"Đừng bắt con thực hiện giấc mơ cha"

Tổng hợpThứ Sáu, 23/09/2011 01:44:00 +07:00

“Con cái sẽ tài năng và giỏi giang như Ngô Bảo Châu” bỗng dưng trở thành mơ ước, mục tiêu của hầu hết các bậc cha mẹ Việt Nam hiện nay.

“Con cái sẽ tài năng và giỏi giang như Ngô Bảo Châu” bỗng dưng trở thành mơ ước, mục tiêu của hầu hết các bậc cha mẹ Việt Nam hiện nay. Và vì thế, phương pháp giáo dục anh từng được thụ hưởng cũng như cái cách anh đang dạy dỗ con cái nên người, cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu của những người đang làm cha làm mẹ…

 

“Tôi lớn lên bình thường”

 Tuổi thơ của anh có gì đặc biệt so với những đứa trẻ cùng trang lứa? Ví như mọc răng sớm hơn, hay biết đi biết nói sớm hơn chẳng hạn?

Không, theo những gì được kể lại thì tôi hoàn toàn bình thường như bất kỳ đứa trẻ nào khác. Tôi hiếu động nhưng cũng biết nghe lời. Chỉ có điều, được mẹ chăm nuôi tốt nên hồi bé tôi khá bụ bẫm.

 Bố anh cũng là một giáo sư khoa học hàng đầu, chắc hẳn ông có ảnh hưởng rất lớn đối với tính cách của anh?

Cả nhà tôi giống nhau ở chỗ thích cái “gu” tĩnh lặng. Có lẽ lớn lên trong môi trường đó nên tính cách của tôi cũng điềm đạm hơn. Nhưng người ta nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” nên tôi cũng không chắc tính cách của mình có ảnh hưởng hết từ bố không. Học xong phổ thông, tôi đã đi học xa nhà. Lúc còn nhỏ, bố tôi đi bộ đội nên cũng hay vắng nhà. Được cái, trong gia đình tôi, bố mẹ không can thiệp nhiều vào con cái, mà để con tự phát triển, cả về tính cách cũng như khả năng.

 Trở về nhà sau những lần đi xa, hẳn nhiên là bố anh sẽ chiều chuộng con cái hơn rồi?

Cũng không hẳn do đi xa. Kể cả lúc không hài lòng nhất thì bố mẹ tôi cũng không bao giờ đánh con. Hồi đi học, có lần tôi nghịch bị thầy giáo bắt làm bản kiểm điểm nên sợ quá không dám về nhà. Đi lang thang thế nào lại lạc đường. Đến lúc công an dẫn về nhà thì thấy cả nhà đang loạn lên vì lo lắng. Thế mà cũng không bị ăn đòn! (cười) 

 Điều mà hầu như tất cả các bậc phụ huynh hiện nay quan tâm và tò mò là anh đã được gia đình dạy dỗ như thế nào khi còn nhỏ để bây giờ có được một GS Ngô Bảo Châu tài giỏi như thế này?

Nhiều người nghĩ hồi nhỏ đi học chắc tôi bị bố mẹ ép học trước chương trình hoặc có chế độ khổ luyện ghê lắm. Nhưng hoàn toàn không phải. Chỉ đến khi lên lớp 3, lớp 4, thấy tôi thích học toán và giải toán nhanh nên bố mới hướng cho tôi chuyên sâu về toán.

 Và anh đã trở thành một nhà toán học từ sự kỳ vọng của bố?

Gia đình tôi đều làm nghiên cứu nên bố tôi cũng chỉ mong con sau này trở thành nhà nghiên cứu. Bố tôi chưa bao giờ nói với tôi rằng con phải nổi tiếng hay phải giành được giải thưởng này nọ. Ngay cả khi lên đại học, bố muốn tôi nghiên cứu sâu hơn về cơ học như con đường ông đã đi nhưng tôi chỉ thích học toán nên bố cũng không ép mà để tôi tự làm những điều mình muốn.

 Vậy cách dạy của mẹ anh thì sao?

Hồi bé bố hay xa nhà nên mẹ là người gần gũi và thân thiết nhất với tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ mẫu mực. Cả cuộc đời mẹ lo cho chúng tôi và tôi thấy có lỗi khi chưa đền đáp được gì nhiều cho mẹ. Mấy chục năm tôi chỉ biết cắm đầu vào học hành, nghiên cứu. Trưởng thành lại sống xa gia đình, xa quê hương. Tôi biết, mẹ mừng cho những gì tôi đã đạt được nhưng trong lòng không tránh khỏi hụt hẫng, trống trải. Bà từng nói nửa đùa nửa thật rằng “Mẹ quen với tuổi già cô đơn rồi, mẹ phải điện thoại cho con không con thành “vĩ nhân” mất, chẳng còn thời gian trò chuyện với mẹ”. Ngày trước, thấy tôi học nhiều, mẹ còn sợ tôi… lẩn thẩn thì khổ. Trong mắt mẹ, có lẽ tôi vẫn luôn là một đứa trẻ.

 Những người thầy nào ảnh hưởng lớn nhất trong con đường khoa học của anh?

Khi còn bé, người mà tôi bị ảnh hưởng rất lớn là anh Phạm Ngọc Hùng, anh Lê Tuấn Hoa (hiện là Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam)… đó là những người kèm cặp tôi học toán từ 6h tối đến 10h đêm, ngày nào cũng vậy. Họ thực sự truyền niềm đam mê toán học cho tôi. Khi sang Pháp thì tôi gặp GS G.Laumon (người cùng giải thưởng Clay), ông thực sự dạy tôi vượt qua được thử thách từ nghiên cứu toán sơ cấp sang toán hiện đại. Sau đó, người thầy thứ 2 của tôi là GS ở ĐH Chicago và cũng chính thầy là lý do chính để tôi sang giảng dạy tại ĐH Chicago. Thầy đã dạy dỗ tôi rất nhiều. Tôi thực sự kính phục thầy.

 

 “Bố vẫn phải là bố, chứ không thể là bạn con”

 Giờ anh cũng đã làm bố của ba cô con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn. Không biết anh dạy con như thế nào?

Chuyện chăm lo cho trẻ con vô cùng khó khăn. Và tôi nghiệm ra ba nguyên tắc trong việc dạy con cái: Điều quan trọn nhất vẫn là dành thời gian cho chúng. Thứ hai là phải biết lắng nghe con trẻ nói, tôn trọng ý kiến của trẻ như ý kiến của người lớn. Thứ ba là mình vẫn phải làm bố, chứ không phải làm bạn của con.

 Bận rộn với công việc làm khoa học, gia đình đi lại di chuyển nhiều. Anh có gặp khó khăn gì trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái?

Có lần con gái bảo với tôi: “Bố không quan tâm đến tụi con, bố chỉ quan tâm đến môn toán của bố”. Trẻ con có ưu điểm luôn nói thật. Và nó làm tôi giật mình. Con gái đầu của tôi rất thiệt thòi, vì hồi nó còn bé thì tôi lại mải tập trung nghiên cứu “Bổ đề cơ bản”, nay con đã lớn và đi học xa gia đình, cơ hội gần gũi chuyện trò cũng ít đi. Tôi đang cố gắng làm tốt hơn với hai cô bé sau.

 Anh trưởng thành và thụ hưởng nền giáo dục của Việt Nam, còn con anh thì lớn lên và học hành ở Pháp, ở Mỹ. Liệu có sự “lệch pha” ở phương pháp giáo dục trong gia đình anh không?

Xã hội phương tây có nhiều cái rất buồn cười. Khi ở nước mình mọi người vẫn thường chỉ nghĩ nghĩa vụ chính của bố mẹ là kiếm đủ tiền cho con đi học, với người phương Tây thì nghĩa vụ này bao hàm nhiều thứ hơn. Tôi có mấy ông bạn già tâm sự rằng điểm lại hầu hết bạn bè của ông bà ấy là bố mẹ của bạn con. Có nghĩa là ngay hoạt động xã hội của người ta cũng hoàn toàn bị chi phối bởi trẻ con. Cái này thì tôi thấy cũng hay, nhưng mà chịu, mình không theo được.

Những hoạt động tập thể như đi cắm trại, đi bộ, đi xe đạp việt dã, tham gia hoạt động xã hội một cách có tổ chức, có lẽ là cách giáo dục tốt nhất về các kỹ năng sống cho trẻ con. Ở trường mấy đứa con tôi học, có chương trình phục vụ cộng đồng rất hay. Mỗi tuần cô con gái lớn phải đến một cơ sở để chuẩn bị đồ ăn và bưng bê phục vụ những người nghèo nhất trong xã hội. Tuy cũng hơi lo khi con phải đến một khu vực hơi kém về an ninh, nhưng tôi thấy là nó học được rất nhiều trong việc đi phục vụ người khác.

Thấy con vừa bưng đồ ăn cho mấy ông bà tây đen to béo, lại còn vừa cười đùa vui vẻ. Tôi rất muốn học cái khả năng đó từ con bé, nhưng khó quá. Mình quen với kiểu nói gì cũng phải nghĩ rồi, nên nhiều lúc cần nói dăm ba chuyện vui vẻ cho những người xung quanh ấm lòng thì không làm được một cách tự nhiên nữa.

 Với những gì đang có, giàu sang về vật chất, tri thức và sự nổi tiếng, anh có tự tin là sẽ cho các con một tương lai tốt đẹp nhất?

Tôi luôn nghĩ có những chuyện không nên nói với trẻ con, điển hình là tiền. Trẻ con nhà tôi chỉ hiểu sơ sơ là tiền dùng để mua các thứ đồ dùng và cần tiết kiệm tiền. Hoàn toàn không có khái niệm là phải đi làm để kiếm tiền. Con gái tôi được bố đưa ra công viên chơi. Tôi hỏi con thích chơi trò gì. Con bé nói trò gì cũng được, miễn là không tốn tiền. Nó ky bo giống hệt bố. Biết tiết kiệm chính là cách tốt nhất để không bị lệ thuộc vào đồng tiền. Còn sự nổi tiếng thì mơ hồ lắm, nếu chỉ vin vào đó mà không có thực lực thì sẽ chẳng làm được việc gì.

 Thời gian vừa qua, một nữ giáo sư người Mỹ gốc Hoa tên là Amy Chua đã cho xuất bản cuốn hồi ký kể lại quá trình dạy dỗ, kèm cặp con cái vô cùng khắc nghiệt ngay từ tấm bé để bây giờ bà có được hai đứa con tài năng rực rỡ trong lĩnh vực piano và violon. Anh có đồng tình với quan điểm là cha mẹ nên “gò” con cái từ thuở nhỏ?

Tôi không biết là nếu được bố mẹ uốn nắn bài bản từ bé thì bây giờ tôi có thể tài năng hơn không, nhưng rõ ràng tất cả những gì tôi đạt được bây giờ là đều do bố mẹ để tôi tự lựa chọn và làm theo những gì mình thích, phù hợp với khả năng của mình.

Tuy nhiên, hiện tại tôi cũng đang làm bố, và tôi cho rằng bố phải là bố chứ không thể là bạn của con được. Làm bạn có thể là vui hơn, nhưng trẻ con sẽ bị thiệt thòi. Làm thầy, làm bố, theo tôi, không đồng nghĩa với làm độc tài, mà là ý thức một số ranh giới để trẻ không được vượt qua vì nó có thể nguy hiểm cho thể xác hoặc cho sự phát triển của tâm hồn. Trong một số trường hợp, con cái phải nghe theo lời bố mẹ, mặc dù rất khó để giải thích hết lý do.

Tôi cũng đồng tình với quan điểm học cái gì cũng phải có phương pháp, chứ không thể học kiểu lãng tử được. Người ta nói viết văn giỏi rồi thì không cần nhớ cấu trúc mở bài, thân bài, kết luận nữa. Nhưng trẻ con thì cần phải được gò vào cái khuôn đó. Trước hết phải có “cách” thì mới có cái mà “phá”. Ngay cả trước khi vẽ người thành khối vuông, ông Picasso đã hình họa rất đúng tỉ lệ. Nhiều người bây giờ cứ tưởng tự do sáng tạo là vẽ lung tung, muốn vẽ gì thì vẽ.

Tôi không đánh giá cách giáo dục của Amy Chua đúng hay sai nhưng có lẽ chị đã may mắn nhiều hơn. May mắn vì con cái chị chắc chắn có chút ít niềm đam mê với piano và violon. Làm nghệ thuật đòi hỏi phải có cảm hứng, và nếu không đam mê không thể theo đuổi đến cùng được.

 Hiện nay, người lớn đang đặt quá nhiều kỳ vọng ở trẻ con. Không những lịch học kín mít mà các em còn phải học đủ thứ từ chữ- số đến nhạc- vẽ, rồi tiếng Anh, tiếng Pháp… Thậm chí có người còn nói với cậu con trai lớp 5 là “Con phải học thật giỏi như GS Ngô Bảo Châu cho mẹ nghe chưa!”. Anh nghĩ gì về điều này?

Tôi thấy thương các em nhỏ. Như thế là các em đã không còn tuổi thơ nữa. Các em đang phải sống cho giấc mơ của người lớn. Hãy để con trẻ được phát triển tự nhiên, đúng với khả năng của nó. Tôi biết nhiều gia đình hiện nay còn cố gắng vay mượn khắp nơi để “chạy” cho con vào trường chuyên lớp chọn mà không hề xem xét khả năng của con mình có phù hợp không… 

Tôi cũng từng nghĩ rằng cứ cái gì tốt cho mình, thì sẽ tốt cho con. Nhưng rồi tôi nhận ra mình đã sai lầm. Tiềm năng của mỗi đứa trẻ rất khác nhau, để hiểu được mình cần nhiều thời gian. Cái khó nhất của người làm bố mẹ là nhận ra đâu là tiềm năng của con mình để giúp nó trở thành khả năng, tài năng. Tôi nghĩ đây cũng là điều mà Amy Chua đã làm được.

 Vâng, xin cảm ơn anh!


Thanh Hương

Ảnh: Phạm Thịnh


Bình luận
vtcnews.vn