Food Stylist nghề tạo phong cách cho ẩm thực

Tổng hợpThứ Hai, 12/08/2013 12:11:00 +07:00

Người ta vẫn nghe nhiều về những chuyên gia Stylist thời trang nhưng một Food Stylist - một người làm đẹp cho ... ẩm thực thì quả không nhiều.

Người ta vẫn nghe nhiều về những chuyên gia Stylist thời trang nhưng một Food Stylist - một người làm đẹp cho ... ẩm thực thì quả không nhiều. Tuy nhiên đó là một nghề đang rất hot hiện nay khi mà nhu cầu thưởng thức ẩm thực của con người không chỉ dừng ở việc ăn, nếm mà còn cả ngắm nữa. 

Nghề tỉ mỉ, cầu toàn
Nếu như người mẫu, diễn viên, ca sĩ hay những người nổi tiếng nói chung cần một stylist (chuyên viên tạo phong cách) để luôn đẹp và long lanh mỗi khi xuất hiện trước công chúng thì… ẩm thực cũng vậy. Chúng ta vẫn thường nhìn thấy hình ảnh những món ăn được trang trí đầy nghệ thuật mỗi ngày trên mạng, trên tạp chí, trên ti vi và trên cả các thực đơn đến nỗi nhu cầu chiêm ngưỡng nó thậm chí còn cao hơn cả nhu cầu phải ăn ngay lập tức. Để được như vậy, những món ăn này cũng cần đến bàn tay ma thuật của một chuyên gia làm đẹp hay còn gọi là Food stylist.

 

Anh Nguyễn Quang Việt, Tổng bếp trưởng nhà hàng Ao Ta đồng thời là người “chăm sóc hình ảnh” cho các món ăn tại nhà hàng này cho biết, “food stylist là người tạo phong cách cho các món ăn, làm cho nó đẹp và hấp dẫn trong mắt người thưởng thức”. Những hình ảnh món ăn dân dã, quen thuộc nhưng đẹp mắt khiến người ta nhìn và muốn chọn ngay trên các menu của nhà hàng như cơm cháy, các món cuốn, bánh… chính là thành quả lao động của Food stylist Nguyễn Quang Việt .

Foodstylist Nguyễn Quang Việt đang "làm đẹp" cho các món ăn trước khi ghi hình. 

Chỉ vào những chiếc bát, đĩa được làm từ gốm Bát Tràng, anh Việt nói: “food stylist còn là người tư vấn chọn những đồ dùng khác (hình thức) thích hợp với những món ăn (nội dung) tạo nên sự hài hòa thống nhất trong phong cách của món ăn. Tùy vào màu sắc, tạo hình của món ăn mà lựa chọn đồ dùng phù hợp. Ngoài ra, với chủ đề của từng món ăn mà food stylist có cách bài trí riêng tôn lên được thông điệp của nó”.
Anh Việt bật mí, “Không chỉ đồ ăn mà đồ uống cũng cần đến bàn tay của Food stylist và không phải món ăn nào bạn nhìn thấy trên tạp chí, trên thực đơn hay trên truyền hình cũng được làm từ những nguyên liệu thật. Food stylist có những đồ nghề, cũng như món nghề riêng để tạo màu, tạo khói và bảo quản thực phẩm luôn tươi mới. Đó là bí quyết để các đĩa thức ăn, các ly nước uống khi xuất hiện bằng hình ảnh luôn long lanh và rực rỡ như vậy”.

 

Nghề Food stylist là một nghề đòi hỏi sự sáng tạo và trí tưởng tượng không ngừng. Với từng ấy các món ăn trên thực đơn là từng ấy công việc đòi hỏi họ phải suy nghĩ và tìm cách đổi mới hình ảnh. Chưa kể đến, cứ trong một khoảng thời gian nhất định, đầu bếp lại cho ra những món ăn mới và việc những món ăn này có được khách hàng thích thú, lựa chọn sử dụng hay không phụ thuộc rất nhiều vào hình ảnh do Food stylist tạo ra cho nó. 
Sự tinh tế trong việc trang trí, làm đẹp cho các món ăn đòi hỏi người Food stylist phải vô cùng cầu toàn, tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Muốn vậy họ phải am hiểu về ẩm thực, biết các loại nguyên liệu, thực phẩm nào thì có thể kết hợp được với nhau. Đặc biệt đối với ẩm thực Việt Nam sử dụng rất nhiều loại gia vị và chúng có quy tắc kết hợp chặt chẽ, thực phẩm gì phải đi với gia vị gì, nếu không hiểu biết sâu, Food stylist có thể làm hỏng hoàn toàn hình ảnh của món ăn. 
Sự tỉ mỉ và cầu toàn của Food stylist còn thể hiện trong việc họ lựa chọn các “phụ kiện” để trang trí như chiếc bát, chiếc đĩa, thìa, dĩa cho đến săn lùng những vật liệu độc đáo để làm cho các món ăn của mình khi xuất hiện trên tạp chí, trên thực đơn hay trên truyền hình phải thực sự hoàn hảo tới từng chi tiết. Do vậy mà, Food stylist nói riêng, Stylist nói chung thích hợp với những người thích sự tỉ mẩn và tinh tế.

 

Hot nhưng “khó nhằn”
Tuy nhiên, dù có tinh tế đến mấy mà không yêu ẩm thực thì có lẽ cũng không thể làm Food stylist được. Cũng như người đầu bếp, phải yêu thích ẩm thực thì mới có thể nấu ngon thì Food stylist cũng tương tự, có yêu thì mới cho ra những hình ảnh sinh động, có hồn. Đó là lý do vì sao mà hiện nay phần lớn các Food stylist đều là nghề tay ngang của các đầu bếp.
Đầu bếp Nguyễn Phương Hải, người có công phục dựng các món ăn cổ truyền của Hà Nội, khi làm hai cuốn sách giới thiệu các món ăn do anh phục dựng cũng hoàn toàn phải tự stylist, tự chụp ảnh, rất tỉ mẩn và công phu. Bản thân anh Nguyễn Quang Việt cũng là một đầu bếp được đào tạo chuyên nghiệp tại Thái Lan. Anh Việt cho biết, ở Thái Lan nói riêng và thế giới nói chung, nghề Food stylist rất được chú trọng mặc dù không có một chuyên ngành, một trường lớp đào tạo cụ thể nào cả. “Thái Lan không có nhiều các món ăn truyền thống như của Việt Nam. Hầu hết những món nổi tiếng hiện nay đều “vay mượn” từ các đất nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc… Tuy nhiên, họ biết cách để biến những thứ vay mượn ấy thành của riêng mình. Và như tất cả những khách du lịch đã từng đặt chân lên đất Thái đều biết, ẩm thực trên đất Thái vô cùng hấp dẫn, phong phú. Ẩm thực Thái trở thành một trong những nét hấp dẫn nhất của du lịch Thái Lan. Sự thành công đó có công lớn của các Food stylist”. 

 

Nghề Food stylist đã xuất hiện trên thế giới khoảng những năm 50 của thế kỷ trước tại Mỹ. Sau đó vào khoảng những năm 1960 xu hướng chuyển từ hình ảnh hoạt họa quảng cáo sản phẩm chuyển sang ảnh chụp dần bắt đầu. Người ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc chuẩn bị cho camera, nghề Food Stylist thật sự ra đời vào thời điểm này. Ở Việt Nam, khái niệm Food stylist dường như chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây và phát triển hơn tại Sài Gòn. Anh Việt chia sẻ, “trong vài năm gần đây, nhiều nhà hàng bắt đầu ý thức về vai trò của hình ảnh các món ăn trên thực đơn, tạp chí, internet, truyền hình, do vậy họ đầu tư nhiều tiền cho việc tạo dựng hình ảnh, phong cách của món ăn cũng như nhà hàng. Mặt khác, nhiều tờ báo chuyên về ẩm thực, du lịch, tiêu dùng cũng đã có những chuyên mục riêng dành cho ẩm thực. Do đó nhiều đầu bếp, hay các nhiếp ảnh yêu thích ẩm thực có cơ hội để thể hiện khả năng sáng tạo của mình trong lĩnh vực này”. 

 Đầu bếp Nguyễn Phương Hải- Người có công phục dựng các món ăn truyền thống của Hà Nội và chuyên gia Food Stylist cho chính các món ăn của mình.

Tuy nhiên, để trở thành một Food stylist cũng chẳng dễ dàng chút nào ngay cả khi anh có niềm đam mê. Chẳng hạn như đầu bếp Nguyễn Phương Hải khi ấp ủ ý định làm một cuốn sách về ẩm thực Hà Nội cũng phải tính toán rất đau đầu vì phần lớn những cuốn sách thể loại này đều rất khó bán cho độc giả trong nước. Trong khi chi phí in ấn và phát hành rất cao mà giá bán sách lại quá rẻ. Nếu phải thuê một Food stylist chuyên nghiệp thì giá thành sẽ đội lên rất nhiều. Để tiết kiệm, tác giả tự kiêm luôn stylist. Cho nên đa phần, chỉ các nhà hàng lớn hay các doanh nghiệp lớn mới thuê Food stylist. Tuy Food stylist độc lập kiếm được khá nhiều tiền cho một lần được thuê nhưng công việc mang tính thời vụ, không thường xuyên, do đó họ cần duy trì mối quan hệ tốt với các khách hàng.

 

Hơn nữa, nếu làm chuyên nghiệp, họ phải có cả studio trang bị tất cả những thiết bị font, đèn như các studio khác, bên cạnh đó lại còn thêm các vật dụng bếp núc cần thiết và chi phí để xây dựng một studio đó thường cao. Ngoài ra, do đặc thù công việc nên họ thường xuyên phải đi du lịch nhiều nơi để học hỏi và tạo cảm hứng cho sáng tạo của mình nên chi phí dường như quay vòng: Họ nhận lương nhưng rồi lại tiêu chúng cho những việc khác phục vụ lâu dài cho công việc. Nếu không đam mê có lẽ họ sẽ chẳng theo đuổi được nó.
Hiện nay cùng với sự phát triển của internet và mạng xã hội và đặc biệt của nhiếp ảnh, không chỉ các đầu bếp chuyên nghiệp mà cả những bà nội trợ cũng rất thích thú với việc nấu ăn rồi sau đó chụp ảnh để chia sẻ với những người khác. Rất nhiều người trong số họ tỉ mỉ nên đầu tư các phụ kiện để chụp các món ăn cầu kỳ chẳng kém các Food stylist chuyên nghiệp, tất cả đều xuất phát từ sự đam mê với nghệ thuật ẩm thực. Rất có thể, cũng từ phong trào này mà sẽ “nảy nòi” nhiều Food stylist tài năng trong tương lai?

Gia Thiện

Bình luận
vtcnews.vn