Tất cả nhà mạng sẽ không được khuyến mại đến hết năm 2016

Doanh nghiệp - Doanh nhânChủ Nhật, 20/11/2016 08:15:00 +07:00

Đầu tháng 11 năm 2016, Cục Viễn thông đã có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông di động về việc tạm dừng khuyến mại, giảm giá dịch vụ hàng hóa thông tin di động, theo đó từ nay đến hết năm 2016, doanh nghiệp viễn thông di động đã hết ngày khuyến mại theo quy định của Nhà nước.

Siết chặt khuyến mại, giảm giá trong lĩnh vực di động

Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, theo Nghị định 25/2011/NĐ quy định, tổng thời gian doanh nghiệp viễn thông thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá đối với một nhãn hiệu dịch vụ viễn thông, nhãn hiệu hàng hóa viễn thông chuyên dùng theo quy định của Bộ TT&TT không được vượt quá 90 ngày trong một năm, một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 ngày.

“Qua theo dõi các nhà mạng khuyến mại trong năm 2016 thì tất cả các nhà mạng đã sử dụng hết số ngày được khuyến mại giảm giá của năm 2016, đồng thời yêu cầu các nhà mạng thực hiện đúng quy định về khuyến mại giảm giá” đại diện Cục Viễn thông cho biết.

Anh 1

 

Đầu tháng 11 năm 2016, Cục Viễn thông đã có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông di động về việc tạm dừng khuyến mại, giảm giá dịch vụ hàng hóa thông tin di động. Theo đó từ nay đến hết năm 2016, doanh nghiệp viễn thông di động đã hết ngày khuyến mại theo quy định của Nhà nước. Do đó các doanh nghiệp viễn thông sẽ không được triển khai các đợt khuyến mại giảm giá.

Tiếp đến, ngày 11/11/2016, Bộ TT&TT có công văn hỏa tốc gửi các nhà mạng để chấn chỉnh hoạt động giá cước và khuyến mại. Theo văn bản này, cơ quan quản lý khẳng định, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh.

Mặt khác, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, khách hàng thì pháp luật có một số quy định liên quan đến giá cước và khuyến mại.

Cụ thể, giá trị hàng hóa, dịch vụ đùng để khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại; Tổng thời gian dùng để khuyến mại bằng cách giảm giá hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 90 ngày trong 1 năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 ngày; Doanh nghiệp không được tặng tiền, dung lượng khi thuê bao hòa mạng mới.

Mặc dù đã được phổ biến, nhắc nhở,  xử phạt, tuy nhiên trong thời gian qua các doanh nghiệp viễn thông vẫn tổ chức các chương trình khuyến mại và giá cước đối với dịch vụ thông tin di động sai quy định.

Để thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành về giá cước và khuyến mại, giảm thiểu hiện tượng SIM có sẵn tiền, lưu lượng trong tài khoản lưu thông trên thị trường, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thông tin di động khẩn trương rà soát và báo cáo giải trình với Cục Viễn thông; tổng rà soát và chấm dứt toàn bộ các biện pháp kinh doanh trên hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp; dừng triển khai các chương trình khuyến mại, giá cước sai quy định…

Để khẳng định việc sẽ quản lý thật chặt các quy định về khuyến mại, ngày 16/11, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và GTel vừa bị phạt hành chính do vi phạm quy định trong hoạt động khuyến mại với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Hiện các nhà mạng đã dừng các chương trình khuyến mại vi phạm quy định và tiến hành thông báo cho khách hàng biết qua tin nhắn. Tuy nhiên, với tâm lý người sử dụng rất thích tham gia các chương trình khuyến mại, hành động này của doanh nghiệp đã gặp phải phản ứng dữ dội của khách hàng.

“Trong 3 ngày 15, 16, 17/11/2016, tổng đài của chúng tôi luôn trong tình trạng cao tải bởi hàng triệu cuộc gọi của khách hàng phản ánh về việc dừng khuyến mại. Cao điểm là ngày 17/11 tổng cộng đã có 1,2 triệu cuộc gọi lên tổng đài”.

“Việc doanh nghiệp tạm thời ngừng các chương trình khuyến mại là do yêu cầu thực hiện từ cơ quan quản lý, vì vậy rất mong khách hàng thông cảm cho doanh nghiệp”, vị đại diện này chia sẻ.

Kiên quyết quản lý chặt thuê bao di động trả trước

Đi cùng với việc siết chặt quy định về khuyến mại, Bộ TT&TT cũng tỏ rõ quyết tâm quản lý thuê bao trả trước nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn cho người dùng dịch vụ di động.

Theo đó, ngày 28/10/2016, trước sự chứng kiến của Lãnh đạo Bộ TT&TT 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động bao gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và GTel cùng nhau ký cam kết về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.

Hiện nay, mỗi ngày, ở Việt Nam, có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán. Các tin nhắn rác này chủ yếu xuất phát từ các sim rác - là những sim thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin chủ thuê bao không chính xác.

Nhiều đối tượng đã dễ dàng mua những sim này để gửi tin nhắn nặc danh, tin nhắn lừa đảo, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bình thường của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng. Sim rác, không chỉ dẫn tới vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo mà còn là công cụ của tội phạm, thậm chí khủng bố…

Đây chính là lý do mà Chính phủ và Bộ TT&TT quyết tâm tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuê bao di động trả trước. Một trong những giải pháp quan trọng cần phải thực hiện ngay là thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.

Với việc cùng ký vào bản cam kết với Bộ TT&TT, 5 doanh nghiệp đã thể hiện sự nhất trí, đồng thuận cao trong việc thực hiện triệt để hơn, hiệu quả hơn các quy định về quản lý thuê bao di động trả trước.

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ triển khai một số biện pháp tăng cường để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý thuê bao di động trả trước và Thông tư số 14/2012/TT-BTTTT, thực hiện thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn và xử lý nghiêm các đại lý, điểm bán vi phạm.

Thời gian bắt đầu áp dụng cam kết là từ ngày 1/11/2016. Và đến thời điểm ngày 21/11, những thuê bao không thực hiện đăng ký lại thông tin chính chủ, sau ngày 21/11 sẽ bị tạm khóa.

Nguồn: ictnews
Bình luận
vtcnews.vn