Pen Spinning môn nghệ thuật của đôi tay

Tổng hợpThứ Hai, 09/04/2012 05:11:00 +07:00

... trò chơi có dụng cụ là cây bút, nhiều người đã phải trầm trồ trước những điều thú vị về môn nghệ thuật này.

    Vốn là một người không lạ lẫm gì với quay bút nên khi nghe nhắc tới trò chơi từng một thời gian dài gắn bó từ hồi đi học, tôi không cảm thấy có điểm gì đặc biệt. Theo lời giới thiệu của một cậu bạn, tôi khá bất ngờ khi biết trên mạng internet có tồn tại một diễn đàn khá lớn, riêng tại Hà Nội có hẳn một câu lạc bộ về quay bút. Gõ dòng chữ “quay bút nghệ thuật” vào ô tìm kiếm của Google, tôi càng ngạc nhiên hơn khi nhận được kết quả hơn 2,5 triệu trang, bài viết, thông tin có liên quan đến quay bút. Bỏ thêm nhiều hơn thời gian đi sâu tìm hiểu về trò chơi có dụng cụ là cây bút, tôi lại thêm nhiều lần phải trầm trồ trước những điều thú vị về môn nghệ thuật đến từ lớp học này.

 

 

Quay bút – lạ mà quen!

Quay bút (tên tiếng Anh là Pen Spinning) là “đàn em” của các trò chơi giải trí “ngoại nhập” khác như: Yoyo, Rubik, ảo thuật đường phố, ván trượt... Thực ra, quay bút là trò chơi không xa lạ gì với mọi người từ thuở cắp sách tới trường, nhưng quay bút một cách nghệ thuật, có kỹ năng và bài bản thì vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Du nhập vào nước ta từ năm 2006, mãi tới vài năm trở lại đây, Pen Spinning mới dần trở nên phổ biến.

Pen Spinning là nghệ thuật của các thao tác, trong đó người chơi vận dụng nhiều kỹ năng để cây bút trên tay có thể đạt được một hiệu ứng nào đó. Bộ môn này sử dụng chủ yếu là bàn tay và ngón tay của người chơi, kết hợp với cây bút thường hoặc được chỉnh sửa. Pen Spinning có thể được coi là một dạng của Juggling (trò tung hứng ), và nó chắc chắn là một trò chơi bổ ích của các môn thể thao sử dụng đôi bàn tay. Những người từng quay bút (dù là chơi rất thuần thục) trong một lớp học suốt nhiều năm qua, thường chỉ xem Pen Spinning như là 1 thói quen. Rất ít người nhận thức được rằng nó cũng là một hình thức nghệ thuật. Nhiều người còn tỏ ra hoài nghi, không hiểu nổi tại sao người ta lại có thể sáng tạo thêm một môn nghệ thuật nào với một đối tượng đơn giản như là một cây bút?

Pen Spinning xuất hiện sớm nhất ở châu Á (Nhật Bản) vào thế chiến thứ 2. Vào những năm 1990, người chơi mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện vài động tác đơn giản như : Thumb Around, Sonic ... Đến khoảng năm 2006, số lượng các trang web về Pen Spinning đã tăng cao rõ rệt, thêm nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu xuất hiện người chơi, thậm chí Pen Spinning còn trở nên khá thịnh hành ở nhiều nước như Pháp, Đức, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Để đáp ứng nhu cầu của các “bút thủ”, người ta còn tổ chức nhiều giải đấu trên mạng Internet và đấu trực tiếp. Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia đi đầu về việc tổ chức giải đấu quay bút.

 

Nghệ thuật quay bút có hai dạng: người quay bút (spinner) và người làm bút (modder). Bước đầu tiên một người chơi cần tìm hiểu đó là cây bút. Một cây bút bình thường không thể phục vụ cho các thủ thuật từ đơn giản đến nâng cao cho nên nó cần được chỉnh sửa lại - sản phẩm sau khi chỉnh sửa gọi là “Mod”. Tên của mod do người chỉnh sửa quyết định khi đó là một mẫu mới, còn nếu mod được bắt chước về mẫu nhưng về phụ kiện ráp vào khác đi so với bản gốc sẽ được gọi là “Fake”.

Mod chia ra làm 2 loại là: Double cap và Mx (thường gọi là max cap). Double cap là cây bút được chế nặng ở 2 đầu nên rất cân bằng, dễ quay thích hợp cho những người mới bắt đầu tập. Max cap là loại bút nặng 1 đầu, do vậy nên độ chênh lớn, khó quay hơn Double cap nhưng bù lại đẹp và rất đa dạng về mẫu mã.

Khi bắt đầu tập làm bút, người chơi thường phải nắm vững một số thuật ngữ trong một cây bút thường: Tip (đầu bút, thường làm bằng sắt có thể tháo ra), Grip (vòng cao su trên bút), Cap (Nắp bút), Clip (nắp cài bút), Body (thân bút), Insert (giấy đút bên trong bút), Outsert (giấy dán bên ngoài bút). Một cây Mod sẽ được ráp từ các phụ kiện từ những cây bút bình thường khác nhau theo ý tưởng và nhu cầu tập của mỗi người. Thông số mod chuẩn trung bình cần hội tụ đủ những thông số sau: Độ dài 19 - 24 cm, trong lượng: 14 - 20g, đường kính có thể tùy theo thói quen người chơi. Theo ý kiến của các “bút thủ” thì không có thông số nào là cực chuẩn, trong mọi trường hợp, mọi thứ đều chỉ là tương đối nhưng tốt nhất là không nên vượt quá thông số trên vì khi đó người chơi sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ba thể loại chính của Pen Spinning gồm có: Speed (đúng như tên của nó thì đó là tốc độ người chơi điều khiển cây bút khi quay), Smooth (là thể loại phải đòi hỏi có bàn tay dẻo, người chơi điều khiển cây bút 1 cách nhẹ nhàng, phải giữ nguyên độ đẹp trong khi quay), Power tricks (là thể loại khó nhất, trong khi quay người chơi phải làm cho cây bút bay lên bay xuống và làm một thủ thuật nhiều lần). 4 thủ thuật cơ bản mà người quay bút nào cũng phải trải qua đó là: Thumb Around, Finger Pass, Sonic và Charge. Từ 4 thủ thuật này, người chơi sẽ sáng tạo thêm vô vàn các chiêu mới của riêng mình. Dân quay bút thường chuyền tay nhau cả một kho đồ sộ các kỹ thuật cơ bản về bộ môn này và thường xuyên cập nhật, chia sẻ thêm nhiều “chiêu thức” mới.

 

 

Quay bút không phải “dễ xơi”

Nơi đầu tiên xuất hiện quay bút nghệ thuật tại Việt Nam là các tỉnh phía Nam. Tại các thành phố lớn, phong trào Pen Spinning cũng phổ biến với lượng người chơi hùng hậu và nhiều hoạt động sôi nổi. Tại Hà Nội, người tham gia quay bút tuy khá đông đảo, lên tới hàng trăm người, nhưng chỉ có khoảng trên 20 thành viên hoạt động thường xuyên trong một câu lạc bộ. Các thành viên đều ở độ tuổi khá trẻ, hầu hết là học sinh cấp 2-3. Vài năm trở lại đây mới xuất hiện các thành viên lớn tuổi hơn là sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học. Hiện tại, một tháng hai lần nhóm vẫn tổ chức lịch gặp mặt đều đặn để các thành viên có thể giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với nhau hay tổ chức một vài trận đấu giao hữu để tìm ra người có kỹ năng tốt nhất.

Nắm giữ vị trí trưởng nhóm Quay bút nghệ thuật Hà Nội, đến nay đã bốn năm có lẻ Nguyễn Lê Hùng, sinh viên ĐH Công Nghệ gắn bó với niềm đam mê “cầm bút”. Dáng người nhỏ bé, Hùng tham gia tập khá nhiều môn nghệ thuật đường phố nhưng trên tất cả, Pen Spinning vẫn có một sức hút kỳ lạ với cậu. Từng có một thời gian say sưa với game online và ít khi tham gia chơi các trò chơi “thực” nhưng trong một lần nhìn thấy người bạn tập quay bút, Hùng đã lập tức bị chinh phục. Về nhà tìm tòi trên mạng internet, cậu cảm thấy rất bất ngờ trước những thông tin thú vị về bộ môn này. Hùng nhanh chóng mua nguyên liệu làm bút và tự tập. Đến nay, Hùng có một gia tài nho nhỏ khoảng 10 cây mod với đủ chủng loại, màu sắc. Tất cả đều là đồ tự chế. Thời gian đầu, mỗi ngày Hùng bỏ từ 6-8h để tập. Không ai hướng dẫn, thầy giáo chính của Hùng là… You Tube, tất cả những kỹ năng, cách làm bút… đều được Hùng tự mày mò qua các clip tìm được trên mạng. Mất khoảng ngót nghét một năm, Hùng mới bước đầu bắt nhịp được với trò chơi này. “Thi thoảng cũng rơi vào tình trạng tay chưa mỏi những người đã mỏi nhừ vì phải ngồi tập trong một thời gian khá lâu”, Hùng chia sẻ.

Quay bút không dễ như trong tưởng tượng của nhiều người. Đã có khoảng thời gian dài tới nửa năm, do chán nản, Hùng bỏ tập quay bút. Nhưng trong một lần đi đường, tình cờ gặp một cậu bạn đi trên đường và quay bút. Dù chỉ là những động tác cơ bản nhưng hình ảnh đó gần như đã kéo Hùng trở lại với đam mê cũ, cậu trở về nhà ngay lúc đó và bắt đầu lục tìm lại những cây bút đã từng bị bỏ quên trong… gầm giường. Cho tới nay, Hùng khá hài lòng với những gì mình có được nhờ tập quay bút.

 

Nguyễn Hoàng, sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh, biết đến quay bút trong một lần tình cờ được một người em họ cho xem một đoạn clip ngắn về Pen Spinning của Hàn Quốc. Từ ngày đầu tiên đó cho tới nay cũng gần 5 năm Hoàng mê mẩn với những động tác uyển chuyển của đôi bàn tay và chiếc bút. Trong số những thành viên của Pen Spinning Hà Nội, Hoàng là một trong số ít những spinner và modder chuyên nghiệp.

Từ việc tập và chơi Pen Spinning, Hoàng bắt đầu tự làm bút để bán. Hoàng kể ban đầu chỉ đơn giản là muốn bán bớt vài cây bút không dùng đến cho bạn bè. Lâu dần, khi đã quen, cậu mới nghĩ tới việc tự làm bút để bán cho những người có nhu cầu mà không thể làm bút cho mình. Tới nay, Hoàng đã có chút “tiếng tăm” trong nghề bán bút. Để làm một chiếc bút, mới nghe thì có vẻ đơn giản nhưng kỳ thực lại không đơn giản chút nào. Muốn có một cây bút tốt và bền thì nguyên liệu làm bút phải thường xuyên nhập ngoại. Mẫu thiết kế thường là sự kết hợp giữa các mẫu có sẵn của nước ngoài và tự nghĩ ra nhưng thường là sự sáng tạo luôn được đặt lên hàng đầu bởi mẫu “ngoại” thường đòi hỏi nguyên liệu đắt và khó tìm. Đôi khi Hoàng cũng làm theo đơn đặt hàng và yêu cầu riêng của người mua. Quá trình làm bút cũng đòi hỏi phải tập trung cao độ và cẩn thận từng chút một vì với nhiều công đoạn như cưa hay mài thì bút rất dễ bị nứt hoặc gãy. Làm được một chiếc bút hoàn chỉnh không “dễ xơi” nên giá bán vì thế cũng dao động từ khoảng 30-400 ngàn đồng/chiếc. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng tạm để giúp Hoàng chi trả một số khoản chi phí mua dụng cụ học tập.

Môn nghệ thuật của đôi tay và sự kiên trì

“Điều quan trọng nhất của quay bút, không phải là khéo léo mà chính là sự kiên trì”, đó là câu nói mà Lê Hùng luôn nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc trò chuyện. Nhớ lại quãng thời gian gắn bó với Pen Spinning, Hùng chia sẻ, cậu luôn coi trọng sự kiên trì bởi vì đây là một yếu tố quan trọng để có thể với tay tới thành công “Mình rất kết câu nói: kiên trì mới có thể rèn luyện được và quay bút chính là để rèn luyện sự kiên trì”.

Nhắc tới những ví dụ về việc có những bạn quá mải mê quay bút khiến việc học bị xao nhãng, theo Hùng, chỉ cần một sự tiết chế và xác định tốt thì sẽ biết được khi nào nên quay bút và khi nào không. Thực tế, nhờ Pen Spinning mà khả năng tập trung của Hùng tăng lên trông thấy “Có một người bạn từng đố mình bỏ quả bóng vào rổ trong ba lần bật tường, nếu như ngày trước chắc mình sẵn sàng bỏ cuộc rồi, nhưng lúc đó mình đã làm được dù hơi khó khăn. Rõ ràng là khả năng tập trung và sự kiên trì của mình đã tăng lên rõ rệt. Đến giờ mình đã có thể tự tin nghĩ rằng mình có thể làm được tất cả mọi việc”.

 

Lần đầu tiên nhìn thấy cậu bạn lớp trưởng tập quay bút trong lớp học, Vũ Mạnh Hùng, ĐH Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội đã lập tức mê tít. Về nhà, Hùng lập tức mày mò và tự tập. Thời gian đầu, chưa biết nhiều về bút nên khi tập rất khó khăn do những chiếc bút cậu làm ra vừa ngắn lại vừa nhẹ. Vừa tập, vừa mày mò trên các diễn đàn cuối cùng Hùng cũng có thể tự hào về những chiếc bút “đạt chuẩn” do chính mình làm ra. 4 năm kiên trì theo đuổi Pen Spinning đã mang lại cho Hùng không ít niềm vui, nỗi buồn, nhưng điều khiến Hùng cảm thấy vui nhất có lẽ là “danh tiếng” của mình trong giới chơi quay bút tại Hà Nội. Trình độ khá và có thâm niên dài trong nghiệp “bút thủ”, Hùng thường xuyên được mời vào vị trí giám khảo các cuộc thi quay bút và được nhiều bạn bè trong giới nể phục.

So với các trò chơi khác, quay bút hội tụ khá nhiều ưu điểm như chi phí thấp, ít tốn thời gian, dễ học, dễ làm và có thể giúp người chơi tăng khả năng sáng tạo cũng như phản xạ của bàn tay. Đối với nhiều người, quay bút không chỉ là một sở thích mà còn là một trong những môn thể thao thực sự giúp rèn luyện sự linh hoạt của đôi tay. Nhưng bên cạnh đó, quay bút lại bộc lộ hạn chế trong việc mở rộng khả năng giao tiếp và kết nối những người chơi với nhau. Mặt khác, nhiều người mới bắt đầu chơi còn rất dễ bị sa đà vào việc luyện tập mà lơ đễnh công việc mình đang làm. Nhắc tới một kỷ niệm khó quên trong quãng thời gian “luyện bút”, Nguyễn Hoàng kể: “Một lần đang ngồi trong lớp học, mình lấy bút từ trong cặp ra quay theo thói quen. Được một lúc thì cô giáo nhắc nhở nhưng vì không chú ý nên mình chỉ nghĩ đơn giản là cô đang ám chỉ một bạn ngồi phía sau. Phải đến khi cô nêu đích danh thì mới biết. Nghĩ lại đến giờ vẫn còn run vì cô giáo ấy nổi tiếng nghiêm khắc nhất trường, chẳng may lúc ấy bị ghi vào sổ thì… Những cũng nhờ bài học đó mà mình từ bỏ hẳn thói quen mang bút tới trường và tuyệt đối không quay bút trong giờ học”.


Thu Hương


Bình luận
vtcnews.vn