Tàu sân bay Mỹ đến gần Senkaku/Điếu Ngư

Thế giớiThứ Hai, 01/10/2012 05:06:00 +07:00

Mỹ đang lặng lẽ điều các đội tàu hùng mạnh đến Tây Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật tăng cao vì tranh chấp chủ quyền.

Mỹ đang lặng lẽ điều các đội tàu hùng mạnh đến Tây Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật tăng cao vì tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo tờ Time, hai nhóm tàu sân bay và một đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đã bắt đầu hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, tại những khu vực có thể nhanh chóng tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi các tàu Trung Quốc và Nhật đang vờn nhau trong vài tuần qua.

Các tàu công vụ Trung Quốc đã liên tục tiến vào vùng biển được Nhật xem là lãnh hải xung quanh quần đảo và các tàu tuần duyên Nhật và Đài Loan đã có màn đấu vòi rồng vào tuần trước.

Nhóm tàu sân bay USS George Washington trong một cuộc tập trận - Ảnh: Reuters 

Quần đảo tranh chấp hiện do Nhật kiểm soát song được cả Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.

Mỹ vốn tuyên bố không đứng về phía nào trong vụ tranh chấp. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và Washington có nghĩa vụ hỗ trợ Tokyo trong trường hợp quần đảo này bị tấn công.

Vào hôm 30/9, giới chức hải quân Mỹ xác nhận nhóm tàu sân bay USS George Washington đã bắt đầu hoạt động tại biển Hoa Đông, gần quần đảo tranh chấp.

Nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis, hiện có mặt tại biển Đông, cũng cách đó không xa.

Một nhóm tàu sân bay thông thường bao gồm các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu ngầm và tàu tiếp tế. Mỗi tàu sân bay được trang bị hơn 80 máy bay chiến đấu.

Tại vùng biển Philippines gần đó, khoảng 2.200 lính thủy đánh bộ đang có mặt trên tàu USS Bonhomme Richard và hai tàu hộ tống.

Các nhóm tàu sân bay và lực lượng lính thủy đánh bộ thường hoạt động độc lập vì thế việc hội tụ của ba nhóm này tại một khu vực tương đối nhỏ ở Thái Bình Dương biểu thị một sự tập trung bất thường về hỏa lực.

Cả ba nhóm vừa mới tiến hành các đợt tập trận xung quanh đảo Guam, bao gồm các cuộc tập trận bắn đạn thật và đổ bộ của lính thủy đánh bộ Mỹ cùng lính Nhật.

Một người phát ngôn thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói các sứ mệnh huấn luyện và triển khai tàu sân bay không nhất thiết liên quan đến căng thẳng tại Senkaku/Điếu Ngư.

Đại úy Darryn James phát biểu với tờ Time: “Các hoạt động đó không gắn với bất kỳ sự kiện cụ thể nào. Như một phần trong cam kết an ninh khu vực của Mỹ, hai trong số 11 nhóm tàu sân bay tấn công trên toàn cầu của hải quân đang hoạt động tại Tây Thái Bình Dương để giúp bảo vệ ổn định và hòa bình”.

Theo Sơn Duân/ Thanh Niên

Bình luận
vtcnews.vn