 3G. Chỉ khổ cho anh chàng kỹ thuật VTR. Ngoài việc che chắn, bảo vệ thiết bị không bị ướt thì còn phải nhận thêm nhiệm vụ… dò sóng. Nhiều lúc bản tin cập nhật hàng giờ khiến ê-kip không có cả thời gian ăn trưa đã phải làm nội dung cho bản tin kế tiếp. 
Điều đáng nhớ ở cả hai chuyến làm bão là trong lúc mưa to gió lớn thì sóng 3G nét căng nhưng bão tan lại gặp trục trặc về đường truyền. Ở Cát Hải, lúc Anh Dũng đang dẫn cho bản tin cuối cùng trước khi rời hiện trường thì bị mất kết nối, phải dẫn lại từ đầu. Còn ở Giao Thủy, khi cả nhóm có mặt ở đoạn đê Quất Lâm sạt lở nghiêm trọng để lên sóng cho bản tin tối thì sóng 3G tê liệt, phải chờ mấy tiếng sau mới tác nghiệp được và đành phải chuyển giờ phát sóng muộn hơn. 
Điều tự hào nhất của nhóm làm bão năm nay là họ có thể giới thiệu với khách mời và người dân rằng “chúng tôi đang làm truyền hình trực tiếp”. Nhiều người dân cảm thấy vô cùng thích thú và ngạc nhiên khi vừa đang đứng trả lời phỏng vấn ở ngoài sân đã nghe thấy tiếng của mình vọng lại từ chiếc tivi trong nhà. 
Sau hai cuộc cọ xát trong môi trường bão lũ, teradek đã chính thức được “kết nạp” vào gia đình VTC14. Sự có mặt của thành viên mới này đem đến cho các ê-kip chút bỡ ngỡ, lúng túng, thậm chí rơi vào những tình huống gay cấn, nhưng đổi lại, những bản tin của kênh khởi sắc hơn, tiến đến sát mục tiêu mang đến cho người dân những “mâm cỗ thông tin” gần gũi, thiết thực... 

Y Bình
Bình luận
vtcnews.vn