Tranh 3D đường phố Việt không chỉ là mơ

Tổng hợpThứ Sáu, 02/12/2011 04:16:00 +07:00

Các hoạ sĩ đã sử dụng sơn, phấn, bột màu … để vẽ ý tưởng của mình lên những mặt đường...

Bạn đã bao giờ tưởng tượng một ngày nào đó, bạn đang đi dạo phố thì nhìn thấy một hố băng trên đường phố hay nhìn thấy cả con đường như đang sắp sụp xuống một vực sâu? Rồi ở kia, một em bé gái đang chơi bóng hồn nhiên giữa dòng xe cộ nườm nượp đi lại. Ở kia nữa là một cái ao sen không biết người ta đào giữa lòng đường từ bao giờ…

 

 

Ảo ảnh hay những bức tranh chuyển động

Bạn hơi hốt hoảng? Nhưng thật may là tất cả những hình ảnh đó đều không có thực. Chúng chỉ là “ảo ảnh đường phố”. Các hoạ sĩ đã sử dụng sơn, phấn, bột màu … để vẽ ý tưởng của mình lên những mặt đường có diện tích lớn, nhằm tạo ảo giác cho người xem về một khung cảnh khác.

Người ta gọi đó là nghệ thuật tranh 3D đường phố. Tên tiếng anh của thể loại tranh này là 3D illusion painting, đó là bởi vì nó không hoàn toàn là tranh 3D, mà chỉ là mang lại hiệu quả thị giác kiểu 3D. Những bức tranh mang lại ấn tượng mạnh mẽ cho bất cứ người xem nào. Mỗi một bức tranh 3D đường phố lại mang tới những bất ngờ khác nhau về thị giác, cho thấy óc sáng tạo của con người chưa bao giờ hết giới hạn. Những tác phẩm dường như chỉ thấy xuất hiện ở nước ngoài ấy, nay đã có mặt tại Việt nam.

Họ đã vẽ như thế nào? Thật khó hình dung nếu chúng ta chỉ nhìn những bức ảnh 3D đường phố sau khi chúng đã được hoàn thành. Họa sĩ trẻ Việt Dũng - GĐ sáng tạo Công ty Victri Media là một trong số rất ít những nghệ sỹ đang theo đuổi nghệ thuật tranh 3D đường phố ở Việt Nam. Anh cho biết về căn bản vẽ tranh 3D đường phố cũng không có gì là quá khó, sau khi hiểu được cách tính toán góc nhìn để đạt được hiệu quả thị giác, thì những việc còn lại cũng giống như vẽ bất kỳ bức tranh đường phố nào khác. Độ khó, độ vất vả ở đây lại nằm ở việc diện tích của bức tranh khá lớn, và tư thế vẽ hay phải cúi gập nên rất mỏi.

Nếu chọn được địa điểm thích hợp thì dễ có cảm hứng sáng tác hơn, sau đó là bố trí đồ đạc, chuẩn bị không gian thực hiện cũng khá cầu kỳ. Có khi đang vẽ thì trời mưa rất to, nước mưa ngấm vào nền đất khiến cho màu vẽ không còn ăn nữa. Lại phải chờ nền khô, rồi căng bạt, sắp xếp lại từ đầu. Một không gian đảm bảo là không gian khá lớn từ 50m2 trở lên. Mặt đường càng mịn thì càng tốt, việc tô màu sẽ nhanh và chính xác hơn, nên tránh nền lát đá hoa, sẽ bị lóa ánh sáng. Mỗi lần như thế, Dũng và nhóm vẽ gồm hai người bạn thường nhờ bên đối tác chuẩn bị nhà bạt để đề phòng trời mưa, vì quá trình thực hiện một bức tranh cũng tiêu tốn không ít thời gian.

 

Đường phố Việt Nam quá nhiều bụi nên dù chất liệu sơn có tốt mấy, mưa rửa không trôi thì bụi cũng bám làm mờ bức tranh, giảm đi tính nghệ thuật. Tranh lại đặt ở gần nơi đi lại đông người nên càng lâu càng bị mờ dần đi. Bởi vậy mà trong quá trình thực hiện, nhóm của Dũng luôn phải căng nhà bạt để đảm bảo an toàn cho bức tranh, ít nhất là sau khi đã hoàn thành xong.

Nền để thực hiện bức tranh là một yếu tố rất quan trọng, lí tưởng nhất vẫn là đường nhựa phẳng lì, hoặc nền xi măng mịn. Tóm lại là một vật liệu ít độ bong và gồ ghề. Vì thường họa sĩ sẽ phải vẽ liên tục và càng nhanh càng tốt, nên Dũng phải phác thảo và thực hiện nháp trước khi bắt tay vào vẽ thật tại địa điểm được chọn.

“Việc vẽ một bức tranh 3D, ngoại trừ việc tính toán về mặt hình học, thì cũng không khác gì việc vẽ một bức tranh đường phố thông thường” - Việt Dũng chia sẻ thêm. Trong quá trình thực hiện bức tranh, Dũng đã thử đứng ở nhiều góc để nhìn. Điểm thú vị của việc chiêm ngưỡng một bức tranh 3D là bạn phải tìm được góc nhìn thích hợp để thấy được bức tranh hoàn chỉnh nhất.

Chất liệu vẽ cũng quan trọng, Dũng phải chọn những loại chất liệu càng ít độ bong càng tốt, vì độ bong ảnh hưởng tới độ lóa của bức tranh. Anh cũng cho biết vẽ phấn là lí tưởng nhất tuy nhiên tìm được loại phấn tốt là không hề dễ. Sơn acrylic là lựa chọn an toàn cho các họa sĩ vẽ 3D đường phố vì tính nhanh gọn của nó. Ngoài ra, dùng màu bột cũng rất tốt nhưng nếu vẽ một bức tranh lớn thì rất vất vả trong việc pha màu.

Chuyện sai số khi phối màu từ những tính toán trên giấy cho tới khi ra thực tế là chuyện không tránh khỏi. “Lần đầu vẽ, tôi đã mất 3-4 lần đi màu lại, tới mức màu dày cộp có thể bóc ra được. Sửa màu thì cũng không có gì khó, chỉ là chờ sơn màu khô thì đè lớp khác lên thôi. Đây là ưu điểm của việc dùng sơn hoặc dùng phấn”. Về thời tiết, lý tưởng nhất cho các họa sĩ vẫn là trời nắng nhẹ. Quan trọng là làm sao để bức tranh trông được rõ ràng với ánh sáng thực tế.

Một bức tranh 30m - 50m thì mất khoảng 2 ngày, nếu tả cảnh chi tiết thì thời gian sẽ nhiều hơn. Hai bức tranh đầu tiên, Việt Dũng mất khoảng 3 ngày cho tất cả công việc set-up, thể hiện ý tưởng và dọn dẹp, trau chuốt lại. Có nhiều kinh nghiệm hơn thì thời gian cũng được rút ngắn dần.

Không chỉ là giấc mơ

Hiện nay, nghệ thuật tranh 3D dường như vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam, thường vẫn chỉ hay xuất hiện trong các sự kiện thương mại hoặc để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Cái gì cũng cần có sự khởi đầu. “Bản thân tôi không phải là một họa sĩ được đào tạo bài bản, tôi chỉ là người thích vẽ những gì mới lạ thôi. Tranh 3D không phải thể loại treo trong nhà, vì thế nên khi trưng bày ra cộng đồng thì cần có những yêu cầu về mặt nghệ thuật phù hợp. Do vậy mà việc sử dụng cho thương mại cũng là phù hợp cho cả người nghệ sĩ và thương hiệu. Tính nghệ thuật sẽ phụ thuộc vào khách hàng khá nhiều nếu họ am hiểu về nghệ thuật hơn”- trưởng nhóm Dũng Joon tâm sự. Khi vẽ tranh cho công ty thì đối tác sẽ đảm nhận việc xin giấy phép, thu xếp địa điểm đường phố để nhóm họa sĩ có thể yên tâm vẽ mà không sợ bị… dân phòng đuổi. 

 

Việt Dũng và nhóm vẽ của mình tin rằng khi có nhiều người tham gia lĩnh vực này thì chất lượng nghệ thuật của tranh 3D sẽ tăng lên và nhu cầu của xã hội cũng nhiều hơn. Việc vẽ tranh này hoàn toàn là Dũng tự học. Anh cũng nghiên cứu trên mạng xem cách người ta vẽ rồi suy luận bằng một chút kiến thức hình học để nghĩ ra cách bóp méo hình cho khớp với thị giác,  “Tôi cũng có may mắn là đã học vẽ khá lâu nên việc thể hiện được ý tưởng thì không phải là rào cản quá lớn”.

Vẽ tranh tạo cảm giác không gian ba chiều là một kỹ thuật đỉnh cao của hội họa hiện đại. Các bề mặt rộng như sàn nhà và đường phố đã trở thành tấm phông nền cho những ý tưởng không có giới hạn của các nghệ sỹ. Chúng khiến cho đôi mắt của chúng ta đôi khi bị đánh lừa, không thể phân biệt được là tranh hay là thật trước các sự vật, hiện tượng hiện hữu một cách sống động ngay trước mắt. Hy vọng trong thời gian tới, đường phố Việt Nam sẽ sống động hơn với những bức tranh 3D đầy tính nghệ thuật.


Thanh Hương


Bình luận
vtcnews.vn