Khi teen Việt bay, nhảy như người nhện

Tổng hợpThứ Sáu, 25/11/2011 12:45:00 +07:00

hững chuyển động nhẹ nhàng và uyển chuyển khó tin ấy được tôn vinh như một nghệ thuật mang tên Parkour.

Chiều chiều, lang thang trong công viên Lê Nin hoặc dạo chơi quanh vườn hoa Lý Thái Tổ - Hà Nội, bạn sẽ dễ bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, chạy rất nhanh trên đường phố, thể hiện những pha nhào lộn tưởng chừng như chỉ có thể bắt gặp ở các rạp xiếc, nhảy qua những bức tường rào cao 3m một cách nhẹ nhàng, hay thậm chí nhảy nhót từ toà nhà này qua toà nhà khác như bay trên không trung… Những chuyển động nhẹ nhàng và uyển chuyển khó tin ấy được tôn vinh như một nghệ thuật mang tên Parkour.

 

 

Nghệ thuật của di chuyển

 

Parkour được coi như một nghệ thuật di chuyển. Nó gần với thể thao nhưng lại mang màu sắc của breakdance, hiphop. Parkour xuất hiện ở nước ngoài từ lâu nhưng mới du nhập vào Việt Nam và đang được nhiều bạn trẻ tiếp nhận một cách hào hứng. Parkour (tên gọi khác trong tiếng Anh là Free running - chạy tự do) gần như một môn thể thao nhưng lại không được coi là thể thao, gần như một điệu nhảy nhưng cũng không được xếp cùng nhóm với loại hình này, mang hơi hướng của võ thuật nhưng cũng không có “họ hàng” với võ thuật.

 Giống như breakdance, hip hop, parkour đang ngày càng được xem là một môn nghệ thuật hấp dẫn trong xã hội hiện đại của giới trẻ. Parkour chưa thực sự được nhiều người biết tới, thậm chí nó còn gặp phải nhiều “điều tiếng” bởi quá mới lạ nhưng vẫn đang được giới trẻ Việt Nam tiếp nhận một cách đầy hào hứng. Đặc điểm chính của parkour là người thực hiện phải di chuyển thành thục thông qua các bước nhảy, nhào lộn... trên các địa hình không bằng phẳng khác nhau. Việc di chuyển này phải được thực hiện rất nhanh.

 Xuân Lâm, biệt danh “Rùa”, thành viên nhóm parkour Jorker - Hà Nội cho biết:  “Parkour xuất phát từ thời ông nội của David Belle. Khi ông này ở châu Phi đã thấy cách di chuyển rất linh hoạt của một bộ tộc người châu Phi. Khi trở về, ông đã dạy lại cho con trai và cháu trai. David lớn lên đã ảnh hưởng rất nhiều, muốn làm anh hùng cứu người, David tổng hợp các động tác chạy nhảy lại và đặt tên cho môn này, nêu ra một số nguyên tắc kỹ thuật và gọi là parkour”.

 Cách đây 4 năm, Rùa đã biết đến parkour và lập tức bị cuốn hút. Các đoạn video trên Youtube về parkour chính là nguồn cảm hứng cũng như những tài liệu giúp cậu luyện tập. Rùa bắt đầu với những bài tập chuyển động cơ bản nhất như tiếp đất, giữ thăng bằng, di chuyển bằng bốn chân trên đỉnh hoặc nóc của một vật thể, nhảy qua các khoảng trống giữa các vật thể. Sau khi đã thuần thục, cậu chuyển sang các bài tập với các kỹ thuật khó hơn như vượt qua các công trình cao tầng, nhảy 180 độ, 360 độ hay vượt qua các trở ngại chỉ bằng tay và lực đẩy của cơ thể.

 

 Để tham gia nhóm parkour, người chơi chỉ cần trang bị cho mình một đôi giày tốt , trang phục rộng rãi phù hợp và đương nhiên phải có thể lực tốt, thần kinh vững vàng và ưa mạo hiểm. Nói cách khác là làm thế nào để di chuyển từ vị trí này đến vị trí nào đó một cách tối ưu nhất, chỉ dựa vào sức mạnh của cơ thể và sự linh hoạt tránh các vật cản trong môi trường. Tuy nhiên, để tham gia và thực hiện được các động tác trong parkour, người tham gia phải có tính kiên trì. Trong quá trình tập luyện, các thành viên thường xuyên phải đối mặt với các nguy hiểm cận kề bởi khi tập luyện thường xảy ra các sự cố va đập, ngã...

Đoàn Đình Tuấn, một thành viên của nhóm Joker đã có thâm niên hơn 4 năm luyện tập parkour, chia sẻ: “Parkour giúp cho người tập phản xạ rất tốt và phát triển đầu óc sáng tạo hơn là một hoạt động thể chất đơn thuần. Nó cũng giúp bạn cảm thấy vượt qua được chính mình, trở nên mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn mỗi lần vượt qua”.

Theo những tín đồ của môn thể thao - nghệ thuật đường phố này, parkour còn có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là một trò tiêu khiển, nó là một thứ triết học hay nói cách khác là một cách sống. Nhân tố quan trọng nhất của parkour là sự hoà hợp giữa cơ thể và vật cản. Nó đòi hỏi một sự tinh tế, uyển chuyển và một sự tập trung cao độ để có thể đạt được chữ “mỹ” trong từng chuyển động. Những nghệ sĩ parkour trên thế giới coi đây là một môn nghệ thuật giúp người ta cảm nhận được sự kết nối thực sự giữa thể xác, tâm hồn và môi trường sống.

Parkour có 20 động tác cơ bản như landing (tiếp đất), reverse vault (nhảy vượt chướng ngại vật), rolling (cuộn tròn cơ thể, tránh va đập và giảm áp lực), monkey (vượt chướng ngại vật cần tốc độ), coosk crew (vặn xoắn 360 độ trên không), back flip (lộn về đằng sau),...và nhiều động tác nâng cao khác. Mỗi động tác đòi hỏi người tập những kỹ năng riêng, nếu không có sức dẻo dai và sự khéo léo rất dễ bị chấn thương. Các bước chạy nhảy của parkour thường sử dụng tổng hợp những kỹ thuật đơn giản của võ thuật, điền kinh, thể dục dụng cụ, break dance, nhờ đó cho phép người chơi sáng tạo kỹ thuật riêng cho mình”.

Về không gian luyện tập, Phạm Chung (sinh viên Đại học Mở Hà Nội) cho biết: “Rào hay các vật cản, yếu tố về địa hình không qua bắt buộc. Chạy vấp chân ngã, xước chân ngã là chuyện bình thường, nhưng rồi vì đam mê cũng vượt qua hết, mình chưa bao giờ thấy nản khi tập parkour.Tuy nhiên, nếu tập đúng cách,  và đừng quá cố thì những tai nạn như thế cũng ít khi xảy ra. Khi tập nên có các biện pháp bảo vệ như đeo giầy, găng tay, bọc bao tay, đầu gối chân... “

Để tôi hiểu rõ hơn về parkour, Tuấn và các bạn trong nhóm thực hiện luôn một số động tác cơ bản. Trước mắt tôi hiện ra màn rượt đuổi như trong các bộ phim hành động của siêu sao điện ảnh Hồng Kông của Thành Long. Tuấn chạy trước, Chung đuổi sau, cả hai thoăn thoắt vượt qua các chướng ngại vật trong Công viên Thống Nhất như: hàng rào, lùm cây, ghế đá... bằng những bước nhảy rất linh hoạt. Đến bức tường bao của công viên, Tuấn và Chung cùng giậm nhảy, chân đạp, tay bám vào bờ tường đu người lên. Chỉ giây lát, bức tường cao 3 mét đã bị họ chinh phục. Cả hai chạy dọc trên tường, rồi thật bất ngờ, họ gập người nhẹ nhàng nhảy xuống. Màn biểu diễn kết thúc bằng pha tiếp đất lăn tròn 3 vòng của Tuấn và Chung trong tiếng vỗ tay tán thưởng của đồng đội và sự ngỡ ngàng của tôi.

 

 

“Chập chững” khẳng định mình

Hiện nay, khó khăn chung của các nhóm parkour Việt Nam là không có người hướng dẫn và nơi tập luyện phù hợp. Họ phải tự nghiên cứu những clip dạy parkour trên internet, sau đó ra công viên thực hành với nhau, nên việc bị chấn thương hoặc bị bảo vệ đuổi là chuyện rất bình thường.

 Ngọc Điệp, học sinh lớp 11 trường Trần Phú (Hà Nội), một thành viên của nhóm Forget Gravity, kể cô đã bị bong gân chân ngay trong buổi tập đầu tiên khi nhảy từ bức tường cao 2 mét xuống đất sai kỹ thuật. Hoặc một thành viên của nhóm Bubbles đã phải khâu 20 mũi vì tiếp đất bằng... mặt. Tuy nhiên, tất cả những sự cố ấy không làm chùn lòng các free runner Việt Nam, ngược lại còn khiến họ thêm yêu thích bộ môn này. Thành viên nhóm Bubbles có nick “Mr Cubong” thì chia sẻ trên blog: “Tuy môn này rất mạo hiểm nhưng nó cho mình cảm giác vượt qua chính mình nên càng tập càng thích”.

Để đưa một môn nghệ thuật mới vào cộng đồng và được cộng đồng chấp nhận không hề đơn giản. Nhất là với parkour, một môn thể thao-nghệ thuật mạo hiểm còn thiếu một nền tảng vững vàng. Thanh Tuấn, một thành viên khác của nhóm Joker tâm sự: “Lúc đầu thấy mình tập, nhiều người đã nói mình nghịch dại vì những trò nhào lộn, leo tường rất mạo hiểm. Bố mẹ cũng cấm tiệt, không cho chơi. Nhưng mình đã  thực hiện một số động tác của parkour cho mẹ xem, giải thích là nó không hề nguy hiểm như người ta nghĩ nếu mình biết cách luyện tập và chỉ cho mẹ thấy những lợi ích mà môn thể thao này mang lại, rồi mẹ cũng dần hiểu và đồng ý cho mình theo đuổi đam mê này”.

 

Hiện tại, trên cả nước có khá nhiều nhóm parkour khác nhau. Tuy nhiên, các nhóm parkour luyện tập sôi nổi hơn cả tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Tại Hà Nội, các nhóm parkour thường tập luyện vào các buổi chiều tại Công viên Thống Nhất, vườn hoa Lý Thái Tổ, sân ĐH Bách khoa và sau các tòa nhà chung cư…

Parkour vẫn đang “chập chững” khẳng định mình với tất cả những nét đặc sắc vốn có của nó. Cảm giác bay bổng, chiến thắng chính mình sau mỗi lần tập thành công một động tác mạo hiểm sẽ luôn giữ lửa cho những tín đồ của Parkour theo đuổi con đường đã chọn. “Chúng em tin parkour sẽ nhanh chóng trở thành môn thể thao được giới trẻ trong nước yêu thích không thua gì hip-hop” – các thành viên của nhóm Joker cùng tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của parkour Việt. 

 David Belle, người đã phát minh môn thể thao thú vị này từ khi còn là một thiếu niên ở ngoại ô Lisse của Paris được giới trẻ tôn vinh như một vị thánh. Anh mô tả những ngôi nhà san sát nhau ở thị thành như một sân chơi của riêng mình và chính những bước nhảy Parkour đã mang đến cho anh cảm giác tự do và được giải thoát khỏi môi trường tù túng xung quanh.

Rin

Bình luận
vtcnews.vn