Chuyện cụ Tố

Tổng hợpThứ Sáu, 27/01/2012 01:44:00 +07:00

Bao nhiêu là rặng tre và cây cổ thụ, người ta thi nhau đốn gần hết để nắn đường cho thẳng. Bây giờ,Tiến sỹ đâu mà lắm thế?

      Làng Sính Thượng độ chục năm nay từ từ thay đổi quê thành phố. Đường ngang lối tắt 100% bê tông, nhà tầng đủ kiểu thi nhau mọc. Bao nhiêu là rặng tre và cây cổ thụ, người ta thi nhau đốn gần hết để nắn đường cho thẳng. Bây giờ,Tiến sỹ đâu mà lắm thế ? Giám đốc sao mà nhiều thế? Rồi thì không biết bằng cách nào ,họ cứ kéo nhau đi làm ăn vào Nam ra Bắc và đi lao động nước ngoài. Thiên hạ bảo làng Sính Thượng được đặt trúng Long mạch.

 

   Cụ Tố là người cao tuổi nhất làng. Người Bộ đội đánh đồi A1 Điện Biên Phủ, thương binh chuyển ngành, làm đến cán bộ văn hoá cấp tỉnh, rồi hưu trí, bỏ phố thị về với quê nhà. Với cụ, không đâu bằng quê nhà cả, nơi mà mỗi bước chân đi qua đều đầy ắp kỷ niệm của cuộc đời. Đã ngoài tám mươi tuổi nhưng cụ còn cuốc bộ đi chợ huyện cách xa bốn cây số. Tinh thần cụ còn rất minh mẫn, cụ còn làm thơ Đường luật, người ta hay xin cụ câu đối. Cụ biết tiếng Pháp, thông tường Hán ngữ. Cụ chứng kiến mọi thăng trầm và biến cố của mảnh đất này. Mấy năm nay, cụ trầm ngâm suy nghĩ nhiều về cái Tết và cách ứng xử của con người với gia đình và với quê hương bản quán.

   Với Tết, nếu để ý thì thấy cứ mỗi năm lại có một cái gì đó thay đổi. Tết thời Phong kiến kháng Pháp, Tết hoà bình, Tết đánh Mỹ, Tết Thống nhất, Tết đổi mới, Tết mở cửa... Mỗi thời mỗi khác, cuộc sống càng khấm khá, người ta thường vun vén cho cái Tết được đầy đủ hơn về vật chất.

  Dẫu thời nghèo hay buổi có, Tết có một sự không thay đổi đó là sự tôn kính, trang nghiêm đến linh thiêng. Tết không những dành cho người dương trần mà còn cho cả những vong hồn đã khuất. Tết cho mọi con người, cho mọi gia đình, thôn xóm cho đến cả đất nước này. Tết của sự đoàn tụ, Tết của nhân tâm. Tết của người già và cho tụi trẻ...

  Cụ chứng kiến cái niềm vui chung của con người với Tết, ai nấy cũng đều vui. Cứ độ hai mươi tháng Chạp là làng xóm bắt đầu chộn rộn, thực sự tất bật lo toan cho một cái Tết. Việc trước hết phải làm là các dòng họ, gia đình phải đi sửa sang lại các phần mộ. Ai cũng lo một cái Tết thật chu đáo. Người xa xứ, lục tục kéo về, nhà nhà lo dọn dẹp, mua sắm, í ới hỏi nhau nào nếp, nào thịt, cho đến cái lạt giang buộc bánh.     

   Nhà nào cũng có ít nhất một cành đào, cành mai đang thì bung nở. Câu đối đỏ dược dán lên trang trọng. Bàn thờ Gia tiên được lau rửa sạch sẽ, nhà cửa quét dọn sắp đặt lại ngăn nắp. Mọi người lo toan gop góp trả hết các món nợ vặt, kiêng kỵ không muốn để qua năm, đen đỉu.

   Thời Nhà nước chưa cấm pháo, sang tháng Chạp thì tiếng  nổ đã đì đạch ùng oàng khắp nơi. Bây giờ, tuy là cấm, nhưng pháo lậu vẫn nổ, lúc Giao thừa, hoa cà hoa cải sáng rực cả làng, cả xã, càng ngày càng mất kiểm soát.

   Thời khắc Giao thừa sao mà linh thiêng đến thế, khi dâng đồ thờ cúng con người thật chu tất trong cử chỉ, cung kính tự trong tấm lòng. Thời khắc ấy, mọi thành viên trong gia đình đều ăn mặc đẹp, nghiêm trang tưởng nhớ Tổ tiên và những người thân khuất núi. Sáng mùng một, quên cả mệt nhọc do thức khuya để đón giao thừa, mọi người lại hướng về bàn thờ, kính cẩn dâng hương, cầu khấn một cách thành tâm. Linh thiêng quá, tử tế quá !

   Rồi mấy ngày đầu năm nhà này qua nhà khác, mọi người quên hết mọi giận hờn, chấp chiếm, qua lại thăm nhau, dành cho nhau những lời chúc tụng đậm tình người. Ba ngày tết, cho đến Rằm tháng Giêng, mùi hương trầm ngát toả khắp lối đường, nẻo xóm.

  Tiếng trống , tiếng chuông, từ các Nhà Thờ Họ tộc, từ các gia đình làm lễ cúng gia tiên vang lên rộn rã. Nhà nhà mời gọi nhau bữa tiệc, ly rượu, chén trà, bánh mứt. Mọi người diện những bộ cánh đẹp nhất, đủ màu, đủ kiểu. Mỗi nhà một lá cờ Tổ quốc treo lên cây nêu trước cửa.

   Mấy mảnh ruộng mé làng thành sân chơi, người lớn trẻ con thi nhau đánh đu, chọi gà, chơi cờ người... Cờ xí phấp phới bay dọc theo những con đường chính...

   Ngày mùng bốn, là lễ mừng thọ các cụ già, đêm thì tổ chức liên hoan văn nghệ gần như đến gà gáy sáng.

   Rồi làng trên, thôn dưới thanh thiếu niên chia đội chơi bóng đá, bóng chuyền.

   Tết mỗi kỳ mỗi khác, nó âm thầm thay đổi theo khả năng kinh tế và nhận thức con người. Cái thay đổi ấy dần dà làm thay đổi cả cung cách hưởng Tết của con người.

   Mươi năm nay, hình như người xa xứ về quê hưởng Tết ít hơn và thưa dần. Hình như mâm cỗ Giao thừa cũng thay đổi theo, thấy có bia và bánh hộp in bóng loáng. Có nhà còn cúng cỗ bằng rượu Tây nữa.

 

   Một mình miên man suy nghĩ, ấm trà của cụ Tố đã nhạt.

   Tại làm sao mấy người cán bộ có cỡ, dân ăn nên làm ra, ít khi về hưởng Tết? Trước Tết người ta tranh thủ về thăm hoặc gửi tiền, quà về cho gia đình rồi, hình như họ coi đó là đã hoàn thành nghĩa vụ!... Rằm tháng giêng, loáng thoáng có một số tranh thủ về ăn rằm và công việc họ hàng, nhưng cũng nhiều kẻ làm như chiếu lệ, thoắt ẩn, thoắt hiện. Có những kẻ sống ở phố thị, cách quê vài ba giờ đi xe cũng vậy, như thể học theo nhau vậy. Người ta cứ lấy lý do xa xôi và bận bịu với công việc(?)."Tết nhất kiểu ấy, không dẹp luôn đi cho rồi", cụ thầm trách những con người như thế. Cả năm được ba ngày Tết, sao con người ta nỡ thờ ơ và chiếu lệ với nó đến thế!

   Cái đám con cái nhà loại ấy, không về thì thôi, chứ về thì ăn với mặc, chơi với bời thật xa lạ với cái làng thuần nông này. Thậm chí có đứa đến tuổi trưởng thành rồi, còn cóc biết nhà cạnh bên là nhà ai, trong gia tộc có những ai nữa! Có kẻ, còn chê bai đủ điều, nằng nặc đòi đi ngủ khách sạn trên thị trấn cho sạch sẽ.

   Hồi trước, khổ là vậy, mà sao xóm làng ngày Tết thật rộn rã, đông vui? Chắc vì thời ấy người ta ít tính toán thiệt hơn, thiếu vật chất nên người ta bấu víu vào tinh thần, mà không nơi nào đẹp đẽ và bao dung, ấm cúng bằng chính nơi họ sinh ra và trưởng thành từ ngày lọt lòng mẹ. Cứ nghiệm lại mà coi, mỗi lần về thăm quê, nhất là dịp Tết, nếu ai biết thành tâm, ra đi thật quyến luyến và thấy mình như lớn và khôn hơn một chút.

   Vật chất, tiền tài và danh lợi làm người ta hao tổn đi cái sự linh thiêng ấy chắc? Cụ Tố thở dài, rồi lững thững dạo ra vườn cho thư thái.

   Kể cả đứa cháu đích tôn của cụ, mươi năm nay nó cũng ít về, nhưng bù lại thì Tết nào cũng cho vợ con về ăn Tết chu tất. Con dâu người thành phố xứ xa, nhưng thuộc mặt và biết tên hầu hết người trong họ , cùng làng. Ai cũng khen nhà cụ có phúc, có đứa dâu đẹp người, đẹp nết. Mấy đứa cháu, mỗi lần về quê, nó cứ tung ta tung tăng suốt ngày như chim được sổ lồng vậy, đến ngày ra đi cứ quyến luyến nấn ná đến ứa nước mắt. Nhưng Cụ tha thứ được cho thằng cháu vì nó làm cái nghành Du lịch. Nó bận bịu vì công việc chứ không vì lý do nào khác.

   Cái ngành Du lịch ngày càng ăn nên làm ra, nhất là dịp lễ Tết. Nhờ nó mà cụ biết được con người ta khi "ấm cật thì rực mỡ", "no xôi chán luôn cả chè"!

   Ừ nhỉ, cụ thực nhớ ra nhu cầu con người thời nay có một bộ phận ăn dư uống thừa, ngày nào họ chả ăn uống như Tết. Họ tìm cách tiêu tiền theo nhiều cách, nhiều kiểu khác nhau: Đi du lịch trong nước chán thì đi nước ngoài cho hấp dẫn và mới lạ. Mà sao cả năm ngày rộng tháng dài không lo mà đi, lại nhắm nhè vào ngày Tết, năm nào cũng trình bày đủ lý do để khỏi về quê? Tết linh thiêng, Tết đoàn tụ, Tết chia sẻ...mà!

   Tết năm ngoái, Cả nhà nó về đông đủ, cụ vừa mừng vừa ngạc nhiên. Cụ có vẻ hờn dỗi nó: "Năm nay anh cũng về đấy hả?" Thằng cháu xin lỗi nội vì cái nghề vướng nghiệp vào thân ấy. Rồi nghe cháu kể , ông thấy thương nó và thương... cho cả thiên hạ nữa!

   Nó kể cho cụ nghe rằng:

   Cứ dịp Noel và Tết năm dương lịch, nó phải lo cho khách Tây về nước, rồi lại lo đón họ quay trở lại Việt nam làm ăn. Đối với họ, nó linh thiêng và vui như Tết âm lịch của ta vậy. Từ ngày Đất nước mở cửa, bà con Việt Kiều về nước nhiều vô kể, ngày càng tăng lên. Đúng là "cáo chết ba năm vẫn quay đầu về núi". Rồi vào Tết ta, lại phải lo cho dân ta đi nước ngoài du lịch; Rồi thì lo cho dân ta du lịch xứ ta nũa ... Cụ nghe đến đấy, thở dài, buột miệng "ra thế à, thật trái khoáy!". Trong lòng cụ bấy lâu cứ nghĩ, tụi Tây nó ăn chơi văng mạng lắm cơ đấy, thế ra nó vẫn rất yêu Đất nước nó, quý trọng sự sum họp gia đình nhân ngày linh thiêng đến thế cơ đấy. Phàm là con người, ai cũng phải hướng về nguồn cội. Thế mà dân mình nhiều người lại đỏng đảnh không phải cách.

   Bây giờ, các nước phát hiện ra nhu cầu ấy của người Việt ta, họ thi  nhau giảm giá máy bay, nhà hàng, khách sạn để thu hút khách. Có người  tính rằng, nếu về quê ăn Tết, có khi còn đắt hơn đi chơi mấy nước lân cận, chưa nói đến chi phí quà cáp, mừng rỡ, lại được ngắm cảnh nước ngoài... "À, ra thế, nghĩa tình giờ đo đếm cả bằng tiền", cụ tiếp lời.

   Lại nữa, bây giờ mọi thủ tục tết nhất, ngoại giao, thăm hỏi nhau... đều "êm chèo mát mái" từ trong năm rồi, họ đi du lịch xa nhà mấy ngày Tết, dù trong hay ngoài nước, cho đỡ mất công đi lại thăm hỏi nhau, "đỡ mất công tiếp khách lai rai mấy ngày Tết , và đỡ cả tiền mừng tiền rỡ chứ gì", cụ Tố lại thở dài.

    Đang miên man suy nghĩ, thấy lòng buồn khó tả, chợt nhà bên có tiếng ồn ào. Cụ lắng nghe, biết vợ chồng con cái nhà hàng xóm từ bên Tây về ăn Tết, và hình như có cả người ngoại quốc cùng về nữa.

   Tiếng còi xe hơi gọi mở cổng, một chiếc xe láng coóng đứng chờ. Thằng cháu í ới gọi cụ "xe chú Năm về ông ơi".

  Ông Năm công tác ở bộ gì đó về, trịnh trọng thưa chuyện với cụ "Con tranh thủ về thăm Bố một lúc, con gửi ít quà với tấm lòng thành nhờ bố thắp hương cho Tổ tiên, chứ Tết nay cả nhà con phải đi Đà Lạt bố ạ, đến rằm con gắng về". Cụ Tố ngồi trân trân như trời trồng.

   Ông Năm lượn một vòng quanh nhà, rồi vào đề nghị cụ Tố chuyển cái này, dời cái kia; nên thế này , nên thế khác... Cụ Tố không ừ, không lắc, cũng chẳng gật.

   Cụ Tố đứng dậy, tiến về phía bàn thờ gia tiên, đỏ đèn, thắp hương khấn vái gì đó, rồi cụ nói: "anh cúng đơm Tổ Tông và Mẹ anh những gì thì để lên bàn thờ mà khấn lễ". Rồi cụ ra ngồi dưới cây vải, nơi mà nhân lần sinh ra ông Năm, cụ đã trồng, nơi mà ngày Tết, cụ thường kể cho ông Năm biết tại sao cụ trồng cây vải này.

   Tất tật độ tiếng đồng hồ, ông Năm lại chào Bố, ông Năm lại đi, đi về cái nơi mà tuổi năm mươi ông ấy rất còn rất "bận bịu". Tiếng của xe đóng lại cái rụp, khiến cụ Tố giật mình.

   Cụ Tố nhìn theo cái xe cho đến khi nó khuất nẻo. Cụ nóng ruột chờ đứa cháu dâu và sắp nhỏ về ăn Tết cùng cụ như mọi năm.

   Mắt cụ Tố bỗng đỏ hoe!...


   Thạch Cầu


Bình luận
vtcnews.vn