Trần Quang Đức: Người tìm về "Ngàn năm áo mũ"

Tổng hợpThứ Tư, 02/10/2013 03:13:00 +07:00

Cuốn sách Ngàn năm áo mũ - một cuốn sách cắt lớp 1000 năm lịch sử về trang phục, văn hóa, tư tưởng của người Việt Nam đã gây chú ý

Gần đây, cuốn sách Ngàn năm áo mũ - một cuốn sách cắt lớp 1000 năm lịch sử về trang phục, văn hóa, tư tưởng của người Việt Nam đã gây chú ý không chỉ trong giới nghiên cứu mà còn cả những người quan tâm tới lịch sử trang phục người Việt. Tác giả của cuốn sách này là Trần Quang Đức, sinh năm 1985, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Văn học Việt Nam.

Gặp Đức vào một buổi sáng trước cổng Viện Văn học. Mái tóc dài bồng bềnh lãng tử, trán cao, kính cận. Ngoại trừ việc quá trẻ thì hình thức của anh có vẻ như hoàn toàn tương ứng với lĩnh vực mà anh nghiên cứu. Nhìn qua, Đức có thể khiến người ta nghĩ anh là người Việt Nam cũng được, người Hàn Quốc chắc cũng chẳng sai mà là người Nhật cũng giống. Thật hay, ngôn ngữ của các đất nước này, Đức đều có thể sử dụng để đọc và nghiên cứu. 

 

Nói chuyện với Đức rất thú vị, không phải vì vốn hiểu biết sâu rộng mà vì cách tiếp cận những vấn đề khô cứng theo hướng hài hước, dí dỏm. Tính cách này của anh ít nhiều thể hiện trong cuốn Ngàn năm áo mũ nhưng đặc biệt rõ trong các tác phẩm văn học Trung Quốc hiện đại do Đức làm dịch giả chẳng hạn như Trường An Loạn của tác giả Hàn Hàn. Thú thật, điều này ít nhiều gieo vào lòng tôi một chút bất ngờ thích thú vì bên ngoài, anh rất khác với hình dung ban đầu của tôi về một nhà nghiên cứu “già trước tuổi” và “mọt sách”. Có lẽ, Đức là một vị học giả “xì tin” nhất mà tôi từng biết. 
Khi Ngàn năm áo mũ đến tay người đọc, bản thân cuốn sách đã gây chú ý bởi nó gần như là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về trang phục của người Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử bắt đầu từ thời Lý đến thời Nguyễn, thời Lê Trung Hưng. Cuốn sách được khảo cứu từ hơn 300 cuốn sách từ các thư viện của nhiều nước. Thế nhưng, gây “shock” không kém là tác giả của cuốn sách này – Trần Quang Đức. 25 tuổi, anh đã quan tâm và bắt tay vào nghiên cứu một lĩnh vực gần như rất ít người “dám” làm, ấy là mũ áo của người Việt. 
Theo như Đức nói, cảm hứng để cuốn sách này ra đời là từ những tranh cãi về phục trang trong các bộ phim lịch sử của Việt Nam. Tranh cãi nhiều mà bằng chứng để xác thực lại mù mờ nên Đức âm thầm tìm tòi và làm việc không ngừng nghỉ để 3 năm sau cho ra đời một cuốn sách gây xôn xao giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử. 
Tuy nhiên, khi nói chuyện và “biết” chút đỉnh về Đức thì tôi không còn cảm thấy ngạc nhiên nữa. Vào năm 2007, khi còn đang học tại Đại học Bắc Kinh, Trần Quang Đức đã cùng nhóm lưu học sinh Bắc Đại, Bắc Ngữ đã lang thang trong một thời gian dài đi tìm mộ cụ Hồ Nguyên Trừng. Hồ Nguyên Trừng là con vua Hồ Quý Ly, người sáng chế ra súng thần công nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc. Khi nhà Minh xâm chiếm nước ta, Hồ Nguyên Trừng đã bị bắt nhưng vì quý trọng kẻ tài trí hơn người này mà vua Minh đã phong ông lên làm Thượng thư bộ Công. Vì nghịch cảnh mà Hồ Nguyên Trừng phải gửi thân nơi đất Bắc nhưng lòng luôn đoái vọng trời Nam. 
Hành trình đi tìm mộ Hồ Nguyên Trừng tất nhiên đến giờ phút này vẫn chưa thành công nhưng từ câu chuyện đó có thể thấy, từ lâu, Trần Quang Đức đã bộc lộ tính cách vốn là người ưa tìm tòi, nghiên cứu. Vì vậy mà việc lội dòng lịch sử, nghiền ngẫm hàng trăm cuốn sách dường như chẳng là điều gì lạ lẫm.

 

Tự nhận mình “hâm hâm”, từ lớp 7, Đức đã tự mình mua sách về học tiếng Hán. Khoảng chừng 12 tuổi đã học xong Tam Tự Kinh. Lên lớp 8 học tiếng Hán hiện đại. Lớp 10 học xong chương trình C rồi đến khi tốt nghiệp phổ thông thì tiếp tục học tiếng Hán tại Đại học Quốc gia Hà nội. Năm 2004, khi đang là sinh viên năm thứ nhất, Đức đạt giải nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ 3 dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới và giành học bổng toàn phần tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc. 
Vốn yêu thích Hán Nôm lại được đào tạo một cách có hệ thống đã là điều kiện thuận lợi cho Đức khi tìm kiếm các nguồn tư liệu quý giá bằng nhiều ngôn ngữ như Hán cổ, tiếng Nhật, Hàn Quốc. Lợi thế này đã giúp cho Đức trở thành một trong số ít những người tiếp cận được với những tư liệu lịch sử vượt qua biên giới Việt Nam. Theo Đức, đã nghiên cứu văn hóa cổ mà không hiểu ngôn ngữ cổ thì khó có thể hiểu nổi nó. Hiện nay, sách dịch ra tiếng Việt rất hạn chế chưa kể còn dịch sai, dịch thiếu. Hơn 300 cuốn sách, Đức trích dẫn trong đó là từ nguồn sách cổ của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kho sách được công khai trên mạng nên để tìm kiếm nó không quá khó nhưng để đọc, dịch và tra cứu thông tin trong đó thì quả không dễ dàng. Có khi đọc đến vài bộ mới tìm được 2 dòng nói về Việt Nam.
Trong một thời gian Đức đi điền dã, một mình một xe rong ruổi đến các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế… “ăn dầm ở dề” ở nhà chùa, vừa chụp ảnh, vừa ghi chép, sưu tầm, nhặt nhạnh những dữ liệu cổ còn lưu lại trên các pho tượng, văn bia. 
Đi nhiều nhưng… ngồi một chỗ cũng nhiều. Ấy là những khi đến các thư viện, thư viện Quốc gia, thư viện Hán Nôm ngồi dò dẫm cả ngày. Đức bảo, tuy làm trong 3 năm nhưng đó là 3 năm thức đêm thức hôm, 3 năm rong ruổi, kiếm tìm, 3 năm “xới tung” các thư viện. Như đã nói, có lợi thế là biết Hán cổ, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Anh nên anh có điều kiện tiếp cận nhiều sử liệu lịch sử của các ngôn ngữ khác nhau. Đức khoe, những tư liệu anh cóp nhặt được ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật đã lên tới cả nghìn GB. Hỏi Đức, liệu có thể vẫn còn sót những tư liệu chưa khai thác, anh nói, “tôi nghĩ rằng, tôi đã nỗ lực tìm kiếm và khai thác một cách triệt để những tư liệu mà mình đã cất công tìm được liên quan đến mũ áo, đặc biệt giai đoạn Lý Trần. Giả sử, trong tương lai nếu có thể tìm thấy thêm, có lẽ cũng không còn nhiều”.

 

Xoay quanh cuốn Ngàn năm áo mũ có nhiều ý kiến nhận xét khác nhau. Có ý kiến nói, khen - chê với một người nghiên cứu còn trẻ như Đức khó quá, thôi thì đợi khi nào Đức ra cuốn thứ 2, thứ 3 hãy bàn sau. Có người nói cắt lớp lịch sử 1000 năm là quá rộng lại có người nói cuốn sách vẫn sơ sài… Về ý kiến này, Đức bảo, “tôi không nghĩ nó sơ sài mà là vì tư liệu chỉ có đến đó thôi. Sử liệu có đến đâu, tôi nói đến đó, không lạm bàn, suy diễn. Nếu còn sót tư liệu nào chưa khảo cứu thì có lẽ, chỉ có thể bổ sung thêm phần dân gian, đặc biệt phần dân gian nhà Nguyễn mà thôi”. 
Trong lời tựa cuốn Ngàn năm áo mũ, nhà nghiên cứu Trịnh Bách có viết “Văn hóa trang phục truyền thống Việt Nam bị mất dấu tích sâu đậm nhất khi nền văn hóa Tây phương do người Pháp đưa vào được áp đặt triệt để lên xã hội Việt Nam. Tiếp theo đó là sự đổi thay của lịch sử và ý thức hệ. Những biến động xã hội ấy khiến cho ngày nay không ai còn biết ông bà ta ngày xưa ăn mặc, sinh sống như thế nào. Và khi cần tái hiện lối ăn mặc của người Việt trong quá khứ, người ta “sáng tác” một cách tùy tiện”. Trần Quang Đức cũng chia sẻ, “thật ra nghiên cứu về áo mũ chỉ là một phần trong cuốn sách này. Đằng sau đó, tôi muốn nói về lịch sử, tư tưởng, văn hóa của người Việt. Đặc biệt, tôi muốn đặt Việt Nam trong vùng Đông Á, để biết chúng ta ảnh hưởng văn hóa từ nước khác chỗ nào, chỗ nào giống, chỗ nào khác, đối chiếu với Nhật, Hàn để biết sự giao thoa trong lịch sử đến đâu. Không chỉ cuốn sách này mà những cuốn sách tôi làm tiếp theo cũng sẽ theo hướng đó”.
Hiện nay Đức đang nghiên cứu viết một cuốn khảo cứu về cách ứng xử của người Việt xưa. Tạm thời trong bài viết này, tôi không nói chi tiết về kế hoạch đó, chỉ biết là, nghe Đức phác thảo sơ qua vài nét bằng lời nói mà tôi không thể không bật cười. Bởi Đức sẽ đưa chính lối diễn đạt hài hước, dí dỏm, thông minh của mình vào trong cuốn sách có vẻ khô khan này. Cho nên, so với Ngàn năm áo mũ, cuốn sách đó chắc sẽ dễ đọc hơn và hẳn sẽ có nhiều lời bình luận hơn. Khen, chê ra sao chưa biết nhưng phải thừa nhận rằng, Đức là của “quý hiếm” trong xã hội ta hiện nay khi mà người ta những tưởng rằng, giới trẻ đã thờ ơ với lịch sử.

Hà Trang
Bình luận
vtcnews.vn