Teen Việt - teen thế giới: Những điều khác biệt

PhimChủ Nhật, 28/02/2010 08:36:00 +07:00

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng có những sự so sánh là cần thiết để chúng ta nhìn lại bản thân đã đạt được gì, đã làm được gì so với bạn bè năm châu.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng có những sự so sánh là cần thiết để chúng ta nhìn lại bản thân đã đạt được gì, đã làm được gì so với bạn bè năm châu. Đó là sự so sánh để phát triển!

Chuyện học hành

Tớ có biết Miguel Amito, một cậu bạn người Philipin. Năm rồi Miguel đỗ vào một lớp chuyên Toán ở thủ đô Manila. Xin chúc mừng Miguel vì từ nay cậu ta sẽ có cơ hội tập trung nhiều hơn và tìm cách khắc phục môn Toán – môn học yếu nhất của cậu ấy! Miguel nói với tớ rằng đây đang là một trong những cách học tập và định hướng hết sức tích cực của các bạn tuổi hoa tại Philipin.

Không “chạy sô” theo phong trào trường chuyên lớp chọn, tức là học khá cái gì thì đâm đầu vào mà nhồi cái đó, ở đây, các bạn ấy chỉ học vì mục đích hoàn thiện khả năng học vấn. Đã giỏi Văn, giỏi Anh, giỏi Sử thì phải giỏi cả Toán và những môn tự nhiên khác nữa ! Đó thực sự mới là cái đích mà việc học hành nhắm tới. Và rõ ràng teen nhà ta cần phải nhờ bạn bè Philipin tư vấn về khoản định hướng này!

Teen thế giới... 
Còn nữa, ở Singapore, môn Văn được học dựa phần nhiều trên nền tảng văn học Anh và văn học châu Âu với Shakepeare, Victo Hugo , … Nói như vậy không có nghĩa là các bạn ấy không biết gì về Văn học Việt Nam, văn học Trung Quốc và các nước trong khu vực ĐNA. Bạn Huan Ulinto một học sinh trung học tại Sing đã từng ẵm giải nhất cuộc thi viết văn toàn Singapore năm 1999 với đề tài “các tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh” vượt lên trên một bài luận xuất sắc về sử thi Ấn Độ khác.

Huan thành công cũng bởi có mẹ là người VN, nhưng Huan vẫn có thể tự hào mà nói rằng, những teen học trò tại Singapore rất thích mở mang kiến thức văn học bởi sự thiệt thòi không có một nguồn văn hoá dân gian giàu truyền thông như của chúng ta. Vậy thì tại sao là người Việt Nam mà chúng ta lại không “tu” được những kiến thức về Văn học của chính nước mình nhiều bằng một teen của Sing nhỉ ? Vô lý thế !

Còn ở Úc thì sao? Trong khi nước ta, học sinh đang cắm cúi ghi chép như ăn từng chữ của thầy, cô giáo thì tụi học trò Úc lại đang làm các thực nghiệm để tự chứng minh lại các định lý và định luật của sách giáo khoa. Bạn sẽ hỏi làm thế để làm quái gì đúng không?

... và teen Việt - thử làm một phép so sánh! 
Nhưng thực sự thì tụi mình thua đứt đuôi tụi nó đấy. Liệu bạn có dám chắc là mình sẽ học thuộc bài ngay khi học xong không? Còn với tụi nó, chỉ cần làm thí nghiệm vài lần là tụi nó nhớ nằm lòng rồi. Thành ra chẳng bao giờ có chuyện chúng nó ngồi tụng kinh “rắn là loài bò” như học sinh nhà mình đâu.

11/10 Điểm

Là điểm cao nhất của tụi học trò Mỹ đấy! Đây là điểm số đặc biệt mà thầy, cô dành cho những đứa học trò có câu trả lời hay và khác các phương pháp đã học. Cô bạn Thuỳ Trang của tớ đang ở bên Mỹ kể lại rằng lần đầu tiên được thưởng điểm, cô nàng đã mừng đến phát khóc.

Nó bảo được 11 điểm này còn thích hơn cả lần nó thi được giải nhì toán toàn trường. Nó bảo tụi được 11 điểm luôn được đánh giá cao hơn tụi 10 điểm vì nó thể hiện khả năng tư duy cao hơn, nhất là được thầy cô đánh giá cao về tư duy sáng tạo. Chẳng bù cho tụi học sinh nhà mình nhiều lúc giải theo phương pháp khác là bị sổ toẹt ngay, may mắn lắm thì cho đủ điểm. Bất công quá!!!

Giờ thể thao ngoại khoá:

Là giờ tụi học trò Nhật thích nhất. Bạn có thể chơi tất cả các môn thể thao bạn thích từ đá bóng, bóng rổ, bóng chày thậm chí là cả...cắm hoa nữa (???). Các giờ học này đều được tổ chức xen kẽ vào các giờ học ngoại khoá và cứ đến kỳ là lại có các cuộc thi giữa các trường với nhau. Những lần cọ xát như thế không chỉ là cơ hội giao lưu học hỏi giữa các bạn cùng độ tuổi với nhau mà còn khiến cho các bạn tự hào về trường kinh khủng.

Nhưng bạn chỉ có thể tham gia vào 1 môn thôi, có lẽ vì chẳng ai có đủ sức mà chơi liền một lúc 2,3 môn trong giờ ngoại khoá này cả. Không hiểu là bao giờ các trường ở nước mình mới mở “dịch vụ” thú vị này. Nếu không thì tụi học trò lại phải vác bóng ra đường mà...chiến thôi!

Chuyện làm thêm

Có thể bạn sẽ phủi tay: Ôi dào, còn nhỏ, cần cóc gì phải thân cò lặn lội sớm thế ! - Cũng là một ý kiến, nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi chúng ta đã kém xa các bạn trẻ thế giới cùng lứa tuổi ở khoản làm thêm chưa?

Một teen tại Bắc Mỹ tiêu trung bình 337 USD một tháng. Và năm 2002, tổng số tiền các bạn trong độ tuổi teen tự kiếm được là 112 tỉ USD.

Tớ biết là trong đầu bạn hiện lên ngay phép tính nhẩm 5 triệu 1 tháng / teen Mỹ--> thì cũng đúng thôi, nước chúng nó giàu thế cơ mà, nước mình còn ngèo, so đo làm gì cho mệt. Rồi bây giờ bạn lại nghĩ đến con số 112 tỉ USD, gấp 4 lần tổng thu nhập quốc dân của chúng ta nhưng lại chỉ bằng chưa đầy 2% tổng thu nhập quốc dân của Mỹ --> vẫn kém, chẳng có gì đang so sánh!.

OK, vậy thì bây giờ tôi chỉ cho bạn cách tính này: Hãy lấy 112 tỉ USD chia cho 39 triệu teen của họ bạn sẽ được 2871 USD, số tiền trung bình một teen kiếm được năm 2002. Lại lấy 337 USD nhân 12 được 4044 USD, sẽ ra số tiền trung bình một teen tiêu trong năm 2002. 2871 USD là 71% của 4044 USD đấy ! Nó có nghĩa là teen Mỹ tự kiếm đến 71% số tiền mình tiêu - chính là điểm làm nên sự khác biệt.

Trong khi các bạn Mỹ kiếm đến 71% số tiền mình tiêu thì thì chúng ta hầu hết chỉ tiêu tiền của bố mẹ. Tất nhiên, làm sao có thể đề cao làm thêm hơn việc học, nhưng rõ là có đi làm thì bạn mới có đươc kinh nghiệm sống, có định hướng nghề nghiệp mà chẳng ở trường nào dạy được hết. Hè hết vèo rồi đó, vào năm học mới bạn có dự định gì để thu hẹp khoảng cách với các bạn Bắc Mỹ chưa?

Chỉ qua vài chuyện trên thôi mà tớ đã tự thấy khoảng cách giữa teen nhà và teen người xa lắc…hic ! Người Việt Nam thông minh học giỏi nhưng hình như chưa sử dụng đúng chỗ những khả năng tiềm ẩn đó. Độ nhạy bén trong tác phong công nghiệp chưa cao làm tớ cảm thấy mình kém các bạn ấy nhiều quá ! Cần phải thay đổi, thay đổi ngay thôi!

Theo Hoa học trò

 

Bình luận
vtcnews.vn