Tay skater số 1 Hà Nội – ông thầy của 300 học viên

PhimThứ Năm, 19/08/2010 09:18:00 +07:00

(VTC News) - Trần Quang Linh được coi là skater giỏi nhất và là người thầy kỳ cựu nhất của môn thể thao mạo hiểm Inline skate tại Hà Nội.

(VTC News) - Ba năm, hơn 300 học sinh; con số ấy không phải quá nhiều. Nhưng cho đến nay, Trần Quang Linh vẫn được coi là skater giỏi nhất và là người thầy kỳ cựu nhất của môn thể thao mạo hiểm Inline skate hay còn gọi là trượt patin nghệ thuật ở Hà Thành.

Từ “học lỏm" tới chuyên nghiệp

Có thể nói, Trần Quang Linh thuộc số người chơi inline skate đầu tiên tại Hà Nội. 3 năm trước, trong một lần dạo ở công viên, tình cờ Linh được “tận mục sở thị” môn thể thao rất lạ đối với Việt Nam. Cậu ngỡ ngàng trước cách “dạo phố” bằng đôi giầy có gắn 8 bánh của một chàng du học sinh ở Pháp. Cậu mê mệt bởi những pha lướt nhanh rồi dừng đột ngột với những cú xoay người đẹp mắt hay đảo lượn thật mềm và nghệ thuật qua các hàng cốc nhỏ... Và từ đó, chàng trai 17 tuổi đất Hà Thành này đã “bén duyên” cùng inline.

Một màn vượt chướng ngại vật khá ngoạn mục của Trần Quang Linh. 
Không sân tập, không người chỉ dẫn, sự khởi động của Linh với Inline skate chẳng dễ dàng. Học lỏm được dăm ba “chiêu” cơ bản từ cậu du học sinh ở Pháp. Nhưng, để “nhuần” được inline đâu chỉ học có thể. Kiên trì, đam mê và sáng tạo, Linh tìm đến những clip trên Youtube rồi học theo.

Ngày nào cũng như ngày nào, dù nắng hay mưa, skater ấy vẫn chăm chỉ luyện tập ít nhất 3 tiếng. “Inline chưa bao giờ làm mình chán. Dù nắng hay mưa, mình vẫn tập luyện bình thường. Mưa thì tới những nơi khô ráo như hầm Ngã Tư Sở hay những tòa nhà đã đóng cửa để chơi ở đó. Mùa hè năm 2008, hầu như cả ngày, mình chỉ ăn, ngủ và tập inline: sáng 5h tập đến trưa; chiều lại chơi từ 5h cho tới tận 11h đêm mới đã” - Linh nhớ lại.

“Mình là Trần Quang Linh, 20 tuổi. Mình là skater của môn inline skate, thuộc thể loại slalom” - Đó là lời giới thiệu khá ngắn gọn nhưng khiêm nhường của cậu chàng 9x này. Bởi lẽ, cho đến giờ, Linh vẫn được coi là tay chơi số 1 trong số 3.000 thành viên Inline skate Hà Thành.

Cảnh, leader của Vietx_games (một club inline skates) cho biết: “Bây giờ, có nhiều người cho rằng skater Hoạt chơi giỏi hơn. Nhưng em vẫn nghiêng về Linh là số 1. Cậu ấy có thể coi là người chơi inline đầu tiên tại Hà Nội, lại đoạt giải trong nhiều cuộc thi. Phong cách biểu diễn của Linh cũng rất “độc” và thú vị”.

Linh (phải) chuẩn bị giày để ra sân tập. 
Năm 2009, Linh tham gia thi tài tại Vietnam Inline skating Championship được tổ chức tại TP.HCM. Chàng trai đất Bắc này đã lần lượt đánh bại hơn 100 đối thủ để giành chức vô địch bộ môn slalom (lướt điệu nghệ qua 3 hàng cốc) và giải nhì speed slalom (đi qua hàng cốc nhanh nhất). Tháng 6 vừa rồi, skater này lại được mời cùng các bạn tham gia biểu diễn tại lễ khai mạc Festival Huế 2010. Dù trời mưa nhưng màn trình diễn của các chàng trai ấy vẫn rất thành công và được hàng nghìn khán giả nhiệt tình cổ vũ.

Bạn hẳn sẽ “mắt chữ A, miệng chữ O” khi thấy Linh lướt đi zích zắc uyển chuyển bằng một bánh xe hay quay tròn điệu nghệ trên một bánh mũi qua hàng cốc. Và những màn lướt thật nhanh và bay người qua chướng ngại vật với độ cao 1,2m và chiều rộng 50cm của Linh đã khiến bao người phải trầm trồ. Giờ đây, trình độ của Linh đã đạt tới level 5 - mức mà chưa một inline skater Hà Thành nào đạt được. Và nghiễm nhiên, chàng trai mới 20 tuổi này rinh luôn vị trí “number one” trong giới inline thủ đô.

20 tuổi – ông thầy của hơn 300 học sinh

Trong suốt 3 năm qua, như trở thành một thói quen không thể thiếu, chiều nào Linh cũng vác giầy tới khu vực chân tượng đài Lý Thái Tổ, vừa chơi inline, vừa dạy bạn bè và những người khác môn thể thao này. Cậu trở thành ông thầy 9x của hơn mấy trăm học viên lúc nào không hay.

 
“Mục tiêu của mình khi mở lớp dạy inline không phải vì lợi nhuận. Trên thế giới, inline skate được trẻ em rất yêu chuộng, chỉ đứng sau bóng đá. Mình cũng muốn giới trẻ Việt Nam được tiếp cận môn thể thao bổ ích này”, Linh tâm sự.

Linh cùng 2 bạn là Sơn và Phong cùng mở ISC (inline skate club) để dạy và cung cấp giầy inline. Những người chỉ học trong thời gian ngắn sẽ được dạy chơi miễn phí. Còn đối với những fan quá mê mệt inline và muốn gia nhập club để học lâu dài, chỉ phải đóng phí 400k và "được dạy, chơi cho đến khi... chán thì thôi”.

Trong số hơn 1.000 học viên của ISC suốt 3 năm nay, Linh là thầy dạy của hơn 300 bạn. Số đó phần nhiều là các em độ tuổi 10-20 nhưng cũng có khá đông các bé mới 3, 4 tuổi chơi inline skate. Thế là, thầy dạy học trở thành “thầy trông trẻ” vừa phải dắt, vừa giữ nách các em dạy tập đi inline. Không chỉ các teen hào hứng với môn thể thao này, một số phụ huynh dù ở tuổi 40 cũng thích thú tham gia. Và Linh trở thành thầy dạy inline cho cả những học viên bằng tuổi bố mẹ mình.

 Đi bằng một bánh xe thành đường zích zắc qua các điểm (cốc).
“Người già nhất mà mình từng dạy là chú giám đốc hãng bếp ga Ngọn Lửa Thần. Chú ấy 40 tuổi rồi nhưng vẫn xì tin lắm. Cả vợ và 2 con của chú cũng tham gia học môn thể thao này”, Linh hào hứng cho biết.

Phạm Hải Sơn, một trong 3 ông thầy của ISC dí dỏm nhận xét: “Nếu nói về thầy dạy nhiều học sinh nhất thì chắc em là ứng cử viên sáng giá. Một lúc em có thể dạy được 4 học sinh. Nhưng Linh thì chú trọng kỹ thuật nâng cao nên mỗi lúc chỉ dạy được 1, 2 học viên. Và cậu ấy là huấn luyện viên inline skate lâu nhất ở Hà Nội hiện nay”.

Cứ mỗi chiều, cậu chàng 20 tuổi, thầy dạy của hơn 300 học sinh, người thầy "gạo cội" nhất của làng inline skate Hà Thành, Trần Quang Linh lại lướt những vòng bánh xe của đôi giầy 8 bánh bên bờ hồ Hoàn Kiếm để thực hiện ước mơ “đưa inline skate phát triển mạnh tại Việt Nam”.


Bài: Quỳnh Trang
Ảnh Tiến Thành

Bình luận
vtcnews.vn